Bậu qua mớ qua

Chủ Nhật, 03/03/2024, 12:55

Xa xôi chưa kịp nói năng

Từ qua đến bậu như trăng xế chiều

Khi "Sống với ca dao, dân ca miền Nam Trung Bộ", nhà thơ Xuân Diệu hết sức tâm đắc với câu ca dao này.

Trong tập sách “Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy” (NXB Tác phẩm mới - 1978), Xuân Diệu ghi nhận "có những hình tượng hàm súc rất thơ": "Vừa nói em xa anh quá, khó với tới, vừa gợi thi vị buổi chiều thanh mát, gợi tương tư trong buổi chiều có trăng non; tình người gắn bó với tạo vật" (tr.163). Quả nhiên là thế, còn bàn về cách dùng từ, hẳn nhiều người sẽ dừng lại với hai từ "qua" và "bậu". Muốn rõ nghĩa, dễ quá, chỉ cần gõ từ khóa "qua, bậu" trên Google, ta sẽ thấy hầu hết đều giải thích đó là từ của người miền Nam.

Bậu qua mớ qua -0

Thật ra cách hiểu này, hoàn toàn trật.

Từ "qua, bậu" đã được ghi nhận trong “Từ điển Việt-Bồ-La” từ năm 1651: "Qua: Khi người trên đã nói với người dưới. Mớ qua: Chúng tôi, khi nhiều người có địa vị cao hơn nói với những người dưới, hay một người nói thay cho tất cả". Tuy nhiên, trong cách đếm, ngày xưa, "mớ" chỉ số lượng cụ thể là 10 vạn: Trăm, nghìn, vạn, mớ. "Mớ" còn là từ dùng để chỉ số lượng nhiều, nhưng không xác định cụ thể, thí dụ ca dao có câu:

Người thì mớ bảy mớ ba

Người thì áo rách như là áo tơi

Nếu tinh ý, ta sẽ thấy cụm từ "mớ bảy mớ ba" không chỉ là nói vể số lượng, còn dùng để chỉ về loại trang phục lễ hội của người Hà Nội xưa.

Với từ "mớ", khi khảo cứu về “Trang phục Thăng Long - Hà Nội” (NXB Hà Nội - 2010), tiến sĩ Đoàn Thị Tình cho biết: "Áo năm thân mặc nhiều chiếc gọi là áo mớ. Dù là áo ba chiếc, người ta vẫn nói áo mớ ba mớ bảy. Áo mớ ba, kiểu mặc lồng ba chiếc, mỗi áo một màu khác nhau, ngoài cùng là chất liệu the (đen hay nâu, tím tam giang), hai chiếc trong chất liệu vải mềm như lụa, nhiễu… màu mỡ gà, màu cánh sen, hay màu vàng chanh, (màu hồ thủy). Bộ áo mớ ba, với sự lựa chọn chất liệu và màu sắc ở từng áo khác nhau, lại một lần nữa nói lên trình độ thẩm mỹ của các bà các cô thời đó. Những màu sáng, mặc bên trong, phủ ngoài là hàng the đen (hoặc nâu) với kỹ thuật dệt sợi không kín vẫn cho thấy được màu mặc bên trong, mặt khác làm giảm cường độ màu sắc chói mắt, biến thành một màu sắc rất đặc biệt, nhất là khi mớ áo được tẩm trong các nguồn ánh sáng thay đổi" (tr.261-262). Một phân tích hết sức thú vị, ta càng thêm hiểu thêm yêu áo mớ ba mớ bảy. 

Khi "mớ" dùng chỉ số lượng không xác định, tùy ngữ cảnh có thể thay thế bằng từ khác, thí dụ, một người mẹ bảo: "Con lấy nhúm thóc rải cho bồ câu" - là chụm năm đầu ngón tay để lấy thóc với một bốc nhỏ. Tuy nhiên, nhúm còn là từ đồng âm như trường hợp: "Mẹ tôi lấy củi nhúm bếp" - tức chụm các que củi lại để gầy ra lửa; nói cách khác là nhen lửa. Mà, nhen/ nhen nhúm là từ đôi có nghĩa là gầy dựng dần dần. Từ nhúm trong ngữ cảnh này có thể thay bằng "nhóm/ nhóm bếp", chẳng hạn nhà thơ Bằng Việt có viết khổ thơ xúc động:

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng - bếp lửa

Nhóm còn là từ dùng để chỉ các thành viên hội lại, tụ lại như ai đó bảo: "Nhóm nhà văn chúng tôi đi thực tế sáng tác". Không chỉ có thể, chẳng hạn cô nọ than phiền: "Do cúp điện không thể ủi nên áo tôi bị nhúm" thì nhúm lại không liên quan gì các nghĩa trên, ta hiểu là chiếc áo bị díu lại, nhăn nhíu, không thẳng thớm. Về cái cái sự nhúm/ nhăn này người Việt có cách so sánh "Nhăn như váy đụp", "Nhăn như bị"… Cái áo bị nhăn này do không "ủi", nếu người ngoài Bắc ắt còn dùng từ "là", vậy, khi nghe "giặt là" ta biết chỉ động tác "giặt ủi".

Vậy, suy ra câu thành ngữ "Quần là áo lượt" là cũng hiểu như trên?

Trước hết ta hãy bàn từ "là" xem sao. Lúc mới yêu nhau, để làm tin Thúy Kiều: "Vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông" trao cho Kim Trọng. Vậy, "là" là từ chỉ trực tiếp về thuộc tính, bản chất sự vật/ sự việc nào đó, chẳng hạn tục ngữ có câu "Cơm là gạo, áo là tiền", "Người là vàng của là ngãi"... Như thế, câu thơ Kiều được hiểu "vật làm tin" ấy gồm có xuyến vàng là đôi chiếc, khăn là một vuông - tức miếng vải bốn bên và bốn góc bằng nhau.

Hiểu như thế, đúng không?

Không. "Là" là loại hàng tơ dệt thưa, thường nhuộm đen gọi chung "lụa là" mà khi dệt, người ta làm ra sản phẩm "Lụa dày, là mỏng". Ngoài ra còn có từ đôi "lượt là". Quần là, khăn là chính là quần mỏng, khăn mỏng, áo lượt cũng áo mỏng. Với câu "Màn là có sẵn bên mình/ Cũng liều trắng nợ, trần tình thử xem" (Bích Câu kỳ ngộ), "Nhà vừa mở tiệc đoàn viên/ Hoa soi ngọn đuốc, hồng chen bức là" (Truyện Kiều) - nếu không rõ nghĩa từ "là" như trên ắt khiến ta cũng ngắc ngứ, nhất là người miền Nam, thường dùng từ "màn lụa" hơn "màn là/ bức là".

Bậu qua mớ qua -0

Ngoài từ "nhúm" chỉ số lượng không nhiều, tương tự còn có từ  "nắm" - là cầm lấy cái gì đó vừa một bàn tay nắm gọn như: "Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò". Thú vị thay, nắm cũng là nạm. Với câu nói của người mẹ biểu con lấy thóc cho bồ câu, còn có cách nói: "Con lấy nhúm/ nắm/ nạm thóc". Với vật thể lỏng như nước, muốn giữ lại phải dùng từ "vốc", thí dụ: "Qua suối lúc trời nắng nóng, tôi đã lấy một vốc nước hắt vào mặt cho mát". Nếu nắm, chỉ cần một tay thì vốc phải bằng hai bàn tay chụm lại. Vốc nước ấy, khi đưa vào miệng ắt còn có thể nói: "Qua suối lúc trời nắng nóng, tôi đã uống lấy một ngụm nước cho mát".

Trở lại  với từ "qua", “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) đã cho biết, "qua" là đại từ ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, qua còn là âm đồng âm nhằm chỉ sự việc/ sự gì đã xong đã hết, thí dụ "Tai qua nạn khỏi". Khi nghe tin Chí Phèo bỏ mạng tại nhà Bá Kiến, thiên hạ sau khi ùa qua nhà Bá Kiến xem qua - tức xem thoáng qua, xem qua quýt/ qua loa rồi xầm xì: "Hắn ta đã qua đời", nếu không dùng từ "qua" ắt "Hắn ta đã rồi đời".

Trời mưa nước chảy qua sân

Em lấy ông lão, qua lần thì thôi

Ta thấy xuất hiện hai từ "qua" nhằm chỉ động tác từ nơi này qua nơi khác. "Qua sân" dễ hiểu, còn "qua lần" thì sao? "Qua lần" tức "qua lượt". Lượt cũng hiểu là phen/ chuyến/ lúc/ phiên, mà, đã có lần này/ lượt này thì còn có lần khác nữa. Câu ca dao này thuộc thể tỉ, nước chảy qua sân nước không đọng lại, trôi tuột đi, nếu có, chỉ trong khoảng thời gian ngắn; cũng tựa như "em lấy ông lão" cũng thế thôi, không ăn đời ở kiếp. Đến nay, liên quan đến từ "qua' có vế đối dễ nhớ như sau:

Hôm qua, qua nói qua qua nhưng qua không qua; hôm nay, qua không nói qua qua mà qua qua.

Chưa ai có thể đối lại được.

Với từ "bậu", “Từ điển Việt-Bồ-La” ghi: "Bạu: Bạn". Đến thời “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895), đã xếp chung: "Qua bậu: Tao, mày (tiếng nói thân thiết), như lớn nói với nhỏ, chồng nói với vợ". Bậu là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai. Ngày nay, từ "qua", "bậu" ít sử dụng nhưng ít ra lúc Pháp xâm lược nước Nam vẫn còn phổ biến: "Gió đưa bông lách bông lau/ Gió đưa em bậu xuống tàu Ăng-lê” (ca dao), hoặc trong truyện thơ “Lục Vân Tiên”: "Tiểu đồng hồn bậu có thiêng/ Thảo tình thầy tớ lòng thiềng ngày nay", "Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành" v.v… Ngược về trước, từ thế kỷ XV, ta thấy dấu vết của từ "bậu" đã xuất hiện trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi: "Trong mắt những mừng ơn bậu bạn/ Trên đầu luống đội đức triều đình"…

Dẫn chứng chi tiết, cụ thể như thế để thấy từ "qua, bậu" đã xuất hiện từ "ngày xửa ngày xưa", có điều nói đây có phải là từ thuần Việt nay vay mượn? Với từ "qua", có ý kiến cho rằng: Chữ "tôi" viết bằng chữ Hán, đọc theo Hán-Việt là "ngã". Việt Nam ta mượn giọng đọc chữ "tôi" của Triều Châu và viết theo Việt Nam là "qua". Về từ "bậu" có ý kiến cũng vay mượn từ tiếng Tiều là chỉ dùng thành tố "bậu" trong cụm "cha bậu ké" để trỏ nghĩa "ngôi thứ hai" trong cặp từ qua - bậu. 

Cách lý giải này liệu có đúng? Tôi nghĩ, cần phải xem lại.

Về từ qua, theo “Từ điển Việt - Mường” (NXB Văn hóa dân tộc - 2002) do Nguyễn Văn Khang chủ biên: "Qua: Chúng tôi, chúng tao, chúng em" (tr.407);  “Tự điển Việt cô”í (NXB Đà Nẵng-2001), nhà nghiên cứu Vương Lộc cũng cho biết: "Qua [Mường: kwa có nghĩa là tôi, ta, chúng ta] (tr. 135).

Về từ "bậu" qua, khi thực hiện công trình “Nguyễn Trãi - Quốc âm thi tập từ điển” (NXB Văn học-2018), tiến sĩ Trần Trọng Dương thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm phân tích: "Bậu: So sánh đối ứng "pậu" là "người ta, chúng nó", từ để gọi bạn bè kém tuổi mình (Tày) cũng đọc "vậu", phương ngữ miền Trung: bậu là từ nam giới dùng để gọi vợ" (tr.22). Tương tự, “Từ điển Việt cổ” (NXB Đà Nẵng-2001), nhà nghiên cứu Vương Lộc cũng cho biết: "Bậu [Mường, Tày Nùng: 'pậu' (tr.13).

 Những kết luận này cho thấy "qua" và "bậu" là vay mượn từ tiếng Mường, Tày Nùng. Và đây là từ toàn dân, chứ không phải "đặc sản" riêng biệt của người miền Nam.

Lê Minh Quốc
.
.
.