Từ Euro 2020: Thế nào là bóng đá?

Thứ Hai, 09/08/2021, 14:42

EURO đã đi qua. Những ngày lễ hội đầy mỏi mệt và thăng hoa đã ở phía sau. Nhưng có lẽ, đây là giải đấu mang lại nhiều bài học nhất.

Và cũng chính EURO 2020, có lẽ là lần đầu tiên, chúng ta xem đá bóng nhưng cũng phải suy ngẫm về bóng đá, để tự hỏi một câu hỏi tưởng như vô cùng ngốc nghếch: Thế nào là… bóng đá?

Bóng đá là hành trình thay đổi lịch sử

Gareth Southgate mỉm cười và bắt tay Andy Gray, người chịu trách nhiệm về sân tập của đội tuyển (ĐT) Anh. Ông hiểu rằng, mọi thứ ở đây đều đã được chuẩn bị chu đáo, đến mức mặt sân tập của ĐT Anh đã được copy y nguyên mọi chỉ số, dữ liệu của SVĐ Wembley, nơi Tam sư sẽ thi đấu 6/7 trận tại EURO 2020.

Từ Euro 2020: Thế nào là bóng đá? -0

Thậm chí, kích thước, chiều cao ngọn cỏ, độ mềm mặt sân và cả độ ấm cũng được điều chỉnh hằng ngày đúng theo số liệu gửi về từ SVĐ Wembley. Mọi thứ đều đã được thu xếp cẩn thận, chi tiết, và Southgate tự tin viết một bức tâm thư dài hơn 3.000 chữ gửi CĐV và đặc biệt là cánh báo chí. Suốt bức thư, điều Southgate nhấn mạnh là hai chữ: niềm tin. Ông cần niềm tin từ CĐV chứ không phải những lời chỉ trích. Ông cần niềm tin của truyền thông chứ không phải những tin tức bới móc, rẻ tiền. Và ông cần niềm tin tuyệt đối của cầu thủ về cách mà ông chỉ đạo.

Southgate gây bất ngờ khi tuyên bố rằng, việc chiến thuật hay lối chơi là việc của cá nhân mình. Còn lại, điều quan trọng hơn là không khí trong đội. Mọi rào cản phải bị phá bỏ, biến ĐT Anh thành một… CLB Anh với sự thấu hiểu, cảm thông và đoàn kết. Ngày đầu tiên tập trung ĐT, Southgate trình chiếu đoạn băng hình về hành trình 55 năm của ĐT Anh từ chức vô địch World Cup 1966.

Nhưng điểm nổi bật nhất mà Southgate muốn các cầu thủ xem, ngẫm và nhớ là hình ảnh chính ông đá hỏng quả luân lưu cuối cùng khiến Anh thua Đức ở bán kết EURO 1996. Southgate dành 15 phút để nói về nỗi sợ hãi, về quá khứ, về sự ám ảnh chấm luân lưu, và cuối cùng ông bảo: Hãy nỗ lực làm những gì tốt nhất và đừng nghĩ về hậu quả. Southgate biến sự sợ hãi trở thành động lực. ĐT Anh đã làm được tất cả những thứ mà Southgate truyền đạt. Nhưng họ một lần nữa đi qua lịch sử của chính mình: thua trên chấm luân lưu trước Italia ở trận chung kết.

Southgate lại trải qua một sự ám ảnh nữa từ lịch sử, dù ông đã làm đúng những gì mình nói để xua đi sự sợ hãi. Đó cũng là lời giải thích cho việc Southgate đưa 3 cầu thủ trẻ vào sân đá luân lưu và hỏng cả 3. Thậm chí, nghe đâu ông còn để thủ thành Pickford đá quả luân lưu thứ 6. Người hùng và tội đồ cách nhau có 11m. Nhưng vinh quang và thất bại có thể cách nhau tới 55 năm, là sợi dây định mệnh nối giữa 2 thế kỷ, mà số phận đã chọn Southgate là mối nối của lịch sử. Ông thất bại, nhưng ĐT Anh đã thành công trong việc thay đổi bản thân và thay đổi hình ảnh của họ đã tồn tại suốt 55 năm qua. Họ là một đội bóng thực sự.

Bóng đá là sức mạnh tập thể

Hình ảnh của bóng đá cơ bản được chia thành hai loại: cá nhân và tập thể. Nó tạo ra 2 thứ cảm xúc: vui sướng tột cùng và thất vọng đầy tiếc nuối. Cảm xúc ấy được gói lại ở 2 thứ: bàn thắng và bỏ lỡ, dẫn đến chiến thắng hoặc thua cuộc. Đó là hai trạng thái xúc cảm của Tardelli trong tiếng hét điên cuồng sau bàn thắng giúp Italia đánh bại Đức ở chung kết World Cup 1982 hay của Grosso năm 2006. Trái ngược là nỗi ê chề của Baggio trên chấm luân lưu năm 1994, Di Biagio năm 1998.

Italia vô địch EURO 2020 với một tập thể mà trước đó 3 năm chỉ là một bãi chiến trường tan hoang và nhàu nát. Hình ảnh mà người ta nhớ về Italia không còn là một cá nhân như ngày xưa, mà là hình ảnh HLV Mancini ôm người bạn G.Vialli hồi lâu. Họ hiểu rằng, hành trình của mình đã đến đích. Họ không cần cá nhân như De Bruyne của Bỉ, Ronaldo của Bồ Đào Nha, Mbappe của Pháp… Họ cần một tập thể không có khoảng cách, như cái cách siêu sao Jorginho hét vào mặt công thần F.Chiesa ở trận chung kết rằng: "Kèm người đi, về đúng vị trí".

Từ Euro 2020: Thế nào là bóng đá? -0

Từ một mớ hỗn độn, thậm chí không thể dự World Cup 2018, Italia vô địch châu Âu, nhưng cái cách Mancini tạo ra nhà vô địch là câu chuyện dài và đặc biệt. Trong 3 năm, ông dùng 103 cầu thủ, kéo độ tuổi trung bình của ĐT Italia từ 31 tuổi 1 tháng, 16 ngày (trận thua Thuỵ Điển play-off vòng loại World Cup 2018) xuống còn 27,6 ở EURO lần này. Cách Mancini vận hành ĐT Italia cũng như Southgate: hãy tạo ra niềm vui, sức mạnh và khát khao khi vào sân. Ông từng nói: "Các cầu thủ đều hiểu và nắm được mọi thứ về chiến thuật, việc của tôi là tạo động lực, sự gắn kết và niềm tin".

Mancini tìm những liệu pháp gắn kết, khai thác yếu tố tập thể để tái tạo những sự tổn thương. Đó là cái cách ông dùng hầu như tất cả cầu thủ, kể cả thủ môn dự bị Sirigu có vài phút để họ thấy rằng mình là một phần của tập thể. Cũng có thể vì chính ông cũng hiểu cảm giác của một người tham dự giải đấu lớn mà không được ra sân phút nào (World Cup 1990). Đó là lý do vì sao, trong buổi họp chiến thuật trước khi đá trận chung kết, Mancini đưa ra đội hình thi đấu rồi chỉ nói một câu ngắn gọn: "Các cậu biết mình phải làm gì rồi đấy!".

Xuyên suốt 3 năm qua, ít ai biết rằng Mancini lấy âm nhạc gắn kết mọi người. Ở các buổi tập, ông lựa chọn một list nhạc và bật nó để cả đội cùng nghe, thư giãn, và tạo ra năng lượng tích cực. List nhạc của Mancini gồm những bài hát của Rolling Stones, Miley Cyrus… đầy hứng khởi, và đặc biệt là không hề có bất kỳ bài hát tiếng Italia nào. Với ông, ngôn ngữ âm nhạc và ngôn ngữ bóng đá là tương đồng. Giống như cách Mancini giúp Man City vô địch Premier League sau 44 năm, và ở Anh ông cũng chỉ nghe nhạc tiếng Anh.

Một lần nữa Italia vô địch khi vừa trải qua khủng hoảng mang tính triệt tiêu. Đó không chỉ là sự nỗ lực vùng lên trong bi kịch, mà nó là lời khẳng định cho thứ bóng đá tập thể, thứ giá trị tất yếu. Chơi tấn công chờ đợi nhiều hơn ở những cá nhân, nhưng chơi phòng ngự cần nhiều hơn yếu tố tập thể. Italia đăng quang không chỉ mang ý nghĩa bóng đá đơn thuần, mà nó còn có ý nghĩa cổ vũ với đất nước từng là tâm dịch COVID-19, trong thời điểm cả thế giới cùng nhau chống dịch.

Bóng đá là cảm hứng

Khi Spinazzola phải rời đội vì chấn thương, cả đội đã hát vang bài hát với lời nhạc chỉ có tên đồng đội mình. Đó không phải là sự động viên cho Spinazzola, mà đó là sự cam kết của cả một tập thể. Họ chiến đấu cho khát khao của đồng đội. Đôi khi một cá nhân cũng tạo ra một nguồn năng lượng khổng lồ, với sức mạnh khủng khiếp.

Cảm hứng giúp P.Schick có bàn thắng siêu tưởng từ 45m. Cảm hứng từ CĐV, từ hơn 60.000 khán giả phủ kín sân Puskas giúp Hungary có những trận đấu gây chấn động trước Bồ Đào Nha, Pháp, Đức. Và cũng chính cảm hứng từ Spinazzolo và đặc biệt là từ C.Eriksen tạo nên những điều phi thường. Đan Mạch có thể gặp may mắn, nhưng không ai có thể phủ nhận, hình ảnh Eriksen gục ngã xuống sân và rời giải chính là động lực, là cảm hứng, là sức mạnh giúp Đan Mạch đi đến tận Bán kết. Hãy nhìn sang Đức, Bồ Đào Nha hay Pháp với cái cách đội tuyển toàn sao này rời cuộc chơi. Họ không có cảm hứng, thay vào đó là sự lộn xộn, với những cá nhân đơn độc, rời rạc chạy theo những quyền lực đầy ảo giác.

Cuộc chơi nào cũng cần cảm hứng. Công việc nào cũng cần cảm hứng. Nhưng cảm hứng từ những bi kịch lại có quyền năng của riêng nó. Một ngày sau khi Eriksen thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi gục ngã trên sân, HLV Hjulmand kể lại một câu chuyện cách đây 12 năm. Khi đó ông là trợ lý của Morten Weighorst tại CLB Nordsjaelland (người hiện tại là trợ cho chính Hjulmand ở ĐTQG Đan Mạch tại EURO 2020). Hai HLV này đã chứng kiến một cú sét giáng vào giữa sân khiến cầu thủ Jonathan Richter bất tỉnh hơn 1 tháng. Richter sau đó may mắn thoát chết nhưng anh phải cắt đi chân phải. Nhưng khi hồi phục, Richter trở lại sân với nụ cười rạng rỡ, và anh vẫn tham gia bóng đá với đôi nạng.

Hình ảnh của Eriksen và câu chuyện của Hjulmand về J.Richter khiến Đan Mạch hồi sinh và chơi bóng với nguồn cảm hứng bất tận. Hjulmand, người hy hữu chứng kiến 2 tai nạn vô cùng hy hữu ở cùng 1 địa điểm (Copenhagen), cũng tạo ra một thành tựu "hy hữu" với tên gọi: "chuyện cổ tích Eriksen". Và có lẽ với nhiều người, Eriksen xứng đáng nhận Quả bóng vàng EURO 2020, bởi cuộc chiến giành sự sống luôn là chiến thắng vĩ đại nhất.

Và bóng đá là tình yêu

Kẻ thắng người thua. Cuộc chơi nào cũng thế. Nhưng cuối cùng, điều tồn tại còn lại là tình yêu. Có yêu, CĐV mới khóc vì đội nhà thua cuộc. Có yêu, nước mắt mới rơi khi chiến thắng. Và tình yêu ấy không chỉ ở trên sân cỏ. Hình ảnh cô bé người Đức gục vào ngực cha mình khóc nức nở trên khán đài khiến thế giới xúc động.

Nhưng cũng vì tình yêu mà CĐV Anh cười nhạo hình ảnh đó ngay tại Wembley. Sau đó, báo chí Anh đồng loạt chỉ trích CĐV nhà và đưa ra lời xin lỗi cô bé. Một người Anh đứng ra kêu gọi đóng góp 500 bảng gửi tới cô bé như một lời xin lỗi. Nhưng sau 3 ngày, số tiền đó đã lên tới 30.000 bảng. Cô bé nhận lời xin lỗi của người Anh một cách lễ phép, rồi tự mình chuyển 30.000 bảng đó vào quỹ từ thiện của UNICEF. Tình yêu, tính nhân sau sân cỏ EURO là ở đó.

Và tình yêu luôn như vậy, xuất hiện ở bất kỳ đâu, kể cả trong bi kịch!

Lê Thành Trung
.
.
.