Gia đình người Pa Cô có 3 anh hùng
Ngày 13/9/2023, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân người Pa Cô Hồ A Nun đã ra đi ở tuổi 80 tại quê nhà (ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ông là người đã đi vào lịch sử khi gùi tới 179 tấn vũ khí vượt núi rừng Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ.
Nhưng, ngoài Hồ A Nun, gia đình này còn có Hồ Kan Lịch (chị gái) và Hồ Đức Vai (chú ruột) được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND).
1. Với đồng bào dân tộc Pa Cô ở miền núi A Lưới, ông Hồ A Nun được xem như một "huyền thoại" khi bằng ý chí, sức mạnh và lòng căm thù giặc, ông đã trở thành người anh hùng gùi vũ khí, súng ống, đạn dược, lương thực dọc tuyến đường Trường Sơn.
11 tuổi, Hồ A Nun đã tham gia làm liên lạc cho cách mạng địa phương. Sau ba năm làm liên lạc, A Nun làm trinh sát ở huyện Phong Điền. Khi Đoàn 559 thành lập để vận chuyển đạn dược, hàng hóa vào Nam, A Nun tình nguyện tham gia gùi, thồ hàng trên tuyến đường Trường Sơn đi qua huyện A Lưới.
Theo tư liệu của Đoàn 559, trong mùa khô năm 1960-1961, Hồ A Nun đã cùng với Đoàn vận chuyển 30 tấn vũ khí, đảm bảo lương thực cho gần 2.000 cán bộ vào chiến trường. Sau khi Bộ Chính trị quyết định mở rộng hành lang vận chuyển Bắc - Nam, nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào Nam, Hồ A Nun cùng với đồng đội đóng quân ở vùng Pathet, Lào, được biên chế vào Trung đoàn 220 của Hậu cần Quân khu 5, nhận nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ Quảng Trị vào Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Vùng Pathet là vùng rừng sâu, núi cao, đường dốc đi lại hiểm trở, bộ đội thường bị sốt rét hành hạ. Để gùi được súng và đạn dược vào chiến trường, Trung đoàn 220 phải băng rừng đi liên tục trong nhiều ngày trời. Với vai trò là B trưởng Quân khu 5 của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 220, Hồ A Nun luôn xung phong dẫn đầu đoàn. Dưới mưa bom, bão đạn của quân địch nhưng có thời điểm A Nun gùi được 192 kg trên lưng với 4 đầu đạn hơn 100kg cùng súng, bom mìn, lương thực. Với sức khỏe phi thường, ông đã gùi số súng đạn này băng rừng vượt núi, bơi qua suối, vượt đồi dốc trên Trường Sơn với chiều dài 30km. Theo thống kê, từ năm 1961 đến 1969, Hồ A Nun đã gùi tổng cộng 179 tấn vũ khí, lương thực, đạn dược, tương đương sức vận chuyển của một… đoàn xe chiến lược. Thời điểm ấy, Hồ A Nun được báo chí trong và ngoài nước ngợi ca là người lập kỷ lục về gùi đạn dược, lương thực cho chiến trường. Với những kỳ tích và chiến công đó, cuối năm 1969, Hồ A Nun được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đinh Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc cho biết, sau ngày đất nước giải phóng, ông Hồ A Nun được ra Bắc học tập rồi trở lại quê hương làm cán bộ dân quân tỉnh Bình Trị Thiên, sau đó làm cán bộ tuyển quân Ban Chỉ huy quân sự huyện A Lưới. Năm 1988, ông làm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện đội A Lưới. Sau đó, ông tham gia công tác tại địa phương và làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên- Huế cho đến lúc nghỉ hưu năm 2003.
"Khi tham gia công tác Mặt trận, là người có uy tín trong cộng đồng nên tiếng nói của ông Hồ A Nun luôn được bà con lắng nghe, làm theo. Những năm qua, ông đã có nhiều công lao đóng góp để cùng với người dân địa phương xây dựng vùng đất Hồng Bắc nói riêng và A Lưới nói chung khởi sắc như ngày hôm nay", ông Đinh Viết Cường chia sẻ.
2. Ngoài Hồ A Nun, ở huyện A Lưới còn có 2 Anh hùng LLVTND là ông Hồ Đức Vai và bà Hồ Kan Lịch. Trong đó, bà Hồ Kan Lịch (SN 1943, chị ruột của ông Hồ A Nun), là nữ du kích đầu tiên ở Trường Sơn bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường.
Trong ngôi nhà ở thị trấn A Lưới, dù đang đau buồn trước sự ra đi của người em trai nhưng bà Kan Lịch vẫn cởi lòng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đánh giặc của đồng bào Pa Cô.
"Khi mới 11 tuổi A Nun đã theo chú Hồ Đức Vai làm liên lạc cho quân giải phóng ở khu vực xã Thượng Ninh. Thấy chú tham gia du kích, A Nun xin theo dù biết có thể bị địch bắt bất cứ lúc nào. Thế nhưng, do thông thuộc địa hình rừng núi, bản tính lại nhanh nhẹn nên A Nun được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm liên lạc, vận chuyển công văn quan trọng", bà Kan Lịch bồi hồi nhớ lại.
Riêng Kan Lịch năm 14 tuổi đã nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho cơ sở cách mạng ở xã Thượng Ninh (nay là xã Hồng Bắc) để chuyển thư từ, công văn. Đến năm 1961, Kan Lịch tham gia đội du kích của xã Hồng Bắc. Vì sợ con gái bị thương, mất đi tay chân rồi khó lấy chồng nên lúc ấy bố mẹ bà ra sức can ngăn. Phải thuyết phục mãi thì gia đình mới cho bà Kan Lịch đi làm du kích.
"Trong năm 1964, đội du kích Hồng Bắc do tôi trực tiếp chỉ huy đã bắn rơi máy bay Mỹ. Trong trận phục kích này, tôi cùng 4 chiến sĩ trong đội du kích Hồng Bắc vào phục sát sân bay A Lưới, nhịn đói, nhịn khát, kiên trì mai phục suốt 3 ngày, sau đó dùng súng trường bắn trúng thùng xăng khiến máy bay bốc cháy cách nơi xuất phát khoảng 1km", bà Kan Lịch kể. Những năm sau đó, bà Kan Lịch tiếp tục lãnh đạo đội nữ du kích Hồng Bắc với tổng số 160 người và tổ chức đánh 49 trận lớn nhỏ.
Cùng với chiến công bắn rơi máy bay địch bằng súng trường, trong thời gian 1961-1965, Kan Lịch đã trực tiếp tiêu diệt nhiều địch, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh. Với những thành tích xuất sắc trên, bà đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1967. Đặc biệt, nữ anh hùng Kan Lịch vinh dự được 7 lần ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 5/1968, Quân khu Trị Thiên đưa Kan Lịch ra Hà Nội thì bà không may bị mắc sốt rét ác tính phải nằm điều trị một tháng. "Sau khi điều trị lành bệnh, tôi vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác mời ăn cơm cùng”. Sau chuyến đi đáng nhớ ấy, khi trở lại chiến trường, nữ anh hùng Kan Lịch cùng với đồng đội tiếp tục tham gia đánh giặc, lập nên nhiều chiến công.
3. Không chỉ chú ruột của hai người cháu Anh hùng, ông Hồ Đức Vai còn là người dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng LLVTND vào năm 1965 và 5 lần được gặp Bác Hồ. Đặc biệt, anh hùng Hồ Đức Vai là người đầu tiên của đồng bào Pa Cô tự nguyện mang họ Hồ và được Bác Hồ đặt tên là Hồ Đức Vai, sau đó đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã theo ông mang họ Hồ. Chính ông là người đã truyền nhiệt huyết, ý chí cách mạng, tinh thần đánh giặc ngoan cường cho 2 người cháu ruột của mình cùng đồng bào Pa Cô ở dãy Trường Sơn trong những năm tháng kháng chiến.
Năm nay đã sang tuổi 85, nhưng khi nhớ lại những trận đánh giặc năm xưa, ông Hồ Vai vẫn còn nhớ như in. Nhấp ngụm trà đắng, hướng ánh mắt ra vườn cây trĩu quả, ông kể: "Những năm đầu 1960, Mỹ đổ quân về đóng tại đồn A So, xã Đông Sơn, tổ chức các cuộc càn quét và cho máy bay gầm rú, thả từng đợt bom liên hồi nhằm mục đích tiêu diệt du kích, làm nhụt chí chiến đấu của quân ta. Lúc này, tôi được cấp trên tín nhiệm bầu giữ làm Xã đội trưởng xã Thượng Ninh. Chỉ tính riêng năm 1961, tôi cùng đồng đội đánh 20 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Có lần tôi cùng đồng đội phối hợp với bà con các dân tộc bao vây đồn A So bắt sống 23 tên địch bao gồm cả chỉ huy". Năm 1965, ông Vai chỉ huy bộ đội địa phương đánh địch tại đồn A Lưới và năm 1966 đánh đồn A So thu thắng lợi lớn. Hồ Đức Vai là 1 trong 2 du kích người dân tộc thiểu số được mời dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam và được phong tặng Anh hùng LLVTND.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, nhờ phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", 3 Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai, Hồ Kan Lịch, Hồ A Nun đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, họ đã động viên, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn huyện ra sức học tập, thi đua lao động sản xuất, chung tay xây dựng quê hương đổi mới. Họ đã đem tâm huyết của mình đóng góp xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và đưa tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người đồng bào đến với các cấp.