Nếu cuộc đời chẳng còn gì thiêng nữa?

Thứ Năm, 21/04/2022, 15:17

Chiều cuối tuần, ngồi cà phê với bạn sau rất nhiều năm xa cách. Bạn vẫn thế: bụi bặm, ngang tàng, chẳng vợ con. “Nhìn hai đứa nhỏ nhà mày,  tao thấy thèm”, bạn bảo.

- Thèm sao không lấy vợ đi?

- Không có hứng

- Sao không hứng?

- Ối dời, biết rồi còn hỏi!

Biết gì nhỉ? À, biết cái thời hai đứa mới lớn, ngồi trong lớp mà cứ lẩn thẩn nhìn ra Hồ Tây qua cái cửa sổ lồng lộng gió. Cái thời mà hai đứa cứ nhâm nhi câu thơ tình: “Em bước điềm nhiên không vướng chân/ Anh đi lững đững chẳng theo gần”, rồi nhắc hoài nhắc mãi về lời giảng của cô giáo dạy Văn: “Anh chẳng theo gần vì em giống như một lâu đài bí mật. Em bí ẩn quá và thiêng liêng quá. Anh chẳng dám lại gần, vì sợ cái thế giới bí ẩn, thiêng liêng ấy vỡ tan”.

Nếu cuộc đời chẳng còn gì thiêng nữa? -0

Chao ôi! Chắc hồi còn trẻ cô giáo phải yêu nhiều, trải nghiệm nhiều mới bình được câu thơ hay thế. Hai đứa khúc khích cười. Cười đủ độ để những đứa ngồi xung quanh không nghe được. Ở trên bục giảng, cô giáo cũng không nghe được.

Bạn yêu mối tình đầu tiên. Cũng lững đững, chẳng theo gần như thế. Bạn viết những bức thư tình cho người ta, trước khi gửi cho người ta còn đọc đi đọc lại để mình “kiểm định”. “Bỏ dấu phẩy chỗ này, thêm dấu chấm chỗ kia” – mình cũng “kiểm định” như một biên tập viên chuyên nghiệp, chứ chẳng đùa.

Lúc cao hứng còn phán: “Ý này hay nhưng khô. Thêm một câu thơ vào cho ướt át”. Thế là hai đứa vắt óc tìm một câu thơ phù hợp. Tìm hoài, tìm mãi không xong, bạn bảo: “Thôi, để tao sáng tác”. Mà trời cho bạn cái tài sáng tác. Chỉ sau dăm bẩy phút, y như rằng có một câu  thần tình. “Mày có dám chắc là nàng thích câu này không?”, mắt bạn căng lên đợi chờ.

“Tao nghĩ khó đấy, vì muốn thích thì phải hiểu. Mà câu này tính ẩn dụ cao, tao sợ nàng không hiểu”. “Thật à?”. “Chứ sao”. “À, mà tao hỏi mấy đứa lớp bên ấy kỹ lắm rồi. Điểm văn nàng cao lắm. Đến mày còn hiểu cớ gì nàng không hiểu”. “Ơ, thế mày bảo tao dốt à?”. “Không ai dám bảo mày dốt. Nói chính xác là mày… cực dốt. Mai đừng có nhìn bài tao nữa”. Thế là hai đứa lại cười phá lên. Gió Hồ Tây lồng lộng thổi vào hai đứa. “Gió sẽ thổi bức thư bay lên, bay sang lớp nàng” – bạn rút nhật ký ra, phóng một dòng lãng mạn.

Khi bức thư chui vào cặp nàng, cặp nhé, chứ không phải chỉ nằm gọn lỏn trong ngăn bàn thì hai đứa cùng đợi chờ, cùng hồi hộp. “Mày thích chứ tao có thích đâu. Mày tương tư chứ tao có tương tư đâu. Sao tao phải khổ thế này”. “À, mày thấy khổ chứ gì. Thế thì từ nay về sau đừng nhìn bài tao nữa”. Quân át chủ luôn được rút ra đúng lúc.

Sau mối tình đầu tiên, bạn yêu mối tình thứ hai. Vẫn lãng đãng, thiêng liêng như tình đầu.

Sau mối tình thứ hai, bạn yêu mối tình thứ ba. Lúc này thì mình không còn cơ may chứng kiến. Vì bạn đã đi du học trời Âu xa lắc. Chỉ nghe kể chung chung, thưa dần. Rồi đến một ngày im bặt. không điện thoại, thư từ, kể lể lằng nhằng nữa.

- Từ bao giờ mày không còn kể cho tao về những cô gái của mày thế nhỉ?

- Từ khi tao thấy không còn nhu cầu kể.

- Sao lại không còn nhu cầu kể?

- Còn gì nữa đâu mà kể!

- Thế mày định không lấy vợ, lập gia đình thật à?

- Thật, chứ đùa gì!

Đàn bà con gái với bạn bây giờ chẳng còn gì hứng thú, thiêng liêng nữa. Lỗi không phải tại đàn bà con gái, mà tại bạn. Vì một lý do nào đó, bằng một cách sống, cách nghĩ nào đó, dần dần bạn tự đẩy mình vào tình trạng ấy. Mình đọc lại câu thơ cũ: “Đường trong làng hoa dại với mùi rơm/ Người cùng tôi dạo bước dưới đường thơm”. Bạn cười: “Hay! Nhưng sách vở thôi mà”.

- Mày có sợ tình trạng hiện tại không?

- Sợ cái gì?

- Không còn thấy những người phụ nữ - những mối tình thiêng liêng nữa?

Bạn nghĩ. Chìm vào một miền suy tư nào đó mà quên luôn việc trả lời.

- Mày có sợ không?

- Tao chưa từng nghĩ đến cho tới khi mày hỏi.

- Vậy bây giờ nghĩ rồi, mày trở lời đi.

- Ừ thì…

Từ khi nào cái thằng trai lãng mạn đầy cảm xúc đã chết trong con người bạn? Từ khi nào sự trần trụi, thực dụng đã xâm chiếm bạn, làm chủ hoàn toàn đầu óc, tâm hồn bạn? Lâu quá không gặp nên cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, không ai có thể sống mãi cùng mây gió, nhưng người ta cũng không thể sống và cảm nhận đời sống một cách đích thực nếu những mảnh vụn mây gió cuối cùng chết đi. Nếu chỉ thấy ở đời toàn những hơn – thua, được – mất; mà không còn mảy may, chút ít nào những ý niệm thuộc về phạm trù của tính thiêng thì con người thực sự đang sống hay đơn thuần chỉ đang tồn tại?

Thiêng liêng hóa tới mức dị đoan, mù lòa thì nguy hiểm. Nhưng thực dụng hóa tới mức không còn thấy bất cứ điều gì trong đời sống quanh mình thiêng liêng nữa, thì còn nguy hiểm bội phần. Phụ nữ không còn thiêng liêng. Tình yêu không còn thiêng liêng. Những hệ giá trị mình theo đuổi ngày nào giờ không còn thiêng liêng. Những hệ giá trị mới càng chẳng thiêng liêng. Đến thần thánh và những đấng cứu thế cũng chẳng thiêng liêng nữa. Tất cả đều chỉ giống như những quân xúc xắc đi qua một trong hai ô “được” - “mất” của cuộc đời.

Nếu cuộc đời chẳng còn gì thiêng nữa? -0

Tất cả đều được cân - đo - đong - đếm bởi sự hơn - thua, thành - bại. Tất cả đều được phán xét dựa trên “những khối vật chất tôi đang có” với “những khối vật chất anh đang có”, và phải cố gồng mình luồn lách để cái phần “đang có” của mình là to hơn, to nhất, to trùm thiên hạ. Chỉ có như vậy và chấm hết. Chỉ có như vậy, và không gì cả. Chỉ có như vậy, và tin rằng thế giới là như vậy. Trong hoàn cảnh này, con người ta đáng ngưỡng mộ, sùng bái hay thật sự tội nghiệp và đáng thương?

- À! Mà mới đây tao tình cờ gặp lại nàng.

Mình bịa chuyện. Và đoán bạn hoặc sẽ hỏi thông tin về nàng, hoặc sẽ kể lại một cảm xúc, một suy nghĩ ít nhiều nào đó gắn chặt với “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Chẳng hạn: Nàng bây giờ trông thế nào? Con cái chưa? Hoặc giả: Thi thoảng tao vẫn nhớ đến nàng.

Và đây là câu trả lời của bạn:

- Thế à.

Rồi bạn bỏ mắt khỏi cái điện thoại, cầm ly bia hướng về phía mình: “Dzô đi! Dzô đi mày ơi. Tao vừa nhận được tin vui”.

- Tin gì?

- Mấy mã tao mua đang lên vùn vụt?

- Mã gì?

- Sao lại hỏi như từ trên trời rơi xuống thế vậy?

- Tao vừa nói là tao mới tình cờ gặp lại nàng, mày không nghe gì à?

- Có! Nghe rồi, dzô đi!

Ừ thì dzô! Hai cốc bia chạm nhau cái xoẹt. Cái loa thùng trong quán hắt ra câu hát cũ kỹ một thời:

Nhìn nhau nhưng không nói

Sợ tình yêu chóng phai.

Phan Đăng
.
.
.