Tổng thống Nga Vladimir Putin: Bình thản trước những hoài nghi

Thứ Sáu, 27/03/2015, 16:11
Nếu có một câu hỏi: “Vladimir Putin đứng ở vị trí nào trong thế giới đương đại” thì câu trả lời có thể là “trung tâm”. Và ông cũng là một trong số ít các lãnh đạo đứng đầu các quốc gia được truyền thông - báo giới dõi theo mọi di biến động. Thế nhưng mặc dù nước Nga chưa từng là quốc gia bí ẩn nhất thế giới, nhưng ông chủ Điện Kremli có lẽ lại là vị lãnh đạo bí ẩn nhất hành tinh.

 Suốt nhiều thập kỷ qua, Tổng thống Putin đã khiến truyền thông bối rối và bực dọc khi họ cố gắng đánh giá ông, nhưng càng nhận định lại… càng sai.

Luôn âm thầm và cực kỳ cứng rắn, ông luôn chứng tỏ rằng, dù có tiếp tục ngồi ở cương vị đứng đầu nước Nga hay không, thì Nga vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường mà ông và các cộng sự đã vạch ra từ đầu những năm 2000. Theo đó, Nga cần trở thành một đế chế năng lượng có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu, và bước đầu tiên và cần thiết nhất để thực hiện giấc mơ đó, là xâm nhập và kiểm soát thị trường năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).

Nhà lãnh đạo bí ẩn

Với các phương thức khác nhau, ba đời Tổng thống Mỹ (Bill Clinton, George W.Bush và Barack Obama) đều nỗ lực xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa lịch sử với Nga dựa trên những phỏng đoán và đánh giá về nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Ông Bill Clinton thấy ông Putin là người lạnh lùng và đáng lo ngại, nhưng dự đoán ông sẽ là một nhà lãnh đạo cứng rắn và có khả năng.

Trong khi đó, George W.Bush muốn ông trở thành một người bạn và đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố nhưng ngày càng vỡ mộng. Còn hiện nay, Barack Obama đang cố gắng hợp tác với Putin bằng cách xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với các cộng sự của ông trong Điện Kremli.

Nhưng cuối cùng, các vị Tổng thống Mỹ đều phát hiện ra rằng, những cố gắng đó đều khó thành trước một cao thủ võ thuật và cựu đại tá KGB như Putin. Họ hoặc tự cho rằng ông là một con người hoàn toàn khác, hoặc cho rằng có thể điều khiển được con người vốn không bao giờ chịu bị khống chế.

Họ nhìn Putin qua lăng kính của mình và tin rằng ông sẽ tính toán lợi ích của Nga như là giả định của họ. Thực tế thì các ông chủ Nhà Trắng không hề ngây thơ mà không nhận ra được con người thực của ông Putin, nhưng họ lại cảm thấy có rất ít lựa chọn ngoài việc cố gắng xây dựng một mối quan hệ tốt hơn.

Sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga dẫn đến hàng loạt quyết định trừng phạt của Mỹ và châu Âu thì Washington dường như không còn chút ảo tưởng gì về ông Putin nữa. Họ đã thấy sai lầm khi đánh giá thấp sự kiên cường và ý chí bảo vệ lợi ích quốc gia và niềm tự hào dân tộc của ông Putin. Mối quan hệ song phương Nga - Mỹ theo đó mà ngày càng xấu đi, và hiện đang ở thời điểm tồi tệ nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Trong nhiều năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đầy quyền lực và rất được lòng dân khi tỷ lệ ủng hộ ông đã có lúc đạt con số 86%. Vì thế, việc ông chủ Điện Kremli vắng mặt dài ngày bất thường trước các phương tiện thông tin đại chúng khiến không chỉ châu Âu mà cả thế giới đều… hoang mang. Truyền thông dậy sóng với nhiều đồn đoán, từ chuyện ngớ ngẩn nhất như nhà lãnh đạo nước Nga bị… tự kỷ, cho đến chuyện “kinh thiên động địa” như ông Putin bị đảo chính hay đã qua đời.

Nhưng Điện Kremli phủ nhận tất cả, và khẳng định “cái bắt tay của Tổng thống đủ mạnh để bẻ gãy những cánh tay khác” nhằm trấn an các nhà báo về năng lực làm việc và sức khỏe của ông. Nhiều nguồn tin cho rằng thực chất ông Putin vẫn làm việc rất tích cực với các tài liệu mật quan trọng, và chỉ “ẩn mình” tạm thời để xem xét những động thái chính trị của đối phương trước khi đưa ra sách lược tiếp theo.

Cuối cùng, ông chủ Điện Kremli cũng chính thức xuất hiện trở lại trước công chúng vào ngày 16/3 (sau hơn 10 ngày vắng mặt) tại cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Kyrgyzstan Almazbek Atambayev ở thành phố St. Petersburg - thành phố lớn thứ 2 của Nga. Mọi chuyện không có gì mới mẻ, ông vẫn bình an vô sự.

Tổng thống Putin chính thức xuất hiện trở lại tại cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Kyrgyzstan sau hơn 10 ngày vắng mặt.

Quyền lực mềm

Bỏ ngoài tai mọi đồn đoán, ông chủ Điện Kremli đã tạo nên một nghịch lý ở hiện tại. Cả thế giới không ngừng xôn xao bàn tán về sự vắng mặt bất thường của ông và thậm chí đã có người vẽ ra kịch bản tình hình ở châu Âu và thế giới đầy xáo trộn khi vị đương kim Tổng thống Nga không còn tại vị. Tuy nhiên cùng lúc đó, Nga lại đang có những bước tiến mạnh mẽ nhất theo đúng chiến lược phát triển mà ông Putin đã vạch ra: trở thành một đế chế năng lượng có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Trong một động thái mới nhất, Nga và Hungary đã tuyên bố một hợp đồng trị giá 13,2 tỉ USD để mở rộng một nhà máy điện hạt nhân ở Hungary. “Quả bom” này là một trong những món hời lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng mà Nga đạt được trong nhiều năm trở lại đây, được ví như một bước xâm nhập ấn tượng vào thị trường béo bở của Liên minh châu Âu vốn đang được các tập đoàn năng lượng Nga thèm khát hơn lúc nào hết. 

Thậm chí trong tương lai, sự bành trướng của ngành năng lượng hạt nhân Nga sẽ còn gia tăng hơn nữa trên thế giới. Điều này bắt nguồn từ sự phụ thuộc trong lĩnh vực điện hạt nhân của nhiều các quốc gia với Nga kể từ thời Liên Xô, khi các nhà máy điện hạt nhân ở đây đều được xây dựng theo công nghệ của Liên Xô. Giờ đây, Nga lại đang là nước duy nhất có thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy này.

Giới chuyên gia nhận định: Tổng thống Putin đang tìm cách xoay chuyển ván bài năng lượng ở châu Âu, và xa hơn nữa, trên toàn cầu. Nga tiếp tục thể hiện khả năng chi phối với lĩnh vực điện hạt nhân ở các nước Đông Âu, tìm mọi cách để đẩy nhanh tiến độ xâm nhập và thâu tóm thị trường khổng lồ của EU bất chấp nỗ lực ngăn cản từ cách nước thành viên EU.

Thế giới vẫn còn đang mơ hồ trước những bước đi mới của Nga ở khu vực Đông Âu, mà cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Ukraine chỉ là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Điện Kremli lên toàn bộ Đông Âu, theo một cách thức khác: quyền lực mềm. Một lợi thế lớn của ông Putin và các cộng sự là ở hầu khắp các nước Đông Âu khác luôn có một số lượng người gốc Nga tương đối lớn luôn giữ sự ủng hộ đối với Moscow. Những gì ông chủ Điện Kremli đã và đang thực hiện trong xung đột ở Ukraine cho thấy tham vọng lớn và rất dài hơi để đối đầu với tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của EU.

Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng của Nga ở Estonia tăng lên thông qua con đường tăng cường quyền lực mềm đang được xem là điển hình cho cách thức mà Điện Kremli thể hiện sức mạnh với phần còn lại của Đông Âu. Quan điểm của Moscow ở thời điểm hiện tại là không nhất thiết phải có một nhà lãnh đạo thân Nga ở vị trí nắm quyền như Yanukovych ở Ukraine trong quá khứ.

Quan trọng hơn cả, việc gia tăng ảnh hưởng lên chính trường và các chính đảng phải đi theo chiều rộng, thông qua ảnh hưởng toàn diện từ văn hóa và kinh tế. Điều đó sẽ tạo nên tác dụng bền vững và lâu dài hơn so với việc chỉ đầu tư vào một nhà lãnh đạo thân Nga như trước.

Putin đã đúng?

Nếu có cuộc chiến một chiều nào điển hình nhất trên thế giới trong suốt giai đoạn cuối năm 2014 và đầu năm 2015, thì đó hẳn phải là cuộc chiến trong đó giới truyền thông và học giả phương Tây công kích các chính sách kinh tế của Nga. Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra, giá dầu giảm mạnh cùng với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây đã đẩy Nga vào chân tường với nguy cơ khủng hoảng kinh tế đã ở ngay trước mắt. 

Số bài bình luận và phát biểu của các chuyên gia kinh tế phương Tây tỏ ra không đồng tình với những quyết định cứng rắn của Tổng thống Putin nhiều không kể xiết, trong khi có rất ít những bài viết phân tích sâu và giải thích về bản chất các quyết định được cho là phi lý của Điện Kremli. Đơn giản là vì khi đã mang sẵn thành kiến với Nga khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea, và lại chứng kiến một giải pháp kinh tế rất khác biệt và hiếm gặp, các học giả phương Tây đã tự che mắt bản thân để không nhận ra được yếu tố cốt lõi của vấn đề.

Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định là những chính sách kinh tế có phần cứng rắn của Điện Kremlin là đúng đắn và đã phát huy hiệu quả. Đồng Rup đã có đà tăng giá mạnh nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Cùng với đó là việc các tập đoàn hàng đầu của Nga như Gazprom hay Rosneft vẫn tiếp tục bán USD ra thị trường để củng cố giá trị đồng Rup.

Sự hồi phục này là một dẫn chứng hùng hồn hơn bao giờ hết cho thấy các biện pháp của Tổng thống Vladimir Putin là đúng đắn. Các nhà phân tích và bình luận kinh tế ở các hãng truyền thông phương Tây đang trở nên tẽn tò hơn bao giờ hết khi mà chỉ cách đây hơn một tháng họ vẫn tiếp tục chỉ trích các chính sách tăng lãi suất của Nga, và cảnh báo kinh tế xứ bạch dương vẫn đối mặt với nguy cơ sụp đổ. 

Đáp trả lại những hoài nghi và chê bai từ giới truyền thông và các học giả phương Tây, ông Putin vẫn rất bình thản và cương quyết. Các lệnh trừng phạt kinh tế Nga của phương Tây dường như đã hoàn toàn vô tác dụng, và chính các nước EU lại đang gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt do họ đưa ra. Có lẽ đã đến lúc Mỹ và EU cần dẹp bỏ lòng tự ái, để thừa nhận một sự thực rằng: Putin và nước Nga đã đúng!

Lê Nam – Đỗ Hương
.
.
.