Bia đá vinh danh tác phẩm, đời văn thơ có mấy người

Thứ Tư, 07/02/2024, 13:34

Thời trung đại, văn thơ phú, đặc biệt là thơ, được người đời lưu lại trên bia đá, núi đá không phải là ít. Năm tháng thời gian, thời tiết khí hậu: mưa nắng, nóng lạnh, bão gió thất thường bào mòn cả đá, nhưng vẫn còn nhiều di tích văn thơ khắc trên đá để lại cho hậu thế.

Thời hiện đại thì có vẻ văn thơ chưa được tôn vinh trên núi đá, nhưng trên bia đá thì có. Ít nhất đã có ba người là nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Nguyễn Duy và nhà văn Dương Hướng được khắc thơ văn lên bia đá, đặt ở những nơi rất cần đặt.

1. Năm 2003, tôi cùng nhà thơ Lê Thành Nghị, nhà thơ Vương Trọng, nhà văn Dương Duy Ngữ đi Trại sáng tác văn học ở Hà Tĩnh. Đến viếng Ngã Ba Đồng Lộc là một trong nhiều hoạt động của trại sáng tác. Chúng tôi rất bất ngờ thấy hai cây bồ kết đã cao xanh, đã có gai nhọn, bên cạnh là tấm bia đá khắc bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Ngã Ba Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng. Trong khói hương linh thiêng, từng câu thơ như có cánh cứ vang lên trong chiều hè Ngã ba Đồng Lộc: "… Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang".

Bia đá vinh danh tác phẩm, đời văn thơ có mấy người -0
Nhà văn Dương Hướng (thứ 6 từ trái sang) cùng bạn văn bên không gian cụm bia “Bến không chồng”

Chúng tôi hỏi về hai cây bồ kết, về bia đá khắc bài thơ và hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Nhà thơ Vương Trọng bảo chúng tôi về thành phố Hà Tĩnh hỏi ông Nguyễn Tiến Tuẫn - Giám đốc Công an tỉnh về bia đá và hai cây bồ kết sẽ tỏ tường. Còn bài thơ bắt đầu từ một chuyến đi viết sách truyền thống cho Quân khu 4. Ông cùng nhà văn Xuân Thiều, nhà văn Nam Hà đến viếng nghĩa trang Đồng Lộc, các ông xúc động rưng rưng. Một trọng điểm ngã ba có rất nhiều người hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, trên trời thì máy bay oanh tạc, dưới đất thì bom đạn và hố bom, chỉ riêng trung đoàn cao xạ 210 đã có 112 người lính hy sinh. Thân thể họ trộn vào mảnh đất đau thương này.

Nhà thơ Vương Trọng nghĩ, có hai nhà văn đi cùng thì văn xuôi phải dành cho họ viết, ông chỉ còn cửa thơ, và thơ mới là thế mạnh của ông. Ông tự nhủ trong lòng phải viết về 10 cô gái chưa cô nào có chồng, để lại tuổi thanh xuân nơi ngã ba này. Nhìn mọi người đến viếng, thắp hương, đặt gương, lược, nón, và các đồ dùng lặt vặt lên mộ 10 cô, trong đầu ông nảy ra cái tứ 10 cô gái trò chuyện với những người đến thắp hương đang rưng rưng nhớ thương. Thế rồi "Lời thỉnh cầu ở Ngã Ba Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng cũng được hoàn thành vào ngày 5/7/1995.

Về thành phố Hà Tĩnh, nhà thơ Vương Trọng đưa chúng tôi đến thăm đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn - Anh hùng LLVTND, Giám đốc Công an tỉnh. Ông Tuẫn kể: Năm 1965, ông đeo quân hàm thượng sĩ, tổ trưởng tổ Cảnh sát giao thông ở bến phà Cầu Phủ và Ngã ba Đồng Lộc cùng thời 10 cô gái. Hai lần đơn vị "truy điệu sống" cho ông, nên ông rất đồng cảm với tác giả khi ông được đọc bài thơ, ông cũng hiểu được cuộc sống và nỗi lòng của 10 cô gái cùng thời sống và chiến đấu trong gian khổ ác liệt.

Ông xin phép Ban Quản lý di tích, rồi lên Hương Sơn tìm bằng được hai cây bồ kết trồng ở nghĩa trang như một người anh nhớ các em gái, như là việc làm nhỏ bé đáp lời mong muốn của 10 cô: "Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang". 

Bốn năm sau, hai cây bồ kết vươn cao, ông lại nhớ đến bài thơ của Vương Trọng, và trong đầu bật lên ý nghĩ: Xin phép các cơ quan có thẩm quyền và tác giả để khắc bài thơ "Lời thỉnh cầu ở Ngã Ba Đồng Lộc" vào bia đá, đặt dưới gốc cây bồ kết trong nghĩa trang 10 cô. Lúc các nhà văn quân đội chúng tôi đến Ngã ba Đồng Lộc thì bài thơ khắc trên bia đá khổ 80cm x 40cm đã được hơn 1 năm. Đầu năm 2009, với tính chất tổ chức, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh và Ban Quản lý khu di tích liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã tổ chức dựng tấm bia đá cao 2,5m, rộng 1m, dày 20cm khắc bài thơ "Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng bằng hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh, thay cho bia đá cũ nhỏ và nhiều chữ đã mờ nét.

Sáng kiến này bắt đầu từ ông Việt kiều Trần Đình Hoành ở Mỹ, ông đã dịch bài thơ ra tiếng Anh và tài trợ một phần lớn kinh phí làm tấm bia này với mong muốn bạn bè quốc tế đến Ngã Ba Đồng Lộc đọc thơ cũng hiểu được 10 cô gái dũng cảm, mất mát hy sinh, nhưng cũng sống rất con người đời thường. "Lời thỉnh cầu ở Ngã Ba Đồng Lộc" hay vì nhiều nhẽ, nhưng tôi thích cái hay giản dị rất con người, cái hay nữ tính của nhân vật trong bài thơ. Có lẽ vì vậy mà bài thơ có sức sống lâu dài, lại được khắc bia đá đặt ở một nơi rất có ý nghĩa, rất phù hợp, thì sức sống càng trường tồn.

Quả thật, thơ Việt Nam đương đại có hàng vạn người sáng tác, nhưng mấy ai như thi sĩ Vương Trọng được khắc thơ vào bia đá, đặt ở nơi linh thiêng như thế?

2. Khoảng 4 năm trước, nhà văn Dương Hướng điện thoại rủ tôi về quê hương ông ở xã Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình chơi. Tôi hỏi: "Có sự kiện gì mà bác rủ về quê bác đột xuất thế?" "Chú mày cứ về sẽ biết". Rất tiếc rằng hôm đó tôi lại ở xa chỗ "cứ về sẽ biết" ấy mấy trăm cây số. Sáng hôm sau đọc báo mới thấy thông tin khánh thành "Khu bia lưu niệm Bến không chồng" tràn ngập báo giấy, báo điện tử và các trang mạng xã hội. Phải gần một năm sau tôi mới lọ mọ đến cái nơi nhà văn Dương Hướng bảo "cứ về sẽ biết" ấy. Quả thật, không ngờ! Xúc động quá, và thật mừng cho một đời sáng tác của nhà văn Dương Hướng.

"Bến không chồng" là hình ảnh của người phụ nữ làng Đông và cũng là phụ nữ miền Bắc thời chiến tranh, rộng ra là phụ nữ cả nước cô đơn chờ đợi như hòn vọng phu với những thiệt thòi, vắng thiếu, mất người yêu, mất chồng. Có người tuổi thanh xuân trôi đi cùng với mất mát "nửa kia của mình" ra trận chưa về, mãi mãi không về.

Suốt hơn 30 năm qua, "Bến không chồng" chẳng xa lạ gì với đời sống văn chương Việt Nam. Cứ nhắc đến Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam từ thời Đổi mới đến nay, là người ta chỉ trầm trồ khen cái năm 1991 với ba tiểu thuyết nổi tiếng: "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường và "Bến không chồng" của Dương Hướng. "Bến không chồng" được dịch ra nhiều thứ tiếng, năm 2000 chuyển thể sang điện ảnh với phim cùng tên, do Lưu Trọng Ninh đạo diễn; năm 2018 chuyển thể sang phim truyền hình dài tập "Thương nhớ ở ai" cũng Lưu Trọng Ninh đạo diễn. Gần đây tiểu thuyết này được chuyển thể sang sân khấu do Nhà hát Kịch Việt Nam và Hiệp hội Các nhà sản xuất chương trình biểu diễn Hàn Quốc (KAPAP) cùng dàn dựng, biểu diễn tại Hàn Quốc và Việt Nam.

Người yêu thích "Bến không chồng" dĩ nhiên cũng nể phục, quý trọng nhà văn Dương Hướng, trước tiên là những người dân quê hương ông. Ý tưởng “Bến không chồng” ở làng Đông, xã Thụy Liên không phải do nhà văn nghĩ ra, mà do hai ông Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã. Hai ông từ Thái Bình ra Quảng Ninh gặp Dương Hương và đề xuất ý tưởng. Dĩ nhiên là nhà văn vui mừng và quý cái tấm lòng của lãnh đạo, đồng bào quê hương.

Nhà văn Dương Hướng bảo tôi: "Khi ấy, mình nghĩ chắc chỉ đặt một cái khối xi măng như cột cây số rồi khắc ba chữ "Bến không chồng" vào thôi". Tôi bảo: "Thế giới nghệ thuật của bác tạo ra cả một thời đại, một hệ thống nhân vật với trí tưởng tượng to lớn mênh mông thế, mà sao bác lại nghĩ cái "tượng đài Bến không chồng" bằng xi măng chỉ như cái cột cây số bên đường quốc lộ?". Nhà văn cười lớn, bảo: "Quê mình nghèo lắm. Mà làm thì mất rất nhiều tiền, nên chỉ nghĩ được đến đó, "cái khó bó cái khôn" mà”.

Cụm bia “Bến không chồng” to lớn, đồ sộ bên cạnh sông Đình Đoài, nơi diễn ra rất nhiều cuộc đưa tiễn người ra trận cách đây hơn nửa thế kỉ thời chiến tranh bom đạn mù trời. Cụm bia vinh danh "Bến không chồng" còn ghi nhớ hơn 1.500 người con của xã Thụy Liên, nhiều người viết đơn bằng máu, nối tiếp nhau ra trận, có 230 người đã hy sinh. Họ ra chiến trường, để lại làng quê vắng bóng đàn ông, để làng quê thêm nhiều góa phụ, thêm nhiều người con gái đợi người yêu, nhiều người vợ chờ chồng và 31 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Không gian cụm bia mênh mông, có sông, có bến, có bậc đá xuống sông múc nước, có khuôn viên, có bia đá khắc chữ to, có tiểu cảnh... Ông Bí thư và Chủ tịch xã trực tiếp đi chọn đá. Hòn đá khổng lồ nguyên khối hình dáng người vợ chờ chồng, được đẽo tạc chút ít nhưng vẫn giữ được vẻ thô mộc, gần gũi, ấm áp… Chỉ riêng việc kè đá, đổ nền, xây dựng cái bến cũng đã hết hơn 2 tỷ đồng, phần lớn là ngân sách huyện, còn lại là xã và các nhà hảo tâm đóng góp.

Cái hòn đá khổng lồ 200 triệu đồng do ông doanh nhân Lê Thành Trung tài trợ, phía trên khắc ba chữ to "Bến không chồng", phía dưới khắc nội dung: "Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật ghi một dấu ấn sâu sắc như bản tình ca bi tráng về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim truyện, được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, Giải thưởng Nhà nước năm 2016".

Từ ngày cụm bia đá “Bến không chồng” khánh thành đã có rất nhiều văn nghệ sĩ và khách du lịch đến thăm, chụp ảnh, nhiều trường học đưa học trò đến ngoại khóa. Rất mừng là cụm bia “Bến không chồng” rất có ích, và hiệu ứng lan tỏa rất rộng. Trong số những người đến chiêm ngưỡng công trình văn hóa nghệ thuật "Bến không chồng" ở xã Thụy Liên, nhiều người xúc động quá tức cảnh sinh tình làm thơ. Nhà văn Dương Hướng đã sưu tầm được hàng trăm bài thơ trên mạng, ông gom lại đóng thành tập thơ dày cộp.

Ở nước ta có bao nhiêu bến chia ly, có bao nhiêu bến tiễn người ra trận vào văn học nghệ thuật dưới các biểu tượng khác nhau. Nhưng, vào văn học với cái tên "Bến không chồng" thì chỉ có một. Từ bến không chồng ngoài đời vào tác phẩm văn học, rồi lại từ những trang tiểu thuyết bến không chồng bước ra ngoài đời với cả một khối đá khổng lồ, một khu di tích lưu niệm thành địa chỉ văn hóa, du lịch thì cũng chỉ có một. Vinh quang này thuộc về người sáng tác mang tên… nhà văn Dương Hướng. Đời văn mấy người được như thế?!

Sương Nguyệt Minh

.
.
.