Đi và đọc và khiêm cung

Thứ Bảy, 24/09/2022, 13:18

Chuyến đi đầu tiên của tôi là năm lên 1 tuổi, oặt ẹo từ tay ba rồi lại sang vai mẹ, trên đường hết từ trạm xá này đến bệnh viện khác. Mẹ kể, ba và mẹ vừa đi bộ vừa dừng lại thở, cũng là để kiểm tra xem tôi còn thở hay không. Còn nước còn tát. Vì đâu nên nỗi thì không ai biết được. Chỉ biết rằng tôi sinh ra bình thường.

Nhưng khi chừng 1 tuổi thì người cứ mềm nhũn đi. Thế rồi chẳng biết bằng cách gì mà phần nhất sinh đã thắng phần thập tử. Cũng chẳng biết là tôi xem cái tấm ảnh ấy vào năm nào, chỉ biết là từ khi tôi mới bằng cây nấm cỏ may, và rồi tấm ảnh ấy bay đi đâu mất mà tôi không một lần được xem lại, nhưng ký ức non dại của tôi thì đã kịp chụp lưu, đóng đinh vào ngăn hồn buốt nhói. Đó là bức ảnh đen trắng, chụp ngày tôi ra viện, từ cõi chết trở về.

untitled-1.jpg -0

Mẹ hai tay bế tôi giơ lên trước, và cười nụ cười của người chiến thắng. Một nụ cười hết cỡ, phô hàm răng rất trắng, dồn hết những nhăn nheo teo tóp của hai má lên hai mắt thâm quầng trũng sâu. Năm ấy mẹ mới ba mươi bảy tuổi. Hiện tại ở nhà tôi có treo bức ảnh chân dung của mẹ, hồng hào, đầy đặn, xinh đẹp. Mẹ bảo, bức ảnh này chụp khi mới sinh tôi được vài tháng. Trời ơi, ai mà có thể tin được, rằng người trong ảnh treo trên tường ấy và người trong ảnh ghim nơi hồn tôi là một, ở hai thời điểm cách nhau chỉ chừng hơn một năm…

Chuyến đi thứ hai của tôi là hè năm lên lớp sáu, cũng là đến bệnh viện, nhưng bệnh nhân lần này là em gái tôi. Chuyện là, ba tôi trổ cái gác trời cho cái nhà bếp mà người làng tôi gọi là nhà ngang. Một hôm em gái tôi cũng bắt chước ba dùng cái bay xúc hồ vào một cái xô nhỏ rồi leo thang xách lên trên gác, nơi ba đang lui cui xây xây trát trát. Bỗng cái thang bị trượt, em tôi ngã sấp xuống nền giếng xi măng, dập môi và gãy liền mấy cái răng. Máu chảy như không thể cầm. Em tôi mặt tái nhợt, tóc bê bết hồ vữa, mồ hôi và máu, miệng bấy bát nhưng vẫn thều thào trệu trạo nói, rằng ba mẹ đừng lo, không can chi mô. Hàng xóm xúm đến, chứng kiến, vừa ngạc nhiên buồn cười vì một đứa trẻ bảy tuổi mà nói cứ như bà cụ non, vừa chặc lưỡi đưa mắt nhìn nhau ái ngại vì nghĩ rằng người gặp nạn mà tỉnh như thế là điềm chẳng lành. Thế rồi ba mẹ quáng quàng đưa em sang trạm xá xã bên. Trạm xá chuyển xuống bệnh viện huyện. Bệnh viện huyện chuyển vào bệnh viện tỉnh. Trước khi vào bệnh viện tỉnh thì ba tôi đạp xe về nhà, mở tủ của mẹ lấy đôi bông tai vàng, quà mà bà nội tặng mẹ ngày mẹ về xứ lạ này làm dâu. Ba tôi vừa đùm đùm quấn quấn đôi bông tai vừa khóc, rồi nói gì đó, mà tôi láng máng hiểu là em tôi khó qua khỏi. Vì em mất máu quá nhiều, vì chấn thương xuyên liên rất nặng. Chị hai tôi thì lum khum vét gạo dưới đáy chum, toan mang chợ bán. Ba tôi thở dài ngao ngán rồi lên xe cọc cạch đạp đi. Tôi cảm giác hai hạt ngọc nơi đôi bông tai trong túi ba như cặp mắt đang bí bách tìm cách nhìn lại phía tôi. Mấy con mọt nơi đáy chum vừa lật đật trườn bò ra đất vừa lất ngất nhìn tôi.

Bệnh viện tỉnh nơi em tôi chuyển đến là Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Lúc này em đã qua cơn nguy kịch. Chị cả học sư phạm Đông Hà đang nghỉ hè nên phụ ba mẹ vào ra bệnh viện chăm em. Một hôm, chị từ Đồng Hới về, bảo sẽ cho tôi đi cùng vào bệnh viện, vì hình như tôi nghe chị nói với ai đó là mẹ nhớ tôi. Ôi, tôi sung sướng ngất ngây. Bấy lâu, từ trên cây khế đầu nhà, tôi thường phóng tầm mắt qua một con sông và mấy cánh đồng, để thèm khát nhìn đoàn tàu như con rắn dài thượt trườn bò đằng ga Minh Lệ. Những lúc may mắn hơn, được mục sở thị đoàn tàu, được chạm sờ vào thân tàu, tin rằng tàu có thật, ấy là những lần tôi theo ba mẹ tiễn chị cả lên tận sân ga để chị lên tàu vào Đông Hà. Lần đầu lên ga, trong ánh chiều tà, tôi nhìn thấy bên kia đường tàu là thoai thoải một ngọn đồi, trên đó có mấy con dê đang thung thăng ngơ ngác. Không trì hoãn được cơn phấn khích, tôi bước thấp bước cao chạy lên đỉnh đồi, để tận mắt xác thực bên kia đồi là gì, vì xưa nay tôi ngờ ngợ tin, rằng những dãy đồi núi trải dài ngằn ngặt xanh nhìn từ hướng nhà tôi là những tấm bìa khổng lồ dựng thẳng đứng vào sát chân trời. Thì ra bên kia ngọn đồi mà tôi đang đứng là đồi tiếp đồi, là núi tiếp núi, là nhà tiếp nhà. Đi đi nữa là sẽ đến Đông Hà của chị cả, chân trời ở tận lắc lơ xa…

Đi và đọc và khiêm cung -0

Nhìn sang sân ga, sợ ba mẹ tìm rồi mắng nên tôi hốt hoảng cất chân chạy xuống. Chân chới với chạm vào khoảng không. Cú chạm đất đá đầu tiên đồng nghĩa với việc sau đó tôi lăn rơi tự do từ trên cao xuống, mặc kệ bao nhiêu chướng ngại vật vừa bất động vừa bao đồng làm trở lực, kể cả một đống đá hộc vụn vỡ nằm dưới chân đồi. Ai đó từ sân ga vô tình phát hiện ra tôi, rồi mọi người ào chạy sang. Tôi nghe thấy người thì kinh ngạc khó hiểu là tôi đã trượt qua cái đống đá này như thế nào, và bao nhiêu đất đá cành lá lởm khởm từ trên kia nữa. Người thì bảo vì nhằm lúc trời chập choạng tối nên tôi bị ma xô. Người thì bảo tôi có ông mệ đỡ. Người thì sờ vào thái dương tôi và bảo là bị trầy xước vùng này thì lớn lên sẽ giảm thông minh… Tôi chẳng nhớ chuyện gì sau đó, chỉ nhớ là ngay khi về đến nhà, mẹ giục anh tôi đái vào cái bát rồi ép tôi uống, vì theo mẹ thì nước đái nóng có tác dụng như mật gấu trong việc làm tan các chỗ máu tụ máu bầm.

Lần đi thăm em này là lần đầu tiên tôi được lên tàu, được tàu đưa tôi đi. Tàu chạy ù ì, qua ga Minh Lệ một đoạn là chui vào một cái hang tối om, ra khỏi hang là đến ga Ngân Sơn, rồi ga Thọ Lộc, rồi ga Phúc Tự, và là ga Đồng Hới. Xuống tàu, tôi háo hức theo chị cả đi về phía cái quầng sáng khổng lồ mà chị bảo đó là Bệnh viện Cu Ba. Vài ngày sau đó thực sự kỳ thú đối với tôi. Hết bấm thang máy lại trèo thang bộ. Khám phá săm soi tất cả các tầng bệnh viện. Há hốc nhìn các bác sĩ cả da đen lẫn da trắng người Cuba xí xố xí xa nói cười. Theo mẹ đi chợ lạ. Món canh dưa gang muối chua mẹ nấu với cá nục tươi đến bây giờ còn ngọt mát nơi vị giác của tôi. Mẹ xin nhờ một nhà dân ở bên kia con đường đất đỏ chạy dọc theo tường rào của bệnh viện, nhóm bếp đun nấu trong vườn nhà đó. Mấy quả mít còi cọc phơi mình dưới nắng gắt. Nhà có hai mẹ con, là một bà cụ và một anh thanh niên. Căn nhà tuềnh toàng. Bà cụ ngồi phe phẩy quạt mo. Anh con trai nằm võng. Tôi cứ thắc mắc là tại sao lúc nào sang đây cũng thấy hai người một ngồi một nằm như vậy. Họ làm gì nên ăn? Đời gì mà buồn tênh?

Mà đời một đứa mười một tuổi là tôi lúc đó thì cũng có hơn gì. Ngày vui xung quanh bán kính bệnh viện Cu Ba ngắn chẳng tày gang. Tôi lại theo chị cả trở về khu vườn tĩnh mịch nhà mình. Hè dài lê thê, mãi vẫn chưa vào năm học. Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ, rằng lẽ ra chuyến đi vừa qua mình phải thu vào tầm mắt từng cảnh từng sắc, phải nhâm nhi tận hưởng từng khoảnh từng khắc. Bởi biết đến bao giờ mới lại được đi như thế. Trước nay, cái ao đời tù đọng của tôi họa hoằn mới gợn lên tí sóng, đó là những lần cậu tôi từ rú nguồn xuống, hay o tôi từ Nam ra. Những khi đó, cánh buồm hồn tôi được dịp xôn xao, lộng gió khát khao vượt thoát cái thế giới hẹp chật quen gần, để chạm gặp những thế giới rộng dài lạ xa.

Sau này, đặc biệt là khi đã bén duyên với nghiệp văn chương báo chí, tôi ít nhiều thỏa chí được đi. Những cuộc đi xa gần dài ngắn tính đếm không xuể. Tôi như các nhân vật của nhà văn người Ý Alessandro Baricco, ham thích dịch chuyển, không gắn vào một chỗ, mong manh, có cội rễ lỏng lẻo. Và đặc biệt là tôi đi trong khi đọc. Tôi tận dụng phát huy cái công lực của tiểu thuyết, ở chỗ nó có thể đưa tôi đi bất kỳ đâu.

Tôi nghĩ đến câu mà một nhân vật của nhà văn Nguyễn Bình Phương nói, rằng bao nhiêu cơm gạo mới đúc nên được cái hình hài cho ra con người. Phải, bao nhiêu dưỡng bọc của mẹ cha mới ra được hình hài bình thường của những con người, đặc biệt là những con người như tôi, như em gái tôi chẳng hạn.

Và, bao nhiêu ngày đàng, bao nhiêu trang sách mới học đủ sàng khôn, để đúc nên được cái trí tuệ, cái tâm hồn cho ra con người. Tôi lại nghĩ về những con người mà một đời không đi đâu ra khỏi không gian sống của họ, một đời không biết đến cái gọi là tiểu thuyết. Vậy mà, sự minh triết qua nết ăn nết ở, qua đối đãi ứng xử của họ thì không chê vào đâu được. Đó thực sự là những con người vĩ đại, giúp tôi tự nhìn lại mình để rèn đức khiêm cung.

Hoàng Đăng Khoa
.
.
.