Đùm nhau lành rách hỡi ai ơi

Thứ Năm, 01/12/2022, 09:52

Nhớ về năm tháng còn đi học, có lẽ một trong những hình ảnh yêu thương nhất, khó quên nhất đối với chúng ta còn là lúc nửa khuya giật mình tỉnh giấc. Thấy gì? Thấy mẹ còn ngồi vá/ khâu áo dưới ngọn đèn lờ mờ ánh sáng. Có bài học thuộc lòng hồi học lớp 3, sau hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn còn nhớ như in.

Nhớ rằng: “Vân chợt thức giấc. Lúc ấy đêm đã khuya. Đồng hồ trên tường thong thả buông mười một tiếng. Bên ngọn đèn dầu, bà Tám hãy còn thức. Chung quanh bà, ngổn ngang áo quần cũng như các mụn vải. Cặp kính trắng đeo trên mắt chễ xuống giữa sống mũi. Đôi vai gầy nhô lên, bà cặm cụi ngồi vá áo.

Đùm nhau lành rách hỡi ai ơi -0
Ảnh: ST.

Vân hỏi: - Má còn thức sao má?

Bà Tám buông kim xuống: - Má còn vá áo để mai con đi học chứ.

Vân thương mẹ quá. Nó thầm nghĩ: Giá ban sáng ta không giằng co với con Tố thì đâu có rách áo cho má phải cực nhọc?

Vân còn đang nghĩ vẩn vơ, bà Tám lại hỏi: - Mai nhớ nhắc má soạn lại xem còn áo mặc Tết không nhé”.

Sở dĩ nay vẫn còn nhớ. Nhớ như in. Sau này, khi đã lớn, áo đã rách, ai sẽ vá cho mình? Có nhiều câu trả lời nhưng tôi vẫn ấn tượng với ca từ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mà qua đó, có thể mở ra trong óc hình ảnh yêu thương rõ nét, chan chứa tình quân dân không chỉ một thời: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo”. Ôi, lòng mẹ Việt Nam đã theo chúng ta trên mỗi chặng đường đời.

Rồi năm 2008, khi sang Mỹ, lần nọ tôi lại bắt gặp một câu nói thơ dại, đáng yêu và ngộ nghĩnh. Rằng, lúc đến thăm nhà người bạn, hôm ấy trời mưa tầm tã, từ ngoài sân, chủ nhà mặc áo mưa đẩy cửa bước vào, con gái anh nhìn thấy và kêu lên: “Ba ơi, áo của ba bị bể rồi”. Tôi hiểu, áo mưa của anh bị rách, không còn lành lặn. Trái nghĩa với lành, tất nhiên còn là bể nhưng trong trường hợp này nghe lạ tai quá. Có những vật dụng bị bể/ lủng, muốn vá lành lặn người ta phải hàn. Với từ hàn, thời bé xíu ở Đà Nẵng, tôi đã nghe câu hò:

Chợ cũ đã lâu sao kêu chợ Mới

Chợ không lủng sao gọi chợ Hàn?

Đố trò mô đối đặng nữ nàng ta theo không.

“Theo không” là nàng đi theo chàng mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào. Xưa nay, chợ Mới nằm trên đường Trưng Nữ Vương, chợ Hàn ở ngay gần sông Hàn. Đối lại ra làm sao?

Sông đực đâu mà bắc cầu qua sông Cái

Sông đẻ bao giờ mà gọi sông Con?

Cả đối lẫn đáp đều hay. Thú vị. Dễ nhớ. Hàn là nối lại cho liền, bít lại chỗ thủng đối với vật dụng bằng kim loại. “Ráp hai mối kim loại dính liền nhau nhờ sự nóng chảy của một kim loại đồng chất hay dị chất”, theo “Việt Nam tự điển” (1970). Thế nhưng thật oái ăm, ở Nam Bộ còn dùng từ hàn theo nghĩa cách ngăn - “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết: hàn rạch (ngăn rạch, hoặc đắp chận giữa rạch); hàn cửa (ngăn cửa biển); hàn sông (trồng cây, giăng dây mà ngăn sông, không cho tàu giặc vào phía trong)… Ngạc nhiên chưa?

Đang vui, xin kể thêm một giai thoại văn nghệ dân gian cực độc cũng ở Quảng Nam, nay nhiều người vẫn còn kể cho nhau nghe lúc “buôn dưa lê”. Rằng, ngày xửa ngày xưa có nho sinh tên Hàn cực giỏi về hát đối đáp, phen nào có chàng xuất hiện là các o thôn nữ khó lòng đáp trả nổi. Thế nhưng lần nọ, chàng đã “nốc ao” cái rẹt khi nghe câu hò cất lên như thế này:

Quần em rách dọc rách ngang

Thầy liệu thầy hàn, em trả công cho

Liệu là tìm cách, tính toán trước xem có được hay không. Vậy, quần bằng vải/ lụa/ gấm/ đũi… có hàn được không? Tất nhiên là không, chỉ có thể dùng vá lại bằng kim chỉ. Câu hò này “độc” ở chỗ sử dụng danh từ riêng là Hàn như một động từ mà hàn cái gì? Hàn quần rách của phụ nữ thì… đau quá. Yêu cầu chi mà cắc cớ ghê, vậy, cũng cắc cớ hỏi thêm rằng, nếu bầu trời bị… rách, có vá được không? Hỏi kỳ cục. Không đâu. Vui thôi mà. Rằng, ngày xửa ngày xưa ở xứ Nghệ có chàng nọ làm nghề phá núi, lấy đá. Ngày nọ, cũng theo bạn bè đi hát ví, lúc chàng mới thò mặt đến, có cô nàng trêu:

Đố ai đội đá vá trời

Ai chôn con nuôi mẹ, ai khóc trời cho măng lên?

Chữ nghĩa không bao nhiêu, lại không đọc Nhị thập tứ hiếu nên chàng ta ngắc ngứ. Không trả lời được. Cáu ba xương sườn, trong lúc bí rị, sượng trân, anh chàng bực mình buột miệng:

Sự đâu có sự lạ đời

Đá em leo thì có, đá vá trời có đâu?

Câu trả lời chẳng có gì ghê gớm. Nhưng cớ sao thiên hạ lại cười ồ lên?

Thông thường, với từ bể là người ta dùng khi nói đến vật dụng làm bằng đất nung như bát chén, chai lọ… Ngay cả đồng tiền ngày xưa làm bằng hợp chất kim loại cũng có thể bị bể: “Tiếng đồn cha mẹ anh hiền/ Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai” v.v… Về câu tục ngữ “Bát bể đánh con sao lành” còn có cách nói mà Google đã ghi nhận: “Bát bể đánh con sao đành”, dị bản này không đúng vì nó đã phạm vào nguyên tắc đối xứng mà tục ngữ vốn thường sử dụng trong phạm trù trái nghĩa như “bể - lành”.

Cũng là bể nhưng “bể nghể” thì sao? Dám nói chỉ trong Nam mới có từ này, vâng, “Việt Nam từ điển” (1931) đã xác định “tiếng trong Nam/ tiếng Nam Kỳ, nói về sự đau xương mình như nói: Đau bể nghể”. Thế nhưng, hiện nay, theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) lại là: “Gây sự kiếm chuyện để chọc tức, gây rối, phiền hà: Tụi nó định bể nghể với tớ nhưng không được”. Cách giải thích này cần xem lại, bằng chứng là “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cũng cho rằng: “Bể nghể: Bộ rã rời. Thường nói về đau mình đau xương. Đau bể nghể thì là đau rêm cả thân mình”.

Có người hí hửng “bà tám”: “Bíết tin gì chưa? Vợ anh X vừa bể bầu”, là hàm ý nói về chuyện sinh nở. Hoặc anh chàng nọ khoe: “Thằng nhóc nhà mình vừa bể tiếng” là ý nói con mình vừa sắp tới tuổi trưởng thành. Ai đó than phiền: “Do hắn ta mà mọi việc bể dĩa/ bể bạc hết trọi” được hiểu là tiếng lóng nhằm chỉ công việc đó thất bại nửa chừng, không còn cách nào “cứu vãn tình hình” được nữa. Ngoài ra, bể còn nhiều nghĩa khác nữa. Thế nhưng khi đọc câu thơ Kiều: “Sá chi một chút bèo mây/ Làm cho bể ái khi đầy khi vơi” thì bể này chính là biển. Mà, bể cũng là vỡ, chẳng hạn “Gương vỡ lại lành”, “Lành làm gáo, vỡ làm môi”… Với từ môi trong ngữ cảnh này, còn có cách ghi tương tự là “muôi” - vật dụng múc canh, múc cháo, trong Nam gọi là “vá”.

Vá có nhiều nghĩa, tùy ngữ cảnh. Có lẽ nhiều người ở trong Nam vẫn còn nhớ đến cụm từ “ba vá miểng vùa”. Vẫn còn nhớ về năm tháng hoa niên, lúc mình như nhân vật trong ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Bắc Sơn: “Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng dừa đường mòn xưa”. Trước hết, ta thử tìm hiểu “vùa/ miểng vùa” là gì? Với từ miểng, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích: “Một tấm, một miếng, một vật gì tách ra, bể ra”, ta hiểu là “mảnh” như miểng sành/ mảnh sàng, miểng ve chai/ mảnh ve chai…

Còn vùa?

Vùa là hùa, là cùng nhau, đua nhau, ồ ạt làm theo một việc gì đó mà không suy nghĩ chín chắn; chứ không phải theo nghĩa là một phe, một nhóm, một phồn/ một phường như ai đó bảo: “Chúng nói về hùa với nhau”. Còn “vùa/ vùa công” là nhiều người cùng giúp công giúp sức cho công việc nặng nhọc, khó nhọc nào đó để mau chóng hoàn thành; nay mình giúp họ, rồi mai kia khi mình có chuyện thì họ lại giúp, bà còn chòm xóm giúp qua giúp lại, trong Nam gọi “vần công”. Truyện thơ Lục Vân Tiên, có đoạn Kiều Nguyệt Nga thốt lên: “Thương vì đôi lứa chưa thành/ Vùa hương bát nước ai dành ngày sau?”. Từ vùa này, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Vùa hương: Cái lư hương, đồ để mà thờ vong hồn”. Rõ ràng, các nghĩa này không thể áp dụng cho “ba vá miểng vùa”.

Vậy, nghĩa là gì?

Ở trong Nam, người ta còn dùng cái sọ dừa đã bể nhưng mảnh/ miểng còn lớn để xúc gạo - xem như một dụng cụ tương tự cái lon sữa bò, lon bơ và gọi đó là “vùa/ vùa gạo” - “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) đã ghi nhận. Vùa là dụng cụ đong/ lường: “Nước trong khỏa múc một vùa/ Thương em cho trọn một mùa tháng giêng” (ca dao). Tóm lại, trong ngữ cảnh của ca từ trên, “miểng vùa” được ngầm hiểu là miểng dừa (do liên tưởng từ dụng cụ vùa / vùa gạo mà ra); “vá” là chòm tóc mà khi cắt/ hớt, gọt tóc cho trẻ con còn chừa lại trên đầu, thường giữ lại tóc phía trước cái thóp và hai bên phía sau  - trông như ba miểng dừa úp trên đầu. Thế nhưng có một điều thú vị “ba vá miểng vùa” ấy, ngoài Bắc lại dùng từ mà trong Nam ít người biết đến: “cái cút/ cun cút”, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: “Cun cút: Túm tóc chừa lại ở chỗ chóp hoặc ở sau gáy của em bé, sau khi cạo trọc đầu, theo kiểu để tóc trước đây: Tóc để cun cút”.

Như đã biết trái nghĩa với lành là bể/ vỡ, nhưng không chỉ có thế, tùy trường hợp còn có thể dùng từ mẻ nhằm chỉ vật dụng nào đó bị sứt, vỡ một chút hay nhiều vết chút xíu khiến không còn lành/ lành lặn như răng mẻ, chén mẻ, dao bị mẻ… ; tục ngữ có câu: “Ăn bát mẻ, ngủ chiếu manh” là chỉ ai đó nghèo nàn, túng thiếu. Nhưng “chua như mẻ” thì mẻ này lại là dùng cơm nguội để cho lên men tạo ra chất chua. Còn có thể kể thêm từ nữa là sẹo/ thẹo tỷ như gương mặt của ai kia không còn lành lặn: “Nước ròng bỏ bãi xà cừ/ Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”.

Rõ ràng phải còn tùy vào ngữ cảnh cụ thể, người Việt có cách sử dụng từ trái nghĩa khác nhau. Rất linh hoạt. Thí dụ, “lành - đau”: “Làm khi lành để dành khi đau”, lành này lại hiểu là lúc khoẻ mạnh, không đau ốm. Một người bảo: “Bệnh tớ đã lành”, tức thông báo đã hết ốm đau, đã khỏe. “Lành - què”: “Lợn lành chữa thành lợn què” là đang khỏe re như “con bò kéo xe” bỗng nhiên lại xi cà que. “Lành - dở”: “Điều lành thì nhớ, điều dở thì quên”, lành ở đây có nghĩa là những điều tốt đẹp, hanh thông trái ngược với những điều hắc ám, xúi quẩy. Tương tự “Có kiêng có lành”, “Ở hiền gặp lành”, “Một câu nhịn chín câu lảnh” - lành này là chỉ sự may mắn, tốt đẹp, hòa hợp…

Vì một lý do gì đó, vợ chồng giận nhau, không muốn nhìn bà xã lúc nào cái mặt cũng bí xị như đeo đá, anh chồng bèn xuống mước “làm lành”, ta hiểu là làm hòa, giảng hòa với vợ đang giận mình. Trong trường hợp này, hí hỏm tức cười vẫn là kinh nghiêm: “Mù u ba lá mù u/ Vợ chồng hờn giận, con... giảng hòa”. Lành còn hàm nghĩa là hiền/ hiền lành: “Gần chùa gọi bụt bằng anh/ Trông thấy bụt lành hạ xuống đất chơi”.

Ngoài ra còn có “lành - ác”, chẳng hạn có người hỏi: “Khối u anh Z thế nào?”, câu trả lời: “May quá, lành chứ không ác”. “Lành - rách”: “Rượu ngon bất luận ve sành/ Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”. Lành - rách còn nhằm chỉ sự giàu nghèo mà tinh thần tương thân tương trợ của người Việt ngàn đời vẫn là “Lá lành đùm lá rách”. Nhà thơ Tản Đà đã khái quát: “Hai chữ đồng bào ân nghĩa nặng/ Đùm nhau lành rách hỡi ai ơi” là hiểu theo nghĩa này.

Mà, từ rách này cũng “lôi thôi” lắm đây, thí dụ, bạn bè thân thiết lâu nay gặp lại, anh A hỏi: “Dạo này thế nào?”, anh B thở dài: “Rách lắm” lại hiểu là đang túng thiếu, xu không xủng xẻng, không có đồng ra đồng vào… Nếu rách đã du nhập vào tiếng lóng thì lành cũng thế. Trong tập phóng sự tiểu thuyết “Lành rách” (NXB Vĩnh Sơn-1969) in tại Sài Gòn của nhà văn Thanh Thương Hoàng, có câu: “Từ một cô gái con nhà lành một trăm phần trăm, Liễu Tóc Dài ddương nhiên trở thành me Mỹ chính cống” (tr. 158). “Con nhà lành” đích thị là con nhà tử tế, ăn học đàng hoàng, nề nếp gia phong… Trái ngược với lành của trường hợp này là hư: “Mèo lành ai nỡ cắt tai/ Gái hư chồng bỏ khoe tài làm chi”.

Một khi vật dụng nào đó, có tính cách giòn, nếu vỡ, bể ắt sẽ nát. Ta có từ trái nghĩa “lành - nát”, thí dụ câu thơ của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ sử dụng từ rất chính xác: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Mà, đôi khi từ lành ấy, lại được thay thế bằng từ liền: “Hát cho sấm động mưa sa/ Hát cho gương vỡ làm ba lại liền” (ca dao). Lành còn có từ trái nghĩa nào nữa không? Có chứ. “Lành - dữ”, thí dụ, “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa/ Tiếng lành tiếng dữ đồn ba ngày đường”; “lành - độc”, chẳng hạn trong tùy bút “Nước về biển cả”, nhà báo Lưu Quý Kỳ viết: “Trời cao biển rộng, không phải chỉ có gió lành. Nhưng gió độc qua nhanh, gió lành ở lại”; hoặc “lành - tật” như tục ngữ có câu: “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”... 

Lê Minh Quốc
.
.
.