Họ đã hóa thân vào những vầng mây trắng…

Thứ Ba, 27/07/2021, 08:19

Bầu trời thành phố biển Nha Trang 16 năm qua, với Thiếu tá CAND - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Minh Thuỷ trở nên mênh mang và buồn lặng. Bà vẫn ngày ngày hướng mắt lên tầng xanh vô định, nơi chồng và con trai bà từng sải rộng những đường bay. Nơi cao xanh ấy, giữa lằn ranh sinh tử, họ đã lựa chọn hy sinh, đã xa bà mãi mãi. Biết bao lần bà Thuỷ gạt đi những giọt nước mắt, để nỗi đau khắc vào trong tim…

Nỗi đau trong thời bình

"Quê tôi ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Chồng tôi quê ở xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tôi theo gia đình vào Khánh Hoà từ nhỏ, đi học và công tác tại Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hoà. Còn chồng tôi được đào tạo phi công ở Trường Sĩ quan Không quân từ năm 1976 và được giữ lại công tác tại Trường. Mảnh đất Nha Trang với hai chúng tôi đều là quê hương thứ hai" - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Minh Thuỷ mở đầu câu chuyện cùng tôi, giọng bà nhẹ nhàng và trầm ấm. Bà bảo chính ở quê hương thứ hai này, ông bà đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng. Đám cưới diễn ra đầu năm 1984. Cuối năm đó, bà sinh con trai Dương Lê Minh. Năm 1991, cô con gái Dương Lê Vân ra đời.

Hơn ba mươi năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, Thiếu tá Lê Thị Minh Thuỷ đã 2 lần phải chịu mất mát to lớn không gì bù đắp nổi khi lần lượt chồng và con trai bà hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nhớ lại những giây phút định mệnh ấy, lòng bà lại quặn đau.

Nha Trang vào dịp nghỉ lễ 30-4-2005 tấp nập khách du lịch. Nhưng với bà Thuỷ và gia đình thời điểm đó, những dịp gia đình sum họp thật hiếm hoi, vì chồng bà - Thượng tá Dương Văn Thanh - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân luôn bận bịu với vai trò là một giảng viên bay. Chiều 29-4-2005, trên bầu trời vịnh Nha Trang, Thượng tá Thanh vẫn miệt mài huấn luyện bay cho học viên Đào Việt Hưng. Vào lúc 15 giờ 25 phút, máy bay phản lực L-39 mang số hiệu 8732 do Thượng tá Thanh điều khiển bất ngờ gặp sự cố kỹ thuật. Mặc dù Sở chỉ huy bay đã ra lệnh cho các phi công nhảy dù để thoát hiểm, nhưng Thượng tá Dương Văn Thanh vẫn quyết định để học viên Ðào Việt Hưng tung dù thoát hiểm trước.

Tận dụng những giây phút còn lại, ông đã cố hết sức hướng ra phía biển, tránh không để máy bay lao vào đảo Hòn Tre - hòn đảo lớn nhất của vịnh đảo Nha Trang thời điểm đó đang có rất nhiều khách du lịch và ngư dân. Chiếc máy bay lao xuống, mang theo sự sống của Thượng tá Thanh vào lòng biển sâu. Khi đội cứu hộ tiếp cận được máy bay, Thượng tá Thanh vẫn giữ nguyên tư thế ngồi trong khoang lái.

Họ đã hóa thân vào những vầng mây trắng… -0
Chồng và con trai bà Thuỷ đều là liệt sĩ trong thời bình. 

Chiều ngày hôm ấy, bà Thuỷ cảm thấy bất an, trong lòng như lửa đốt. Liền sau đó bà nhận được điện thoại mời vào ngay đơn vị của chồng và nhận được tin Thượng tá Thanh đã anh dũng hy sinh. Bà bàng hoàng không tin đó là sự thật, bởi chồng bà là một phi công dày dạn kinh nghiệm, một giảng viên bay mẫu mực và không ít lần xử lý thành công sự cố khi đang bay. Nhưng khi nghe đồng đội kể lại sự việc, thì hơn ai hết, bà hiểu sự suy tính, lựa chọn có chủ đích của chồng mình. Hai năm sau, Thượng tá Dương Văn Thanh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kì đổi mới.

Nén nỗi đau, bà Thuỷ gắng gượng sống và làm việc, trở thành điểm tựa vững chắc cho hai con. Bà luôn dạy các con hãy nỗ lực học tập để xứng đáng với sự hi sinh của người cha anh hùng. Có một điều bà vừa mừng lại vừa lo, là khi ấy con trai Dương Lê Minh đang học để trở thành phi công nối nghiệp cha. Mừng vì Minh giống bố như đúc, cũng yêu bầu trời, yêu những đường bay. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Sĩ quan Không quân, phi công trẻ Dương Lê Minh về làm việc tại Tổng công ty Bay dịch vụ miền Nam, sau đó được tuyển chọn đi đào tạo phi công ở nước ngoài 2 năm (2008-2009) để có thể điều khiển được những chiếc máy bay hiện đại, tiếp tục thực hiện sứ mệnh dang dở với bầu trời mà người cha để lại. Về nước, Dương Lê Minh là giảng viên bay của Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam.

Là một người vợ, người mẹ, người chiến sĩ công an, bà Thuỷ thấu hiểu những gian truân, khắc nghiệt, hiểm nguy mà người lính phải đối mặt. Có lúc lo lắng, bà đã khuyên con trai lựa chọn một công việc khác. Khuyên thì khuyên thế, nhưng bà biết sẽ rất khó để thay đổi quyết định của con trai. Bởi bà hiểu Minh là bản sao của người cha. Cả hai cha con đã phải trải qua quá trình đào tạo phi công khó khăn, gian khổ mới có được thành công. Được bay, được cùng thầy và đồng đội học tập và chiến đấu, đối với hai cha con là cả một niềm hạnh phúc, thoả đam mê. Minh từng nói với mẹ rằng, mẹ đừng khuyên con chuyển nghề, con yêu nghề, muốn theo nghề của cha. Bà Thuỷ chỉ còn biết dõi theo những thành công của con trai, lòng thầm mong con và đồng đội luôn bình an trên những đường bay.

Yêu bầu trời Nha Trang

Sau 33 năm công tác tại Bệnh xá Công an tỉnh Khánh Hoà, Thiếu tá Lê Thị Minh Thuỷ nghỉ hưu năm 2015. Những tưởng bà sẽ được hưởng cuộc sống yên bình bên vợ chồng con trai và hai cháu nội, nhưng tai hoạ một lần nữa ập xuống.

Tháng 7-2016, Thiếu tá Dương Lê Minh con trai bà được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng an toàn của Trung tâm huấn luyện bay (Binh đoàn 18). Ba tháng sau, vào sáng ngày 18-10-2016, phi công Minh hướng dẫn hai học viên điều khiển máy bay trực thăng EC 130-T2 số hiệu VN-8632 của Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18) tại núi Dinh thuộc địa phận huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Máy bay bị mất liên lạc lúc 8 giờ 3 phút tại phía nam điểm cao 525 núi Bao Quan (huyện Tân Thành) trên độ cao khoảng 70m. Sau hơn một ngày tìm kiếm, chiếc máy bay và 3 sĩ quan trẻ được tìm thấy, tất cả đều đã hy sinh.

Nhận được tin dữ, bà Thuỷ chết lặng trong đau đớn. Vết thương trong lòng bà chưa kịp lành trở lại bỗng tiếp tục ứa máu. Mất hai người quan trọng trong cuộc đời, bà Thuỷ thấy cuộc sống chênh vênh, hẫng hụt. Nhưng thương con dâu và hai cháu nội còn nhỏ dại, một lần nữa, bà cố nén đau thương để đứng vững. Bởi lúc đó, bà là điểm tựa duy nhất cho cả gia đình.

11 năm 6 tháng 9 ngày sau khi người cha Dương Văn Thanh hy sinh, con trai Dương Lê Minh cũng anh dũng ra đi. Lúc hy sinh cha 47 tuổi, còn con chỉ mới ở tuổi 32. Cha đã cống hiến 29 năm công tác với 2.195 giờ bay trên bầu trời, con trai sau hơn 14 năm đã thực hiện gần 4.000 giờ bay. Bà Thuỷ nhớ kĩ những con số ấy hơn là những phút giây ít ỏi mà chồng và con trai được sum họp cùng gia đình. Sau những mất mát không gì bù đắp được, tháng 7-2018, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Không trải qua những tháng ngày trông ngóng chồng con mòn mỏi trong khói lửa chiến tranh, người mẹ ấy phải hứng chịu những nỗi đau đột ngột như sét đánh ngang tai khi đất nước đã im tiếng súng.

Họ đã hóa thân vào những vầng mây trắng… -0

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Minh Thủy giờ là điểm tựa duy nhất cho con cháu. 

Nhớ thời điểm tháng 7-2020, bà Thuỷ được ra Hà Nội dự lễ "Gặp mặt đại biểu  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc". Thật vinh dự khi bà là một trong số 300 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đi dự lễ trong số gần 5 nghìn Bà mẹ còn sống. Được gặp nhiều bà mẹ trên khắp mọi miền Tổ quốc, có mẹ đã trăm tuổi, tóc bạc trắng, chống gậy từng bước mà nước mắt bà Thủy tuôn rơi vì xúc động. Bà xót xa khi nhận ra rằng, để mang lại độc lập, tự do, bình yên cho Tổ quốc, rất nhiều người mẹ trên khắp dải đất hình chữ S này đã sống trong buồn đau pha lẫn niềm tự hào khi dâng hiến những người thân cho sự nghiệp chung.

Giờ đây, ở tuổi 58, bà Thuỷ sống một mình ở ngôi nhà mới tại số 117 đường Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang. Niềm an ủi còn lại trong cuộc đời bà là cô con gái Dương Lê Vân tự lập, học hành giỏi giang giống anh trai Dương Lê Minh, hiện đang sống và làm việc ở nước ngoài; là hai cháu nội đang dần khôn lớn hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian này dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhớ và lo lắng cho các con, các cháu mà bà cứ thấp thỏm đêm ngày. Bà chỉ mong dịch giã sớm qua nhanh, để con gái được trở về Việt Nam thăm mẹ, để bà được đi thăm cháu nội. Rồi bà sẽ trở ra Thanh Hoá, Ninh Bình thắp hương cho ông bà tổ tiên, thăm họ hàng làng xóm như bao năm qua bà vẫn đều đặn đi về.

Dù cô đơn giữa đất trời Nha Trang, nhưng bà không muốn rời xa mảnh đất đã lưu giữ tất cả những kỉ niệm của gia đình bà. Những hoài niệm về người chồng và con trai, dù bà có cố quên đi, nhưng mỗi tình huống nhỏ trong cuộc sống thường ngày đều khiến lòng bà trỗi dậy những nhớ thương. Bà yêu bầu trời Nha Trang, bởi ở đó, chồng và con trai bà đã hoá thân vào những vầng mây trắng, trôi êm đềm và giữ yên bầu trời Tổ quốc Việt Nam.

Huyền Châm
.
.
.