Bí ẩn mật khu: Đám cưới trong lòng đất

Thứ Hai, 14/03/2022, 12:35

Đó là địa danh nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp tới cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đó, nơi một thời trở thành lãnh địa của nhiều tổ chức cách mạng thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, một số đơn vị tình báo chiến lược thuộc Đoàn tình báo J22, An ninh Sài Gòn - Gia Định…

Ở đó, từng hội ngộ nhiều vị chỉ huy tình báo vang bóng một thời: ông Trần Quốc Hương, ông Ba Trần (Tướng Trần Văn Danh, thời đó là Phó Tổng Tham mưu quân Giải phóng kiêm Trưởng ban tình báo B2); Tướng Nguyễn Đức Trí (Nguyễn Văn Khiêm) - Cụm trưởng tình báo A20… Vậy, mật khu ở đâu? Xin thưa, đó là Mật khu Bời Lời - một cánh rừng thuộc xã Đôn Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh), vùng chiến lược quan trọng - cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn.

Ngẫm lại quá khứ, đôi lúc cười thầm với việc tự đánh giá về mình lại trùng với nhận xét của anh em - “Thái Dương (Ba Dương) - tên thường gọi ở chiến trường của tôi - có duyên với “nghề tổ chức sự kiện” như mít-tinh kỷ niệm, thông báo tình hình chiến sự, văn nghệ mừng xuân, chủ hôn lễ cưới... được lãnh đạo tín nhiệm phó thác cho cả”.

Thời máu lửa ấy, mấy ai hiểu nổi đời lính vẫn vô cùng lãng mạn, vẫn gặp gỡ, yêu thương với những bức thư tình mùi mẫn, với những đám cưới tưng bừng ngay giữa vùng ven hoặc nơi căn cứ bí mật. Tôi có may mắn được dự nhiều cuộc hôn nhân nơi chiến trường. Song, có một đám cưới đồng đội tôi, một đám cưới “độc nhất vô nhị” được tổ chức tại Mật khu Bời Lời vào giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến. Rừng mật khu điêu tàn, xơ xác bởi nằm trong vòng kiềm tỏa của địch. Nó đã hằn sâu trong ký ức tôi, trở thành kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chinh chiến.

Chú rể là Đài trưởng vô tuyến điện Vũ Minh Lĩnh, quê Kim Bảng, Hà Nam. Cô dâu là Nguyễn Thị Hoa, chiến sĩ cơ công (sửa điện đài), quê Tân Trụ, Long An. Có biết đâu, trong cái hoang tàn khốc liệt của mật khu lại là nơi ươm mầm tình yêu, hạnh phúc của họ.

Bí ẩn mật khu: Đám cưới trong lòng đất  -0
Họp mặt truyền thống cựu chiến binh Đoàn Tình báo J22. Đài trưởng Vũ Minh Lĩnh đứng giữa, hàng sau.

Cuối năm 1969, với kế hoạch “lùng diệt, hủy diệt”, địch tăng cường đánh phá chiến trường Đông và Tây Bắc Sài Gòn. Theo lệnh từ “Tổng hành dinh”, để bảo toàn lực lượng, các cụm chuyển căn cứ bám trụ về miền Trung và Tây Nam Bộ để đánh lạc hướng theo dõi của địch. Cố nhiên, địa bàn hoạt động vẫn là Sài Gòn. Cấp trên thừa biết “bí ẩn” của H67 (đơn vị có tuyến địa đạo dài mấy trăm mét và hệ thống hầm trú ẩn kiên cố) nên có thêm nội dung thứ hai trong mật điện - “H67 là đơn vị di chuyển cuối cùng. Trạm dừng chân của các đơn vị để chờ chuyến giao liên của Đoàn J22 đưa về biên giới Campuchia, từ đó băng qua Đồng Tháp Mười về miền Tây Nam Bộ. Thời gian các cụm chuyển cứ, tất cả tài liệu từ các lưới điệp báo nội thành đều chuyển về H67”.

Với vai trò phụ trách bộ phận cơ mật và tổng hợp báo cáo của đơn vị, tác giả bài viết này được biết khá nhiều thông tin từ cụm bạn là vậy.

Theo quy ước, mỗi ngày H67 có một phiên liên lạc về trung tâm vào lúc 12h đêm. Giai đoạn này, số phiên liên lạc tăng gấp đôi nên bộ phận cơ yếu, điện đài vất vả hơn bởi cái nghề đặc thù đó không có bộ phận nào đỡ đần được.

Cái nghề điện đài thời chinh chiến nó nhiêu khê lắm, địch có thể phát hiện tọa độ phát sóng như bỡn. Chỉ lỡ chủ quan giây lát là cơ nghiệp tan tành trong nghi ngút khói bom.

Những tháng ngày ấy, bầu trời mật khu không bao giờ vắng bóng máy bay trinh sát của địch (loại máy bay cánh quạt L19). Nó tỉ tê trên bầu trời. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh điện đài là cực kỳ quan trọng, được cụm trưởng thường xuyên nhắc nhở. Mỗi phiên liên lạc có 2 tổ gác phòng không ở phía trên. Hiệu thính viên chỉ cần nhớ và hành động theo tín hiệu ngắn gọn: “Tắt, mở”. Máy bay sắp bay vào vùng trời căn cứ là “Tắt”. Khi nó bay qua là nhận được ngay tín hiệu “Mở”. Cứ tắt-mở, mở-tắt cả chục lần, thậm chí vài chục lần như thế trong một phiên liên lạc là chuyện quen thuộc như cơm bữa ở rừng mật khu.

Phiên liên lạc căng thẳng nhất phải kể tới đó là báo cáo của điệp viên Ba Quốc (Đặng Trần Đức). Ông là điệp viên thuộc Cục II (Cục Tình báo) từ kháng chiến chống Pháp. Năm 1953, thời “Đệ nhất Cộng hòa”, được “đánh” vào Sài Gòn, bình phong qua nhiều vị trí để hoạt động. Tới thời “Đệ nhị Cộng hòa” ông đã leo lên tới cấp thiếu tá thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo. Vì vậy, tài liệu của ông mang tầm cỡ chiến lược về quân sự và các đảng phải chính trị. Tài liệu của ông hôm đó được ghi chỉ lệnh “Tối mật”, xếp vào danh mục “Tối khẩn”. Bộ phận điện đài phải đưa ngay vào diện ưu tiên số 1. Thật không ngờ, hôm đó địch dở chứng, trước phiên liên lạc chừng 1 tiếng đồng hồ, chiếc trinh sát L19 cứ tỉ tê trên bầu trời. Khi bộ phận cảnh giới thông báo an toàn, Lĩnh vừa kết nối với đài bạn ở trung tâm thì lại có tín hiệu tắt máy. Kỳ này nó “ăn vạ” lâu hơn, 2 tiếng đồng hồ mới xử lý được một phần ba công việc. Chiếc L19 rời xa, nhường nhiệm vụ cho bọn pháo binh. Hai phần ba làn sóng điện còn lại phải vượt qua mưa pháo của địch. Có tới 3 lần Lĩnh phải lên khỏi hầm để sửa ăng-ten. Những nhóm điện cuối cùng được phát lên cùng lời gút-bai đài bạn thì trời đã hửng sáng.

*    *

*

Khoảng hơn 2 tuần lễ trước Noel, cụm trưởng triệu tập họp toàn đơn vị tại hầm “Hội trường”. Nhìn gương mặt ông, tôi đoán là nội dung quan trọng. Ông thông báo quyết định chuẩn bị chuyển căn cứ bám trụ tới địa bàn rất xa. Những đồng chí sức khỏe không đảm bảo sẽ chuyển về tuyến sau. Trong danh sách đó có cả cô gái cơ công Nguyễn Thị Hoa.

Tối hôm ấy, Lĩnh sang hầm tôi chơi. “Nhìn gương mặt - đoán nỗi lòng”, tôi giật mình thầm nghĩ “chẳng lẽ hắn ngại đi, muốn nằm trong diện về R” nên gợi chuyện luôn

- Này! Dường như có chuyện gì phải không?

Vốn kiệm lời, vậy mà hôm ấy hắn vòng vo tam quốc mãi vẫn chưa đi vào chủ đề.

- Dạ... Không có chi! Buồn vì anh em sống chết với nhau, giờ phải “xẻ nghé tan đàn”. Anh em mình vào đây chỉ có anh, em và Út Thử. Em coi anh như anh cả nên hôm nay muốn nhờ... nhờ anh nói với chú Bảy...

Mặt tôi nóng bừng, dồn cậu ta luôn:

- Xin với cụm trưởng cho cậu về trung tâm chứ gì?

- Dạ không phải! Không bao giờ em có ý đó.

- Vậy thì nói với chú Bảy cái gì?

Trầm ngâm lâu lắm, rồi Lĩnh ngập ngừng

- Em... Em và Hoa yêu... yêu nhau

Tôi phá lên cười

- Trời đất! Yêu nhau thì tốt quá, có chi mà ngại. Chắc nói với chú Bảy nhằm công khai về mặt tổ chức để xí phần, cản chân thằng khác nhảy vô phải không?

Cả hai anh em cùng cười khiến không khí căn hầm thêm ấm cúng. Bất giác, tôi hỏi:

- Các cậu yêu nhau từ bao giờ mà bí mật thế?

- Dạ cũng mới thôi. Anh nhớ cái đêm pháo cấp tập tuần trước đó. Chỉ có 5 bức điện mà tới 3h sáng mới chuyển xong. Đang ngon chớn thì máy tậm tịt, em phải kêu Hoa sang, gần một tiếng đồng hồ mò mẫm mới tìm ra thủ phạm - một trái pháo nổ kế hầm, tạo địa chấn làm đứt mạch hàn. Gần xong bức điện thứ hai thì máy lại trục trặc, mất tín hiệu của đài bạn. Kỳ này thì không thể tại máy. Em nhanh chóng vọt lên miệng hầm trong bụi đất mù mịt. Chạy tới cột ăng-ten thì hỡi ôi, miểng pháo đã chặt gãy gục. Em vội dựng lên, cho cột ăng-ten dựa vào một gốc cây gần đó rồi chạy về hầm. Niềm vui vỡ òa khi đã bắt được tín hiệu đài bạn. Nhóm điện cuối cùng được đánh đi kèm theo lời chào là cơn buồn ngủ và mỏi mệt ập tới, vội gục xuống bàn làm một giấc, khi giật mình tỉnh dậy thì thấy Hoa đang thổi bụi đất trên tóc em. Không làm chủ được lòng mình, em đứng dậy ôm chầm lấy cô ấy. Hoa gục vào ngực em, không dám để giây phút ấy kéo dài, đã hơn 3h sáng, em đưa Hoa về hầm cô ấy - “pháo bắn nhiều vậy, đề phòng địch càn vào căn cứ”. Trở về cuốn ăng-ten đưa xuống hầm, bất giác sờ lên ngực mình thấy mát mát. Thì ra đó là nước mắt của Hoa.

Tôi cắt ngang lời Lĩnh:

- Vòng vo quá. Rốt cuộc thì cậu đã có lời tỏ tình với cô ấy chưa?

- Dạ... thì... chưa. Mà biết nói làm sao!

- Cha! Cái đồ cù lần, thế mà lại bảo ta nói cụm trưởng

- Thì... thì hồi chiều em nói với Hoa sẽ nhờ anh... Cô ấy mắc cỡ, nói nhỏ như sợ có ai nghe được - “tùy anh” rồi chạy vội về hầm.

- Hiểu rồi! Có nghĩa là cái ôm của cậu và nước mắt của cô ấy coi như lời tỏ tình, phải vậy không?

Thế là cả hai anh em cùng cười ngất.

Sáng hôm sau, tôi sang hầm cụm trưởng, mới nói tới câu “thằng Lĩnh và cái Hoa nó yêu nhau”, ông cười sảng khoái và phán luôn

- Đồng chí biểu tụi nó mần đám cưới đi. Đơn vị sẽ đứng ra tổ chức. Đánh giặc lâu dài, đời cha đánh không xong thì đời con, đời cháu đánh tiếp.

- Cưới ngay ở căn cứ?

- Chớ sao! Làm ngay ở hầm hội trường. Coi vậy mà chứa được cả cụm đó. Ba Dương làm chủ hôn và đại diện họ nhà trai. Tụi này đại diện nhà gái. Đơn vị ủng hộ thuốc, trà, bánh kẹo là xong.

Trầm ngâm giây lát, ông hạ giọng, bùi ngùi:

- Thiệt tội nghiệp! Tổ cha thằng Mỹ! Đành nói với anh em mỗi người ủng hộ một tháng phụ cấp tiêu vặt, dẫu chẳng là bao nhưng cũng đủ mua đôi bông tai làm quà cho cái Hoa để nó đỡ tủi thân.

Hôn lễ tổ chức vào 5h chiều (giờ an toàn). “Quan khách” tới dự mỗi người đem theo một chiếc bát ăn cơm (loại bát sắt cá nhân). Nước trà nấu bằng xoong thổi cơm, múc ra bát. Bánh kẹo xếp ngay xuống bàn bởi làm gì có đĩa. Ai xuống “hầm cưới” cũng khen hết lời về trang trí và sắp xếp chỗ ngồi. Hai bên vách hầm được ghim hai khẩu hiệu chữ phăng-tê-ri rất điệu nghệ, viết bằng phấn trắng trên nền giấy hồng điều do tổ trinh sát cung cấp nên rất nổi. Một bên là “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” và bên kia là hai câu thơ: “Lĩnh Hoa xây dựng gia đình/ Vui trong duyên mới thắm tình Bắc Nam”.

Tuần trăng mật của họ chỉ vỏn vẹn 2 ngày, cô dâu rời mật khu trước. Sau ngày giải phóng, họ mới gặp lại nhau.

Kết thúc chiến tranh, tôi trở về Hà Nội. Đã từng tham dự hàng trăm đám cưới, bình dân có, trung lưu có và rất nhiều đám cưới giới thượng lưu với trang hoàng lộng lẫy, cô dâu chú rể như ông hoàng bà chúa và thực đơn cực kỳ hoành tráng, toàn “sơn hào hải vị”. Những lúc như thế, cái “dở hơi” của tâm hồn thi sĩ bỗng dưng trỗi dậy để rồi nghẹn ngào “Mà giờ đây, trong tiệc vui với thực đơn nhiều món/ Cớ sao tắc nghẹn/ Bởi thuở ấy “tiệc” khoai, sắn, rau rừng, giờ chỉ một mình ta”. Ấy là lúc thả hồn về với chiến trường xưa xa ngái. Nơi có cánh rừng Đôn Thuận, có đám cưới đồng đội tôi trong lòng đất mật khu. Tình đất, tình người nơi ấy đã cưu mang, che chở cả một đoàn hùng binh và trở thành miền quê văn học của tôi. 

(Còn nữa)

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ
.
.
.