Anh - Mỹ xây dựng mối quan hệ mới

Thứ Hai, 26/07/2010, 16:35
Quan hệ giữa Mỹ và Anh từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền có vẻ lạnh nhạt. Tuy nhiên, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông David Cameron trên cương vị Thủ tướng Anh hôm 21/7 được coi là dịp để thiết lập một mối quan hệ mới với Mỹ, có thể là sẽ thực tế hơn so với trước đây.

Mặc dù theo thông báo chính thức của cả hai bên, hai vấn đề chính được thảo luận giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Cameron là phục hồi kinh tế và cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng vấn đề về Tập đoàn Dầu khí BP và vụ thả thủ phạm vụ khủng bố máy bay năm 1988 trên bầu trời thành phố Lockerbie lại che phủ lên toàn bộ chuyến thăm này của ông Cameron.

Nếu như trước khi trở thành Thủ tướng Anh, ông David Cameron cực lực phản đối việc các chính phủ Gordon Brown và Tony Blair đưa quân đội Anh tham gia chiến trường Afghanistan cùng với Mỹ thì trước khi trở thành Tổng thống, ông Obama cũng không đồng tình với việc phát động cuộc chiến này của chính quyền tiền nhiệm G.W.Bush. Như vậy có thể thấy, hai vị tân lãnh đạo của cả Anh và Mỹ hiện có cùng quan điểm về cuộc chiến Afghanistan.

Hiện Anh còn 10.000 binh lính tại Afghanistan, đứng thứ hai về quân số lực lượng nước ngoài tại đây sau Mỹ. Kết hợp từ hai yếu tố trên, ông David Cameron muốn rút toàn bộ lực lượng quân sự của mình ra khỏi Afghanistan từ nay đến hết năm 2015. Có thể thấy trong vấn đề Afghanistan, Nhà Trắng rất cần sự trợ giúp của Anh, đồng minh thân cận nhất trong liên minh của mình.

Tuy nhiên, chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, nên mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ vào thời điểm này vô hình trung lại đang bị tác động nặng nề từ vụ bê bối BP/Lockerbie và vụ BP để tràn dầu gây ô nhiễm nặng nề cho Mỹ.

Hiện tại ở Mỹ đã có những cuộc thảo luận nghi ngờ Chính phủ Scotland thả một thủ phạm đánh bom máy bay Mỹ năm 1988 trên bầu trời thành phố Lockerbie. Sở dĩ có vụ lùm xùm này là do 4 thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, gồm bà Kirsten Gillibrand, và các ông Frank Lautenberg, Robert Menendez và Charles Schumer ở các bang New York, Nam Carolina và California, những nơi có nhiều hành khách bị tử thương trong vụ khủng bố trên, đặt ra nghi vấn rằng dường như Hãng dầu BP có dính líu tới việc thả tên thủ phạm chính trong vụ đánh bom này, Abdel Baset Ali al-Megrahi, trở về Lybia. Bốn người họ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Clinton để đòi mở một cuộc điều tra vụ việc này.

Trong thư, họ nói rằng vụ tràn dầu tại vùng vịnh Mexico chứng tỏ là Công ty BP sẵn sàng đặt "lợi lộc lên trên quyền lợi của người dân". Theo những nghị sĩ này, việc làm này của BP là để đánh đổi một thỏa hiệp ký kết giữa Lybia và BP với giá trị lên đến 20 tỉ USD. Người ta nghi ngờ bởi vì chính hãng BP đã nhìn nhận rằng họ đã đạt được thỏa hiệp trên sau khi Chính phủ Scotland quyết định thả Megrahi - thủ phạm vụ đánh bom máy bay năm 1988. BP mới đây nhấn mạnh họ không hề đề cập đến Megrahi, vốn là một ca riêng biệt, không dính líu đến các vụ chuyển giao tù nhân được thương thuyết.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama, tại Washington ngày 21/7.

Trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo tại Nhà Trắng ngày 21/7, chính Thủ tướng Cameron đã xác nhận và đồng ý rằng quyết định của chính phủ Anh hồi đó là một sai lầm vì đảng của ông Cameron lúc đó quyết liệt chống đối việc thả Megrahi. Ông cũng đã ra lệnh duyệt xét lại các tài liệu của chính phủ liên quan đến việc phóng thích kẻ đánh bom Lockerbie. Tổng thống Obama nói rằng ông hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Thủ tướng Cameron và nói thêm rằng quyết định trả tự do cho Megrahi là một quyết định không đúng, ngược hẳn với lề lối cần phải đối xử với những phần tử khủng bố như thế nào.

Nếu như báo chí Anh tỏ ra lo ngại cho mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Anh thì báo chí Mỹ thay vì đưa tin chuyến thăm của ông Cameron tới Washington lại dành toàn bộ các trang báo để nói về vụ bê bối của BP liên quan tới cả hai vấn đề là tràn dầu và Lockerbie. Thủ tướng David Cameron cũng đã có một bài viết trên tờ Wall Street Journal để giảm thiểu khái niệm về mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ, vốn được thiết lập từ thời Thủ tướng Churchill. "Tôi hiểu rất rõ rằng chúng tôi là một đối tác trẻ hơn những chính phủ tiền nhiệm, nhưng chúng tôi là một quốc gia mạnh, vững chắc về tầm nhìn và sức mạnh kinh tế, quân sự"- ông Cameron viết.

Tân Thủ tướng Anh cũng khẳng định sẽ cương quyết từ bỏ kiểu quan hệ bó buộc giữa Anh và Mỹ, vốn rất được ưa chuộng dưới thời của Thủ tướng Gordon Brown và nhất là thời của ông Tony Blair. Ông Cameron ghi nhận rằng hai nước vẫn còn nhiều bất đồng liên quan tới một số vấn đề nhưng ông muốn nhấn mạnh nhân chuyến thăm này để đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương. Tuy nhiên, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Obama không có đầu óc đâu mà tranh luận với vị khác đến từ xứ sương mù về vấn đề thương mại vào lúc này. Vì thế mà mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại dự báo sắp tới sẽ rất tệ.

Ngoài chuyện chính là giải quyết bài toán BP, tình hình Afghanistan, Thủ tướng Cameron và Tổng thống Obama cũng bàn về vấn đề Iran, và quyết tâm ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này có được vũ khí nguyên tử. Ông Cameron cho biết phương Tây sẵn sàng để đàm phán, nhưng nếu Iran không chịu thì mọi nước có bổn phận phải thi hành những nghị quyết trừng phạt do Hội đồng Bảo an đưa ra hồi tháng trước. Hai bên cũng bàn về tình hình tại Trung Đông, và cho rằng lộ trình hòa bình do quốc tế đưa ra phải được áp dụng để đưa đến việc thành lập một quốc gia Palestine, sống song hành cùng với Do Thái

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.
.