HANIFF VII: Cơ hội để để điện ảnh Việt “cất cánh ?”

Thứ Ba, 12/11/2024, 13:24

Ra đời sớm nhất trong các liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) trở lại với khẩu hiệu “Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh”. Hy vọng, Liên hoan sẽ là cơ hội để điện ảnh Việt giao lưu, gặp gỡ với bạn bè quốc tế và mở ra những cơ hội “cất cánh” cho phim Việt.

Quảng bá phim Việt

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, HANIFF VII nhằm giới thiệu và tôn vinh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của quốc tế và Việt Nam đến với khán giả yêu điện ảnh trong và ngoài nước, đồng thời tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam với thế giới, hội nhập thị trường điện ảnh quốc tế. Đây cũng là dịp tốt quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách; Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; đồng thời định vị thương hiệu điện ảnh Việt Nam gắn với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng như Hà Nội.

HANIFF VII: Cơ hội để để điện ảnh Việt “cất cánh ?” -0
Phim tham gia Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết, năm nay có 117 tác phẩm điện ảnh đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ hội tụ, được chọn lựa từ gần 500 tác phẩm đăng ký tham dự. Khán giả Thủ đô sẽ được gặp gỡ, thưởng thức những sáng tạo từ các nền điện ảnh tiêu biểu như Hoa Kỳ, Pháp, Thụy Điển, Nga, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ, Thái Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Iran…

Ban tổ chức “chiêu đãi” phim miễn phí cho khán giả tại hệ thống rạp Trung tâm Chiếu phim quốc gia, BHD Star Cineplex, CGV Mipec Tower. Ngoài ra, có 3 buổi chiếu phim ngoài trời và giao lưu với các ngôi sao điện ảnh tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Bên cạnh đó, HANIFF VII còn có nhiều hoạt động chuyên môn giá trị như hội thảo “Tiêu điểm điện ảnh Đức”, “Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học”; triển lãm “Các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh”; Chợ dự án phim và nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ, trao đổi điện ảnh hấp dẫn.

Không chỉ thưởng thức các tác phẩm điện ảnh thế giới, HANIFF VII còn là dịp để công chúng thưởng thức những tác phẩm điện ảnh nước nhà và quảng bá nền điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, tại liên hoan lần này chỉ có bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tham dự hạng mục Phim dài dự thi, đồng thời phim cũng được chọn chiếu mở màn liên hoan phim. Tác phẩm của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa có những suất chiếu sớm từ ngày 25/10 và chính thức công chiếu trên toàn quốc từ ngày 1/11. Bộ phim nhận được sự khen ngợi của giới chuyên môn, báo chí và đông đảo khán giả.

HANIFF VII: Cơ hội để để điện ảnh Việt “cất cánh ?” -0
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được đông đảo bạn bè quốc tế tham dự.

Chia sẻ cảm xúc khi được lựa chọn là đại diện duy nhất của nước chủ nhà tham gia hạng mục Phim dài dự thi của HANIFF VII, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết, đây là một cơ hội tuyệt vời để bộ phim đến gần hơn với quý khán giả, bạn bè quốc tế và những nhà làm phim, người quan tâm đến điện ảnh. “Việc được chọn là phim mở màn cũng là vinh dự rất lớn với “Ngày xưa có một chuyện tình”. Tôi tin rằng, thông điệp ý nghĩa về tình yêu, tình bạn trong bộ phim có thể chạm đến cảm xúc của người xem. Bối cảnh phim tại Phú Yên những năm 1990 cũng là một yếu tố rất Việt Nam để giới thiệu với các đoàn phim quốc tế”, đạo diễn bày tỏ.

Bên cạnh “Ngày xưa có một chuyện tình”, khán giả Thủ đô và giới yêu điện ảnh còn được thưởng thức hơn 40 tác phẩm điện ảnh Việt Nam tại liên hoan lần này. Tuy nhiên, danh sách chiếu phim cũng lặp lại list phim ở Liên hoan Phim Quốc tế Đà Nẵng vừa diễn ra hồi tháng 7 như “Đào, phở và piano”, “Mai”, “Nhà bà Nữ”, “Bà già đi bụi”, “Bên trong vỏ kén vàng”, “Cám”, “Gặp lại chị bầu”, “Hồng Hà nữ sĩ”, “Kẻ ăn hồn”, “Làm giàu với ma”, “Móng vuốt”, “Quỷ cẩu”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Vầng trăng thơ ấu”… và nhiều phim hoạt hình, phim tài liệu đặc sắc. Liên hoan lần này, không có một ngôi sao nào của thế giới đến Việt Nam tham dự, vì một phần kinh phí eo hẹp và thời điểm tổ chức cuối năm các ngôi sao sẽ vướng nhiều lịch. Điểm này cũng có thể là một hạn chế của Liên hoan phim khi chưa được xã hội hóa nguồn kinh phí.

 Việt Nam có quá nhiều liên hoan phim?

Quả thật, chưa bao giờ ở Việt Nam lại có nhiều liên hoan phim đến thế. Cùng thời điểm HANIFF VII là Liên hoan phim Nhật Bản ở Việt Nam diễn ra từ ngày 1/11 - 28/12 tại bốn thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Ngay sau HANIFF VII là Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam, diễn ra trong hai tuần (14 - 28/11) ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Khán giả được "chiêu đãi" 18 tác phẩm điện ảnh mới của châu Âu, trong đó có những phim được gửi đi tranh giải Oscar như “Cô bé trầm lặng”(Ireland),“Sân chơi”(Bỉ)... Trước đó có Liên hoan phim Ý 2024, Liên hoan phim Đức: KinoFest 2024, Salon điện ảnh Đài Loan 2024; Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững "Lên tiếng cho mai sau", Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam...

Dù hè 2025 mới tổ chức nhưng Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng cũng đã khởi động và có thông tin đến báo giới từ bây giờ.Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng vừa qua đã ký biên bản ghi nhớ khẳng định sự hợp tác tổ chức giữa giai đoạn 2025 - 2030, để xây dựng thương hiệu DANAFF trở thành một sự kiện điện ảnh uy tín ở châu Á và thế giới. DANAFF III dự kiến diễn ra từ ngày 29/6 tới 5/7/2025 tại TP Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có Liên hoan phim quốc tế thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2.

HANIFF VII: Cơ hội để để điện ảnh Việt “cất cánh ?” -0
Một bộ phim tạo được ấn tượng tại HANIFF VII.

Việc xuất hiện nhiều liên hoan phim sẽ tạo cơ hội cho các nhà làm phim Việt Nam giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế. Bên cạnh phim nội địa, khán giả Việt còn được thưởng thức những bộ phim đa dạng, đa phong cách của thế giới, từ đó nâng cao thẩm mỹ cho người dân trong việc tiếp cận những tiếng nói mới trong điện ảnh.

“Liên hoan phim mang đến nguồn năng lượng tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo và kết nối điện ảnh Việt với thế giới. sự xuất hiện của các liên hoan phim ở Việt Nam cho thấy một nền điện ảnh đang từng bước phát triển và hội nhập”, Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng của các liên hoan phim như thế nào để đạt được những hiệu quả như kỳ vọng.

Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, trên thế giới có hơn 10.000 liên hoan phim. Vì thế, ở Việt Nam có bao nhiêu liên hoan phim không quan trọng mà quan trọng là chất lượng của các liên hoan phim cần được nâng tầm quốc tế để thu hút các nhà làm phim uy tín đến tham dự.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Nếu so với thế giới, Việt Nam tổ chức và phát triển liên hoan phim quốc tế rất chậm. Nhưng rõ ràng, trong xu thế điện ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, việc tổ chức các liên hoan phim quốc tế rất quan trọng, bởi đây là nơi để những nhà làm phim độc lập, nhà làm phim nghệ thuật có cơ hội phát triển, qua đó nâng vị thế cho các nhà làm phim. Đồng thời, tại các liên hoan phim quốc tế còn có nhiều workshop, các chương trình tài trợ cho các nhà làm phim, đây chính là cơ hội để các nhà làm phim trẻ tìm nguồn kinh phí cho các dự án phim của mình".

Vì vậy, "vấn đề bây giờ là cần nâng cấp chất lượng của những liên hoan phim quốc tế do Việt Nam tổ chức", đạo diễn Phan Đăng Di cũng khẳng định.

Mỹ Hiền
.
.
.