Kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Phải có một tinh thần chí công vô tư

Thứ Ba, 02/09/2014, 11:04

Ngày 3/9/1945, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và Bác Hồ đã trình bày bài phát biểu “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trong văn kiện có thể được coi là đầu tiên của chế độ mới, Bác Hồ với sự thẳng thắn và trung thực đã chỉ rõ: “Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm...”.

Dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, vạch mặt chỉ tên những điểm yếu mà bộ máy quản lý mới có thể mắc phải, Bác Hồ đã kiên trì và nhất quán giáo dục đội ngũ cán bộ tinh thần phê và tự phê như tiêu đề một bài báo mà Bác đã viết trên tờ Cứu Quốc (số 51, ra ngày 26/9/1945), “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”...

Ngay từ những ngày đầu của nền dân chủ mới, Bác Hồ đã sớm nhìn thấy trước những căn bệnh có thể làm tha hóa bộ máy quản lý quốc gia. Trong bức thư gửi cho các cán bộ tỉnh Nghệ An (Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà) ngày 17/9/1945, với “danh nghĩa một người đồng chí già”, Bác Hồ đã chỉ rõ những khuyết điểm mà bộ máy quản lý ở các địa phương có thể mắc phải, thí dụ như, khuynh hướng chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không đủ nghiêm, hủ hóa...

Trong  thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng in trên báo Cứu Quốc số 69 (ra ngày 17/10/1945), Bác đã nêu thẳng “những lầm lỗi rất nặng nề” mà một số cán bộ của chế độ mới ở các địa phương đã mắc phải. Đó là hành vi vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu, khiến cho dân oán thán. Đó là những biểu hiện cậy thế đang có mà coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Đó là những hành vi hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo... Còn trong bài Chính phủ là công bộc của dân in trên báo Cứu Quốc (số 46, ra ngày 19/9/1945), Bác chỉ thị rất rõ: “Ủy ban  nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Ủy ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quỹ, không dám tùy ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống...”.

Quyền lực nếu không được sử dụng đúng đắn có thể làm tha hóa con người ta rất nhanh chóng. Thậm chí càng là cán bộ quan trọng thì càng dễ bị tha hóa nếu không có những sự tu dưỡng cần thiết. Trong bài viết Sao cho được lòng dân, in trên báo Cứu Quốc số 65 (ra ngày 12/10/1945), Bác đã nêu rõ những biểu hiện không đúng đắn trong cách hành xử có thể khiến cho người dân quay lưng lại với cán bộ. Đó là cái tật “ngông nghênh cậy thế cậy quyền”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác viết về mẫu cán bộ  có thể bị dân ghét: “Những ông này không hiểu nhiệm vụ chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ muốn chặt người ta... Người ta cũng bĩu môi khi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn thì thào chỉ trỏ ông tỉnh trưởng kia vác ôtô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều...”.

Bác cũng chỉ rõ: “Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ. Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những “ông quan”, “ông thanh tra” dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc...”. Đoạn văn trên của Bác cho thấy rõ một điều: người đứng đầu đất nước đã rất sâu sát tình hình thực tế ở cơ sở nên mới nhìn rõ nguy cơ tha hóa của một bộ phận cán bộ trong chính quyền mới, dù vừa lên giữ trọng trách chưa được bao lâu đã bộc lộ ngay những nét tiêu cực, thậm chí là xấu xa trong hoạt động của mình...

Hơn ai hết, Bác Hồ đã hiểu rõ rằng phẩm hạnh cán bộ là yếu tố then chốt trong việc thành bại của cách mạng. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp khóa học thứ tư Trường Quân chính Việt Nam ngày 1/10/1945, Bác đã nêu ra những phẩm chất cần có của một người cán bộ trong chế độ mới:

“- Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”.

- Phải siêng năng, siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.

- Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm.

- Trung thành với mục đích cách mạng: giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”.

Không xây dựng được một đội ngũ cán bộ “công bộc của nhân dân” đủ phẩm hạnh thì không thể nào đưa cách mạng đi lên được. Và cũng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của chế độ mới, Bác Hồ đã nhìn ra những nguy cơ, những tiêu cực có thể nảy sinh trong việc thực hiện công tác cán bộ. Phát biểu tại Đại hội đại biểu thanh niên Hà Nội ngày 27/9/1945, Bác đã đưa ra lời nhắc nhở đối với các đồng chí phụ trách công tác thanh niên về việc phải quan tâm đúng mức tới việc đào tạo dìu dắt thêm những cán bộ mới. Bác cũng đã sớm chỉ ra những biểu hiện của tệ nạn mua quan bán chức ngay cả trong nền dân chủ cách mạng.

Cũng trong bài Chính phủ là công bộc của dân in trên báo Cứu Quốc, Bác đã nhấn mạnh khi đề cập tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho các ủy ban nhân dân ở địa phương: “... Phải chọn những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó...”. Bác còn nhắc: “Những nhân viên ủy ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa ủy ban để gây bè kéo cánh, đưa người “trong nhà, trong họ” vào làm việc với mình...”.

Trong bài viết Bỏ cách làm tiền ấy đi đăng trên báo Cứu Quốc (số 69, ra ngày 17/10/1945, bút danh Chiến Thắng), Bác đã dẫn ra những câu chuyện có thật:

Một ông chủ tịch ủy ban nhân dân xã nọ, sang dự cuộc hội họp tại một thôn bên cạnh, nhân nói chuyện những việc cải cách trong làng mình, lại khoe rằng thôn ông trong tháng vừa qua đã bán thứ vị như chánh phó lý, khán thủ.v.v. và đã thu được một món tiền khá lớn!

Thật là trái ngược! Nói một hội đồng kỳ mục cũ làm tiền cho dân bằng cách bán thứ vị, còn nghe được. Một ủy ban nhân dân tổ chức theo một tinh thần dân chủ mới, rất cấp tiến lại đi làm tiền theo một cách rất cũ rích chả có ý nghĩa gì, có ảnh hưởng xấu vô cùng là khác.

Các ông nói: Miễn sao có tiền cho dân là được?

Không được! Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền...”.

Bác đã khẳng định:

“Lấy tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước.

Bán ngôi thứ là làm cho đầu óc người ta đen tối thêm! Tiền lấy như vậy cũng là một thứ tiền phi nghĩa...”.

Một cán bộ tốt, được lòng dân phải là người “trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư...” (Sao cho được lòng dân).

Xây dựng phẩm chất đạo đức là một quá trình không lúc nào ngừng nghỉ bởi con người trong tình trạng liên tục vận động của mình không thể chủ quan lơ là việc tu thân, tích trí. Ngay ở thời điểm hiện nay, đọc lại những bài viết và những bài phát biểu của Bác Hồ từ những tháng cuối năm 1945, chúng ta càng thấy rõ hơn trí tuệ tinh anh của vị lãnh tụ danh nhân văn hóa thế giới. Những thông điệp vĩnh cửu ẩn chứa trong những ngôn từ rất giản dị của Bác cho tới hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi. Nhìn từ góc độ ấy, có thể thấy lời đề nghị “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” mà Bác Hồ đã đưa ra trong bài phát biểu tại phiên đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9 vẫn còn nguyên giá trị

Chính Nhân
.
.
.