Bùng nổ dân số: Thảm kịch cho tương lai nhân loại?

Thứ Tư, 14/12/2022, 14:19

Năm 2005, nữ ca sĩ nhạc blues-jazz người Anh Katie Melua phát hành một bản tình ca vô cùng ăn khách mang tên “Nine million bicycles”, trong đó có câu: “Có 6 tỷ người trên thế gian, áng chừng như vậy, điều đó khiến em cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng giữa tất thảy những người này, anh là người em yêu nhất”. Những tâm hồn hoài cổ khi nghe lại ca khúc của Katie Melua hẳn sẽ bật cười...

17 năm trôi qua, Katie Melua cũng đã trải qua những đổ vỡ hôn nhân và con số 6 tỷ người mà cô áng chừng ngày nào giờ cũng trở thành sai số nghiêm trọng. Thế giới đã có 8 tỷ người và dự đoán khoảng 15 năm nữa, con số này sẽ cán mốc 9 tỷ.

Cảnh chen chúc của con người không phải lúc nào cũng là mối lo. Trong lịch sử, dân số đông là biểu hiện của sự giàu có, thịnh vượng. Đông người thì mới đủ sức xây dựng cầu cống phố xá. Trong chuyến đi từ Verona đến Vicenza, thi hào Goethe đã sung sướng khi thấy cảnh những chân đồi với đây đó là các ngôi làng, các tòa lâu đài, những ngôi nhà, những con đường với đủ loại người qua lại giữa hai bên đồng lúa. Hay, nhà thám hiểm Marco Polo khi mô tả Hàng Châu như thiên đường hạ giới, ngoài cảnh thiên nhiên hữu tình, ông cũng chẳng quên nhắc về đường phố đông vui, người, hàng tấp nập nơi này. Thế nhưng, vài chục năm trở lại đây, nhắc đến dân số là nhắc đến một gánh nặng. Năm 1968, nhà sinh học Paul Ehrlich viết trong cuốn “The population bomb” (Quả bom dân số) rằng “Vào thập niên 1970, hàng trăm triệu người sẽ chết đói vì quá tải dân số”. Dù điều này đã không xảy ra, khiến cho khi tái bản, Ehrlich buộc phải âm thầm sửa lại tiên đoán của mình thành “vào thập niên 1980”, nhưng chúng ta vẫn luôn tin rằng quá tải dân số là, và sẽ là, nguyên nhân dẫn đến mọi cuộc khủng hoảng trên thế giới này: Chiến tranh, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, tự nhiên suy thoái, thậm chí ngày tàn của con người.

Bùng nổ dân số: Thảm kịch cho tương lai nhân loại? -0

Ngỡ như việc kìm hãm sự phát triển của dân số là lẽ đương nhiên nếu muốn hãm phanh cỗ xe nhân loại khỏi lao xuống vực thẳm. Nhưng không. Cũng như với mọi vấn đề trên đời này, con người lúc nào cũng mắc mớ trong những mâu thuẫn đạo đức mà mình tự đặt ra.

Những người quan niệm phải kiểm soát dân số bằng mọi giá đa phần chịu ảnh hưởng bởi nhà nhân khẩu học Thomas Malthus, người cho rằng dân số thì tăng theo cấp số nhân trong khi lương thực chỉ tăng được theo cấp số cộng, cho nên nghèo đói sẽ đe dọa vận mệnh nhân loại. Từ tư tưởng ấy của Malthus, khi triết gia về kinh tế chính trị John Stuart Mill viết “On Liberty” (đã được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Bàn về tự do”), mặc dù cho rằng “cá nhân có chủ quyền đối với chính mình, đối với thân thể và tâm trí mình”, nhưng khi động tới vấn đề sinh đẻ, Mill lại coi đây là phạm trù nên có sự can thiệp của xã hội để “tránh gây hại cho người khác”.

Với Mill, tình dục là hành vi tự ngã, tức một hành vi chỉ liên quan tới cá nhân, chẳng làm người ngoài phải chịu thiệt thòi đáng kể, nên giả sử sinh hoạt tình dục của một người gây phiền toái đôi chút thì những người xung quanh phải cố mà chịu đựng. Ông thậm chí còn phản đối việc kiểm tra y tế bắt buộc đối với phụ nữ theo một đạo luật về bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, sinh đẻ thì khác! Một khi sinh đẻ xuất hiện thì chuyện tình dục không còn là chuyện riêng của nhà nào nữa, mà là chuyện của xã hội và “xã hội có thẩm quyền đối với nó”. Mill lý luận rằng các gia đình đông con gây tổn hại cho tầng lớp lao động, làm giảm tiền lương và cản trở sự bình đẳng hóa, nhưng đồng thời nói thêm rằng, không phải ở quốc gia nào điều đó cũng đúng. Chẳng hạn, vào thời của Mill, ở những quốc gia quá tải dân số như nước Anh, việc sinh năm đẻ bảy khiến xã hội gánh oằn lưng, trong khi ở các đất nước non trẻ như Mỹ, điều đó chẳng động chạm gì tới ai cả, nên xã hội Mỹ đương thời có thể để mặc người ta sinh đẻ tùy ý.

Lý thuyết của Mills là nền tảng cho những học thuyết sau này, như học thuyết “Bi kịch của tài nguyên chung” do Garrett Hardin đề ra, chủ trương “Ai cũng tự do sẽ khiến tất cả chịu hủy hoại”, trong đó quyền tự do sinh đẻ là một phần trong thứ tự do đã lỗi thời, còn những hành động ngỡ ngây thơ vô tội kỳ thực lại là nguồn cơn cho tình trạng bi thảm của môi trường.

Những lập luận mà Mills cùng các hậu duệ theo chủ nghĩa vị lợi đưa ra tưởng vô cùng vững vàng và thời nào cũng đúng cả, cho đến khi các nhà trí thức hiện đại thách thức các niềm tin chắc như đinh đóng cột đó. Trong tác phẩm “Multitude: War and Democracy in the Age of Empire” (Quần chúng: Chiến tranh và dân chủ trong thời đại đế chế), hai học giả Antonio Negri và Michael Hardt vạch ra một sự thật rằng, những cuộc tranh cãi về bùng nổ dân số hay khủng hoảng dân số không hẳn nhằm để cải thiện đời sống người nghèo hay xóa bỏ nạn đói đang đe dọa họ, nó cũng chẳng liên quan gì tới việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh ta đang sống. Họ đưa ra quan điểm: Thuật ngữ “khủng hoảng dân số” mà các nước bá quyền nhai đi nhai lại thực chất là cuộc “khủng hoảng dân số da màu”, bởi trong khi dân số da trắng suy giảm thì dân số da màu tăng lên vùn vụt. Nói cách khác, nhân loại đang trở nên “tối màu hơn” và nỗi sợ quá tải dân số thực ra là cơn hoảng loạn trước sự sinh sôi của những chủng tộc khác. Theo Hardt và Negri, các tập đoàn giàu có nhất không muốn đầu tư vào những vùng nghèo đói, không muốn giúp họ có được thức ăn, nước sạch, thuốc thang, cơ sở hạ tầng và chính bệnh tật, chính những nạn đói dai dẳng là công cụ mà họ dùng để kiểm soát dân số của các khu vực này, trong khi vẫn khuyến khích người dân nước mình sinh con.

Bùng nổ dân số: Thảm kịch cho tương lai nhân loại? -0
Kiểm soát dân số chưa chắc là chìa khóa cứu được trái đất.

“Chúng ta đang sống trong một hệ thống Apartheid toàn cầu”, Negri và Hardt viết, “tuy nhiên, ta cần phải xác định rõ rằng, Apartheid không đơn thuần chỉ là một hệ thống loại trừ, mà người yêu thế đơn giản là bị loại bỏ, không đáng giá, bị thải loại. Trong đế chế toàn cầu ngày nay, giống như ở Nam Phi trước kia, Apartheid là một hệ thống hiệu quả của sự phân cấp duy trì sự giàu có của số ít thông qua sức lao động và sự nghèo đói của số đông”. Việc quyết định ai là người được phép sinh đẻ là một phương pháp giúp duy trì trật tự thế giới và trật tự dòng vốn sẵn có, và do đó, kiểm soát dân số chính là hình thức căn bản nhất của quyền lực sinh học (biopower).

Một phản biện khác đối với chính sách giảm tải dân số đến từ những học giả nữ quyền, những người cho rằng cái gọi là thừa mứa dân số chỉ là “truyền thuyết” làm quá lên để lấy cớ cho chế độ nam trị tiếp tục lạm dụng quyền tự do của nữ giới mà thôi và kiểm soát dân số chẳng qua là “uyển ngữ cho việc kiểm soát phụ nữ”. Một lần nữa, những người phụ nữ da màu hay đến từ các cộng đồng thiểu số cũng trở thành đối tượng chính yếu bị nhắm đến cho mục tiêu triệt sản. Cần làm rõ rằng, những nhà nữ quyền không phản đối chống lại kế hoạch hóa gia đình, cái họ băn khoăn là dường như những biện pháp này không có mục đích hướng đến giải phóng phụ nữ khỏi nỗi lo mang thai ngoài ý muốn, mà chỉ nhằm củng cố cấu trúc bất bình đẳng giới tính, bất bình đẳng màu da. Để đào sâu vào đề tài này, bạn đọc có thể tìm tới một tác phẩm vô cùng thú vị, “Reproductive Rights and Wrongs: The Global Politics of Population” (Những điều đúng đắn và sai lầm về sinh sản: Chính trị dân số toàn cầu) của nữ tác giả Betsy Hartmann - một người phụ nữ lớn lên trong thời đại thuốc tránh thai được phát minh và sản xuất đại trà, hứa hẹn mang lại tự do tình dục cho phụ nữ, để rồi bà nhận ra “tự do tình dục” chỉ là uyển ngữ cho việc luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của đàn ông - bà lật lại cả một lịch sử gán ghép “nghèo đói” như hệ quả của “dân số” mà các nhà môi trường chủ nghĩa luôn ra rả, nào là thêm miệng ăn nghĩa là mỗi người sẽ có ít thức ăn hơn, nào là sản xuất lương thực không thể theo kịp tốc độ tăng dân số phi mã trên thế giới.

Nhưng, sự thực là gì? Trong khi nhiều quốc gia thừa mứa lương thực thì vẫn có những nơi người ta chết đói như ngả rạ. Vấn đề chính yếu, như thế, không nằm ở chỗ có quá nhiều người và quá ít tài nguyên, mà là có một số ít người độc chiếm quá nhiều tài nguyên. Sự khan hiếm không phải vấn đề. Sự phân phối mới là vấn đề. Thậm chí, ở nhiều quốc gia kém phát triển nhất, bị tàn phá nặng nề bởi chủ nghĩa hậu thực dân và phụ thuộc vào những loại cây hoa màu đem xuất khẩu thay vì cây lương thực trực tiếp nuôi sống họ như Burkina Farso, khi người đàn ông đi lao động trên thành phố hay làm công cán ở các hầm mỏ, người phụ nữ trở thành trụ cột gia đình và cách duy nhất để họ không chết đói là sinh đẻ thật nhiều để những đứa trẻ khi lớn lên sẽ phụ giúp họ làm công việc đồng áng.

Sự gia tăng dân số cũng không thể coi là nguyên nhân chủ chốt khiến tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, khi mà chính dân số ít ỏi và đang già hóa ở các quốc gia phát triển vốn chỉ chiếm 20% dân số thế giới nhưng lại tiêu thụ tới 70% năng lượng, 75% nguồn kim loại và 85% lượng gỗ khai thác cùng 60% lượng lương thực. Để rồi, trong cuộc giành giật cướp bóc tài nguyên từ những hóa thân mới của đế quốc đối với các cựu thuộc địa, cơ thể phụ nữ lại bị lôi ra làm bia đỡ đạn che giấu cho những nguyên nhân sâu sắc hơn nhiều.

Thế giới mà Hartman mô tả khiến ta mang máng nghĩ đến bộ phim viễn tưởng “Mad Max: Fury Road” (Max điên: Con đường tử thần) nơi một chúa tể nắm giữ toàn bộ nguồn nước và lúc nào cao hứng, hắn sẽ phun thác cho hàng ngàn kẻ chết khát bên dưới hớp lấy hớp để, bằng không, họ chỉ có thể đếm ngày chờ chết. Và, trong khi tay bạo chúa có 7 người vợ bị ép buộc trở thành máy đẻ cho hắn, những kẻ khác chỉ lo tồn tại được đã là phép màu, nói gì đến sinh con đẻ cái.

Vậy thì ta có nên kiểm soát dân số hay không? Đó là một câu hỏi lớn không dễ gì có lời đáp. Không thể nói quá tải dân số chỉ đơn thuần là vấn đề tưởng tượng của những học giả nam giới da trắng phân biệt chủng tộc. Nhưng, hãy nhớ rằng, nếu có ai đó phàn nàn một câu đại loại như “đã nghèo còn đẻ” thì đó chỉ là một phiên bản hiện đại hơn của thuyết ưu sinh, học thuyết cho rằng chỉ kẻ mạnh mới được quyền duy trì nòi giống, còn kẻ yếu phải bị loại bỏ mọi dấu vết trên đời. Mà chúng ta đều biết thuyết ưu sinh đã dẫn tới thảm họa gì.

Hiền Trang
.
.
.