Thầy đìa hôi của mua hậu
Tục ngữ có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy có nhiều nghĩa, trong trường hợp này nhằm chỉ những ai giỏi về chuyên môn nào đó, có khả năng hướng dẫn, chỉ bảo cho người khác. Có thể kể đến thầy giáo, thầy võ, thầy phong thủy, thầy cúng, thầy kiện/ thầy cãi (luật sư), thầy đờn, thầy địa, thầy tuồng v.v…
Trộm nghĩ, thầy của lĩnh vực nào cũng tốt, miễn họ thực tài và đem lấy sở trường của mình phục vụ vì lợi ích cộng đồng với tất cả lương tâm và trách nhiệm.
Duy chỉ có loại thầy tởm nhất vẫn là loại thầy dùi. Bọn này ma mãnh, láu cá, mánh khóe quỷ quyệt, tâm địa đen như hắc ín, chuyên giở trò xúi người nọ, giục người kia đặng họ xích mích, còn mình đứng giữa kiếm ăn. Khờ dại tin theo chúng bọn, chẳng khác gì bị chúng “Xui trẻ con ăn cứt gà sáp”.
Tùy trường hợp cụ thể, thầy dùi còn đóng vai thầy cò - chuyên viết đơn mướn cho người đi thưa kiện, qua đó lại “xui nguyên giục bị” kiếm chác nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, thầy cò còn là từ đồng âm nhằm chỉ những người chuyên sửa bản in thử trong nhà in, vay mượn từ correcteur trong tiếng Pháp, không liên quan gì đến chuyện đang bàn.
Tóm lại, bọn thầy dùi, thầy cò nói như nhà văn Ngô Tất Tố là kẻ “lái buôn lẽ phải, lại là bọn chế ra tội ác nữa” bằng cái trò lưu manh. Ngoài thầy bà cà chớn, cà cháo đáng tởm ấy, còn nhiều loại khác nữa.
Thế nhưng chỉ khi đi vào miền Nam, ta mới nghe nói đến thầy đìa. Một cách nói phổ biến trong dân gian mà chưa thấy từ điển ghi nhận giải thích. Với từ đìa, chắc nhiều người nhớ đến nỗi lòng éo le của anh chàng nọ:
Công anh đốn ráng thả đìa
Một mai cá cựu biết vìa tay ai?
Vìa là về - một cách phát âm của người miền Nam. Ráng trong ngữ cảnh này có nghĩa là gắng, là cố làm cho xong việc gì đó dù sức lực lẫn hoặc thời gian không còn nhiều? Không. Ráng là “Là cây mọc thành bụi ở bờ kinh rạch. Lá mọc hai hàng hai bên một cọng dài có cặp thêm lá phụ nguyên phiến. Cọng lá khô thì cứng và lâu mục nên dùng làm bó chổi, làm chà thả xuống ao đầm nuôi cá”, theo “Phương ngữ Nam Bộ” của Bùi Thành Kiên.
Cứ theo giải thích này, anh chàng trong câu ca dao đã “đốn ráng thả đìa” làm chà. Thế, chà là gì? Hiểu nôm na chà các nhánh cây khô đã thả/ cắm/ cặm sâu dưới đìa, ao, sông cạn, kinh rạch… nhằm tạo môi trường yên tĩnh dụ cá vào sinh sống, sinh đẻ ở trong đó; khi muốn thu hoạch, người ta vây lưới chung quanh, giở chà bắt cá. Tục ngữ có câu “Động chà cá nhảy” hoặc câu hát huê tình:
Động chà con cá lội ra
Nên duyên chồng vợ hai ta không thành
…
Mãn mùa cá nục xa chà
Bạn đà xa thợ, anh đà xa em
Chàng về ngoài nớ nhớ quên
Trong này nồm trở ngày đêm em nhớ chàng
Một khi nhắc đến đìa, ta nhớ đến đầm và ngược lại. Vậy, đầm và đìa này khi kết hợp lại, thí dụ, tâm trạng của Kim Trọng lúc biết tin về Thuý Kiều:
Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa
Đầm đìa giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai
Liệu “đầm đìa” có liên quan gì đến đầm và đìa - vốn chỉ chỗ đất trũng, vũng nước sâu làm cá trú ở đó vào mùa khô? Tôi nghĩ là có. Nếu đầm đìa nghĩa là “Ướt nhiều, ướt sũng”, theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) thì bản thân từ đìa, còn hiểu theo “Nghĩa rộng: Nhiều: Công nợ đầm đìa; ướt đìa”; và đầm: “Ướt nhiều: Mồ hôi đầm đìa” - “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Sự kết hợp từ sự vật/ sự việc đã có như trường hợp giữa đầm và đìa đã tạo ra nghĩa “đầm đìa” như ta đã hiểu; còn có thể nhìn thấy qua từ “gấu ó”: “Con gấu, con ó, chỉ nghĩa là gây gổ, rầy rạc”, theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895).
Con cá cựu/ cá cũ trong câu ca dao về tay ai? Về tay ai đó đã bỏ công tát đìa, chứ gì? Có câu cửa miệng: “Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu”, ngụ ý chê cười ai đó viện cớ lý tro lý trấu, thế lọ thế chai vì chuyện này chuyện kia mà bỏ bê, bê trễ công việc chính của mình. Mà, cái vụ tát đìa, tát đầm, giỗ hậu vốn đòi hỏi công sức của nhiều người. Ở nông thôn người ta giúp nhau qua lại, gọi là “vần công”. Khi mình có việc, bà con chòm xóm qua giúp; ngược lại cũng thế. Tình làng nghĩa xóm của người Việt “Tối lửa tắt đèn” còn có thể nhìn thấy qua sự tương trợ ấm áp nghĩa tình này.
Trong câu nói trên, có từ khó hiểu với nhiều người là “giỗ hậu”. Ta có thể hiểu, muốn được giỗ hậu thì người đó phải đặt hậu, mua hậu. Hậu có hai nghĩa: “1. Sau: Cửa hậu; 2. Con cái nối dõi: Vô hậu là bất hiếu. Nghĩa rộng: Việc thờ cúng sau khi chết: Người không có con phải mua hậu ở đình”, “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Nhìn sâu xa hơn, “giỗ hậu” chính là quan niệm về sự giỗ quẩy, thờ cúng sau mình đã mất đi mà không có con nối dõi tông đường.
Vậy, phải làm sao?
Nhà văn Ngô Tất Tố kể lại trường hợp người đàn bà Tư Tỵ giàu sụ, góa chồng, không con cái: “Muốn cho chắc chắn, bây giờ đem một phần ruộng mà giao cho làng, sau này làng sẽ cúng giỗ cúng tết cho bà ấy mãi mãi”. Nếu chỉ có thế, chẳng có gì đáng bàn. Sau khi nghe bọn “đàn anh” trong làng bàn về việc “mua hậu”, bà Tư Tỵ cũng bùi tai, đồng ý.
Ta hãy nghe kể tiếp, lúc bà ấy: “xin nộp một mẫu ruộng để làm ruộng hậu, một trăm bạc để làng sung công, và sửa con lợn cỗ xôi, trước lễ thánh, sau kính làng. Một đám đặt hậu như thế, ở làng tôi kể cũng là hậu. Các ông hào lý nhận lời. Chờ đơn "ký hậu" làm xong, bà ta đã mắc vào tròng, bấy giờ họ mới giở ngón: ông Điển đòi năm chục, chánh hội, lý trưởng mỗi người đòi ba chục. Có được thế họ mới ký tên vào đơn, thì việc mới xong. Thấy thế bà ta chết ngã cổ ra, đã toan xin thôi. Nhưng họ lại dọa: nếu mà bà ấy bỏ dở việc này, ấy là bà đã đánh lừa làng, họ sẽ đệ đơn trình quan và sau khi bà ấy chết đi, làng không khiêng nữa. Bà ấy hoảng quá, không dám nói đến chuyện lôi thôi đặt hậu, chỉ xin rút bớt số tiền "nhuận bút" của các vị hào lý mà thôi” (SĐD, tr.56).
Có được không?
“Sau khi chào ông Điển lễ, bà ấy ngồi phệt xuống mặt thềm gạch. Ông Điển lên giọng hách dịch:
- Tôi đòi năm chục đồng bạc, bà tưởng là đắt hay sao? Nếu đắt thì thôi, tôi không cần. Một người như bà, sau khi nhắm mắt, kiếm được kẻ thắp cho nén hương cũng khó lắm thay, huống chi muốn được cả làng cúng lễ. Cũng vì làng chữa tam quan, cần đến tiền tiêu, cho nên chúng tôi phải cố thu xếp cho bà. Nếu như lúc khác, bà có hàng nghìn cũng không lo nổi. Bà thử nghĩ kỹ mà xem.
Bà lão nói giọng phều phào của người móm:
- Thưa cụ, tôi không dám tiếc các cụ, chỉ vì trong nhà chưa sẵn, ruộng bán không có ai mua, đi vay không được...
Ông Điển không để cho bà ấy nói hết lời:
- Nếu vậy thì bà gạt ruộng cho tôi cũng được. Không phải văn tự văn khế gì hết, hễ bà bằng lòng thì tôi cứ bảo chưởng bạ dịch số, rồi bà điểm chỉ vào sổ, thế là xong.
Hình như bà lão biết mình chẳng sống ở đời bao lâu nữa, không tiếc cái của mồ hôi nước mắt làm gì, nên phải miễn cưỡng vâng lời” (SĐD, tr. 56-57).
Thế là “Tiền nước mắt của mồ hôi/ Cần cù góp nhặt kiếm lời từng xu” (Tú Mỡ) lọt vèo qua kẽ tay... Từ câu chuyện này, nhân vật của Ngô Tất Tố đã bình luận một câu, nhưng tiếc thay lúc in trên báo Hà Nội tân văn - số 17 (7/5/1940) bị kiểm duyệt gạch bỏ, sau này, khi in thành sách NXB Mai Lĩnh lấy lại: “Ở nhà quê, giàu mà lép vế nghĩ cũng khổ thật ông ạ!”.
Cái khổ ấy thế nào, có thể tìm đọc các phóng sự viết về nông thôn miền Bắc thời ấy, đọc gì thì đọc, tất nhiên, phải đọc Ngô Tất Tố. Có thể nói hơn ai hết chính cha đẻ chị Dậu đã phản ánh thực tranh đen tối nhố nhăng ấy một cách xuất sắc, bền bỉ qua hàng loạt bài sắc bén, ngồn ngộn thông tin cười ra nước mắt, cực kỳ ấn tượng.
Tìm về chữ nghĩa của một thời, không chỉ là xác chữ, còn thấy hiện lên rõ mồn một nhân tình thế thái của một thời. Khi tát đìa, ở trong Nam có lệ bất thành văn là nếu chỗ đó chủ nhà đã bắt rồi, đã đi qua nhưng con cá nào vọt ra phía sau hoặc sót lại là đã thuộc về quyền của bọn con hôi lúc nhúc bám theo sau, họ không hẹp lòng, tiếc của mà quay lại bắt… Thì ra cũng là một tính cách rộng rãi, chịu chơi của người miền Nam.
Tạm suy luận, “con hôi” trong ngữ cảnh trên là từ “hôi” mà ra. “Hôi” có nghĩa là mót, nhặt bắt những thứ sót lại; dần dần “hôi” mang nghĩa xấu như hôi của, đánh hôi… Nguyên nghĩa của từ “con hôi” là thế này: “Tiếng gọi chung những đứa làm nghề đi bắt cá sót”; “Đi hôi: Đi bắt mót, lấy sót, thường nói về sự đi theo sau kẻ làm nghề đăng sáo mà bắt cá sót; cũng có nghĩa là đi theo quan quân mà lấy của người ta bỏ lại trong lúc đánh giặc, khi ấy kêu là đi hôi của” - ông Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích.
Có thể nói hầu hết trong tâm thức của nhiều người vẫn còn nhớ đến cảnh lúc tát đìa, nếu họ ở sống ở nông thôn. Ngày xa xưa, có thể chủ nhà đã mời thầy đìa đến cho chắc ăn.
Vậy thầy đìa là ai?
Nhà văn Phan Trung Nghĩa, người sống ở Bạc Liêu đã chứng kiến thầy đìa từ thập niên 1960 của thế kỷ XX, cho biết: “Họ giống như những nhà ngoại cảm, đứng trên bờ nhìn trời, nhìn đất, nhìn sông rạch, nhìn hướng gió thổi... mà biết được ở dưới nước, đến mùa nước rút, cá sẽ đi đường nào. Có những ông thầy đìa khi đêm đến thì lập bàn hương án dưới bến sông để khấn vái âm binh, thủy thần, sau đó thì xõa tóc, lặn một hơi xuống nước để nghe "âm thủy" mách bảo rồi lên chỉ cho gia chủ nơi định vị một khẩu đìa. Chuyện này linh ứng đến cỡ nào thì tôi không biết, chỉ biết rằng cũng cùng hướng miệng đìa ra một con rạch nhưng có khẩu đìa tát vài ngàn ký cá, có khẩu đìa chỉ thu được ít trăm ký. Thầy đìa được trả công rất hậu nhưng họ chỉ lấy tiền vào mùa tát đìa năm sau, vừa tạo điều kiện cho gia chủ, vừa để chứng minh sự tài hoa của mình” (Khách thương hồ - NXB Văn hóa Văn nghệ - 2012, tr. 121).
Thời buổi này, liệu có cần đến thầy đìa nữa không?
Chà, câu hỏi này, muốn trả lời ngon lành ắt phải bàn đến câu chuyện thời sự như hiện tượng đồng ruộng bị xâm thực mặn rồi vấn đề ô nhiễm môi trường v.v… đã và đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long. Bởi thế, tôi đây nào dám múa rìu qua mắt thợ, xin khất lại nhé.