Cái chết oan uổng của những “phù thuỷ” châu Phi

Thứ Hai, 02/05/2005, 08:00
Một người phụ nữ Tanzania đã có gia đình nhưng không có con. Tuy nhiên, chồng của chị cũng đã sinh con với nhiều phụ nữ khác. Khi ông chết, những đứa con bất mãn vì chị đã thừa hưởng đất đai và tài sản của chồng, đã tổ chức giết chị vì tội “là phù thuỷ”.

Phần lớn những người bị giết là phụ nữ lớn tuổi, thường là góa phụ, bị đâm chém tàn bạo bởi dao hoặc rựa. Lawrence Mabele - biên tập viên Đài Phát thanh Free Africa ở Mwanza - cho biết trong vài năm gần đây, Đài Phát thanh tường thuật khoảng 5 - 10 vụ giết người như vậy mỗi tháng và tình hình ngày càng trở nên tồi tệ.

Một bà cụ hơn 80 tuổi đang sống trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố Mwanza (Tanzania). Bà dọn đến sau khi bị đuổi khỏi quê nhà do những người láng giềng cho rằng bà là phù thủy (?). Nếu không đến ở với con gái tại Mwanza, có lẽ bà đã là nạn nhân của những vụ giết người hàng loạt rất dã man ở vùng hồ Victoria...

Thực ra, bà bị xua đuổi chỉ vì đôi mắt bà trắng đục do bệnh đục thủy tinh thể và bị đỏ do tiếp xúc khói bếp trong nhiều năm. Dân chúng sợ người bị mắt đỏ và họ cho đó là mắt của quỷ Satan.

Tương tự, tình trạng suy yếu của người già cũng được cho là bị quỷ ám. Có trường hợp một đứa trẻ đã giết mẹ ruột sau khi một thầy lang nói rằng, bà ta là nguyên nhân đem lại mọi rắc rối cho nó.

Một trường hợp khác, trẻ em bị bệnh chết vì những bệnh tật thông thường do thầy lang chẩn đoán bệnh sai hoặc điều trị bệnh không đúng phương pháp. Các thầy lang thường đổ lỗi cho "phù thuỷ" hơn là thú nhận về sự dốt nát y thuật của mình.

Uẩn khúc

Thực tế, có nhiều uẩn khúc trong những vụ giết người. Gần đây, luật đất đai của Tanzania đang được điều chỉnh, nhằm cố gắng giải tỏa những vướng mắc phức tạp về luật lệ đất đai theo phong tục truyền thống, mở ra thời kỳ tư hữu hóa. Khi tranh chấp đất đai, những người có nguy cơ bị tấn công nhiều nhất là nông dân, người chăn gia súc du mục, người bệnh, góa phụ và người già.

Onokoko đang "trừ tà".

Mọi người thường kháo rằng có một băng sát thủ được thuê để giết những người bị nghi ngờ là phù thủy. Mặc dù đều bị nhận dạng, bị bắt và kết án nhưng chúng vẫn được thả ngay sau đó. Cộng đồng dân cư sợ hãi đến nỗi không dám làm gì hoặc phớt lờ sự có mặt của chúng.

Cảnh sát và chính quyền địa phương luôn ngoảnh mặt làm ngơ, hoặc có thể được hối lộ để thả đám thủ phạm. Viên chức nghỉ hưu Mboto Milando nói: “Chính quyền cần điều chỉnh lại luật pháp. Hệ thống hành pháp phải có hiệu lực mạnh mẽ. Mọi người phải được giáo dục rằng trò ma thuật là xấu xa, giết người là tội ác, không được coi thường và làm trái pháp luật”...

Emmanuel Uchwi, thành viên của Saidia Wazee Tanzania (tổ chức địa phương bảo vệ quyền lợi người già), cũng nghĩ rằng, sẽ có những chuyển biến tích cực một cách cơ bản nếu những vu khống về trò phù thủy và các vụ giết người bị chặn đứng. Trước mắt, những vụ giết chóc vô lý vẫn diễn ra...

Những đứa trẻ đáng thương

Cối xay bắp nhà Mahonda bị hư. Pandi Mahonda kéo lê cái động cơ gỉ sét đem đi sửa để chuẩn bị cho lễ hội vào cuối tuần. Ở tiệm sửa chữa, sau khoảng 5 phút, không tìm thấy đồ vặn vít và búa, người thợ nhún vai và đầu hàng. “Cối xay này hư rồi” -người thợ nói.

Vậy mà đối với hai vợ chồng Pandi, cái cối xay bị hư là do... hai đứa con của họ. Mẹ của chúng kể rằng, từ ngày sinh ra chúng, bà ta thường ốm đau liên miên và đồ đạc trong nhà hay bị... hư hỏng. "Thế là tôi nhận ra... rằng Ikomba và Luwuabisa là phù thủy. Không có gì chính xác hơn thế (!)” -  bà Kalumbu kết thúc câu chuyện, trong khi hai đứa trẻ ngồi cạnh, không biết gì về tai họa sắp giáng xuống đầu chúng.

Các câu chuyện phù thủy tương tự cứ lặp đi lặp lại ở Congo - đất nước bị chìm trong khói lửa chiến tranh. Đầu tiên, Tổng thống Mobutu bị một nhóm phiến loạn đảo chính vào năm 1997. Tiếp theo là cái chết bí ẩn của Tổng thống Laurent Kabila. Nhiều người cho rằng, tất cả đều do bọn phù thủy gây ra và chúng không ai khác hơn là những đứa trẻ như Ikomba và Luwuabisa. Chúng bị tống khứ ra đường hay có khi bị chính người trong gia đình giết chết.--PageBreak--

Với trường hợp Ikomba và Luwuabisa, bố mẹ chúng hoàn toàn không hiểu điều gì. Họ đã tìm đến một giáo phái để tìm sự thật. Đó là giáo phái được đứng đầu bởi kẻ tự xưng “Nhà tiên tri Onokoko”. Quy tụ 230 đứa trẻ (đều bị buộc tội thực hiện trò ma thuật), Onokoko giúp chúng trở về “minh đạo”, bằng nghi lễ trừ tà. Sự việc xảy ra đơn giản, Onokoko giải thích. Những đứa trẻ bị ép phải mửa ra vật bị ám. Có đứa trẻ đã ói mửa ra một con tôm thẻ, một vỏ sò hình cái sừng và có khi một con cá sống (!).

Hơn 14.000 trẻ em ở Kinshasa đã bị đuổi khỏi nhà vì bị buộc tội là làm trò phù thủy. Lũ trẻ nghĩ rằng Onokoko có thể giải thoát chúng khỏi điều ô nhục và rằng chúng có thể quay về gia đình. Tuy nhiên, đại diện của tổ chức Save The Children ở đây, Mahimho Mdoe, cho biết các giáo phái tương tự Onokoko chuyên ngược đãi và lạm dụng trẻ em.

“Chúng bị nhét các vật lạ vào cơ thể theo những cách không bình thường rồi bắt phải ói ra” - hai nhân chứng kể về việc những đứa trẻ bị nhét cục xà bông vào hậu môn. Thoạt đầu, Onokoko phủ nhận tất cả nhưng rồi cuối cùng ông cũng đưa ra âm bản một số ảnh.

Đặc biệt có tấm ảnh chụp một đứa trẻ với cái bụng trương phồng đang cười toe toét. Trên chân phải đứa trẻ, có một vệt sáng trắng. “Có màu trắng vì hồn ma trong chân đứa trẻ” - Onokoko nói. “Nó đã được đuổi tà bằng thần chú vài lần. Bây giờ nó đã khỏe”. Cái gọi là “đuổi tà bằng thần chú” đã áp dụng với cậu bé khoảng 12 lần. “Hồn ma” trong ống chân cậu không gì khác hơn là một lỗi khi tráng phim!

Anh Vũ (Theo New York Times)
.
.
.