Tổng thống Sài Gòn cũ Nguyễn Văn Thiệu và con đường chiến bại (kỳ III)

Thứ Sáu, 30/04/2010, 15:27
Cho tới cuối đời, Nguyễn Văn Thiệu vẫn không nguôi nỗi oán hận quan thầy mặc dù đã phải bó thân về ở trên đất Mỹ. Cựu phụ tá đặc biệt Nguyễn Văn Ngân nhận xét rằng, Tổng thống Thiệu "đã mang mối hận thù xương tủy người Mỹ đến tận cuối đời…".

Kỳ II

Tay sai dưới búa

Cần phải thấy rằng, mặc dù tốn rất nhiều công và của để hà hơi tiếp sức cho chế độ tay sai ở Sài Gòn nhưng Washington chưa bao giờ muốn xuất hiện ở đây một chính thể độc lập. Có lẽ ở đây, ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên trợ lý đặc biệt của Tổng thống Thiệu, cũng vốn là một tay sai cũ của Washington, đã chí lý khi nhận xét:  "Người Mỹ đã thay thế người Pháp với chính sách thực dân mới. Vào thế kỷ XX người Pháp nhân danh khai hóa để khai thác tài nguyên thuộc địa, nay người Mỹ nhân danh dân chủ để khai thác xương máu người Việt Nam trong việc thiết lập một tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á của chủ thuyết Domino. Người Mỹ đến Việt Nam không vì quyền lợi người Việt Nam mà vì quyền lợi người Mỹ. Nền dân chủ mà người Mỹ xiển dương khi can thiệp vào Việt Nam là nền dân chủ được định nghĩa trong quyền lợi của Mỹ, một thứ phó sản được dùng làm bình phong để thực hiện chính sách chia để trị, thiết lập đạo quân thứ năm, khuyến khích tình trạng vô chính phủ, nội loạn… để dễ bề khuynh loát và khi cần thiết để thực hiện các cuộc đảo chính và ám sát lãnh tụ quốc gia bằng bàn tay của các tay sai bản xứ. Chính sách viện trợ hoàn toàn có tính cách tiêu thụ đã được sử dụng như lưỡi gươm Damoclès... Cũng chính sách viện trợ hoàn toàn có tính cách tiêu thụ như thế chỉ nhằm mục đích làm tê liệt ý chí đề kháng và nô lệ hóa…". Dễ hiểu là trong bối cảnh đó, chính quyền bản địa sống nhờ bằng viện trợ sẽ bị xem là công cụ của ngoại bang, không thể nào có chính nghĩa…

Dã tâm của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam là chỉ muốn xây dựng ở đây một thể chế nói sao nghe vậy theo đúng những toan tính chiến thuật và chiến lược của họ. Ai nghe lời họ thì họ ủng hộ, còn ai giở chứng thì họ cũng sẵn sàng loại bỏ ngay không thương tiếc.

Ngay từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Washington đã nhanh chóng nhìn thấy trong Nguyễn Văn Thiệu một quân bài mới cho cuộc chơi tiếp theo của mình trong ván cờ Việt Nam. Người Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều để Nguyễn Văn Thiệu và đảng Dân chủ do ông ta lập ra chiếm được thế thượng phong trên chính trường Sài Gòn. Chính nhờ thế nên trong cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu ngày 4/9/1967, Nguyễn Văn Thiệu trong liên danh với Nguyễn Cao Kỳ  dù chỉ giành được 34,8% số phiếu của các cử tri đi bầu nhưng vẫn trở thành tổng thống của cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa. Để hợp thức hóa kết quả bầu cử trên, Quốc hội Sài Gòn đã  họp lại bỏ phiếu với 58 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Sau vụ này, Chủ tịch Quốc hội Phan Khắc Sửu đã từ chức để phản đối nhưng cũng không thể đảo ngược được tình thế.

Washington đã múa tay trong bị vì đưa được các con bài của mình vào những vị trí trọng yếu nhất trên vũ đài chính trị Sài Gòn và không tiếc công tiếc của đổ vào hà hơi tiếp sức cho chế độ tay sai ở Sài Gòn và cũng là để thêm phần ràng buộc những kẻ nhận tiền. Sài Gòn trong thời cầm quyền của Nguyễn Văn Thiệu đã thực sự trở thành thuộc địa mới của Washington, như chính lời thú nhận sau này của Nguyễn Văn Ngân, nguyên phụ tá đặc biệt của Tổng thống Thiệu.

Tòa đại sứ tại Sài Gòn thực ra là một Chính phủ Mỹ ở hải ngoại với một hệ thống cố vấn dày đặc trong tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt từ trung ương tới địa phương của chế độ Việt Nam cộng hòa. Số lượng nhân viên CIA ở miền Nam Việt Nam khi đó đông chỉ sau trụ sở Trung ương đóng tại Langley bên nước Mỹ. Chi nhánh CIA ở Sài Gòn cũng là chi nhánh hải ngoại có nhân viên đông nhất trên thế giới. Ở thời điểm cao nhất đã có tới hơn nửa triệu lính Mỹ đồn trú ở miền Nam Việt Nam và trực tiếp tham chiến…

Tiếng gọi là tổng thống của một quốc gia độc lập nhưng trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Thiệu thực ra chỉ là một kẻ tay sai luôn nằm dưới búa của các quan thầy Mỹ… Có thể hiểu được tâm trạng của Nguyễn Văn Thiệu khi ông ta, cũng theo chứng nhận của Nguyễn Văn Ngân, lúc còn ngồi  trong dinh Độc Lập, Tổng thống Thiệu đã phải dùng tới 90% lượng thời gian trong ngày để tranh thủ và đối phó với các quan thầy Mỹ, mặc dù phạm vi xoay xở của ông ta mỗi ngày bị một thu hẹp lại. Lý do của việc này là vì chính sách của Washington là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sinh mạng của cái gọi là nền đệ nhị cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Chính Tổng thống Thiệu cũng đã có lần phải cay đắng thú nhận: "Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!". Mỉa mai thay!

Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Thiệu đã không ngần ngại bộc lộ bản tính khó chơi đầy bất trắc của mình, một khi ông ta cảm thấy có sự thay đổi nào đó bất lợi trong thái độ và hành động của quan thầy đối với ông ta. Nhưng cũng chính vì thế, quan thầy Mỹ đã không chỉ một lần định xóa sổ Tổng thống Thiệu…

Khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, tháng 3/1968, để lấy điểm với cử tri, Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson đã buộc phải tuyên bố ngừng bắn vô điều kiện miền Bắc Việt Nam và cam kết sẽ không tái tranh cử nữa để, như chính lời ông ta nói, "dồn sức cho những nỗ lực hòa bình". Và để tìm kiếm cơ hội thắng cử cho Phó tổng thống Hubert Humphrey của ông ta có thể vượt lên trước các đối thủ từ đảng Cộng hòa. Hà Nội lúc đó cũng đồng ý đàm phán với đối phương. Tuy nhiên, người đã chơi xấu ông Johnson lại chính là nhân vật mà ông ta đã góp phần dựng lên trong dinh Độc Lập.

Bản tính thích những trò chơi hai mang, Nguyễn Văn Thiệu một mặt tỏ ra thuần phục Johnson nhưng mặt khác đã có nhiều lần tiếp xúc với ứng cử viên Tổng thống Mỹ Nixon thông qua nữ thành viên trong nhóm vận động tranh cử Tổng Thống Nixon là bà Anna Chennault. Và khi cảm thấy có thể dùng mới để nới cũ, Tổng thống Thiệu đã tuyên bố ngay trước khi bầu cử ở Mỹ bắt đầu là chính quyền Sài Gòn sẽ không tham gia đàm phán ở Paris như đã định trước đó. Việc làm này đã được đánh giá như những điểm cộng rất đáng kể cho ưu thế của ứng cử viên Tổng thống Nixon và dồn ông Johnson vào thế bí và trong bộ sậu của ông này đã nảy sinh ra ý định hạ bệ Tổng thống Thiệu cho rảnh nợ. Người bộc lộ rõ nhất ý định này là Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford…

Theo sách "Khi đồng minh tháo chạy"  (xuất bản năm 2005) của Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng trưởng Kế hoạch của chế độ Sài Gòn cũ, hiện giảng dạy tại một trường đại học ở Mỹ, người tự xưng là có những những quan hệ đặc biệt với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chính Tổng thống Thiệu đã kể lại rằng, ở thời điểm đó, trên đường từ dinh Độc Lập tới trụ sở quốc hội, ông ta đã hết sức lo sợ bị CIA ám sát nếu như Washington biết trước được về việc ông ta bác bỏ kế hoạch đàm phán hòa bình của Mỹ và phá hoại cơ hội thắng cử của Phó tổng thống Mỹ Humphrey. Ông ta thú nhận: "Và nếu họ muốn ám sát tôi thì cũng dễ thôi. Rồi sau đó cứ việc đổ cho Việt Cộng hoặc là do âm mưu đảo chính…--PageBreak--

Vì nhiều lý do, Tổng thống Thiệu đã sống sót được qua năm 1968. Người kế nhiệm ông Johnson trong Nhà Trắng là vị Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon về sau đã được biết về âm mưu ám sát Tổng thống Thiệu qua lời cảnh báo của cố vấn Henry Kissinger. Ông Kissinger nói: "Nếu ông Thiệu chịu chung một số phận với ông Diệm thì tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ nghĩ rằng làm kẻ thù của Mỹ có thể là nguy hiểm, chứ làm bạn với Mỹ chắc chắn là chết…".

Tuy nhiên, khi Nixon đã làm chủ Nhà Trắng rồi thì cũng chính Nguyễn Văn Thiệu vẫn gây nên những nỗi đau đầu bất tận cho các quan thầy Mỹ. Để có thể tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, Tổng thống Mỹ  Richard Nixon đã gia tăng những nỗ lực để "Việt Nam hóa chiến tranh" và loại dần sự có mặt về quân sự của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Một mặt, Washington gia tăng viện trợ quân sự cho quân đội Sài Gòn. Mặt khác, sau những thất bại của các đợt ném bom tàn bạo xuống miền Bắc Việt Nam, chính quyền Mỹ đã buộc phải tìm cách thương thảo với Hà Nội tại bàn Hội nghị ở Paris. Lo sợ vì bị quan thầy đem con bỏ chợ, Nguyễn Văn Thiệu lại thêm một lần trở nên cứng đầu cứng cổ, tìm mọi cách chống phá quá trình thương thảo ở Paris. Đến mức ngay cả Henry Kissinger, Trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ ở Paris, trong hồi ký của mình cũng đã phải nhận xét rằng, trong suốt 5 năm từ 1968, Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách là tổng thống của chế độ Việt Nam cộng hòa, đã phá hoại tất cả những nỗ lực của quan thầy như muốn "bóp nát trái tim nước Mỹ".

 

Năm 1972, khi mọi việc đã gần như suôn sẻ ở Paris, Nguyễn Văn Thiệu đã nhất định không chấp nhận ký Hiệp định. Cực chẳng đã, Tổng thống Mỹ Nixon đã phải nhắn khéo về một nguy cơ đảo chính có thể xảy ra ở Sài Gòn. Trong bức thư đề ngày 6/10/1972, Nixon viết: "Tôi yêu cầu ông cố áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968...".

Đó không phải một lời đe dọa suông. Cũng theo cuốn sách "Khi đồng minh tháo chạy" của Nguyễn Tiến Hưng, ngày 21/10/1972, hai chuyên viên trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ là Roger Morris và Anthony Lake đã viết cho cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger một phúc trình mà trong đó có nói tới các phương án lật đổ Nguyễn Văn Thiệu. Sau này, Morris xác nhận: "Tôi bảo Tony rằng hai đứa mình phải cho Henry hiểu rõ là ta sẵn sàng thanh toán Thiệu"…

Bản tính lì lợm, lại phải đối mặt với vấn đề sinh tử là mất hay còn tương lai, Nguyễn Văn Thiệu bất chấp những đe dọa từ phía Mỹ vẫn ngoan cố chống phá việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Già néo dễ đứt dây, Tổng thống Mỹ Nixon, chuẩn bị cho lễ nhậm chức lần thứ hai trong Nhà Trắng, tỏ ra rất bức xúc vì thái độ hỗn hào của kẻ "muốn ăn không muốn làm" theo ý người trả tiền trong dinh Độc Lập, đã viết thẳng toẹt ra cho Nguyễn Văn Thiệu về nguy cơ đảo chính: "Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23/1, và sẽ ký vào ngày 27/1/1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình… Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong chính phủ của ông cũng không thể cứu vãn được…".

Không ngẫu nhiên mà ông Nixon đã sử dụng cụm từ "thay đổi về nhân sự". Năm 1963, khi việc chuẩn bị lật đổ tổng thống của cái gọi nền đệ nhất cộng hòa Ngô Đình Diệm đang tiến hành ráo riết, Tổng thống Mỹ lúc đó là John Kennedy trong một buổi trả lời phỏng vấn cho nhà báo Walter Cronkite trên đài CBS, đã nhắc tới nhu cầu "thay đổi nhân sự." Đó chính là thông điệp "bật đèn xanh" từ cấp cao nhất để cho CIA cùng nhóm tướng lĩnh vong ân bội nghĩa ở Sài Gòn tiến hành đảo chính sát hại cả hai anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu.

Là kẻ từng trực tiếp tham gia cuộc đảo chính ngày 1/1/1963, Nguyễn Văn Thiệu không thể không hiểu lời đe dọa  thẳng thừng và trắng trợn từ phía quan thầy Mỹ. (Người ta kể rằng, hàng năm cứ vào ngày 1/11, bị cắn dứt vì tội lỗi cũ, Tổng thống Thiệu lại tổ chức xin thánh lễ cầu hồn cho Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tại dinh Độc Lập)… Bí bách,Tổng thống Thiệu vào những tháng cuối trước khi ký Hiệp định Paris, có lúc đã định (hoặc làm như vẻ có ý định) tự sát như một phương cách cuối cùng cưỡng lại lệnh của quan thầy Mỹ.

Cựu phụ tá Nguyễn Văn Ngân kể: "Tài liệu của Đại sứ Bunker đã ghi nhận ý định tự sát này của ông Thiệu qua một báo cáo của ông Trần Thiện Khiêm (lúc đó là thủ tướng chính thể Việt Nam cộng hòa - PHC) ghi âm cuộc đối thoại giữa ông Thiệu, ông Khiêm. Chính ý định tự sát này đã khiến ông Thiệu lì lợm trước những đe dọa của Nixon và đã đưa đến những nhượng bộ của Nixon bằng những cam kết mật…". (Cũng phải nói thêm rằng, cái gọi là những cam kết mật đó của Nixon chỉ là một biện pháp vật lý trị liệu cho tinh thần bấn loạn của tay sai lo bị bỏ rơi chứ thực ra không hề có giá trị pháp lý thực tế gì! Nói như Kissinger, đó chỉ là những ý định của Tổng thống Nixon, chứ không có tính cách cam kết quốc gia vì không có phê chuẩn của Quốc hội)…

Và đành "thân lươn chẳng quản lấm đầu", dù rất cay đắng nhưng rốt cuộc Nguyễn Văn Thiệu vẫn bắt buộc phải xuống nước và thế là Hiệp định Paris về Việt Nam đã được ký kết coi như là suôn sẻ vào đúng thời hạn mà Nixon đã nói.

Mặc dầu vậy, nỗi lo phải chịu chung số phận như Ngô Đình Diệm vẫn không rời bỏ Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta có những giai đoạn đã thay đổi chỗ ngủ hằng đêm, không nơi nào giống nơi nào… Nỗi lo này đặc biệt trở nên nhức nhối khi tới gần thời điểm mà chế độ Việt Nam Cộng hòa kỷ niệm ngày quân lực thường niên 20/6/1974.

Sau này, Nguyễn Văn Thiệu đã thổ lộ với tác giả Nguyễn Tiến Hưng rằng, sau Hiệp định Paris là tới lúc phải thành lập "Hội đồng hòa hợp hòa giải dân tộc", một hình thức Chính phủ liên hiệp với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong suốt thời gian trước đó, giữa hai bên hầu như không đạt được bước tiến nào về việc này và bản thân cuộc đàm phán ở La Celle St. Cloud gần Paris cũng bị ngừng từ ngày 16/4/1974. Quan thầy Mỹ vì quyền lợi của mình đã rất không hài lòng với thái độ phá quấy của chính quyền Sài Gòn nên cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Kissinger đã không ngừng gây sức ép đối với Nguyễn Văn Thiệu. Bản thân Tổng thống Thiệu cũng hiểu rằng vai trò hữu dụng của mình đối với quan thầy Mỹ đã gần cạn kiệt, nếu không muốn nói rằng chính ông ta đã trở thành vật cản cho những nỗ lực của Washington nhằm thực hiện bằng được kế hoạch "hòa bình trong danh dự". Bởi vậy, lúc nào Nguyễn Văn Thiệu cũng lo bị quan thầy của mình sai đệ tử ám sát. Đến mức, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nguyễn Văn Thiệu đã cho thiết kế một trung tâm chỉ huy dưới lầu hầm dinh Độc Lập, được trang bị đầy đủ với máy phát điện, đường điện thoại riêng biệt, đài phát thanh, máy liên lạc với các viên tướng, một cái giường nhỏ và một cái gối mây. Tổng thống Thiệu dự định đấy sẽ là nơi ông ta chui vào khi có biến…

Một tay sai như thế hiển nhiên không thể được quan thầy ưa chuộng. Henry Kissinger về sau trong hồi ký của mình đã dành những lời rất nặng nề để nói về Nguyễn Văn Thiệu, Mặc dù không phủ nhận rằng Tổng thống Thiệu có một người khôn ngoan hoạt bát nhưng lại cho rằng, Nguyễn Văn Thiệu đã điều hành quốc sự theo một kiểu "tàn bạo", "xấc láo", "ích kỷ, độc ác" với những "thủ đoạn gần như điên cuồng" khi làm việc với người Mỹ… Kissinger cũng tiết lộ rằng, trong những câu chuyện riêng, khi nói về Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Mỹ Nixon đã giận dữ thốt lên: "Đó là một thằng chó đẻ"(!).--PageBreak--

Không thể ngây thơ

Tổng thống Thiệu đã luôn phải sống trong nỗi lo bị ám sát nơm nớp hàng ngày. Ông Nguyễn Văn Ngân kể: "Sau này ở hải ngoại có một lần tôi hỏi ý kiến của ông Thiệu về cái chết của Tổng Thống Hàn Quốc Park Chung-hee, ông trả lời: "Bọn Mỹ chứ còn ai vào đó, có bao giờ giám đốc tình báo quốc gia là người tin cẩn do tổng thống bổ nhiệm lại bắn tổng thống!".

Thân phận tay sai, lại phải luôn cảnh giác với những âm mưu đen tối của quan thầy, Nguyễn Văn Thiệu đã bị mắc chứng bệnh đa nghi kinh niên. Cũng theo lời kể của cựu phụ tá đặc biệt Nguyễn Văn Ngân, Tổng thống Thiệu đã luôn phải cảnh giác chính trị với các quan thầy: "Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1971, điều 10 khoản 7 được áp dụng nhằm giới hạn các liên danh tranh cử.

Liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương chiếm hơn 4/5 tổng số nghị viên và hơn 2/3 tổng số dân biểu, nghị sĩ; số nghị sĩ dân biểu còn lại chỉ vừa đủ cho liên danh Dương Văn Minh. Khi tôi hoàn tất hồ sơ tranh cử (gồm khoảng 600 văn kiện), ông Thiệu nói với tôi: "Anh đem hồ sơ bỏ vào tủ sắt của tôi kẻo bọn nó (Mỹ) đánh cắp thì quơ tay". Tủ sắt này là loại coffre-fort được xây kín trong bức tường của văn phòng ông Thiệu. Ngày nộp đơn tranh cử, tôi cho mở tủ sắt giao hồ sơ cho giáo sư Lê Tài Triển (đại diện liên danh) có an ninh hộ tống mặc dầu quãng đường từ dinh Độc Lập đến Tối cao pháp viện dinh Gia Long chỉ khoảng 300 thước. Những sự đề phòng nầy không phải không có sở cứ…"

Cũng phải nói rằng, sự đa nghi của Nguyễn Văn Thiệu không phải là vô duyên cớ. Thực sự là ông ta đã phải làm việc trong một khung cảnh đầy rẫy những cạm bẫy mà quan thầy Mỹ đã giăng mắc. Ngay cả những trợ thủ cao cấp nhất của ông ta cũng có thể là đầy tớ của Washington. Lấy đơn cử trường hợp của kẻ đã từng giữ ghế thủ tướng trợ giúp cho ông ta, Tướng Trần Thiện Khiêm.

Nguyên phụ tá đặc biệt Nguyễn Văn Ngân kể: "Một nhân vật then chốt và thường trực của hội đồng an ninh quốc gia là ông Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ, kiêm Tổng trưởng Quốc phòng mà cả nước đều biết là một công cụ trung thành của Mỹ, là nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chính 1/11/1963. Trước đây, các ông Diệm, Nhu cũng biết ông Khiêm là người của CIA nhưng đã lầm lẫn về con người của ông Khiêm nên đã giao chức vụ Tham mưu trưởng liên quân với mục đích "neutralizer" các âm mưu đảo chính của người Mỹ, cuối cùng cả hai anh em đều bị thảm sát dưới tay ông Khiêm. Các ông Diệm, Nhu là những người được giáo dục và lớn lên trong môi trường có tính cách khuôn mẫu, kinh điển, vẫn tưởng rằng những ân sủng của chế độ, những tình cảm xử sự như con cháu trong gia đình, cùng sự biến cải từ một sĩ quan cấp thấp trong quân đội đánh thuê của Pháp thành một tướng lĩnh đứng đầu trong quân đội quốc gia có lý tưởng, có nhân cách, nhân phẩm… sẽ hết lòng bảo vệ chế độ…"

Sự thật lại khác. Một khi đã mang trong mình trái tim chó  sói của kẻ bất lương, thì suốt đời sẽ vẫn bất lương "ăn cháo đái bát". Trần Thiện Khiêm là một kẻ như thế…

Ngày tàn tức tưởi

Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1975 đã dồn chế độ Việt Nam cộng hòa vào con đường cùng. Tới lúc đó thì người Mỹ không thể không nhìn thấy sự phá sản của con bài Nguyễn Văn Thiệu trong ván cờ thế sự ở đây. Washington đã cố gắng tạo mọi sức ép để buộc Nguyễn Văn Thiệu từ chức và đưa một nhân vật nào đó khả dĩ hơn lên sân khấu nhằm vớt vát được chừng nào hay chừng ấy những điều kiện thuận lợi nào đó. Ngày 21/4/1975, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Martin đã báo cáo cho ông Kissinger, lúc này là ngoại  trưởng Mỹ: "Tôi sẽ nói cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu từ chức thì các tướng lĩnh dưới quyền ông sẽ bắt buộc ông ta làm điều này…".

Và thế là, cùng ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải từ chức trong một tâm trạng thật là tức tưởi và đầy oán hận đối với các quan thầy Mỹ.

Người lên thay Nguyễn Văn Thiệu là một gương mặt rất cựu trào ở Sài Gòn thuở đó, ông Trần Văn Hương. Ông Hương cũng chẳng hẹp lòng gì mà đuổi Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi dinh Độc Lập ngay nhưng dưới sức ép của dư luận xã hội, đã phải tìm cách để cựu Tổng thống Thiệu tháo lui ra hải ngoại. Nhân dịp có tang lễ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, ông Hương lại sử dụng bài bản cũ và đề cử Nguyễn Văn Thiệu cũng như Trần Thiện Khiêm làm đại sứ lưu động sang Đài Loan dưới danh nghĩa phái đoàn đại diện phúng điếu Tưởng Giới Thạch… Và thế là đêm 25/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã vĩnh viễn phải rời khỏi Việt Nam.

Câu chuyện khởi hành ly hương của kẻ đã từng một thời làm mưa làm gió ở Sài Gòn đã được các thuộc hạ về sau tường thuật như sau: "Vào khoảng 7h30’ tối, Tổng thống Thiệu thay bộ đồ bốn túi trong phòng ngủ rồi qua phòng nhỏ bên cạnh nghiêng đầu qua cửa sổ nhìn xuống. Dưới sân, bên cạnh thềm tam cấp một xe Mercedes màu xanh đậm đã đậu sẵn. Người lái xe là Đại tá Nhan Văn Thiệt. Thấy mọi việc đã sẵn sàng, Tổng thống Thiệu vội vã rút trong hộc tủ cây Browning đã lắp đạn, ông khóa chốt an toàn rồi cho vào túi áo. Ông xuống tầng trệt bằng thang máy. Khi cánh cửa mở ra thì Đại tá Trần Thanh Điền đã túc trực tại đó. Ông vừa bước xuống bậc tam cấp thì lại cũng vào lúc có hai binh sĩ (tên là Sanh và Khình) xuất hiện làm ông giật mình.

Thực ra là họ chỉ đến để đổi gác. Ông Thiệu và ông Điền lanh lẹ bước vào xe. Đại tá Điền ngồi bên phải Tổng thống Thiệu ở băng sau. Như vậy là ông Điền đã ngồi vào chỗ chính thức của tổng thống và chịu làm Lê Lai cứu Chúa! Vừa ngồi vào xe, ông Thiệu hỏi: "Có mấy cây súng?". Đại tá Điền đáp: "Có hai cây, một cây dài, một cây ngắn".

Theo như vậy thì vào lúc đó Tổng thống Thiệu đã nhận thấy ông bị nguy hiểm trên đường tới Bộ tổng tham mưu (ta nhớ lại là Tổng thống Diệm đã bị sát hại trên đường tới Bộ tổng tham mưu). Việc ông Điền ngồi vào chỗ chính thức của tổng thống thì cũng trùng hợp với câu chuyện ông Thiệu kể cho chúng tôi là khi đi xe tới dự nghi lễ bên Quốc hội hay nơi khác, ông thường ngồi ngay bên cạnh tài xế lái xe chứ không ngồi chỗ dành cho tổng thống ở băng sau.

Khi đoàn xe tới phi trường Tân Sơn Nhất, Thiếu tá Phận kể lại là đã "giật mình khi nhận ra cả khu vực phi trường tối om. Dường như hệ thống điện hoàn toàn bị cắt… Đoàn xe chạy vòng qua khu dành riêng cho hãng Air America của cơ quan tình báo Mỹ. Khi sắp tới đường băng, tất cả xe đều tắt đèn di chuyển trong bóng đêm. Sau đó một chiếc máy bay lù lù hiện ra dưới chân trời nhờ đèn trong buồng máy cháy sáng, một loại máy bay giống như DC6. Khi tới gần chiếc máy bay, đoàn xe bất thần thắng gấp vì thấy có bóng người… Xe Tổng thống Thiệu bị bao vây bởi ba chiếc xe Chevrolet to lớn. Xa xa trong bóng đêm, xung quanh chúng tôi xuất hiện nhiều người Mỹ vạm vỡ, vận thường phục, súng M16 dựng đứng bên hông, trong thế tác chiến. Rồi hình ảnh ông Đại sứ Graham Martin hiện ra tại chân cầu thang máy như một vị thần hộ mạng".

Chuyện này làm cho chúng tôi mới hiểu được tại sao khi nói về chuyến ra đi của Tổng thống Thiệu, Đại sứ Martin cứ nói úp úp mở mở là "Ông Thiệu đã ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn," và "chúng tôi đã để ý và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết."

Thì ra, mọi chi tiết được sắp xếp gồm cả việc cắt điện để phi trường tối om và việc đoàn xe phải di chuyển trong bóng đêm. Khi máy bay đáp xuống thì đã có sẵn một toán lính Mỹ canh gác để đề phòng những biến động có thể xảy ra vào phút chót…".

Cho tới cuối đời, Nguyễn Văn Thiệu vẫn không nguôi nỗi oán hận quan thầy mặc dù đã phải bó thân về ở trên đất Mỹ. Cựu phụ tá đặc biệt Nguyễn Văn Ngân nhận xét rằng, Tổng thống Thiệu "đã mang mối hận thù xương tủy người Mỹ đến tận cuối đời…". Đến mức, lúc chết vào ngày 29/9/2001, Nguyễn Văn Thiệu đã bày tỏ ý nguyện rằng, nếu có thể ông ta muốn xác của mình được hỏa táng để đem tro cốt về Việt Nam, bằng không thì sẽ rải xuống biển chứ không muốn chôn trong lòng đất Mỹ…

Phong Hoàn Công
.
.
.