Rành sáu câu… mút mùa lệ thủy

Thứ Hai, 03/01/2022, 14:31

Kể ra khi tìm hiểu về câu nói lưu truyền trong dân gian, dù nghe rất quen, rất phổ biến, xài đi xài lại nhiều lần như "Mút mùa lệ thủy" nhưng rồi lúc tìm về nguồn gốc ra đời, thật khó có thể ai đó "chốt hạ" rành rẽ, rành mạch đến cỡ như “rành sáu câu/ rành sáu câu vọng cổ”.

"Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi! Đường dài mịt mùng em không đến nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh. Hết kể chuyện chung tình. Khóc than riêng em một mình. Cây tuôn lá xanh xây mồ cho anh. Tình đầu bẽ bàng trong cơn chiến chinh. Đưa tiễn nào hay rẽ chia. Cách trở hận muôn đời. Nói nữa chi thêm nghẹn lời". Nè, cô Hai có tin không? Cách đây chừng hơn 50 năm trước, ở vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" khi nghe câu vọng cổ này, phát ra từ chiếc radio, có đứa nhóc hỉ mũi chưa sạch, mặt còn búng ra sữa, nghe xong bỗng dưng buồn suốt mấy ngày liền. Buồn vì cơn cớ gì? Chỉ vì giọng ca của người nghệ sĩ miền Nam du dương, nhịp nhàng lên xuống, kéo dài ngân vang, nghèn nghẹn lưng chừng, da diết lắm... Đứa nhóc đa cảm ấy chính là tôi đây, cô Hai à.

Sau này, lớn lên, tôi mới biết đó là một đoạn trong bài vọng cổ “Võ Đông Sơ”, ngoài ra có thêm “Bạch Thu Hà” do NSND Viễn Châu sáng tác từ cảm hứng về hai nhân vật này trong tiểu thuyết “Giọt máu chung tình” của nhà văn Tân Dân Tử, in năm 1926. Rồi lại biết người miền Nam rất thích nghe vọng cổ, khoái xem cải lương. Khi đi vào vùng đất mênh mông sông nước nghe vút lên lời trao duyên đằm thắm: "Hò lờ, hò lơ... Hò lờ hò, hò lơ... Chẻ tre bện sáo ơ cho dầy/ Ngăn ngang… ơ…  sông Mỹ có ngày gặp em" lại còn biết thêm nhiều câu cửa miệng rất đỗi quen thuộc, không "đụng hàng" với vùng miền khác. Thí dụ:  “Rành sáu câu vọng cổ”, “Thanh minh thanh nga”, “Mút mùa lệ thủy”, “Ca giỡn nhịp”, “Bài bản tổ”… Cách nói này, đã phản ánh tâm lý cư dân vùng đất mới yêu chuộng một loại hình nghệ thuật mới: cải lương. Bấy lâu nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu về năm tháng ra đời của cải lương, nhìn chung vẫn là cột mốc mà cụ Vương Hồng Sển đã quả quyết trong Hồi ký 50 năm mê hát (Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai - 1968). Ta hãy đọc lại đôi dòng:

"a. Cho đến năm 1915 tại miền Nam, và chính tại Sài Gòn, các tài tử còn ca các bài cũ kiểu "độc thoại" và không bao giờ khi ca có ra bộ; có thể ví đó là thời kỳ thai nghén hay tượng hình tượng trưng của ca hát.

b. Bắt đầu từ 1916, có ca đối thoại, nhiều người và gọi đó là "ca ra bộ". Điển hình nhứt là bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt phát khởi từ Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhà thầy Phó Mười Hai. Đây là thời kỳ trứng nở biến ra nhộng nhưng chưa biết se tơ.

c. Đêm 16-11-1918 tại rạp hát Tây Sài Gòn, có diễn tuồng Pháp - Việt nhứt gia cũng gọi Gia Long tẩu quốc. Thời kỳ này, con tằm đã biết kéo chỉ, nhưng chưa khéo như sợi tơ tằm "cải lương" sau này; tuy vậy nên kể là thời kỳ phôi thai của cải lương được.

d. Sau đêm 16-11-1918 André Thân trước, rồi Năm Tú sau, đưa cải lương lên sân khấu thiệt thọ. Năm 1922 chính là năm điển hình, diễn tuồng Trang Tử thử vợ và tuồng Kim Vân Kiều mấy phen tại rạp Mỹ Tho rồi lên diễn tại rạp Chợ Lớn và rạp Modern Sài Gòn. Lúc này cải lương đã ra đời và thành hình thật sự. Con tằm đã lanh lẹn và sợi chỉ đã săn, thâu súc lại chắc chắn. Một sợi tơ kéo ra Bắc do sinh viên trường Cao đẳng. Tính đến năm 1968, sợi tơ đã được 50 năm và biến biến hóa hóa thiên hình vạn trạng không biết sẽ đi đến đâu mà đoán trước được" (tr. 176).

Vậy, cột mốc ra đời của loại hình nghệ thuật này là năm 1918. Thế thì, chuyện đang định bàn ở đây là gì? À, sở dĩ dài dòng, nẫy giờ là tôi muốn vòng vo tam quốc để dẫn tới câu nói đang gây tranh luận sôi nổi trong và ngoài giới mê cải lương: Hiểu thế nào cho đúng với câu cửa miệng "Mút mùa lệ thủy"? Lệ thủy là danh từ chung hay riêng? Có liên quan gì tới cải lương? Mà, một trong những yếu tố khiến người ta thích cũng vì tuồng tích đó ca vọng cổ ít hay nhiều, ca thế nào để "đốn tim" khán giả…

Nghe hỏi thế, một bạn đặt tên theo con số "17568" cho rằng: "Tôi sống ở Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là quê hương của nghệ sĩ Lệ Thủy. Tôi năm nay 63 tuổi, góp ý về câu thành ngữ "Mút mùa Lệ Thủy" như sau: - Nghĩa đen: coi Lệ Thủy diễn cho đến hết mùa gặt lúa (bắt đầu từ đầu tháng Chạp). Trong mùa gặt, cận Tết Nguyên đán, các đoàn Cải lương thường lưu diễn phục vụ. Đặc biệt, người dân miền Tây rất mê nghệ sĩ Lệ Thủy. Mỗi khi có Lệ Thủy về diễn, rồi chuyển đi nơi khác, một số vì quá mê Lệ Thủy, cũng bỏ công việc mà theo đoàn Cải lương để được xem Lệ Thủy diễn. Khi về lại địa phương, người ta mới nói là "theo Lệ Thủy mút mùa", ý nói theo xem Lệ Thủy diễn bỏ hết cả mùa vụ. Từ "mút" ở đây, được hiểu là từ để chỉ thời gian, là hết thời gian của mùa gặt lúa ở miền Tây, không liên quan gì đến động từ "mút" như "mút tay", "mút hột xoài"... - Nghĩa bóng: theo đuổi đam mê tới cuối cùng".

Tương tự, theo bạn Trần Thanh Nam cũng người miền Tây: "Sở dĩ nghệ sĩ Lệ Thủy được đề cập do thời đó chỉ có một loại hình giải trí duy nhất là nghe cải lương trên máy cassette chạy bằng bình điện hoặc đài "ra-dô" nhỏ chạy bằng "pin đại". Mà Lệ Thủy và Minh Vương là đào kép chính nổi tiếng nhất thời đó. Nghệ sĩ Lệ Thủy có hơi vọng cổ rất dài, khán thính giả mộ điệu nếu hát theo dễ bị hết hơi. Cho nên câu "Mút mùa Lệ Thủy" sử dụng để chỉ hiện tượng xảy ra mà phải chờ đợi quá lâu. Ví dụ có lần tôi mãi ham chơi không chịu về trễ giờ cơm, khi về đến nhà thì ngoại mắng câu: "Đi chơi dữ hen, đi mút mùa Lệ Thủy"… Câu này,  có ý trách móc nhẹ nhàng nhưng ý đùa giỡn là chính, có thể dùng tương tự với câu "Mùa quýt năm sau".

Rành sáu câu… mút mùa lệ thủy -0
Vở tuồng kinh điển Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà trên sân khấu. Ảnh: L.G

Bạn Lê Hữu Tuấn bổ sung: "Người miền Tây xưa giờ đã dùng từ "mút mùa" để chỉ điều gì đó dài lâu, ví dụ "cây mít này trồng mút mùa cũng chưa có trái". Tới thời cải lương phổ biến, nhiều nghệ sĩ được mến mộ và nhắc tên trong sinh hoạt hằng ngày, họ lại có câu: "Hát muốn ho như Lệ Thỉ (Thủy), hát mệt nghỉ như Út Chà (Trà) Ôn" - ý nói những nghệ sĩ này có hơi dài, hát nghe nín thở muốn ho hoặc nghe mệt rồi nghỉ mà câu vọng cổ vẫn chưa dứt chưa dừng".

Còn "Rành sáu câu" xuất phát là đề cập đến nghệ sĩ Thanh Sang và Thanh Nga. Ý nói khen rằng ai đó rất giỏi việc gì đó. Ví dụ, trẻ sơ sinh biết nói sớm, nói chuyện nhiều sẽ được nghe: "Nói như sáo" hoặc "Nói rành sáu câu". Nếu người lớn hỏi mà trẻ đối đáp được thì khen: "Rành sáu câu, cái gì cũng biết hết trơn". "Rành sáu câu" cũng có thể dùng cho nói bông đùa, nói thậm xưng. Ví dụ, hai người đang nói về một sự việc thì tôi nói: "Trời! Tưởng cái gì! Mấy cái đó, tao rành sáu câu".

Tiếp lời giài thích cụm từ "Rành sáu câu", bạn Sơn Trần Minh cho rằng: "Theo mình hiểu, ở các tỉnh Nam Bộ còn có câu "Rành sáu câu vọng cổ" ý nói một câu chuyện gì đó mà một người đã biết, đã hiểu thì thường được ví: "Rành sáu câu vọng cổ". Trong một bài vọng cổ cải lương thường có sáu câu vọng cổ từ câu 1 đến câu 6, người nào học thuộc được sáu câu đó thì được ví von là hát giỏi, nên mới có câu “Rành sáu câu vọng cổ” là vậy!". Nghe thế, Trần Thanh Nam gật gù: "Rành sáu câu hoặc Rành sáu câu vọng cổ là một. Tuy nhiên người Tây Nam Bộ phóng khoáng, nói chuyện không thích dài dòng câu chữ nên thường lược tĩnh cho ngắn gọn nhưng vẫn dễ hiểu. Nên "Rành sáu câu" được sử dụng phổ biến hơn".

Trở lại với cách giải thích "Mút mùa lệ thủy" vừa nêu trên, liệu có hợp lý không? Chấp nhận được không? Bạn Minh L đồng ý và cho biết, ở miền Nam còn có câu: "Lệ Thủy - Mỹ Châu còn lâu duyên nợ", ý nói còn gắn kết, còn mối liên quan, không dứt được". Bạn Thanh cũng tán thành: "Ở Nam Bộ, câu nói "Mút mùa Lệ Thủy" nghĩa gốc chỉ những người đi coi hát có nghệ sĩ Lệ Thủy diễn thì phải đợi nghe/ coi đến cuối cùng mới chịu về, hoặc chỉ những người bỏ công việc để đi nghe/ coi cô hát cho bằng được. Về sau này, người ta dùng câu này với ngụ ý chỉ những người đi lâu ngày để làm gì đó cho bằng được, hoặc cứ đi liên tục trong một thời gian dài mới về mới chịu về".

Mà, một khi đã tìm về cách giải thích cụm từ này, nghĩ rằng, phải có tranh luận mới vui. Bạn Vietroad hỏi lại: "Vậy sao không gọi "Mút mùa Minh Vương" hay "Mút mùa Minh Phụng"? Lệ Thủy không phải nổi tiếng nhờ ca hơi dài và cũng không phải nghệ sĩ có làn hơi dài nhất. Lệ Thủy ở đây là địa danh ở Quảng Bình, chiến trường rất ác liệt và kéo dài, người trong Nam ra ngoài đó thường đi rất lâu, có khi không về nên đi đâu lâu người ta bảo là đi "Mút mùa Lệ Thủy".

Tương tự, TS Trần Đình Bá cũng cho rằng: "Không phải chỉ ở Nam Bộ có câu "Mút mùa Lệ Thủy" mà vùng miền Trung cũng hay dùng câu này. Lệ Thủy không phải là tên nghệ sĩ Lệ Thủy mà là địa danh huyện Lệ Thủy thuộc tình Quảng Bình - quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một huyện vùng trũng, màu mỡ, thẳng cánh cò bay trở thành vựa lúa của Quảng Bình. Vì vậy, ca dao có câu: "Nhất Đồng Nai - nhì hai huyện " nói về sự màu mỡ của đất đai - hai huyện là xứ huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình là vậy. Ruộng lúa ở đây luôn tươi tốt xanh rợp tới chân trời do được bồi đắp phù sa của dòng sông Kiến Giang... Đi từ đầu cánh đồng đến cuối cánh đồng là xa tít mù tắp nên phải đi rất lâu, gặt hết lúa phải rất lâu nên thành ngữ ví von đi 'Mút mùa Lệ Thủy' là vậy".

Sở dĩ có sự tranh luận lý thú này, còn là do Lệ Thủy vừa chỉ địa danh ở Quảng Bình vừa là nghệ danh của một nghệ sĩ nổi tiếng trong Nam. Vậy, cách lý giải nào đúng?

À, cô Hai vừa bảo sao không hỏi nghệ sĩ Lệ Thủy chứ gì? Ý kiến này hay đấy. Theo như tôi biết, nghệ sĩ Lệ Thủy sinh năm 1948 tại Vĩnh Long; năm 1964 được giải Thanh Tâm cùng đợt với Thanh Sang; năm 2012 được danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ngoài ra còn nhiều giải thưởng khác. Với câu hỏi đó, rằng thưa, nghệ sĩ Lệ Thủy trả lời như sau: "Câu này ra đời từ những năm 1965-1970 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lúc tôi đi hát khắp tỉnh ở vùng này nên không biết chính xác xuất xứ từ tỉnh nào. Khi lần đầu tiên nghe câu này, tôi hơi hoang mang, thật tình là cũng không hiểu hết ý nghĩa câu đó, và tại sao có. Tôi  tìm hiểu và được nghe giải thích đó là câu nói của mấy người đàn ông khi họ ngồi nhậu với nhau, họ ví giọng hát của tôi ngọt ngào và trót lọt. Nói như "dân" nhậu thì là: "Uống cái tót", hay: "Uống cho mút mùa đi". Sau này tiếp xúc với bà con miền Tây, tôi được nghe thêm những câu như là: "Giếng đó sâu mút mùa Lệ Thủy luôn đó"; "Tụi nó yêu nhau mút mùa mà chưa cưới"; hay "Đường xa mút mùa Lệ Thủy"… (Kiến thức ngày nay - số 793 ra ngày 20-8-2012, tr. 46).

Vậy, có thể "gút lại" cuộc tranh luận được chưa?

Vẫn chưa. Trộm nghĩ, ai đó cho rằng câu này nhằm chỉ huyện Lệ Thủy ở Quảng Bình thì cũng không sao cả, nếu quả thật người dân nơi đó có sử dụng. Có điều khi tôi dò hỏi, đa phần chỉ… mỉm cười nhè nhẹ rồi lảng qua chuyện khác. Trong khi đó, câu này đã đi vào từ điển phương ngữ Nam Bộ với cách giải thích na ná như vừa dẫn chứng nêu trên. Tuy nhiên, có phải câu nói đó sử dụng nhằm chỉ đích danh nghệ sĩ Lệ Thủy hay không thì cần có thêm những chứng cứ khác nữa. Thí dụ, báo chí miền Nam thời đó đã ghi nhận câu này như thế nào khi bình luận về giọng ca Lệ Thủy? Trong các bài báo viết về chương trình cải lương có Lệ Thủy diễn thời đó, có nhắc lại câu cửa miệng này không? Yêu cầu đặt ra về tính xác thực cần phải thế nhưng cũng có thể cách nói này chỉ phổ biến trong giới bà con mộ điệu cải lương ở các tỉnh miền Tây thuở ấy. Rồi dần dà về sau lan rộng ra và tồn tại đến hôm nay.

Kể ra khi tìm hiểu về câu nói lưu truyền trong dân gian, dù nghe rất quen, rất phổ biến, xài đi xài lại nhiều lần như "Mút mùa lệ thủy" nhưng rồi lúc tìm về nguồn gốc ra đời, thật khó có thể ai đó "chốt hạ" rành rẽ, rành mạch đến cỡ như “rành sáu câu/ rành sáu câu vọng cổ”. Tôi nói thế, cô Hai nghĩ thế nào mà lại gật đầu, gật gù mỉm cười duyên dáng thế kia? Thôi thì, cãi cọ làm chi, chí bằng ta cùng song ca mùi mẫn cho tươi sự đời: "Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi! Đường dài mịt mùng em không đến nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh. Hết kể chuyện chung tình. Khóc than riêng em một mình…". Thế là đã vui cùng chữ nghĩa rồi, phải không cô Hai mình ơi?

Dạ.

Lê Minh Quốc
.
.
.