Vấn đề an ninh quốc gia trước làn sóng đầu tư Trung Quốc

Chủ Nhật, 04/09/2016, 09:28
Chưa bao giờ thế giới tỏ ra dè dặt với các thương vụ đầu tư bạc tỷ từ Trung Quốc như hiện nay. Cơn lốc đầu tư Trung Quốc tăng tốc cực nhanh. Bloomberg cho biết, chỉ trong bốn tháng đầu năm 2016, tổng giá trị các thương vụ hải ngoại được loan bố đã lên đến 119 tỷ USD, bằng cả năm 2015. Cơn lốc đó bắt đầu bị chặn. Tại sao?

Ào ạt như lốc  

Theo báo cáo vào tháng 5-2016 của hãng luật quốc tế Baker & McKenzie kết hợp với Rhodium Group, tổng giá trị đầu tư Trung Quốc vào châu Âu đã tăng từ 6 tỷ USD năm 2010 lên 55 tỷ USD năm 2014. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc tại châu Âu đã tăng 44% năm 2015, năm mà ChemChina mua một trong những nhà sản xuất lốp xe nổi tiếng nhất thế giới, Pirelli (Ý), với giá 7,7 tỷ USD. Trước hết, cần thấy tại sao châu Âu mở cửa cho chiến dịch đổ bộ từ Trung Quốc. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến kinh tế châu Âu tụt giảm và Trung Quốc đã nhanh chóng bắt thời cơ bằng cách đầu tư vào trái phiếu euro cũng như vào các công ty hạ tầng mà giá trị của họ bị tụt giảm. Ví dụ rõ nhất trong trường hợp này là cảng Piraeus của Hy Lạp (hiện được quản lý gần như toàn bộ bởi Cosco Holding của Trung Quốc sau khi Cosco mua 67% cổ phần).

Thứ hai, các công ty Đức, Ý, Pháp và Anh sở hữu một số kỹ thuật thuộc hàng đầu thế giới nhưng họ không đủ lớn và mạnh để vượt qua cú sốc khủng hoảng. Bởi không giỏi ở các lĩnh vực xe hơi, công nghệ chế biến thực phẩm, năng lượng…, Trung Quốc đã lợi dụng tình trạng này và nhảy vào thu tóm, chủ yếu để chuyển giao công nghệ. Thứ ba, quan hệ Trung Quốc-châu Âu không có sự đối đầu như quan hệ Trung Quốc và Mỹ. 

Châu Âu cũng không có một tổ chức tương tự Ủy ban đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS; nơi giám sát các thương vụ giữa Mỹ với nước ngoài) nên giới đầu tư Trung Quốc có thể tiếp cận "địa bàn" châu Âu một cách dễ dàng. Thứ tư, việc mang vốn ra nước ngoài đầu tư là một chính sách của Bắc Kinh. Hệ thống ngân hàng nhà nước Trung Quốc sẵn sàng cho các tập đoàn vay, trong đó không ít tập đoàn nợ trầm trọng, để họ đầu tư nước ngoài.

Dự án đầu tư của ChemChina vào Syngenta đang được chú ý đặc biệt.

Thứ năm, quan hệ song phương giữa Trung Quốc với một số nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha…) được thắt chặt thời gian qua. Cơ chế "16+1" (Trung Quốc và 16 nước châu Âu) gắn bó nhau qua cuộc gặp thường niên đã cho thấy điều này… 

Với Mỹ, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào nước này. Dự báo năm 2016, tổng vốn đầu tư vào Mỹ có thể lên đến 20-30 tỷ USD, so với 15 tỷ USD năm 2015 và 11,9 tỷ USD năm 2014. 

Việc Trung Quốc chuyển đầu tư từ các nước thứ ba vào những nước kỹ thuật cao như châu Âu và Mỹ cho thấy rằng họ đang muốn nắm bắt những công nghệ đỉnh cao mà bản thân họ không thể đạt được.

Cảnh giác

Tại Trung Quốc, không ai dám nói không với tập đoàn Tsinghua Unisplendour (Thanh Hoa Tử Quang). Thuộc Đại học Thanh Hoa, Unisplendour là một trong những cánh tay nối dài thuộc hệ thống sân sau của bộ máy chính trị Trung Quốc. 

Năm 2015, Unisplendour mua mảng kinh doanh dịch vụ của hãng máy tính HP chi nhánh Trung Quốc với giá 2,3 tỷ USD. Tháng 9-2015, Unisplendour loan bố đầu tư 3,8 tỷ USD vào hãng sản xuất ổ cứng nổi tiếng Western Digital (Irvine, California), chiếm cổ phần lớn nhất và sẽ là thương vụ đầu tư kỹ thuật lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày 23-2-2016, Unisplendour cho biết họ từ bỏ Western Digital. Thương vụ đã gây sự chú ý đặc biệt đối với CFIUS, nơi chuyên trách giám sát các vụ đầu tư nước ngoài vào công ty Mỹ, với ban điều hành được chủ trì bởi Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng các bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ An ninh nội địa, Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Năng lượng, Phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Phòng chính sách kỹ thuật khoa học Hoa Kỳ. Biết không thể lọt qua cửa CFIUS, Unisplendour buộc phải rút gọn.

CFIUS cũng có thể yêu cầu rà soát thương vụ đối với các công ty châu Âu nếu họ có liên quan Mỹ. Tháng 2-2016, hãng điện tử Hà Lan Philips tuyên bố hủy thương vụ 2,8 tỷ USD về việc bán 80% chi nhánh Lumileds (đặt tại California) của họ cho Go Scale Capital, một quỹ đầu tư thuộc tập đoàn GSR Ventures của Trung Quốc (Lumileds, chuyên sản xuất đèn LED, sở hữu nhiều bằng sáng chế Mỹ). 

Việc này cũng một phần do sức ép CFIUS. Ngoài vụ Philips, năm 2015, CFIUS còn yêu cầu châu Âu xem xét lại thương vụ sáp nhập 16,6 tỷ USD giữa Nokia (Phần Lan) và Alcatel-Lucent (Pháp), chỉ bởi trước đó Alcatel-Lucent đã ký hợp tác liên doanh với Shanghai Bell của Trung Quốc. 

Vấn đề an ninh quốc gia

Giới chính trị Mỹ rất thận trọng với làn sóng đầu tư Trung Quốc. Một trong những thương vụ được chú ý hiện tại là vụ ChemChina ngã giá đến 43 tỷ USD để mua công ty khổng lồ chuyên về nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ.

Nếu Syngenta rơi vào tay Trung Quốc, an ninh nông nghiệp Mỹ có thể bị đe dọa - phát biểu của thượng nghị sĩ Mỹ Charles Grassley. Syngenta chiếm khoảng ¼ doanh số thị trường Bắc Mỹ. Họ là nhà cung cấp hàng đầu về thuốc trừ sâu và 10% hạt giống đậu nành cùng 6% hạt giống bắp. 

Tại sao có vấn đề an ninh ở đây? Một số nhà máy hóa chất của Syngenta tại Mỹ nằm khá gần với các cơ sở quân sự, trong đó có một nhà máy cách căn cứ không quân Offutt chỉ khoảng 16 km và gần tổng hành dinh Bộ Tư lệnh chiến lược Hoa Kỳ. An ninh quốc gia cũng là lý do khiến Fairchild Semiconductor International và Pericom Semiconductor Corp phải từ bỏ thương vụ đầu tư từ các công ty Trung Quốc dưới sức ép CFIUS.

Có thể thấy rõ hơn yếu tố an ninh trong các thương vụ đầu tư vào châu Âu. Theo báo cáo 16 trang của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu năm 2011, Trung Quốc bắt đầu thâm nhập châu Âu từng bước một, ban đầu từ các nước ngoại vi. 

Trong hầu hết trường hợp, bỏ tiền giải cứu các công ty châu Âu trên bờ vực sập tiệm không thuần túy mang tính hỗ trợ kinh tế. Việc Ngân hàng phát triển Trung Quốc chỉ giúp Serbia giải bài toán nợ với điều kiện họ "thu được" một con cầu bắc ngang Danube là một ví dụ. 

Tương tự, tháng 6-2010, Trung Quốc chỉ đồng ý mua công trái Hy Lạp với điều kiện nước này cho họ thuê cảng Piraeus trong 35 năm, đồng thời Athens phải mua tàu Trung Quốc…

Trùm bất động sản Hoàng Nộ Ba với kế hoạch đầu tư mờ ám vào Iceland.

Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu từng kết luận: việc Trung Quốc vuốt ve các nước nhỏ Đông Âu giúp họ xây dựng được quan hệ sâu và nhờ đó có thể đạt được những lợi ích đầu tư kinh tế lẫn chính trị, khi gián tiếp dùng và thông qua những quân cờ nhỏ tạo được sức ép ảnh hưởng đối với các nước lớn khác trong EU. 

Trong một bài báo về sự hiện diện Trung Quốc tại châu Âu, tác giả Vivian Ni viết: "Người ta tin rằng nhiều thương vụ đầu tư của Trung Quốc không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế mà còn là lợi ích ngoại giao và địa chính trị".

Đơn cử cho yếu tố địa chính trị là trường hợp trùm bất động sản Hoàng Nộ Ba (thuộc Trung Khôn tập đoàn) từng đề nghị mua một mảnh đất 300 km2 tại Đông Bắc Iceland với giá một tỉ krona (8,8 triệu USD) để làm "khu nghỉ mát sinh thái". 

Điều khiến dư luận chú ý là doanh nhân Hoàng (đứng thứ 161 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của Forbes) có chân trong Bộ Tuyên truyền trung ương lẫn Bộ Xây dựng Trung Quốc, cũng như chi tiết về vị trí chiến lược của Iceland, thành viên NATO, nơi nằm ở điểm "nhạy cảm" giữa châu Âu và Bắc Mỹ... 

"Tôi chưa bao giờ thấy đây là một dự án kinh doanh thuyết phục. Tôi đã đưa ra rất nhiều câu hỏi (cho Hoàng Nộ Ba) và chưa bao giờ nhận được trả lời" - phát biểu của Bộ trưởng Nội vụ Iceland Ogmundur Jonasson, người mà vào năm 2012 đã bác bỏ một đề nghị về việc "doanh nhân" Hoàng được đặc cách miễn trừ khỏi luật hạn chế sở hữu đất đai của người nước ngoài tại Iceland.

Hạ Minh, giáo sư chính trị học thuộc City University (New York), phân tích: "Hy Lạp đóng một vai trò chiến lược quan trọng tại Địa Trung Hải xét ở góc độ chính trị, kinh tế lẫn quân sự. 

Với tư cách thành viên EU, Hy Lạp giúp tiếp cận khu vực Eurozone; chưa kể việc nước này cũng là thành viên NATO. Biên giới Hy Lạp tiếp giáp với những nước nằm trong bán đảo Balkan và còn dẫn đến Trung Đông và Tây Âu. Lâu nay nhiều hoạt động chiến lược quan trọng, chẳng hạn hợp tác giữa lực lượng không quân và hải quân các nước đều xuất phát từ đó". 

Theo cùng cách, Italia cũng có vị trí chiến lược tương tự và thậm chí mức độ ảnh hưởng mạnh hơn Hy Lạp, nơi có thể sử dụng như một bàn đạp tiến sâu vào cựu lục địa và từng bước cách ly khối Eurozone khỏi ảnh hưởng Mỹ - Giáo sư Hạ nhấn mạnh - một quan điểm được Nicholas Consonery thuộc Nhóm nghiên cứu Á-Âu (Washington DC) chia sẻ...

Có những vụ không khỏi không đặt câu hỏi là nếu không có thế lực nào đó bí mật ủng hộ tài chính thì làm sao các công ty Trung Quốc có thể giành thầu với giá không thể ngờ, như vụ một công ty vô danh tên Tianjin Xinmao S&T Investment Corp (Thiên Tân hâm mậu khoa kỹ tập đoàn) thắng thầu thương vụ mua hãng cáp quang Hà Lan Draka với giá hơn 1,3 tỉ USD, gấp đôi giá trị thị trường công ty này và cao hơn 20% giá bỏ thầu gần sát nhất của một đối thủ châu Âu (Prysmian SpA của Italia)! 

Điều gây lo ngại ở chỗ, Draka có một chi nhánh chuyên sản xuất cáp quang quân sự cho một số nước phương Tây trong đó có (Hải quân) Mỹ. Một nhóm ủy viên EU dọa ngăn cản thương vụ trên nhưng chính phủ Hà Lan không phản đối thương vụ và châu Âu không có một ban bộ giám sát các thương vụ nhạy cảm liên quan an ninh quốc phòng. 

Cuối cùng, bởi sức ép CFIUS, đầu năm 2011, Thiên Tân hâm mậu tuyên bố bỏ cuộc vụ thầu Draka…

Mạnh Kim
.
.
.