Bí mật trong căn cứ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan
Ngày 9/7/2011, Nam Sudan tuyên bố độc lập, trở thành quốc gia non trẻ nhất châu Phi nói riêng cũng như thế giới nói chung. Cũng ngay từ thời điểm đó, Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan (Phái bộ UNMISS) được thành lập, thực hiện sứ mệnh ngăn ngừa xung đột, giảm thiểu thương vong và bảo vệ dân thường, đồng thời giúp các cơ quan chức năng Nam Sudan trong việc phát triển lực lượng an ninh, xây dựng nhà nước pháp quyền và thực thi pháp luật trên toàn đất nước.
Thế giới của xe ôtô và nhà container
Ở quốc gia trẻ nhất và nghèo đói cũng vào bậc nhấc như Nam Sudan, Phái bộ UNMISS có vai trò rất lớn trong việc trợ giúp nhân đạo, hạn chế những thiệt hại tàn phá của xung đột vũ trang. Từ tháng 1/2021 đến nay, Trưởng Phái bộ UNMISS là ông Nicholas Haysom đến từ Nam Phi. Có gần 18.000 người từ 73 quốc gia nằm trong lực lượng GGHB LHQ đang được triển khai tại Phái bộ UNMISS, bao gồm nhân viên dân sự, cảnh sát và quân sự. Trong đó, có 1.411 sĩ quan cảnh sát của gần 50 quốc gia. Lực lượng cảnh sát Phái bộ đóng quân tại 10 địa bàn thuộc 10 bang của Nam Sudan. Bà Christine Fossen đến từ Na Uy hiện đang đảm trách vị trí Tư lệnh Cảnh sát phái bộ UNMISS.
Tại UNMISS, cảnh sát LHQ có nhiệm vụ bảo vệ dân thường khỏi các mối đe dọa bạo lực, giám sát và báo cáo các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế. Vì lực lượng cảnh sát Nam Sudan vẫn còn thiếu, phần lớn chưa được đào tạo bài bản nên cảnh sát LHQ cũng tập trung vào việc tổ chức các lớp tập huấn đào tạo cho cảnh sát địa phương. Khi mà xung đột vũ trang vẫn diễn ra dai dẳng giữa các phe phái, người dân chỉ còn cách chạy trốn bạo lực và tìm nơi trú ẩn tại các Trại bảo vệ dân sự (POC). Có nhiều Trại POC trên khắp đất nước, riêng thủ đô Juba đã có đến 2 trại tị nạn. Nhiệm vụ của cảnh sát khi đến đây là đảm bảo môi trường an toàn trong trại, ngăn chặn bạo lực tình dục và giới tính.
Từ năm 2022 đến nay, có 6 sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam thuộc 2 tổ công tác đã có mặt tại Nam Sudan tham gia hoạt động GGHB LHQ. Hiện tại, tổ công tác số 1 vừa kết thúc nhiệm kì về nước. Còn lại 3 sĩ quan thuộc tổ công tác số 2 đang tác chiến độc lập tại ba địa bàn cách xa nhau. Trung tá Bùi Phương Lân là sĩ quan quản lí hành chính, nhân sự, hậu cần thuộc Văn phòng Cảnh sát địa bàn Malakal; Trung tá Nguyễn Thu Hà là sĩ quan hậu cần, Cục Hành chính và Nhân sự ở Sở chỉ huy tại thủ đô Juba; Thiếu tá Đinh Mạnh Cường là Trưởng Văn phòng cảnh sát địa bàn Torrit.
Ở Phái bộ, nhân viên LHQ đến đây hoạt động theo hình thức cá nhân và tập thể. Theo chia sẻ của tổ công tác, nhiều đồng nghiệp quốc tế không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ GGHB, có người đã nhiều lần tham gia Phái bộ. Như ông Igor đến từ Bosnia Herzegovina - Trưởng phòng đánh giá nội bộ thuộc Sở chỉ huy Cảnh sát Phái bộ đã 5 lần lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nepal, … đã nhiều lần đưa cảnh sát sang Phái bộ, mỗi lần tham gia với số lượng lớn. Vì có kinh nghiệm GGHB nên họ có nhiều thuận lợi khi ứng tuyển vào các vị trí công tác.
Bên cạnh hình thức cá nhân, nhiều nước đang triển khai đội hình đơn vị tại đây như Ấn Độ, Nepal, Rwanda, Campuchia,… Một điều khá ấn tượng là số lượng nữ tham gia GGHB LHQ rất đông đảo. Điều này thể hiện chính sách tôn trọng và tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia hoạt động GGHB. Đơn vị Cảnh sát Rwanda có đến 87 cảnh sát nữ, trong khi có 73 cảnh sát nam. Ở đơn vị quân cảnh Campuchia, số nhân viên nam và nữ tương đương nhau: 34 nữ, 36 nam. Cảnh sát các nước khi đến nhận nhiệm vụ tại Phái bộ đều trải qua kì tập huấn đầu vào, sau đó thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Đây được coi như bước đầu tiên để nắm bắt địa bàn, đồng thời tiếp xúc với người dân để xây dựng lòng tin vào lực lượng cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật. Sau đó, các sĩ quan sẽ thi tuyển vào các vị trí làm việc khác nhau.
Ở thủ đô Juba, LHQ xây dựng 2 căn cứ. Tomping là căn cứ “đời đầu”, sau này mới xây dựng căn cứ UN House, cách Tomping 15km. Căn cứ Tomping nằm sát sân bay quốc tế Juba và sân bay nội bộ của LHQ. Từ thủ đô Juba, nhân viên LHQ có thể di chuyển tới các địa bàn khác của Nam Sudan bằng máy bay trực thăng.
Phái bộ UNMISS là thế giới của xe ôtô và nhà container. Những chiếc xe ôtô trắng mang dòng chữ UN nhiều vô kể, đậu khắp căn cứ. Các phòng ban chuyên môn đều được phân bổ xe để đi lại. Nếu chưa quen đường sẽ rất dễ bị lạc bởi đâu đâu cũng là những dãy phòng container san sát nhau, từ khu làm việc tới khu ở. Phòng nào cũng có chữ UN nổi bật, được kê cao cách mặt đất khoảng 50cm để tránh ẩm mốc. Mỗi phòng có giường cá nhân, tủ quần áo, khu vệ sinh và khu bếp để nấu ăn. So với những căn lều lúp xúp, những trại tị nạn nghèo nàn thì được sống và làm việc trong phòng container vẫn vô cùng lý tưởng.
Các căn cứ của LHQ luôn được canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt. Ở cổng căn cứ, bất cứ nhân viên nào ra vào cũng phải dừng lại để lực lượng an ninh kiểm tra. Bởi chỉ cần qua cổng là đối diện với nhiều súng ống của quân chính phủ và phe đối lập. Trung tá Nguyễn Thu Hà chia sẻ rằng, lúc đầu ra đường làm nhiệm vụ luôn có cảm giác bất an, nhưng bây giờ thì đã quen. Các sĩ quan cảnh sát đi làm nhiệm vụ luôn có đơn vị cảnh sát bảo vệ của LHQ đi hỗ trợ. Để đảm bảo an toàn cho nhân viên, Phái bộ UNMISS quy định giờ giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian này toàn bộ nhân viên LHQ phải ở trong căn cứ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chính căn cứ Tomtoping cũng là một mục tiêu dễ bị tấn công. Bởi vậy, hầm trú ẩn, lô cốt được bố trí rải rác trong căn cứ. Trong những tình huống khẩn cấp, nhân viên LHQ sẽ trú ẩn tại đây.
Đất lành chim đậu
Phái bộ UNMISS thực sự là một môi trường đa quốc gia. Tính liêm chính, chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng là những giá trị cốt lõi mà LHQ đặt ra đã lan tỏa, trở thành phẩm chất của mọi nhân viên khi làm việc ở đây. Biểu hiện rõ nét nhất của việc tôn trọng sự đa dạng là việc LHQ luôn sắp xếp nhân viên đến từ các quốc gia khác nhau trong một bộ phận làm việc và bảo đảm bình đẳng giới. Ngay cả việc sắp xếp phòng ở cũng là ở ghép với đồng nghiệp quốc tế.
Do tình hình an ninh không đảm bảo, việc ra ngoài mua thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên trong căn cứ có khu chợ cho nhân viên mua sắm. Đó là khu chợ của người địa phương bày bán thực phẩm và đồ lưu niệm. Tại căn cứ UN House, chợ được mở bán vào thứ 3, thứ 6. Còn tại Tomping sẽ họp chợ vào thứ 4 và thứ 7. Mặt hàng gồm các loại củ quả, trái cây, lương thực chủ yếu nhập khẩu từ Uganda và Kenya. Ngoài ra, nhân viên LHQ có thể đặt mua thực phẩm của Công ty ESKO 2-3 tuần giao 1 lần. Giá của ESKO khá ổn định vì thanh toán bằng USD. Nhưng giá thực phẩm của người địa phương thì tăng nhanh do lạm phát rất cao nên đồng tiền bảng Nam Sudan (SSP) bị mất giá.
Căn cứ Tomping được coi là nơi đất lành chim đậu. Từ những con cò, vạc rất to đậu trên cây cao tới lũ chim màu cam bé xíu như một bông hoa rúc rích trong bụi cỏ. Nơi đây nổi tiếng với cây tổ chim. Không thể đếm xuể có bao nhiêu chiếc tổ treo lủng lẳng trên các cành cây, lá cây xơ xác vì lũ chim rỉa lá xây tổ. Hơn 5 giờ sáng, nền trời quang dần, khi những tia sáng đầu ngày hắt lên, từng đàn chim rời khỏi căn cứ, khung cảnh thật thanh bình. Chiều về, cả căn cứ sôi động bởi tiếng chim ríu rít sau một ngày kiếm ăn trở về, nghe vui tai lạ thường.
Ở căn cứ, những giọt nước sạch luôn được nâng niu như nguồn sống. Trong phòng ở có đường ống dẫn nước nhưng chỉ dùng để sinh hoạt. Có hôm nước đục ngầu phải để lắng lại mới sử dụng được. Vì thế nhân viên trong căn cứ thường đi bộ để xách nước sạch ở khu vực chung về nấu ăn và đun nước uống. Giữa những dãy nhà container thường dựng lán để nhân viên ngồi uống trà, gọi điện cho người thân, giao lưu nói chuyện. Từ lớp đất đai khô cằn, những cây phượng nở hoa đỏ rực, gốc xoài cổ thụ, những cây xương rồng khổng lồ bám trụ chắc đã từ lâu lắm, trở thành “đặc sản” của khu căn cứ. Sáng sáng, tối tối trên con đường rải nhựa dọc căn cứ, nhân viên chạy bộ tập thể dục rất đông. Ấn tượng nhất là các đơn vị chạy theo hàng ngũ, vừa chạy vừa hô vang, bước chân rầm rập trên đường.
Nhiệm vụ đã đưa tất cả các nhân viên từ nhiều quốc gia đến với đất nước này. Ai đến đây cũng hết lòng vì nhiệm vụ GGHB, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp. Nỗ lực vượt qua khó khăn, niềm lạc quan đã gắn kết họ lại. Họ sử dụng chung một ngôn ngữ là tiếng Anh và thường gọi nhau một cách thân thiết là “brother” (người anh em). Luôn có những hoạt động giao lưu nhân dịp đặc biệt của các quốc gia để lan tỏa cho nhau những giá trị văn hóa truyền thống. Với các sĩ quan Công an Việt Nam, họ không chỉ là sứ giả hòa bình mà còn là sứ giả văn hóa đưa dấu ấn Việt Nam đến với LHQ và bạn bè quốc tế. Những món ăn truyền thống, tà áo dài, cành đào, cành mai ngày tết hay cả luống rau Việt Nam cũng ghi dấu ấn ở Phái bộ.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ về nước họ vẫn liên lạc, nắm bắt tình hình của nhau. Dù có cách xa về khoảng cách địa lý nhưng họ vẫn dành cho nhau những tình cảm quốc tế sâu đậm. Có khó khăn, bất ổn thì mảnh đất Nam Sudan mới cần đến sự hiện diện của Phái bộ GGHB LHQ ở nơi này. Đã, đang và sẽ có nhiều người lên đường vì nền hòa bình của Nam Sudan, trong đó có các sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam.