Khi điện ảnh kể câu chuyện Việt nhưng có thể chiếu toàn cầu

Thứ Sáu, 26/07/2024, 08:42

Họ là ba đại diện của điện ảnh Việt Nam ở ba thế hệ, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân. Những bộ phim của họ đã mang tiếng nói của điện ảnh Việt ra nước ngoài, dành những giải thưởng lớn trên thế giới từ những câu chuyện Việt Nam.

1. Trong những năm gần đây, điện ảnh quốc tế có xu hướng “xoay trục” về phía châu Á. Những tác phẩm với câu chuyện và nhân vật chính là người châu Á, gốc Á tại nước ngoài như "Parasite", "Everything everywhere all at once"... thắng đậm ở Oscar, cho thấy Hollywood và các giải thưởng điện ảnh đang chú ý đến chất liệu phương Đông nhiều hơn. Sự xuất hiện của tiếng nói châu Á giúp xóa bỏ cái nhìn “thiểu số,” chứng minh tính tác động và lan tỏa toàn cầu.

cảnh trong phim bao giờ cho đến tháng mười.jpg -0
Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”.

Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Viện Đông Á Weatherhead, Đại học Columbia (Mỹ), đạo diễn Tony Bùi chủ trì hai tọa đàm về điện ảnh có tên "Đối thoại về Nghệ thuật kể chuyện: Tiếng nói khu vực, Tác động toàn cầu" cho khán giả tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cuộc thảo luận thuộc chuỗi hoạt động "Đối thoại Columbia: Mở rộng biên giới, kết nối Cộng đồng" tại khu vực châu Á. Sự kiện có sự tham gia của NSND Đặng Nhật Minh, Nguyễn Hoàng Điệp và Phạm Ngọc Lân, Leon Le (Song Lang), Phan Gia Nhật Linh (Em và Trịnh), Trịnh Đình Lê Minh (Thưa mẹ con đi) đến nhà sản xuất Trần Bích Ngọc và quay phim kiêm đạo diễn hình ảnh Nguyễn Phan Linh Đan.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh đúc kết lại hành trình của mình thật giản dị và bình thản: “Tôi là người kể chuyện, những câu chuyện của Việt Nam, gắn liền với bối cảnh xã hội Việt Nam ở những giai đoạn nhất định. Vì thế khi xem phim của tôi người ta tìm hiểu được bối cảnh xã hội xảy ra ở Việt Nam. Đó là đặc điểm nhưng cũng là hạn chế của tôi. Phim không đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khán giả, chỉ những người quan tâm đến lịch sử, văn hóa Việt mới xem phim của tôi”.

Nhưng khi bước ra thế giới, những câu chuyện của đạo diễn Đặng Nhật Minh kể, dung dị, đời thường lại chạm vào cảm xúc người xem. “Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” lần đầu tiên chiếu ở Hawaii năm 1995, gây chú ý, nhiều người đến xem với tâm thế sẽ phản đối nhưng xem xong nước mắt người nào cũng chảy vì cảm động. Nhiều người Mỹ xem cảm động vì những con người trên phim dễ thương chứ không như họ hình dung. Tôi nhận ra những cảm xúc mà nghệ thuật mang lại có thể hóa giải những thù hận và điện ảnh phải nói về thân phận con người, kể về thân phận của mỗi con người, mỗi dân tộc. Khi anh kể chân thực thì nó sẽ chạm đến trái tim. Một nhà văn từng nói rằng: Hãy đi đến tận cùng câu chuyện của anh, anh sẽ gặp nhân loại và tôi đi theo khuynh hướng đó trong các tác phẩm của mình”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Có thể nói, đạo diễn Đặng Nhật Minh, người đã đi vào huyền thoại kể về việc không được đào tạo, con đường làm đạo diễn của ông là con đường tự học. Vì thế ông không chịu ảnh hưởng của phong cách làm phim nào mà chỉ nhận là một “người kể chuyện của Việt Nam”. “Năm 1999, tôi được nhận giải thưởng quốc tế, trong bằng khen họ ghi rằng: Vinh danh vị đạo diễn đã đưa những tình cảm của người Việt cũng như Á châu đến với thế giới”. Thế đấy, tôi chỉ nhận mình là người kể chuyện bằng điện ảnh mà thôi”.

2. Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Ngọc Lân, Leon Le, Trịnh Đình Lê Minh đều là những nhà làm phim độc lập bền bỉ, từng “chinh chiến” tại Liên hoan phim Venice, Toronto, Berlin, Fribourg… bám trụ với môn nghệ thuật thứ bảy từ thập niên 2000 và 2010 tới nay.

áp phích phim cu li không bao giờ khóc của đạo diễn phạm ngọc lân.jpg -0
Áp phích phim “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân.

Không có tâm thế làm phim bình thản và thong dong của thế hệ Đặng Nhật Minh, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Phạm Ngọc Lân, những người theo đuổi dòng phim độc lập hôm nay đứng trước nhiều áp lực hơn khi phải gánh vác hai chữ “Việt Nam” trên vai và câu chuyện phát hành những bộ phim độc lập ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Theo họ, những câu chuyện họ kể về người Việt nên mong muốn phim của họ được chiếu ở Việt Nam. Nhưng việc ra rạp của những bộ phim độc lập rất khó khăn. Đó là điều đáng tiếc. Dù những bộ phim của họ đi ra nước ngoài đã dành được những giải thưởng danh giá.

Phim “Culi không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân vừa dành giải phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin và phim châu Á hay nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Đà Nẵng. Anh đã nghĩ đến phương án sẽ sang các nước khác chiếu phim của mình vì câu chuyên bản địa của Việt Nam sẽ được ủng hộ, khán giả trẻ ở các nước cởi mở hơn với các thể loại phim. “Việc phát hành phim ở trong nước hay nước ngoài nên coi là cửa ngõ để bước vào một vùng văn hóa khác, phát hành không chỉ là việc chiếu phim mà hưởng thụ một vùng văn hóa, khán giả cũng được hưởng lợi”, Phạm Ngọc Lâm nói. Với anh, làm phim là kể những câu chuyện mà anh trăn trở, tìm kiếm, theo cách của mình mà thôi. Và hẳn nhiên, đó sẽ là những câu chuyện của người Việt. Còn câu chuyện bản địa và hai chữ “Việt Nam” đôi khi là một áp lực đối với những nhà làm phim trẻ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, thách thức với những nhà làm phim độc lập là làm thế nào để kể được câu chuyện thu hút được nhiều người xem, không liên quan đến việc chị là một nữ đạo diễn. Chị kể, khi bộ phim “Đập cánh giữa không trung” của chị có suất chiếu giới thiệu tại liên hoan phim Venice, có nhiều người xì xào rằng, vì chị là một đạo diễn nữ và đến từ một đất nước xa xôi như Việt Nam nên phim được “ưu tiên” chiếu. Nhưng, với nghệ thuật là sự công bằng, bộ phim đi ra thế giới bằng câu chuyện hấp dẫn của chính nó.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh có những trải nghiệm lớn và điềm tĩnh để nói một cách ngắn gọn như vậy về hành trình làm phim của ông, nhưng thế hệ chị có nhiều áp lực hơn. “Tôi chưa đủ mạnh và chưa đủ bình thản để khẳng định tôi và điện ảnh là hai người bạn đồng hành”, chị nói.

Theo chị, điện ảnh Việt về đội ngũ ngày càng trẻ hóa, nhưng cần những tiếng nói đa dạng hơn. Chị nhớ tới giai đoạn đại dịch COVID-19, đó là thời điểm cảm thấy bi quan trong sáng tạo nghệ thuật bởi chị nhận ra những bộ phim của nhiều quốc gia kể câu chuyện giống nhau, mà nữ đạo diễn gọi là "đại dịch toàn cầu hóa” về điện ảnh, khi bản sắc cá nhân của nhà làm phim dường như bị xóa mờ để nhường chỗ cho sự đồng nhất cả về lối nghĩ, cách kể.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp hy vọng có những tiếng nói mới, gương mặt lạ trong điện ảnh. Những nhà làm phim Việt từng đoạt giải thưởng danh giá tại liên hoan phim của thế giới như Phạm Thiên Ân, Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo, Trần Thanh Huy, Lê Bình Giang… là những gương mặt chị đã biết từ lâu. Nữ đạo diễn cũng bày tỏ lo ngại, liệu rằng, nét đột phá, khác biệt trong điện ảnh có bị vùi lấp bởi cơ hội ra rạp chiếu một cách bình đẳng cho những phim độc lập theo dòng tác giả càng ngày càng hẹp lại? Chị băn khoăn, liệu chị và những nhà làm phim độc lập có chỗ trong tương lai của điện ảnh Việt không?

Trước đó, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Đà Nẵng, một hội thảo về Xúc tiến và Hợp tác làm phim cũng đặt ra vấn đề làm phim cho khán giả trong nước nhưng có thể chiếu toàn cầu. Ông Sirisak Koshpharashin- đại diện Liên đoàn Quốc gia các hiệp hội làm phim Thái Lan chia sẻ về bộ phim Thái Lan ăn khách vừa qua là “Gia tài của mẹ” do một địa phương sản xuất nhưng có sức hấp dẫn lớn trong khu vực như Việt Nam, Lào, Singapore, Philippines… và trở thành hiện tượng toàn cầu khi Thái Lan đang đưa phim này chinh phục những thị trường lớn hơn. Theo ông: "Bài học kinh nghiệm rút ra, đó là cần làm những bộ phim dành cho khán giả trong nước nhưng có thể chiếu trên toàn cầu". Theo ông, đó là điều Việt Nam cần phải làm để phát triển chính nền điện ảnh của mình. Ông nhấn mạnh: "Khi làm phim, đừng nghĩ đó là những bộ phim bán cho Hollywood hay Trung Quốc, mà trước hết phải là những bộ phim cho người dân của các bạn, họ phải mong muốn xem cái đã”.

Tuy nhiên, với những người theo đuổi dòng phim độc lập thì có vẻ ngược lại, câu chuyện của họ lại được thế giới đón nhận nhiều hơn và họ gặp khó khăn khi quay trở về phát hành trên chính quê hương mình.

Việt Linh
.
.
.