Năng lượng hạt nhân: Thời đại mới cần tư duy mới

Thứ Ba, 26/04/2011, 15:07
Đúng một phần tư thế kỷ trước, vào ngày 25/4/1986, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat (Ukraina, khi đó còn là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết) đã bị nổ, gây nên một thảm họa hạt nhân trầm trọng nhất trong lịch sử nhân loại.

Đám mây bụi phóng xạ từ đây đã lan rộng ra rất nhiều vùng ở phía tây Liên Xô (12 tỉnh của Ukraina với tổng diện tích 50.000 km2, 19 khu vực của LB Nga với tổng dân số 2,6 triệu người và 23% lãnh thổ của Belarus), thậm chí lan ra cả Đông và Tây Âu và gây ảnh hưởng xấu tới cả miền đông nước Mỹ. Lượng phóng xạ phát ra từ đây được đánh giá là lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.

Không phải ngẫu nhiên mà  sau sự kiện bi thảm trên 25 năm, trong những ngày hạ tuần tháng 4/2011, một loạt hội nghị quốc tế đã và đang diễn ra tại Ukraina nhằm giúp cộng đồng quốc tế rút ra những bài học cần thiết để tăng cường an toàn hạt nhân trong tương lai, phát triển các kế hoạch khẩn cấp về phòng ngừa và phản ứng, nâng cao nhận thức và sự tham gia của công chúng trong những trường hợp khẩn cấp về hạt nhân.

Những sự kiện này càng có ý nghĩa (đau đớn!) bởi trong lúc này, cũng đang diễn ra công cuộc trần ai nhằm khắc phục những hệ lụy tai hại của sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukusima số 1 của Nhật Bản do động đất và sóng thần gây nên.

Không thảm họa nào riêng của ai

Thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraina cách đây một phần tư thế kỷ và sự cố rò rỉ hạt nhân tại nhà máy điện Fukusima số 1 của Nhật Bản vừa qua đã cho thấy tác động của tai nạn hạt nhân là không biên giới.  Đó là lời phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và đổi mới, diễn ra ngày 19/4/2011 tại Kiev (thủ đô Ukraina).

Ông Ban Ki-moon cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tư duy lại trên phạm vi toàn cầu về an toàn hạt nhân và nhấn mạnh  rằng, thế giới cần đảm bảo chắc chắn rằng sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình với độ an toàn hạt nhân cao nhất.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi rà soát lại mọi chi tiết của các quy chế an toàn hạt nhân; các nước phải ứng dụng tiêu chuẩn cao nhất về phòng ngừa tai nạn hạt nhân, cho phép giám sát độc lập tại các nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo mức độ minh bạch cao nhất để giành được lòng tin của người dân.

Các nhà máy điện hạt nhân phải được xây dựng đảm bảo chống được động đất, sóng thần, cháy nổ hoặc lũ lụt. Ông Ban Ki-moon còn kêu gọi các nước sử dụng năng lượng hạt nhân cần nỗ lực tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sử dụng cơ quan này của Liên hợp quốc để chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết về các vấn đề an toàn hạt nhân. 

Do IAEA hiện tại thiếu quyền lực để giám sát thực hiện các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, ông nhấn mạnh cần tăng cường quyền hạn của IAEA và ủng hộ IAEA triệu tập hội nghị cấp bộ trưởng 151 thành viên, thảo luận về các vấn đề an toàn hạt nhân vào tháng 6 tới để rút ra bài học từ khủng hoảng hạt nhân Fukusima.

Hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và đổi mới ở  Kiev đã thông qua tuyên bố kêu gọi các nước nhanh chóng tham gia Công ước về an toàn hạt nhân và kiểm tra độ an toàn của các nhà máy điện nguyên tử trong tình trạng giả định xảy ra biến cố hoặc thiên tai.

Cũng trong ngày 19/4 tại Kiev đã diễn ra Hội nghị quốc tế tài trợ xây dựng vỏ bọc mới cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị nêu rõ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế sẽ giúp ngăn chặn và giảm thiểu được những hậu quả từ các thảm họa xảy ở các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Việc thực hiện các biện pháp an toàn hạt nhân cần phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các loại hình năng lượng hạt nhân. Các đại biểu cũng đã cam kết tài trợ 550 triệu euro (785 triệu USD) giúp Ukraina thực hiện dự án có tổng trị giá gần 1,6 tỷ euro, xây dựng vỏ bọc mới cho lò phản ứng số 4 ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl.

Trong dịp này tại Kiev còn diễn ra Hội nghị quốc tế mang chủ đề "25 năm thảm họa Chernobyl. An toàn cho tương lai." Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sau khi tới thăm "thành phố chết" Prepyat đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay vào xua đi những đám mây cuối cùng ở Chernobyl và giúp đỡ những nạn nhân của thảm họa này có được niềm hy vọng mới ở tương lai.

Nhà máy Chernobyl hôm nay.

Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: "Đọc về thảm họa và các hệ lụy của nó là một chuyện, nhưng nhìn thấy tận mắt những hệ lụy đó và  nghe thấu sự im lặng lại là một chuyện hoàn toàn khác". Ông Ban Ki-moon nhắc tới những những nạn nhân của thảm họa Chernobyl, trong đó có 6 nghìn trẻ em bị mắc chứng ung thư. 

Ông cũng  nêu rõ rằng có tới 330 nghìn người buộc phải rời khỏi nơi cư trú quen thuộc của mình vì thảm họa Chernobyl. Đã có tới 600 nghìn người phải hy sinh nhiều thứ quan trọng để xử lý hậu quả từ thảm họa này. Và hiện nay vẫn có tới hơn 6 triệu người vẫn buộc phải sống ở những khu vực chịu ảnh hưởng từ  thảm họa Chernobyl.

Ông Ban Ki-moon cho rằng, những sự việc trên càng trở nên nhạy cảm hơn trong khung cảnh tấn bi kịch đang diễn ra ở Nhật Bản. "Nhưng chúng ta hôm nay có mặt ở đây không chỉ để hồi tưởng lại quá khứ. Chúng ta ở đây còn để nhìn về phía trước" - Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.

Ông cũng nêu rõ rằng, những người hiện đang phải sống ở những khu vực nhiễm xạ tại Ukraina, Belarus và LB Nga đang sống với di họa Chernobyl và nhiều người trong số họ không dễ thoát khỏi nỗi sợ hãi. Vì thế, ông đã kêu gọi tạo ra những việc làm mới ở những nơi bị nạn và đầu tư thêm nhiều nguồn vào đó…

Hiểm họa còn nhiều

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân trong sự nghiệp phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, thế kỷ mới rất cần tư duy mới về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào các mục đích hòa bình bởi lẽ, những hậu quả nguy hiểm chết người từ những sự cố có thể xảy ra ở bất cứ một nhà máy điện nguyên tử nào đều là bi thảm đối với cả nhân loại.

Thảm kịch Chernobyl xảy ra một phần tư thế kỷ trước đã buộc chúng ta phải hiểu rằng, sẽ không bao giờ loài người có thể thống kê được đầy đủ hết những thiệt hại do nó gây ra. Ngay cả đối với các nước phát triển, đó vẫn là một tấn bi kịch dài lâu. Ngay ở Nhật Bản, mặc dù chính phủ và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO)  sở hữu nhà máy điện hạt nhân Fukusima số 1 đã rất nỗ lực nhưng cho tới nay vẫn không sao ngăn chặn được sự trầm trọng thêm của những hệ lụy.

Những thông tin mới cho thấy, ngày 21/4 lượng chất phóng xạ trong nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 rò rỉ ra biển đã lên tới khoảng 5.000 terabecquerel, cao gấp 20.000 lần mức cho phép hàng năm của nó. Không ai có thể đoán chắc được rằng, xu hướng tiêu cực này tới bao giờ mới chấm dứt…

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng ở Kiev đã nêu ra câu hỏi: "Nước Nhật, nói cho cùng, vẫn đang là một trong những quốc gia được chuẩn bị tốt nhất để đối phó với các thảm họa và cũng là một cường quốc công nghệ tiên tiến sản xuất năng lượng hạt nhân. Vậy ở những nước kém chuẩn bị hơn thì hệ lụy sẽ như thế nào?"

Mới đây nhất, trên tờ báo Đức Tagessspiegel, nhà vi sinh học, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh sinh học ở Halle, TS Alexander S. Kekule đã gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy thảm khốc có thể xảy ra trong tương lại ở các nhà máy điện nguyên tử.

Theo nhà khoa học này, trong lúc chúng ta thanh toán nguyên nhân thảm họa này, thì vẫn không thoát khỏi những nguyên nhân khác cũng dẫn tới thảm họa, thậm chí còn lớn hơn, ở các nhà máy điện nguyên tử, bởi lẽ, "mỗi một thảm họa đều là vô tiền khoáng hậu"! Thêm vào đó, trong lĩnh vực này không phải bao giờ và không phải ở bất cứ đâu cũng tìm tới được những kết luận cần thiết. Thực tế là, 6 trong số 10 lò phản ứng kiểu giống như ở Chernobyl, được chế tạo ở nước Nga trước đây, cho tới nay vẫn tiếp tục được sử dụng.

Hiện nay trên thế giới có tới 443  nhà máy điện nguyên tử và 135 nhà máy điện nguyên tử khác đang trong quá trình xây dựng. Theo TS Kekule, trong bối cảnh này, một thảm họa tương tự như ở Chernobyl hay Fukusima là rất khó tránh. Tuy nhiên, không phải là không có lối thoát. TS Kekule trên cơ sở những điều nói ở trên đã đề nghị thành lập một lực lượng phản ứng nhanh quốc tế dưới sự chỉ đạo của IAEA.

Tham gia lực lượng này cần có các chuyên gia giỏi và những người máy điều khiển từ xa. IAEA sẽ phải xây dựng một bộ quy chuẩn để các quốc gia theo đó mà lập ra các kế hoạch sơ tán trong bán kính 80 km quanh từng nhà máy điện nguyên tử. TS Kukale đề nghị lấy kinh phí để thực thi sự nghiệp này từ các hãng năng lượng

Nguyễn Hữu Huy
.
.
.