Cả thế giới ngưng trệ chỉ vì một ngọn núi lửa

Thứ Hai, 26/04/2010, 17:35
Sau một tuần hoạt động với cường độ phun trào mạnh nhất từ trước đến nay, núi lửa ở Iceland đã gây náo loạn giao thông hàng không thế giới, gây xáo trộn cuộc sống cho hàng triệu người trên khắp thế giới, và hậu quả được nhắc tới nhiều nhất từ đợt phun trào này là gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù chưa có con số chính thức nhưng ước lượng mức thiệt hại lên đến con số hàng tỉ USD.

“Quái vật” thức giấc sau 200 năm

Cụ thể thì ngọn núi lửa ở Iceland hoạt động lần này có tên gọi Eyjafjallajokull (có nghĩa là Núi sông băng đảo). Đây là một trong những núi sông băng nhỏ nằm ở phía nam Iceland. Các chỏm băng của sông băng bao trùm núi lửa Eyjafjallajokull (cao 1.666m), đã phun trào tương đối thường xuyên kể từ thời kỳ Băng Hà. Núi lửa này phun trào hai lần trong năm 2010 vào ngày 20/3 và 14/4.

Lần phun trào gần đây nhất đã gây ra sự gián đoạn lớn với giao thông hàng không trên toàn thế giới và các nhà khoa học cho rằng lần phun trào này có sức mạnh gấp 10 đến 20 lần so với lần phun trào trong tháng 3. Lần phun trào gần đây nhất trước năm 2010 là vào năm 1821-1823. Một vụ phun trào khác nữa là vào năm 1612. Miệng của núi lửa có đường kính 3-4km và sông băng bao phủ một diện tích khoảng 100km2.

Vào dịp Giáng sinh năm 2009, hoạt động địa chấn đã được phát hiện tại khu vực núi lửa, với hàng ngàn trận động đất nhỏ (chủ yếu là cường độ 1-2 độ richter, với chỉ một vài đợt có cường độ chỉ cao hơn 3 độ richter) ở độ sâu 7-10km bên dưới núi lửa. Ngày 26/2/2010, hoạt động địa chấn bất thường tại khu vực núi lửa này cùng với sự mở rộng nhanh chóng của vỏ trái đất đã được ghi nhận bởi Viện Khí tượng Iceland.

Vì được bao phủ bởi các chỏm băng nên khi hoạt động, theo các nhà khoa học, hiện nay núi lửa Eyjafjallajokull đã làm tan chảy 1/5 khối băng dày 200m  trên miệng núi lửa Eyjafjallajokull và thổi ra một khối lượng hơi nước cùng khói bụi khổng lồ, bốc lên khí quyển ở độ cao 6 đến 11 km. Sau đợt phun trào dữ dội vào ngày 14/4, ngày 19/4 núi lửa Eyjafjallajokull tiếp tục phun trào đợt hai nhưng trào nham thạch nhiều hơn là phun tro khói như những ngày trước và tạo ra một luồng khói thấp hơn trước đây.

Tro bụi do núi lửa Iceland phun lên che kín cả bầu trời châu Âu.

Theo tin từ cơ quan theo dõi khí tượng, đám khói phun lên từ miệng núi lửa nay đã dâng cao lên chỉ khoảng 2km thay vì lên đến 11km như lần trước. Sở Khí tượng Iceland cho biết tro khói đã giảm rất nhiều và tình hình ở đây đã có nhiều thay đổi. Hiện vẫn còn những lo ngại là nham thạch có thể tạo ra những đường nứt mới để nước tràn vào trong miệng núi lửa, tạo ra nhiều vụ nổ hơn và tro khói sẽ còn bốc cao hơn. Hình ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 20/4 cho thấy miệng núi lửa và nham thạch cháy đỏ tràn ra, và đưa tới những tiên đoán là núi lửa này sẽ giảm bớt tình trạng phát nổ và giảm bớt tro bụi đang che phủ toàn bộ châu Âu, gây nguy hiểm cho các máy bay khi bay.

Cả châu Âu bị "ám khói"

Lượng khói bụi được núi lửa Eyjafjallajokull đẩy lên theo gió di chuyển sang bầu trời châu Âu một mặt làm cản trở tầm nhìn của máy bay, mặt khác nguy hiểm hơn là những hạt bụi đá có thể làm hỏng động cơ máy bay, gây tai nạn. Hồi năm 1982, một chiếc Boeing 747 của Hãng British Airways, trong chuyến bay đêm, qua lớp bụi dày của núi lửa thuộc vùng quần đảo Java (Indonesia), đã bị ngừng toàn bộ bốn động cơ. Sau 10 phút xoay xở, máy bay rơi xuống hơn 4.000m, đến vùng không khí sạch, nhờ thế mà người phi công đã tạm thời tái khởi động được một trong bốn động cơ, để hạ cánh khẩn cấp.

Các phân tích sau đó cho biết, bụi núi lửa, bị lạnh ở độ cao lớn, đã khiến cho các cánh động cơ bị nghẹt. Cho đến nay đã có 80 trường hợp máy bay bị kẹt trong các đám mây bụi núi lửa, trong đó hai máy bay bị rơi cùng với gần 500 hành khách, và khoảng 20 chiếc khác bị hỏng máy. Chính vì nguy cơ này các sân bay tại châu Âu phải đóng cửa khiến không những các chuyến bay từ châu Âu không thể thực hiện mà cả những chuyến bay đến cũng bị vạ lây.

Tính đến thời điểm hiện tại thì một số sân bay tại châu Âu đã cho phép mở một số tuyến, tuy nhiên theo các chuyên gia cần phải mất một tháng nữa hoạt động đường không châu Âu và thế giới mới trở lại như trước. Theo tính toán của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA), các công ty hàng không thiệt hại khoảng 150 triệu euro mỗi ngày. Đã có 63.000 chuyến bay bị hủy.

Ăn chực nằm chờ ở sân bay vì núi lửa.

Ngoài việc phải đền bù, chăm sóc cho hành khách, các hãng hàng không còn phải gánh chịu một loạt các hệ quả dây chuyền khác, như nhiều nhân viên đi phép không trở về làm việc được khiến một số công ty nhỏ không thể hoạt động. Những sản phẩm thường được xuất nhanh qua đường hàng không bị ảnh hưởng nếu tình trạng này kéo dài. Các công ty chuyển phát nhanh đều phải giao hàng trễ, tuy đã huy động thêm các phương tiện khác để giải tỏa. Thực phẩm tươi như rau quả bắt đầu khan hiếm ở một số nơi...

Châu Âu đang xem xét hậu quả vụ núi lửa phun. Ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ngày 21/4, đã ra lệnh tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu rộng về hậu quả của những đám mây tro bụi do núi lửa phun đối với nền kinh tế trong vùng. Theo các nhà phân tích, những đám mây này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu tiếp theo cơn khủng hoảng tài chính.

Núi lửa hoạt động tại Iceland gây trở ngại và thiệt hại cho các công ty và người dân ở mãi tận châu Á. Tổ chức quốc tế về vận chuyển hàng không đặt trụ sở tại Singapore cho hay, các công ty hàng không trên toàn cầu đang bị thất thoát khoảng 200 triệu USD/ngày vì hệ quả của các chuyến bay bị ngưng chỉ do núi lửa tại Iceland hoạt động phun tro bụi. Theo dự kiến, những chuyến bay bị hủy bỏ cũng sẽ gây thêm những tác động cho các quốc gia nhỏ bé tại Đông Nam Á, nơi mà ngành vận chuyển và du lịch chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế.--PageBreak--

Tác hại khủng khiếp

Ngoài tác động về kinh tế và cuộc sống của người dân trên thế giới, đợt phun trào lần này của núi lửa Eyjafjallajokull đã khiến các nhà chức trách Iceland phải sơ tán 800 người quanh sông băng do nước lũ dâng cao. Nước tại các con sông trong khu vực đã dâng thêm 3m. Một tuyến đường chính vòng quanh bờ biển Iceland đã bị chặn gần núi lửa và các nhân công phải đào các rãnh trên đường cao tốc tại 3 điểm để giúp thoát nước ra bờ biển nhằm ngăn chặn nguy cơ các cây cầu có thể bị cuốn trôi.

Tổ chức Y tế thế giới mới đây cũng lên tiếng cảnh báo: tro bụi núi lửa Eyjafjallajokull cũng có thể gây hại tới sức khỏe con người nhất là các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ và người già. Vụ núi lửa phun ở Iceland cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị và thể thao thế giới do các chính trị gia và vận động viên bị hạn chế trong việc đi lại để đến các nơi hội họp và tranh tài. Nhiều quan chức dự định tham dự đám tang của Tổng thống Ba Lan đành phải hủy vì không thể di chuyển bằng máy bay được.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Á - Âu, ASEM, tại Madrid, Tây Ban Nha, hàng ghế các đại biểu châu Á khá trống: Bộ trưởng 8 quốc gia châu Á, có cả Trung Quốc và Nhật Bản, đã không có mặt trong ngày khai mạc hôm 17/4

Ngày mai tươi đẹp

Ngày 20/4, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết dường như tác hại nặng nhất về vụ núi lửa tại Iceland có vẻ đã trôi qua. WMO nói rằng đám mây tro núi lửa đã làm tê liệt ngành du lịch bằng đường hàng không gần một tuần đang tan dần, và gió đổi chiều có vẻ đang thổi đám mây đó khỏi châu Âu. Theo tin của WMO, dường như nham thạch tại núi lửa Iceland giờ đây không bắn tung lên nữa mà chỉ đều đặn tràn ra ngoài.

Ông Herbert Puempel, Giám đốc Khí tượng không thủy của WMO nói rằng đó là dấu hiệu tốt. Ông cho biết: "Liên quan đến không khí, thường thì đây là dấu hiệu cho thấy điều tệ nhất đã trôi qua. Dĩ nhiên có thể vẫn còn rất nguy hiểm đối với những người sống gần núi lửa". Rất nhiều loại chất liệu phun ra từ núi lửa, chẳng hạn như dung nham. Khi băng hà tan chảy cũng có thể tạo một thứ tương tự gọi là lahare. Lahare là một hỗn hợp gồm tro, bùn, đá cùng với nước tan chảy theo sườn núi lửa. Nhưng đó chỉ là một thiên tai địa phương và không còn là một trở ngại cho ngành hàng không nữa.

Máy bay cất cánh từ sân bay Frankfurt, Đức, hôm 21/4.

WMO nói những dấu hiệu khả quan theo quan điểm khí tượng cũng đang xuất hiện. Tổ chức này tiên liệu rằng, hệ thống áp suất cao phía trên đảo quốc Iceland cho tới nay gây ra biết bao vấn đề, nay sẽ nhường chỗ cho một hệ thống áp thấp khá vững, sẽ đến vào những ngày cuối tuần này. Ông Puempel cho biết hệ thống áp thấp trên Iceland sẽ gây mưa: "Nếu có mưa, phần lớn lượng tro được đọng dưới đám mây gây mưa 3, 4km sẽ trôi đi. Bất kỳ thứ gì còn đọng lại trong không khí sẽ chuyển hướng về phía bắc cực. Cho nên, theo quan điểm khí tượng và địa vật lý, nửa sau của tuần lễ mọi dấu hiệu đều rất tích cực".

Sẽ có núi lửa khác hoạt động?

Ông Puempel nói hiện giờ, không có gì trên biểu đồ khiến ông phải bồn chồn lo lắng về cuối tuần này. Trừ phi một trong những ngọn núi lửa lân cận lại bất thần phun lửa hoặc một thiên tai dữ dội khác thường nào diễn ra. Giới khoa học cho biết, lịch sử từng chứng minh khi núi lửa Eyjafjallajokull phun trào, núi lửa Katla gần đó cũng sẽ hoạt động. Do nằm gần khối băng khổng lồ Myrdalsjokull, núi lửa Katla có thể gây nên lũ lụt diện rộng và những tiếng nổ long trời khi nó hoạt động. Iceland nằm trên vành đai núi lửa Đại Tây Dương.

Trong lịch sử, người dân Iceland từng chứng kiến nhiều trận núi lửa dữ dội. Giống như động đất, dự đoán chính xác thời gian núi lửa phun trào là việc bất khả thi. Tuy nhiên, nếu núi lửa Katla phun trào thì nó sẽ gây nên nhiều hậu quả khó lường đối với Iceland và nhiều quốc gia khác. Hai núi lửa nói trên cách nhau khoảng 20km, song giới khoa học cho rằng chúng kết nối với nhau bởi một hệ thống các kênh dung nham.

Liên quan tới các tiêu chuẩn cho các chuyến bay thực hiện trong điều kiện hiện tại, ngày 21/4, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế cho biết, tổ chức này dự tính triệu tập một nhóm các chuyên gia để soạn thảo các hướng dẫn cho công nghiệp hàng không trong việc xác định mức độ nào tro của núi lửa được coi là thiếu an toàn cho các chuyến bay. Tổng giám đốc tổ chức này, Raymond Benjamin  cho biết: "Chúng tôi sẽ triệu tập một nhóm người trong ngành công nghiệp, các nhà sản xuất, Hiệp hội Chuyên chở Hàng không quốc tế, các giới chức chính phủ và các nhà khoa học để bắt đầu thảo luận về các tiêu chuẩn này".

Ông Benjamin nói rằng, các tiêu chuẩn quốc tế hiện nay cho biết độ đậm đặc ở mức độ nào của tro núi lửa có thể tác động đến động cơ của một máy bay phản lực. Các phân tử nhỏ li ti trong tro có thể khiến cho động cơ khựng lại hay ngưng hoạt động và gây ra các hư hại khác cho máy bay. Ông cho biết, các tiêu chuẩn này là "tài liệu hướng dẫn" cho các nước. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế thu thập thông tin khoa học về tro núi lửa tại 9 trung tâm trên khắp thế giới, và sau đó cung cấp cho chính phủ các nước. Nhưng ông Benjamin nói rằng, quyết định và trách nhiệm của việc đóng cửa các không phận tùy thuộc riêng vào từng nước.

Chính phủ các nước châu Âu đã bị các tổ chức như Hiệp hội Chuyên chở Hàng không Quốc tế chỉ trích gay gắt vì đã vội vàng đóng cửa các không phận sau vụ núi lửa phun ở Iceland hôm 14/4 làm thiệt hại nghiêm trọng cho ngành này.

Bài học nào rút ra?

Trong khi chờ đợi tình hình được cải thiện, với tựa: Nhiều bài học rút ra từ một vụ núi lửa phun, bài xã luận trên Le Monde bình luận: “Vụ núi lửa phun từ Iceland và sự rối loạn của ngành hàng không khiến chúng ta có dịp xem xét lại các quan niệm của chúng ta về thời gian. Không chỉ là việc rất nhiều máy bay trên khắp thế giới bị cột lại trên mặt đất, mà trên thực tế, chính là thời gian, bị ngưng lại đột ngột, buộc chúng ta phải suy nghĩ về chính mình”.

Từ một tuần nay, hoạt động của một phần nhân loại đã bị ngưng lại chỉ vì một ngọn núi lửa. Đây cũng là dịp để chúng ta cảm nhận rõ hơn về vị trí của xã hội con người trên hành tinh này, về hiệu ứng "cánh bướm" đập bên kia đại dương, có thể gây nên trận bão tố bên này, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.
.