Diếm bót ông cò bóp bốp ông cẩm

Chủ Nhật, 17/03/2024, 11:20

Ta thử quan sát mẩu đối thoại trong quyển “Sài Gòn tạp pín lù” (NXB Hội Nhà văn - 1992) của học giả Vương Hồng Sển: “Nầy thầy Sáu! Hãy để đó, chạy tới bót ông Cò kêu lính lại đây tức thì, coi con mẹ này còn diếm cứng đầu cứng cổ hay không?”.

Với từ “bót”, ai cũng biết là vay mượn từ tiếng Pháp poste: đồn nhỏ canh gác của binh lính hay cảnh sát. Thế nhưng bót trong tiếng Việt miền Nam thì lại chỉ cái gì đó “còn khít rịt, chưa lỏng, chưa hở” - “Phương ngữ Nam Bộ” của Bùi Thanh Kiên cho biết thêm còn “có nghĩa là hoàn toàn, dùng kèm với với tính từ sạch, ngay - ngay bót, sạch bót”, suy ra “bót” này còn có từ tương đương là bong/ ngay bong/ sạch bong.

Ngộ thay, cái bót cảnh sát đó, người ta cũng viết “bốt”, như nhà văn Bùi Đức Ái viết trong “Một chuyện ghi chép ở bệnh viện”: “… chúng nó tập trung lính các lô cốt, các bốt đánh vào từ mờ sáng” - bốt lại trùng âm bottine: giầy cổ cao đến đầu gối, còn gọi đôi ủng; lại cũng có cách viết “bóp” như câu trong vở kịch “Không một tiếng vang” của Vũ Trọng Phụng: “Ông phải biết, muốn ở nhà mà không trả tiền thì đã có bóp nhà nước”. Vậy, bóp này lại trùng âm với portefeuille: ví đựng tiền, giấy tờ. Nhưng nếu nói: “Bóp kèn qua mặt” thì bóp lại là nắm, siết, bấu, nặn trong lòng bàn tay hoặc bằng các ngón tay vật gì đó có tính chất mềm…

Với một vài dẫn chứng này, ta thấy rõ ràng, dù là từ vay mượn nhưng khi “nhập tịch” vào tiếng Việt đã thể hiện qua nhiều cách phiên âm khác nhau.

Diếm bót  ông cò bóp bốp ông cẩm -0
Lực lượng Công an tiến vào tiếp quản Ty Cảnh sát Hà Nội (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm)

Nếu ai đó đặt câu hỏi cắc cớ ghê gớm: Nếu chọn một từ vay mượn nhưng chỉ diễn ra ở trong Nam, chứ ngoài Trung, ngoài Bắc hầu nhưng không phổ biến, đó là từ gì?

Tôi xin chọn lấy từ “hạch” và thưa rằng, trong tác phẩm “Sài Gòn tạp pín lù” của học giả Vương Hồng Sển, có đoạn: “Nay có thằng Hạch, quản gia trong nhà máy xay lúa lớn trong Chợ Lớn, giàu lắm, nó muốn cưới con về làm vợ” (tr.25-26). Đó là nhân vật tên Hạch, là danh từ riêng? Không, ở đoạn khác ta lại thấy viết “hạch”. Vậy, nếu “hạch” không phải dùng chỉ tên một người cụ thể, thế nghĩa là gì? Chuyện này, ta bàn sau. Chỉ biết chắc chắn, từ hạch này đã đi vào câu cửa miệng của người miền Nam: “dở như hạch” là dở ẹt, dở òm, dở quá xá, dở “quá cỡ thợ mộc”, dở “thầy chạy”; “làm như hạch” là làm như mèo mửa, làm không ra gì v.v...

Không những thế, lại có cụm từ “oai như hạch” là lời mỉa mai những ai đó tỏ ra có uy quyền, “thở ra khói, nói ra lửa”, tưởng mình cực kỳ oai vệ nhưng thật ra thiên hạ biết tỏng hắn ta chỉ bình thường như ai kia làm nghề gác dang/ gác dan/ gác cửa/ canh gác công xưởng, chứ có gì “ghê gớm” đâu. Gác dan là vay mượn gardien từ tiếng Pháp.

Hạch nghĩa là gì? “Phương ngữ Nam Bộ” (NXB Hội Nhà văn - 2015) của Bùi Thanh Kiên cho biết hạch là “tiếng Ả Rập: Hadj” và cũng nhấn mạnh: “Người châu Phi da đen được mướn canh gác các xưởng ban đêm” (tr.652). Có câu hỏi đặt ra: vậy, không lẽ họ không gác cửa ban ngày? Dù họ chuyên nghề gác cửa nói chung thì cơn cớ làm sao từ hạch lại gắn với sự so sánh với những gì “không ra gì” như dở/ tồi/ xấu, thậm chí là oai nhưng dùng với ý mỉa mai, chê bai, châm biếm? Không ai có thể giải thích rạch ròi.

Thử hỏi cắc cớ, với từ hạch, vào đầu thế kỷ XX, người miền Nam tiếp nhận từ đâu? Theo tôi, từ tiếng Pháp chăng? Không dám suy luận chủ quan, “nói có sách, mách có chứng” rằng, “Pháp-Việt từ điển” (NXB Trường Thi - 1957) của Đào Duy Anh giải thích: “Hâdj ou (hay) Hâdji. 1. Cuộc đi viếng thánh địa La Mecque hay Médine, mỗi người Hồi giáo ít ra trong đời cũng phải đi một lần. 2. Người Hồi giáo đã viếng thánh địa La Mecque hay Médine (chữ Hâdj thường đặt ở trước tên người ấy)” (tr. 762).

Rõ ràng, hạch là vay mượn từ Hâdj/ Hâdji trong tiếng Pháp, hoàn toàn không trùng nghĩa nào trong tiếng Việt dù đồng âm. Xin nêu một thí dụ về trùng âm, theo cách nói của người miền Nam, chẳng hạn một người bảo: “Hắn ta suốt ngày cứ cà nhỏng ngoài đường như heo hạch”. Từ hạch này, không liên quan gì đến các thứ bệnh như nổi hạch, dịch hạch/ dịch chuột… mà chính là cách gọi khác của “heo dái” là heo đực chưa thiến, mới lớn, bắt đầu có nhu cầu “rượn”. Từ rượn này, hẳn nhiều ta từng nghe đến “rượn đực/ rượn cái” - dùng chỉ động vật trong giai đoạn động cỡn, rậm rà rậm rực muốn giao phối.

Theo tôi, người miền Nam đã sử dụng từ hạch như một tính từ độc lập, có người còn không rõ nghĩa của nó, bằng chứng là trong tập sách “Sài Gòn tạp pín lù”, nhân vật cùng thời với học giả Vương Hồng Sển, tức sinh vào đầu thế kỷ XX, đã thú nhận: “Hạch là phiên âm tiếng Ả Rập Hadj, bên xứ họ nghĩa là gì, tôi thật  không biết, duy nghe hạch hạch, tưởng đâu là tiếng hắc hơi hách xì” (tr.26).

Nếu đúng thế, nếu là từ vay mượn thì khi sử dụng người ta không cũng cần/ không còn nhớ đến/ liên hệ đến “nguồn gốc” và nghĩa liên quan ban đầu nữa. Giải thích về từ “hạch” nhưng vậy đã chắc cú chứ gì? Chưa chắc. Vẫn còn có ý kiến khác.

 Tôi còn hết sức lưu ý đến trình bày của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cho rằng, “hạch” ở đây liên quan đến chuyện thiến chó, gà, lợn… “Những con sau khi thiến, tuy không còn khả năng truyền giống, nhưng vẫn động dục và đòi giao phối, thì tiếng Thanh Hóa gọi là bị “hạch”, hoặc “thiến hạch”, tức thiến sót, thiến không trọn…. Với chính bản thân con vật bị “thiến hạch”, thì lại càng “dở”, “tệ”, càng “không ra gì”, “chẳng đâu vào đâu”…Chữ “hạch” trong “Dở như hạch” có nguồn gốc như vậy, nên chúng ta thường thấy trong cách nói thông tục, nó vừa là lời than vãn, vừa như lời chửi thề. Ví dụ: “Làm ăn như hạch!” (làm ăn chả đâu vào đâu; làm ăn quá tệ, quá dở); hay “như hạch!” (chẳng ra làm sao cả). Trong đó, cách nói “Như hạch!”, có nghĩa tương tự ngữ liệu “Hạch quá!” mà từ điển của Lê Văn Đức đã dẫn.

Câu chuyện bàn về từ vay mượn tạm thời chấm dứt tại đây chăng? Tất nhiên. Thong thả ngày rộng tháng dài, ta sẽ còn tiếp tục lúc trà dư tửu hậu kia mà? Nói là nói thế, nghĩ là nghĩ thế nhưng tôi vẫn còn áy náy vì sợ bạn đọc không hiểu rõ câu văn: “Chạy tới bót ông Cò kêu lính lại đây tức thì, coi con mẹ này còn diếm cứng đầu cứng cổ hay không?”. Xin hỏi nhỏ, “diếm” trong ngữ cảnh này là gì?

Cứ như theo câu chuyện là do có người mách bảo nên người cha đến nhà mụ nọ tìm đứa con gái của mình. Mụ ta chối leo lẻo là không có nó ở đây. Vậy suy ra, “diếm” chính là từ chỉ hành động mà mụ ta giấu/ giấu diếm một cách cứng đầu cứng cổ, kiên quyết giấu rịt con người ta, do đó, người cha mới bảo “thầy Sáu” chạy đến đồn bót cảnh sát, nhờ cậy ông cò can thiệp.  Kể ra cũng có lý, hiểu thế không sai.

Thật ra, “diếm” ở đây là nói trại của từ “dám”. Ơ hay, cơn cớ gì phải thế? Từ đó có quái gì mà không nói toẹt ra, có “phạm húy” tên ông hoàng, bà chúa nào mà phải né phải tránh? Mà đã thế ắt phải có lý do chính đáng gì đây. Ta hãy đọc ở một đoạn khác sẽ thấy câu trả lời: “Thầy cười nói tiếp: “Thưa cô, vì cô không dám phạm húy chữ dám trùng âm với giám, thái giám đụng chạm đến cái tiểu tật của ngài Tả quan Lê” (tr.37). Chi tiết này theo tôi rất quan trọng, dù nhỏ nhưng đã góp phần cho ta hiểu hơn nữa rõ một đoạn ngắn trong chính sử.

Rằng, “Đại Nam thực lục chính biên” (NXB Khoa Học - Hà Nội - 1963) tập 5 cho biết năm 1821, có lần vua Minh Mạng bảo thị thần: “Dân Gia Định vốn sợ Tổng trấn Lê Văn Duyệt”; đúng là vậy, sợ đến nỗi không dám nói đến “tiểu tật” của ngài. Thế nhưng đối thoại trên diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi người Pháp đã chiếm nước Nam ta, lúc ấy, ngài Duyệt đã mất thì hà cớ gì phải sợ, phải kiêng với cử?

Ở đây, không phải sợ mà phản ánh tính cách của người miền Nam như chính vua Minh Mạng nhận xét: “Dân Gia Định vốn có tiếng trung nghĩa” (tr.232). Sự kiêng cữ ấy là do họ “ăn quả nhớ người trồng cây”, ai làm ơn cho mình thì mình nhớ ơn, tôn trọng dù người đó đã khuất bóng. Nghĩ cho cùng, quan niệm “sự tử như sự tồn” là tâm thế của người Việt nói chung, trong trường hợp nói trại này đã thể hiện sự tự giác của người miền Nam trong phép ứng xử phải đạo dành cho Tổng trấn Lê Văn Duyệt.

Ối dào, tiếng Việt ơi là tiếng Việt. Cùng người Việt, nói tiếng Việt nhưng rồi sau khi nghe xong, ta phải gặng hỏi lại nữa, may ra mới có thể hiểu một cách chính xác. Không những thế, sách ghi rành rành, rõ ràng ràng giấy trắng mực đen nhưng muốn hiểu cũng không dễ. Thế đấy, khi bàn về tiếng Việt từ văn bản đến lời ăn tiếng nói, chúng ta còn có thể tìm thấy những giá trị cụ thể không chỉ một thời đã thuộc về văn hóa Việt.

Lê Minh Quốc
.
.
.