Văn chương giải trí: Nghề chơi cũng lắm công phu

Thứ Ba, 19/05/2009, 10:26
Cách đây ít năm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người đã gây sóng gây gió trên văn đàn Việt Nam thời đổi mới bằng một loạt truyện ngắn đặc sắc, tuyên bố rằng ông sẽ chuyển sang viết tiểu thuyết ba xu. Nói sao làm vậy, những “Đổi tình lấy điểm”, rồi “Tiểu Long Nữ” của tác giả “Tướng về hưu”, “Không có vua”, “Những người thợ xẻ”, “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”... lần lượt ra đời.

Thoạt tiên thì những cuốn sách được cha đẻ của chúng gọi là ba xu ấy cũng gây được một chút ì xèo trong dư luận, rồi sau đó tắt ngóm, mà mục đích kiếm tiền, như ông từng nói, bằng sản phẩm sách ba xu của nhà văn xem ra cũng chẳng đi đến đâu. Phải chăng số phận của sách/ tiểu thuyết/ văn chương ba xu là như vậy, là kết cục không cách nào tránh khỏi?

Theo tôi, từ "ba xu" mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sử dụng (tiểu thuyết ba xu) chắc chắn là không trùng khít về nội dung với từ "ba xu" ở giai đoạn từ này (sách ba xu) bắt đầu gia nhập kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt, nếu không muốn nói là còn mang những nét ngược nghĩa với nó.

Thời Pháp thuộc, cụm từ "sách ba xu" dùng để chỉ loại sách in bằng giấy xấu và mực xấu, được bán đúng với giá ba xu, nghĩa là rất rẻ, vừa với túi tiền của bạn đọc là dân nghèo thành thị. Rẻ, nhưng là rẻ trên phương diện là một thương phẩm, chứ không rẻ với tính cách của một sản phẩm tinh thần, một sản phẩm văn chương. Bởi, được in ở loạt sách "ba xu" ấy là những Trê Cóc, Thạch Sanh, Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Nhị Độ Mai v.v...

Đó là những tác phẩm truyện thơ Nôm khuyết danh mà người dân Việt Nam nhiều thế hệ vẫn yêu mến, vẫn thuộc nằm lòng, vẫn ngâm nga khi cao hứng (nói rằng chúng là nghệ thuật phẩm "rẻ tiền" hẳn sẽ khiến các nhà nghiên cứu văn học dân gian thấy phật lòng!). Xưa là thế. Còn nay, khi tuyên bố sẽ viết tiểu thuyết “ba xu”, hẳn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không định nói ông sẽ viết những cuốn tiểu thuyết để người ta in bằng giấy xấu và mực xấu, cho hạ giá thành ấn phẩm. (Với công nghệ của ngành Xuất bản hiện nay, xem ra in xấu còn khó hơn in đẹp!).

Đơn giản chỉ là ông muốn nói sẽ viết loại tiểu thuyết không mang cao vọng tuyên xưng với bạn đọc những tư tưởng gì to tát hoặc thực hiện những cách tân nghệ thuật gì khiến cho người đời phải lóa mắt. Loại tiểu thuyết ấy chỉ nhằm phục vụ đúng một mục đích: giải trí. Nó hướng vào lớp độc giả (rất đông) muốn đọc sách để giết thời gian, để thư giãn đầu óc, để tạm quên thực tại này; chứ không phải lớp độc giả (rất ít) đọc sách để bước vào cuộc tra vấn trí tuệ và tâm hồn - điều mà truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã làm được một cách xuất sắc.

Đến đây thì một câu hỏi được đặt ra: tiểu thuyết/ văn chương giải trí phải chăng đồng nghĩa với rẻ tiền (ba xu), thứ cấp, dễ làm và cũng dễ tiêu thụ?--PageBreak--

Nói xa xôi một chút, đây là vấn đề "có tính lịch sử". Như chúng ta biết, để nhận diện sự dịch chuyển từ một thời đại sang một thời đại trong tiến trình phát triển liên tục của văn học, ta có năm tiêu chí - năm đại lượng quan trắc: quan niệm văn học, hệ thống chủ đề - đề tài, các hình tượng nhân vật trung tâm, hệ thống thể loại, ngôn ngữ văn học.

Khi nào cả năm đại lượng quan trắc này thay đổi, khi ấy một thời đại mới trong văn học thực sự hiện hình. Trong số năm đại lượng, có thể nói, quan niệm văn học là yếu tố mang tính chi phối rất cao. Quan niệm văn học, nói ngắn gọn, là xác định rằng văn học là gì, có những chức năng gì, cái gì có thể được coi là văn học và cái gì không? Lịch sử văn học (viết) Việt Nam suốt một giai đoạn rất dài, từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX, về cơ bản là thuộc về một thời đại văn học lớn, một thời đại văn học mà trong đó người ta ấn định cho văn chương chức năng "chở đạo, nói chí" (văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí).

Phần nào đó, người ta hướng tới những công cuộc kinh bang tế thế, ích quốc lợi dân, giữ gìn thế đạo nhân tâm bằng văn chương, qua văn chương. Bởi vậy mà, được coi là "Văn", một cách chính danh, là các loại văn chương quan phương quan dụng, văn chương cử tử (trong đó có những thứ mà bằng quan niệm của ngày hôm nay chúng ta không cách nào có thể lại coi đó là "Văn học", ví dụ các loại chế, cáo, chiếu, biểu... thực chất thì đó là các loại văn bản hành chính).

Ngoài ra, loại văn chương "mô tả hiện thực như nó vốn có", hoặc loại văn chương chủ về bày tỏ thế giới tinh thần, cảm xúc của con người cá nhân (chứ không phải con người đạo lí) đều bị coi là văn chương thứ cấp, chủ yếu để tiêu khiển, giải phiền, không chính danh chính thống. Vì thế mà một số loại tác phẩm văn xuôi nhất định được/ bị gọi là "tiểu thuyết" - theo nghĩa là những câu chuyện tạp nhạp nhặt nhạnh từ nơi đầu đường xó chợ của các hạng văn gia làng nhàng.

Vì thế mà thi hào Nguyễn Du mới tự coi kiệt tác "Đoạn trường tân thanh" của mình là loại tác phẩm "mua vui cũng được một vài trống canh" (có lẽ ông nói thật, chứ không hề khiêm tốn như nhiều người nhầm tưởng). Vì thế mà sang đến tận thời cận đại, nhà nho Tản Đà vẫn phân ra trong hệ thống tác phẩm của mình thứ "văn vị đời" và thứ "văn chơi".

Nhưng, như chúng ta có thể thấy một cách quá dễ dàng từ thực tế của lịch sử văn học: chính những loại văn chương "mua vui", "văn chơi" ấy mới là cái còn lại sau khi bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu! Nói cách khác, được/ bị coi là văn chương giải trí trong suốt một giai đoạn lịch sử lâu dài - với cả người sáng tác và người thưởng thức - song đó là thứ văn chương không hề dễ viết, và chắc chắn là thứ văn chương không rẻ tiền!

Trong quan niệm văn học hiện nay, loại văn chương nào được xem là văn chương giải trí? Thì, đó là những tác phẩm tập trung mạnh mẽ tới việc thực hiện chức năng giải trí. Các chức năng khác: thẩm mỹ, nhận thức, giáo dục, dự báo... có thể có trong tác phẩm, song chúng đều bị đẩy xuống hàng thứ yếu. (Dễ thấy là khái niệm "văn chương giải trí" có phần giao thoa nhất định với khái niệm "cận văn học" - paraliterature). Có thể tạm liệt kê một số loại văn chương giải trí như sau: truyện khoa học viễn/ giả tưởng, truyện trinh thám, truyện ma - kinh dị, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết diễm tình...

Các tác phẩm văn chương loại này thực hiện chức năng giải trí theo nghĩa: chúng giúp người đọc có dịp vượt thoát ra khỏi khuôn khổ cuộc sống hiện tại bình thường, và đa phần là tầm thường, của họ. Đọc sách, họ được sống những cuộc sống khác, nhiều thăng trầm gấp khúc hơn, nhiều mạo hiểm bạo liệt ly kỳ gay cấn hơn, nhiều mộng mơ và nước mắt hơn, thậm chí nhiều rùng mình kinh sợ hơn.

Giải trí là như vậy: được sống, được trải nghiệm qua sự vay mượn những cảm giác đa dạng phong phú có thể có trong đời sống tinh thần của con người. Và đây chính là lí do tồn tại chính đáng, tồn tại một cách cực kỳ hùng hồn của văn chương giải trí, mặc kệ những cái bĩu môi coi thường của văn chương "chính thống": nó phục vụ, nó thỏa mãn một nhu cầu hết sức cơ bản của con người nói chung. Tôi nhấn mạnh cụm từ "con người nói chung".

Bởi lẽ, trên thực tế, không chỉ độc giả bình thường, mà ngay cả lớp độc giả được coi hoặc tự coi là "số ít" cũng rất nhiều người mê mẩn với văn chương giải trí. Một ví dụ: sau giải phóng miền Nam, hầu hết các "đại gia" của làng văn Hà thành đều đã đến mượn sách tại thư viện "chưởng" Kim Dung của nhà văn Hà Ân - ông này vào Sài Gòn, lúc ra mang theo toàn tác phẩm Kim Dung - để về "luyện", có ông "luyện" một bộ đến vài lần.

Ngoài miệng, các ông bảo đó là "hắc thư", nhưng trong bụng thì ai nấy đều phục lăn ông nhà văn Hương Cảng! (Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng mọi tồn tại đều ngang bằng nhau về giá trị: tác phẩm của các nhà văn đang vào hạng "hot" trên toàn thế giới như Dan Brown hoặc Marc Levy, chẳng hạn, rất hấp dẫn, rất ăn khách, nhưng chẳng vì thế mà có nhiều người "liều lĩnh" đặt những nhà văn này ngang hàng với tầm cỡ của những văn gia kiêm tư tưởng gia, những người luôn mạo hiểm trên hành trình kiếm tìm sự cách tân như J.M. Coetzee hay M.Kundera, cho dù họ là những người cùng thời).

Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, để có thể đem lại được cho người đọc sự giải trí như vậy là không dễ. Rất nhiều người viết truyện khoa học viễn/ giả tưởng, song không có nhiều Jules Verne. Truyện trinh thám còn nhiều người viết hơn, nhưng chỉ có vài cái tên đọng lại: Conan Doyle, Agatha Cristine, George Simenon... Tương tự là ở truyện ma - kinh dị: Egar Alain Poe, Stefen King..., tiểu thuyết võ hiệp: Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh..., tiểu thuyết diễm tình: Quỳnh Dao, Liêu Quốc Nhĩ... (Trong văn học Việt Nam hiện đại, truyện khoa học viễn/ giả tưởng và tiểu thuyết kiếm hiệp gần như là một khoảng trống (?).

Với truyện trinh thám, miễn cưỡng nhắc được những cái tên như Phú Đức, Thế Lữ. Truyện ma - kinh dị có thể nhiều hơn một chút: Thế Lữ, Lan Khai, Tchya Đái Đức Tuấn..., và gần đây là một tác giả trẻ: Di Li (tập truyện ngắn “Tầng thứ nhất”, tiểu thuyết “Trại hoa đỏ”). Với tiểu thuyết diễm tình, người đọc nhớ nhiều tới bà Tùng Long, hiện tại "y bát" của tác giả này đã được một vài cây bút trẻ tiếp nhận với ít nhiều biến thể: Trần Thu Trang (tiểu thuyết “Phải lấy người như anh” v.v...), Hà Kin (tiểu thuyết “Chuyện tình New York”...).

Những tác giả kể trên, bằng tài năng của mình, chính là những người đã đưa các thể loại văn chương giải trí tới mức độ điển phạm. Thậm chí, trước các sáng tác của họ, giới nghiên cứu văn học cho đến nay vẫn chưa tìm được một sự đồng thuận tuyệt đối trong kết luận cuối cùng: chúng chỉ là văn chương giải trí hay đã là văn chương đích thực, chỉ là cận văn học hay đã là văn học? Tóm lại, các thể loại văn chương giải trí có những yêu cầu, những nguyên tắc thẩm mỹ đặc thù của chúng (phân tích cụ thể về từng loại không phải là vấn đề được đặt ra ở bài viết ngắn này).

Để có thể thành công, người viết ít nhất phải "sạch nước cản" những yêu cầu, những nguyên tắc ấy, chứ không đơn giản tuyên bố "sẽ viết" rồi lao vào hì hụi viết là xong. Người đọc văn chương giải trí hình như càng ngày càng tinh trong sự tiếp nhận và thưởng thức, không dễ mà giúp được họ giải trí nếu người viết không có ngón nghề cao tay. Tiến thêm chút nữa, thậm chí có thể mạnh dạn khẳng định rằng, văn chương giải trí cũng cần tài năng, và cần ở mức không ít hơn văn chương "chính thống"!

Hoài Nam
.
.
.