Độc đáo ngôi nhà bom nơi chiến trường xưa

Thứ Bảy, 27/07/2024, 21:12

Những ngày tháng 7, trên con đường mòn Hồ Chí Minh, những đoàn xe từ khắp cả nước nối nhau hướng về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nơi có hàng vạn mộ phần liệt sĩ yên nghỉ. Hòa vào hành trình tri ân, chúng tôi cũng chung niềm xúc động khi đặt chân tới mảnh đất thiêng. Và bất ngờ, khi chạm cột mốc Km 1063 thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị, ngay cạnh Nghĩa trang, chúng tôi bắt gặp một không gian đặc biệt: Nhà bom. 

Ngôi nhà hòa bình

Trời Quảng Trị tháng 7 nắng như đổ lửa. Bên những mộ phần liệt sĩ, chúng tôi lặng lẽ thắp nén hương thơm, cầu cho những người con của mọi miền quê Việt Nam đã hy sinh trên khắp các nẻo đường Trường Sơn yên nghỉ giữa gió núi mây ngàn. Trưa ấy, nghỉ chân, chúng tôi ăn “bữa cơm kí ức” tại nhà bom với rau rừng, cá suối - những món ăn giản dị của bộ đội Trường Sơn một thời. Từ ngoài trời nắng gắt, bước vào nhà bom là một không gian thoáng rộng, mát mẻ và trưng bày rất nhiều kỉ vật chiến tranh.

Độc đáo ngôi nhà bom nơi chiến trường xưa -0
Cột nhà bom gồm các vỏ bom được hàn lại với nhau chắc chắn.

Có lẽ hiếm có nơi nào trưng bày số lượng vỏ bom lớn như ở đây. Cổng nhà dựng bằng bom, hàng rào cũng được ghép bằng những vỏ bom, trong nhà ngoài sân đều hiện diện khoảng 300 vỏ bom đã được xử lý an toàn với đủ chủng loại, kích cỡ. Dưới bóng cây, ông Trần Công Chức - chủ nhân ngôi nhà ngồi lặng lẽ lau chùi, bảo quản vỏ bom đạn la liệt ngoài sân. Trên chiếc võng dù mắc dưới tán cây, chúng tôi ngồi nghe ông kể chuyện đời mình, chuyện về mảnh đất này và những bí ẩn của nhà bom.

Ông Chức sinh ra và lớn lên ở xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị, cách địa điểm dựng nhà bom 15 cây số. Cũng như bao người dân vùng đất lửa, ông Chức từng chứng kiến từng tấc đất quê mình bị bom đạn cày xới, những đau thương tang tóc bao trùm. Trung bình mỗi người dân Quảng Trị, trong đó có ông, những năm tháng chiến tranh phải hứng chịu nhiều tấn bom đạn trút xuống. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi chính ông mất mát người thân trong chiến tranh.

Đến tận lúc mất, mẹ ông – Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Quý vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau khi chồng và 1 người con hy sinh. Còn 5 người con khác của mẹ đã ra đi mãi mãi khi còn trẻ, người thì bị bom ném trúng hầm, người bị chết cháy. Nhà ông Chức, một năm có nhiều ngày giỗ. Có những ngày là ngày giỗ chung của nhiều người.

May mắn được sống cuộc sống hòa bình, ông Chức luôn canh cánh nỗi niềm muốn sưu tầm, lưu giữ những kỉ vật chiến tranh, để con cháu và nhiều thế hệ sau thấy rõ được cái giá của hòa bình hôm nay phải đánh đổi bằng xương máu cha ông. Đã 20 năm kể từ khi ông Chức bắt đầu công việc sưu tầm, tìm kiếm vật dụng trong chiến tranh. Hễ biết thông tin ở đâu có đồ đạc trong thời chiến tranh là ông tìm đến mua lại. Cũng có người vì cảm động trước việc ông làm mà tặng ông.

Hành trình đi tìm vỏ bom, chở bom về nhà của ông Chức không hề nhẹ nhàng, đơn giản. Biết ông chuyên sưu tầm bom nên nhiều người phát hiện ra vỏ bom là gọi điện báo cho ông. Thấy báo ở đâu có bom là ông lập tức lên đường. Những quả bom nặng hàng tấn ở cách nhà rất xa ông cũng tìm cách mua lại bằng được. “Trong đó, quả bom “khủng” nhất được phát hiện cách đây gần 20 năm, nằm lặng lẽ trong rừng cách nhà tôi 25km. Nhận được tin, tôi kéo cả xe trâu đi để mang bom về. Quả bom đó một phần bị móp lại, giờ đã là một phần của cột nhà bom”, ông Chức kể.

Dần dần, khi đồ vật chiến tranh chất đầy nhà, ông nghĩ đến việc phải dựng một không gian để trưng bày. Ông chọn mua đất cạnh nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Rồi ông cùng một số người bạn tự thiết kế, thi công nhà bom. Sau một năm, nhà bom được khánh thành đúng ngày 27/7/2023, đón khách tham quan miễn phí. Điều đặc biệt, không chỉ trưng bày, mà ông dùng chính vỏ đạn, bom để làm vật liệu dựng nhà. Toàn bộ các trụ của căn nhà đều là những cột bom. Dưới thấp là bom tấn, kế đến là bom tạ, càng lên cao, trọng lượng bom càng nhỏ dần. Các vỏ bom được hàn lại với nhau chắc chắn. Nhà được xây bằng gạch mộc, mái lợp lá rất thoáng và mát.

Trong không gian rộng rãi, ông trưng bày lớp lang hàng ngàn vật dụng chiến tranh, từ đạn bom, súng, vật dụng y tế, đồ nấu ăn, ba lô, bi đông nước đến những bánh xe tăng, chiếc mũ rơm. Ẩn giấu trong mỗi kỉ vật là những câu chuyện thời chiến mà có lẽ phải dành nhiều thời gian tìm hiểu mới nắm rõ được. Thẳm sâu trong không gian ấy là nỗi ám ảnh của một nhân chứng thời chiến, là nỗi đau của một người mất mát nhiều người thân.

Muốn dựng lên một không gian chân thực thời mưa bom bão đạn, ông Chức đã giữ nguyên trạng một hố bom cạnh nhà. Ông còn kì công đắp một căn nhà đất, lợp tranh theo đúng kích cỡ ngôi nhà thời chiến. Những căn nhà như thế ở khắp các làng quê Quảng Trị đã hứng chịu đạn bom, đã bao bọc biết bao người dân quê ông, đã bị san phẳng không còn dấu vết. Phía sau nhà, ông đào hầm chữ A, giao thông hào, dựng bếp Hoàng Cầm. Những kiến thức về lịch sử đã thấm một cách tự nhiên khi các cháu học sinh được trải nghiệm những không gian như thế.

Một năm qua, nhà bom đã thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, trong đó có cả những vị khách ngoại quốc. Khi những mảnh ghép kí ức chiến tranh trỗi dậy, có người trầm tư, có người xúc động bật khóc. Khi đó, ông hiểu rằng những cố gắng của ông đã không uổng phí.

Những khắc khoải giữa thời bình

Gần nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng thỉnh thoảng những ám ảnh chiến tranh vẫn dội lại trong thời bình. Cách đây chục năm, người chị của ông trong một lần đi cuốc ruộng đã cuốc phải quả bom bi. Quả bom phát nổ. Rất may là lưỡi cuốc chắn được nên quả bom nổ tạt về một hướng. Chị của ông chỉ bị thương, may mắn thoát chết trong gang tấc. Mới tháng trước, đơn vị thi công đường cao tốc ở Quảng Trị đã đào được những vỏ bom. Và những vỏ bom ấy cũng đã kịp “tập kết” về khu nhà bom này.

Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Chức chỉ về phía khu nhà đang dựng dở, bộc bạch: “Tôi dựng nhà lưu trú dành cho bà con từ phương xa đến viếng nghĩa trang Trường Sơn có thể ngủ lại qua đêm. Khi họ dừng lại đây đủ lâu, họ sẽ có thời gian tìm hiểu về vùng đất đau thương mà anh dũng này”. Trên gương mặt người đàn ông 55 tuổi, nét trầm tư luôn hiện hữu. Bởi trong ông, vết hằn đau thương từ quá khứ dường như quá sâu, và những tâm tư vẫn đang còn ở hiện tại.

Độc đáo ngôi nhà bom nơi chiến trường xưa -0
Ông Trần Công Chức ngồi lặng lẽ giữa những vỏ bom đạn la liệt ngoài sân.

Nhà bom nằm ngay cạnh sông Bến Hải, phía Nam cầu treo Bến Tắt. Cây cầu được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1986. Đây là cầu treo đầu tiên do lực lượng công binh Trường Sơn xây dựng với sự hỗ trợ của Chính phủ Cuba cuối năm 1973-1974 nơi Vĩ tuyến 17, ranh giới hai miền Nam - Bắc từ năm 1954. Cầu có chiều dài 100m, rộng 6m, hai mố cầu được đúc bằng bê tông cốt thép với hai khung sắt cỡ lớn dựng đứng được liên kết bởi 8 đường dây cáp treo, sức chịu tải 10 tấn. Cầu treo bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải, thay thế điểm vượt sông bằng ngầm Bến Tắt, góp phần đẩy mạnh tốc độ chi viện chiến trường miền Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Cây cầu lịch sử này bị lũ cuốn trôi vào năm 2005 và đã được phục dựng lại ngay trên vị trí của cây cầu cũ. Một điều đặc biệt, phía đối diện với cầu treo Bến Tắt là Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn – Bến Tắt. “Đền thờ được xây dựng năm 2011, nằm ngay sát Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Không có một mộ phần nào, đây là nơi thờ vọng hơn 13.000 liệt sĩ nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Con số này còn lớn hơn 10 nghìn mộ phần liệt sĩ đã tìm thấy hài cốt trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Nỗi day dứt vẫn còn đó”, giọng ông chùng xuống.

“Cốt nhục gửi Trường Sơn non cao thế mộ phần lưu giữ/ Hồn thiêng về Quảng Trị đất mẹ thay lăng tẩm chở che”. Đó là đôi câu đối nơi gian thờ chính của đền thờ vọng. Nghĩa là, hài cốt của các liệt sĩ gửi lại giữa núi rừng Trường Sơn thay mộ phần lưu giữ, linh hồn của các anh được đưa về đất mẹ Quảng Trị chở che.

Theo ông Chức, việc xây dựng đền thờ vọng sát nghĩa trang rất ý nghĩa, để những người đồng đội được về nằm gần bên nhau. Hiện đồng bào cả nước khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn còn ít người biết đến đền thờ vọng nằm ngay cạnh nên chưa nhiều người đến thắp hương vọng tưởng anh linh của các anh hùng, liệt sĩ còn nằm lại giữa đại ngàn. Ông Chức vẫn đều đặn vào thắp hương trong đền thờ vọng này. Sự hy sinh máu xương của các liệt sĩ vì đất nước, những người đang sống hôm nay không ai được phép lãng quên.

Huyền Châm
.
.
.