Từ nhà 34B đến Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Thứ Ba, 11/07/2023, 07:19

Con phố nhỏ Tân Nhuệ (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) những ngày này bỗng trở nên nhộn nhịp, bởi những bước chân lui tới một địa chỉ đặc biệt: Nhà số 81 - Công trình tòa nhà Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

56 năm đã qua kể từ ngày Đại tướng đột ngột qua đời, nhưng cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của tướng Nguyễn Chí Thanh đã đi vào lòng dân một cách giản dị, chân thực. Bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm từ ngày 6/7/2023 nhân tưởng niệm 56 năm ngày mất của Đại tướng (6/7/1967 - 6/7/2023).

Kí ức nhà số 34B

Nhà ba tầng, tường sơn vàng, cửa gỗ sơn xanh, lát gạch bông, cầu thang ngoài dẫn lối lên tầng 2 – một lối kiến trúc thân quen, ăm ắp sự kiện, dâng trào kỉ niệm nơi Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bởi thiết kế kiến trúc tòa nhà bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34B Lý Nam Đế (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi gắn liền với các thành viên gia đình Đại tướng từ năm 1958 đến 1986.

Từ nhà 34B đến Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh -0
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng phu nhân Nguyễn Thị Cúc và các con Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Chí Vịnh năm 1962.

Ngày mới về thủ đô, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được sắp xếp ở biệt thự số 2, đường Cổ Ngư ven Hồ Tây thơ mộng. Nhưng căn biệt thự sang trọng, rộng rãi có vẻ không hợp lắm với tính cách giản dị của ông. Thứ nữ của Đại tướng là Nguyễn Thị Kim Sơn kể rằng: “Ở đây (căn biệt thự) có vẻ không hợp lắm. Sang trọng và hơi cách biệt. Ba lúc nào cũng muốn gặp gỡ mọi người, chuyện trò vui vẻ. 

Đại tướng rời căn biệt thự ở đường Cổ Ngư, về ở khu Quân đội. Lúc đầu ở Cửa Đông, sau vì chật chội quá nên chuyển về 34 Lý Nam Đế. Sau ngày Đại tướng ra đi, nửa già khu đất được cắt ra làm khu tập thể, đấy chính là khu 34A. Bà Nguyễn Thị Cúc - phu nhân Đại tướng và các con tiếp tục ở nhà số 34B tới năm 1986 thì trả lại Nhà nước, hiện nay là trụ sở Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Trong kí ức các thành viên trong gia đình Đại tướng, nhà 34B Lý Nam Đế gồm ngôi nhà ba tầng nổi và một tầng hầm, nhà ngang và nhà bếp nhỏ phía đằng sau. Nhà có hai cửa ra vào. Cửa lớn ôtô có thể chạy qua, nhưng ít khi mở rộng. Mọi người trong gia đình Đại tướng thường ra vào bằng cửa nhỏ, thuận tiện đi lại và dắt xe đạp. Cạnh bếp và ngôi nhà chính có hai bể nước, vừa chứa nước máy, vừa hứng nước mưa. Bao quanh nhà là sân, vườn rộng rãi. Trong không gian ấy trồng rất nhiều cây ăn quả, nào roi, chuối, hồng xiêm và táo, mùa nào thức nấy sai trĩu trịt. Đặc biệt, ở hai mép sân, chính tay Đại tướng trồng hai hàng dừa mà ông đã cất công mang giống từ Quảng Bình ra Hà Nội. Thời gian trôi đi, nhưng trong kí ức của những người còn sống hôm nay, cây lá và những kỉ niệm gia đình vẫn còn khắc ghi trong tâm trí. Nếp nhà ấy giản dị, đơn sơ nhưng không khí luôn ấm áp, thân tình.

Ngôi nhà số 34B Lý Nam Đế không chỉ gắn với kí ức gia đình Đại tướng, mà còn trở thành địa chỉ lịch sử. Bởi chính nơi đây đã nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây, tối ngày 6/8/1964, ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đã diễn ra cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị để bàn về sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không gian lồng trong không gian

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, con trai út Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chia sẻ với báo chí về ý tưởng xây dựng bảo tàng. Vào khoảng tháng 11/1986, gia đình Đại tướng trả nhà cho Nhà nước. Lúc đó, vì ở Hà Nội không có nhà nên gia đình phải đưa toàn bộ bàn thờ và tất cả tài liệu, di vật liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam. Trong hành trình di chuyển ấy, người con trai út Nguyễn Chí Vịnh đã có suy nghĩ rằng, nhất định sẽ có lúc làm lại nơi thờ cúng cha, nhất định sẽ đặt lại tất cả mọi thứ để tưởng nhớ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Từ nhà 34B đến Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh -0
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội được xây dựng theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34B Lý Nam Đế.

Đến năm 2008, khi được Nhà nước cấp, bán cho mảnh đất ở số 47 Phan Đình Phùng, gia đình đã làm thành nơi để đồ lưu niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khi gia đình Đại tướng làm lại nhà vào năm 2013, làm phòng truyền thống, lúc đó nguyện vọng của gia đình là vẫn muốn làm một khu lưu niệm độc lập.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập vào cuối tháng 12/2020 theo nguyện vọng của các thành viên gia đình Đại tướng. Đây là bảo tàng ngoài công lập, được xây dựng từ tháng 10/2021, đến tháng 6/2022 thì hoàn thành. Có đến hơn 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng được lưu giữ và trưng bày tại đây. Ngoài ra, còn có trên 100 đầu sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng cùng hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Hệ thống trưng bày tại Bảo tàng xoay quanh 8 chủ đề lớn: Quê hương – Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình – hành trình tiếp nối. Ngoài ra còn có các tiểu chủ đề về Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Văn hóa văn nghệ, "Ông tướng du kích" là những mảng công tác đa dạng, tạo nhiều dấu ấn của Đại tướng. Nhìn vào những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sẽ thấu tỏ hơn sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta ở thế kỷ XX.

Mỗi góc trưng bày tại Bảo tàng có dấu ấn riêng nhờ cách thể hiện chân thực, sinh động, khoa học. Vẫn còn đó rất nhiều kỉ vật mang dấu ấn thời gian, từ vũ khí đến những vật dụng sinh hoạt đời thường đều được bảo quản, giữ gìn. Từ chiếc cùm chân mà thực dân Pháp sử dụng để cùm chân các chiến sĩ tù chính trị, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh tại nhà lao Buôn Ma Thuột từ năm 1942 đến 1945; đến khẩu súng ngắn P38 mà Đại tướng dùng để tự vệ trong thời kì trực tiếp phụ trách, lãnh đạo phân khu Bình – Trị - Thiên năm 1947. Cả chiếc áo khoác Đại tướng mặc đi dự Hội nghị ở Moscow (Liên Xô) năm 1960, Đại tướng tiếp tục sử dụng đến năm 1967.

Góc trưng bày về quê hương của Đại tướng còn lưu lại câu chuyện: Trong một lần Bác Hồ đến ăn cơm với gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thấy bà Trần Thị Thiển – mệ Đại tướng bị cụt mất một ngón tay. Bác liền hỏi: “Sao thế mệ?”. Mệ kể: “Thằng Vịnh (tên khai sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – PV) đi hoạt động cách mạng, ở nhà mệ bị bọn mật thám tra khảo, đe nẹt đủ điều. Có lần chúng bắt mệ đưa lên tỉnh, tra khảo đánh đập tàn tệ. Thấy mệ gan quá, thằng quan mật thám Pháp chĩa nòng súng vào đầu mệ. Mệ lấy tay bịt nòng súng, hét to: “Mi giỏi bắn tau đi”. Tên quan Pháp nổ súng, mệ cụt mất một ngón tay. Nghe xong câu chuyện, Bác chỉ thốt lên: “Thiệt là mẹ nào con nấy”.

Điều ấn tượng khi đặt chân đến Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là có những không gian lồng trong không gian. Đó là hai tiểu không gian tái hiện gắn với những thời kì khác nhau trong sự nghiệp cách mạng của Đại tướng: phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34B Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam. Đại tá Phạm Văn Phi – nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hiện là Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ dẫn cho chúng tôi nhiều điều thú vị khi triển khai dựng lán tại bảo tàng. Lán làm việc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được tái hiện công phu tại bảo tàng theo tỉ lệ 1:3. Vật liệu dựng lán lấy từ rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, chính là nơi đặt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm xưa, nay là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Tại khu căn cứ lịch sử Trung ương Cục miền Nam, tất cả những căn nhà, phòng họp, hội trường đều lợp mái bằng lá trung quân - một loại lá rừng, mọc xen lẫn dưới những tán cây trong khu căn cứ. Và hôm nay, chiếc lá trung quân cũng được mang về thủ đô để dựng mái lán làm việc của Đại tướng tại Bảo tàng. Từng chiếc lá trung quân được lợp xếp chồng lên nhau đều tăm tắp, chằm thành tấm tranh, ép phẳng các tấm tranh rồi lợp thành mái nhà. Theo thời gian, lá trung quân khô lại, chuyển màu nâu sáng, giống như màu ngói mộc mạc, giản dị nhưng toát lên một sức mạnh kiên cường.

Giờ đây, có hai không gian Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trước đó, ngày 2/7/2022, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại cố đô Huế đã chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan tại địa chỉ tại số 144, đường Đặng Thái Thân, phường Thuận Hòa, TP Huế. Một năm sau, Bảo tàng tại thủ đô Hà Nội cũng mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm, trước khi chính thức khánh thành vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 – 1/1/2024).

Huyền Châm
.
.
.