Nữ Thủ tướng Anh Theresa May: Brexit không phải trò đùa

Thứ Hai, 14/11/2016, 13:59
Nữ Thủ tướng Theresa May được ví như “đôi tay an toàn” đưa Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU) đến thành công.


Trong các bài phát biểu, bà May luôn thể hiện quan điểm khá cứng rắn trong các vấn đề liên quan Brexit, như khả năng nước Anh sẽ rời Khu vực thị trường chung châu Âu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập cư. Vừa qua, nữ Thủ tướng đã công bố thời điểm cụ thể cho việc khởi động Brexit. Và trong cách mà bà May đưa ra quyết định này, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được tứ bề sức ép đang bủa vây.

Theo đó, Anh sẽ không kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon - điều khoản quy định cách thức một quốc gia thành viên rời khỏi EU trong năm nay - để có thời gian chuẩn bị. Lộ trình này sẽ bắt đầu trước cuối tháng 3-2017. 

Quả thực, với rất nhiều hệ quả mọi mặt đã được cảnh báo, Brexit cần phải được chuẩn bị thật kỹ lưỡng bởi lẽ đây không đơn thuần chỉ là một trò chơi, mà còn thiết lập quỹ đạo tương lai của cả một quốc gia.

Quan điểm cứng rắn

Bức tranh nước Anh hậu Brexit ngập tràn trạng thái hoang mang của hầu hết cử tri Anh. Khi trở thành Thủ tướng Anh, bà Theresa May phải gánh vác trọng trách vô cùng quan trọng, như chính những gì truyền thông đã nhận xét về bà - “một người có năng lực để lãnh đạo đất nước”. 

Tại thời điểm hiện nay, nữ Thủ tướng Anh được xem như một “đôi tay an toàn”, một người đáng tin cậy trong vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền khi nền kinh tế đang rơi vào bất ổn do Brexit gây ra. Sự trải nghiệm cùng mắt nhìn người, cách dùng người của bà có thể coi là yếu tố quan trọng để bà đưa ra mọi quyết định. 

Trong phiên trả lời chất vấn đầu tiên với tư cách Thủ tướng, bà Theresa May cho rằng ưu tiên chính để duy trì sự tăng trưởng hiện nay là thỏa thuận rời EU thuận lợi. 

“Tôi đã nói rõ rằng Brexit nghĩa là Brexit, chúng ta sẽ thành công với điều này. Và điều cần làm trong đàm phán là tìm ra những điều khoản tốt nhất về trao đổi hàng hóa dịch vụ, có lợi cho người dân Anh”, Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh.

Nữ Thủ tướng Theresa May luôn thể hiện quan điểm khá cứng rắn trong các vấn đề liên quan Brexit.

Tuy nhiên, các đảng đối lập cũng không bỏ qua cơ hội công kích mạnh mẽ các chính sách hiện nay - điều mà chính phủ của bà May sẽ tiếp tục ủng hộ và theo đuổi. Nữ Thủ tướng đã thẳng thắn tuyên bố sẽ không từ bỏ mục tiêu chấm dứt thâm hụt ngân sách, dù chưa thể hoàn thành trong nhiệm kỳ này. 

Với bà May, nước Anh không phải đang “thắt lưng buộc bụng”, mà luôn cố gắng khắc phục khó khăn “bằng những gì đang có”, để thế hệ sau không còn phải chịu gánh nặng nợ nần. 

Không chỉ phản bác, bà May cũng cam kết đảng Bảo thủ sẽ đoàn kết để vực dậy đất nước. Đây được xem là một khởi đầu khá suôn sẻ cho bà Theresa May trong việc chèo lái con thuyền nước Anh, và cũng là cách nữ Thủ tướng tiếp thêm niềm tin cho cử tri về số phận “đảo quốc sương mù” thời kỳ hậu Brexit.

Vừa ngồi vào vị trí thủ tướng Anh không lâu, bà Theresa May luôn thể hiện thái độ cứng rắn về tiến trình Anh rời EU. Nữ Thủ tướng cương quyết không có ý định sẽ vội vàng trong đàm phán Brexit, rằng Anh cần thêm thời gian chuẩn bị, khi bị Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande thúc giục. Bà nhấn mạnh cam kết sẽ thực hiện ý muốn rời EU của người dân Anh, đồng thời hy vọng cuộc đàm phán sẽ diễn ra trên tinh thần xây dựng và tích cực.

Thế nhưng, thời gian cho nước Anh cũng chính là “thời gian đánh mất” của EU. Sẽ không kế hoạch nào có thể được kiện toàn, khi thiếu cơ sở chắc chắn từ một bối cảnh rạch ròi cần thiết. 

Mà EU, hiện tại, cũng đã “rối như tơ vò”, với quá nhiều vấn đề nóng bỏng (từ kinh tế, cân bằng chiến lược qua nhu cầu cải tổ cơ cấu vận hành, đến cuộc khủng hoảng người nhập cư và tâm trạng chia rẽ trong xã hội). Họ không có quá nhiều thời gian cũng như điều kiện, để nhẫn nại với một thành viên đã quyết không còn gắn bó với họ.

Nước Anh đối diện với nguy cơ: sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại nào, và sẽ rất khó tiếp cận thị trường chung châu Âu, khi rời EU. Một trong những điểm mấu chốt mà Ủy ban châu Âu (EC) nhất định không nhượng bộ, trong khi đã “phát chán” với việc London kiên quyết không đưa ra một thời điểm cụ thể cho việc bắt đầu kích hoạt Brexit, là quyền tự do di chuyển của công dân châu Âu (mà thực chất là việc Anh chấp nhận người lao động đến từ EU). 

Đây cũng chính là một vấn đề khiến Chính phủ Anh phải “lao tâm khổ tứ”, khi người dân “đảo quốc sương mù” thật sự không muốn bị cạnh tranh bởi lực lượng lao động ấy.

Trong bối cảnh này, việc bà Theresa May tuyên bố tiến trình đàm phán Brexit diễn ra trước cuối tháng 3-2017 có vẻ như đã trấn an dư luận thành công. Hiện tại, London đã đạt được một điểm cân bằng, đưa những cuộc thương thảo tạm rời khỏi thế bế tắc. Tuy nhiên, thời điểm cuối tháng 3-2017 được đưa ra cũng vẫn chỉ là một sự phác thảo cơ bản, và sẽ còn nhiều chuyện rối rắm trong cả tiến trình hoàn tất Brexit đến năm 2019.

Vấn đề nan giải

Theo các chuyên gia, việc đàm phán rời EU có hai điểm mấu chốt. Đầu tiên, những quan chức thuộc phe rời đi sẽ cố để đưa những yêu cầu của mình vào danh sách ưu tiên của chính phủ trong quá trình đàm phán. Nếu ý kiến của họ bị gạt ra thì chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng phẫn uất. 

Vì vậy, một biện pháp thông minh của Thủ tướng May là “đại diện” ủng hộ Brexit và chịu trách nhiệm cho quá trình đàm phán này với những tuyên bố đầy cương quyết. Tuy nhiên, khi đó, rắc rối thứ hai có thể xuất hiện khi nước Anh không còn đi cùng EU. Anh vốn đã quen với việc có quyền phủ quyết ở Liên minh châu Âu, và nếu như London không đồng tình với những gì nước này đề xuất thì Anh chắc chắn sẽ rời đi mà không đạt được thỏa thuận gì.

Đây không chỉ là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong nội bộ đảng Bảo thủ, mà thực sự là một vấn đề lớn. Một chặng đường Brexit khó khăn liên quan đến việc tiếp cận thị trường đơn lẻ, thắt chặt quy định nhập cư, sẽ có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế hạn chế, ngân sách cho các dịch vụ công giảm, một nền chính trị tầm thường và cứng rắn hơn cũng đồng nghĩa với một quốc gia khắt khe và kém cỏi. 

Dư luận lo ngại về một kịch bản Brexit “cứng”, đẩy đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua so với đồng euro, và mức thấp mới trong 31 năm trở lại đây so với đồng USD.

Nước Anh và chính quyền May đang phải chứng kiến các sàn giao dịch chứng khoán ngập tràn sắc đỏ hay giá vàng trồi sụt “như có ma làm”.

Lập trường cứng rắn của Thủ tướng Anh Theresa May trong vấn đề Brexit khiến người ta lo ngại về một kịch bản Brexit “cứng”, cũng như đã đẩy đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua so với đồng euro và mức thấp mới trong 31 năm trở lại đây so với đồng USD. 

Một khảo sát cho thấy, 76% số giám đốc điều hành các công ty ở Anh, dù tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của kinh tế Anh hậu Brexit, cũng như triển vọng tăng trưởng của riêng doanh nghiệp họ, vẫn sẽ cân nhắc chuyện chuyển trụ sở hoạt động sang nước khác. Đồng thời, không ít chuyên gia tài chính bày tỏ nỗi lo ngại về nguy cơ sụt giảm lòng tin của các nhà đầu tư khi mối liên hệ kinh tế Anh - EU lâm vào bế tắc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Theresa May cũng cần phải cân nhắc về giải pháp cho vấn đề đàm phán hợp tác thương mại với EU. Anh hy vọng cùng triển khai đồng thời đàm phán hợp tác thương mại với EU và đàm phán rời khỏi EU, nhưng các chuyên gia đàm phán thương mại của EU lại khăng khăng cho rằng phải sau khi Anh rời khỏi EU mới tái đàm phán vấn đề hợp tác thương mại. 

Bà May cần phải cân nhắc giữa việc tìm cách tiến vào thị trường chung EU toàn diện hoặc một phần, hay tuân thủ khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành đối tác thương mại bình đẳng với EU. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào lập trường đàm phán của EU, được quyết định bởi EC. 

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng “sẽ không để cho bất kỳ bên nào toàn quyền thay thế Đức đàm phán”. Do đó, đàm phán phải đợi đến sau bầu cử tổng thống Pháp và tổng tuyển cử của Đức năm 2017.

Chưa hết, dưới sự chèo lái của chính quyền May, liệu kinh tế của Anh có tốt lên hay không? Từ số liệu công khai hiện nay cho thấy rất nhiều doanh nghiệp tạm hoãn đầu tư - dấu hiệu cho thấy kinh tế Anh xuất hiện xu thế suy thoái. Tiếp đó, liệu Anh có thể tránh khỏi chia rẽ nội bộ hay không? 

Sau trưng cầu ý dân, người dân Scotland công khai bày tỏ muốn dựa vào EU, Bắc Ireland cũng có hành động yêu cầu trưng cầu ý dân trở về Ireland. Truyền thông cho rằng muốn tránh khỏi nguy cơ chia rẽ, Anh cần phải nhanh chóng áp dụng mô hình Na Uy, ở lại thị trường chung, cho phép đi lại tự do, cho phép người dân EU đang cư trú ở Anh tiếp tục được ở lại…

Phương Thảo
.
.
.