Một sân khấu lịch sử: Nhìn từ châu thổ sông Hồng

Chủ Nhật, 07/07/2019, 10:38
Địa lý là gì nếu không phải là sân khấu của lịch sử? Đây là câu chuyện về vùng châu thổ sông Hồng trong các thế kỷ qua với tư cách là một sân khấu như thế.

Mở rộng vùng châu thổ sang phía đông và đông nam

Khung cảnh tự nhiên của vùng Bắc Bộ được cấu tạo bởi hai hệ thống dòng chảy chính: sông Hồng và sông Thái Bình. Lưu vực mà nó tạo ra được chia làm 3 vùng: đồng bằng trung tâm (trung tâm là Hà Nội), vùng phía đông (trung tâm là Hải Dương), và vùng phía đông nam (trung tâm là Nam Định). 

Trong vòng 4000 năm qua, dòng chảy dài 1,100 km của sông Hồng từ Vân Nam (Trung Quốc) thường xuyên biến đổi; dẫn đến quy mô của lưu vực đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Diện tích lưu vực đã tăng lên 10 lần trong thời gian này.

Cấu trúc lịch sử, dân cư, quan hệ quyền lực giữa các nhóm cư dân ở đây, vì thế, là hệ quả của hàng thiên niên kỷ con người tương tác với địa hình và các nhóm bên ngoài. 

Ban đầu là cuộc di cư từ trung du xuống khu vực thấp dọc hai bên bờ sông và sang phía đông (Hải Dương, Quảng Ninh); sau đó là vào các vùng trũng và duyên hải đông, đông nam: Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định. Tới tận đầu nhà Lê sơ, các khu vực như Thái Bình, Nam Định dân cư khá phân tán. 

Nhiều nhóm cư dân cũng từ Trung Hoa di cư xuống. Tại Hải Dương, tổ tiên của Khúc Thừa Dụ chọn Ninh Giang; trong khi một viên quan nhà Đường là Vũ Hồn tới Mộ Trạch vào những năm 840.

Miền Bắc Việt Nam.

Từ thế kỷ IX, Cao Biền xây dựng thành Đại La kiên cố, xác lập một trung tâm hành chính và kinh tế tại trung tâm. Nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Mạc sẽ tụ hội ở đó. Cũng từ đây, Đại La/Thăng Long/ Hà Nội trở thành trung tâm của không gian kinh tế-chính trị Bắc Việt và Việt Nam. 

Sự xác lập của một vương quốc độc lập ở trung tâm dọn đường cho các cuộc di cư quy mô lớn về phía nam và đông của dòng sông, tới các bậc thềm thấp hơn, mới được bồi đắp. 

Tại đây, trong các thế kỷ XIII-XVI sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều nhóm quyền lực là họ Trần ở Nam Định, họ Mạc ở Hải Phòng… thách thức các quyền lực cũ ở Cổ Loa, Luy Lâu, họ Ngô, họ Phùng ở Đường Lâm, họ Lý ở Bắc Ninh, và nhà Lê. 

Đây là điều các sử gia về Việt Nam gọi là sự trỗi dậy của vùng duyên hải. Dấu mốc quan trọng của quá trình này là sự du nhập của lúa chiêm và mở rộng của thủ công nghiệp. Sử gia Nhật Bản Yumio Sakurai cho rằng từ năm 1200 đến 1340, dân số châu thổ sông Hồng đã tăng gấp đôi, lên 3 triệu người. 

Đến giữa thế kỷ XIV, mật độ dân số của vùng có thể đến 150-180 người/km2, trở thành một trong những châu thổ có mật độ dân số đông nhất trên thế giới.

Việc mở rộng dân cư, kinh tế, và hành chính xuống vùng đất thấp hơn cũng thúc đẩy một công cuộc vĩ đại khác của người Việt: đắp đê. Sự nghiệp này đã chiếm đoạt tâm trí của các cư dân trên vùng châu thổ hơn 2000 năm qua. 

Đầu thế kỷ XX, số lượng đê chính và đê nhánh là khoảng 4000 km. Tuy nhiên, việc quản lí, phân phối nguồn nước cho các cộng đồng dọc sông vẫn đang là một bài toán. Sức ép này tạo nên đặc trưng quan trọng về vai trò của nhà nước ở Bắc Bộ. Khả năng điều tiết mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương với nông dân và làng xã luôn là vấn đề sống còn với vận mệnh triều đại và ổn định xã hội.

Một nguyên nhân của tình trạng này chính là cấu trúc tự nhiên đồng nhất của vùng châu thổ. 

Cấu trúc liền khối của Bắc Bộ

Địa hình bằng phẳng và không quá lớn (15,000 km2) tạo ra một đặc trưng thú vị của quyền lực nhà nước và chuyển biến xã hội cho Bắc Bộ. Mật độ dân số cao và khả năng kết nối nhanh chóng đưa cả vùng vào một vận mệnh lịch sử, gắn chặt với nhau, gắn với nhà vua ngự ở Hoàng thành và gắn với dòng sông Hồng. 

Bất cứ biến động nào cũng tạo ra sự lan tỏa cả vùng. Vì thế khả năng tương tác với các khu vực xung quanh có ý nghĩa lớn đối với quyền lực chính trị của Thăng Long.

Dù địa hình thuận lợi cho việc tập trung dân cư và hình thành nhà nước buổi đầu, châu thổ sông Hồng không phải là nơi dễ phòng thủ. Thăng Long nằm trên một không gian trống trải, có thể được tiếp cận từ mọi phía. Trong lịch sử, vùng này đã bị tấn công ít nhất là từ sáu hướng khác nhau. 

Từ phía nam, (1) đường bộ từ Thanh Hóa qua Tam Điệp-Biện Sơn, (2) từ cửa sông Hồng, từ phía tây nam, (3) dọc theo các thung lũng đá vôi nằm giữa Ninh Bình-Hòa Bình, (4) phía tây bắc: dọc theo sông Lô, sông Đà, (5) phía bắc: theo đường bộ từ Lạng Sơn, và (6) từ vịnh Bắc bộ xuống, chủ yếu qua sông Bạch Đằng.

Trong 1300 năm qua, các con đường này dẫn dụ nhiều cuộc xâm lăng của người Hán, người Thái, người Nam Chiếu, người Chăm, người Mông Cổ, người Nhật, người Pháp. 

Có hai lần người cầm quyền tìm cách hóa giải tình thế nguy khốn về quân sự này bằng cách mang kinh thành ra khỏi vùng trung tâm, đặt nó vào nơi hiểm trở, khó tiếp cận (Hoa Lư, Tây Đô). Tuy nhiên, hai thử nghiệm này cho thấy tình thế khó khăn của nhà nước khi buộc phải ra khỏi Đại La/Thăng Long. Ngay lập tức nó tạo ra khoảng trống quyền lực mà một chính quyền đặt bên ngoài không thể quản lí.

Phía Bắc của vùng đồng bằng là đế chế Trung Hoa và các nhóm thiểu số dọc theo đường biên Quảng Tây, Vân Nam. Sức ép chính trị, quân sự, xâm nhập của thổ phỉ, phu mỏ, buôn lậu lúa gạo, đồng, buôn người… luôn là nỗi ám ảnh của người cầm quyền ở Việt Nam. 

Hành lang biên giới Việt-Trung từng là con đường giao thương quan trọng kéo dài tận phía bắc Lào và Myanmar với hệ thống trao đổi bạc, đá quý, ngựa, trà, muối, đồ sắt… 

Vào thế kỷ XVIII-XIX, đó là thiên đường của các nhóm di cư và bạo lực xã hội. Hàng trăm nghìn phu mỏ người Hán đã tràn vào thượng du Bắc Kỳ (riêng mỏ đồng Tụ Long đã có hàng chục vạn, theo Lê Quý Đôn). 

Ảnh hưởng xã hội của họ kéo dài cả thế kỷ sau đó khi Nông Văn Vân nổi dậy chống nhà Nguyễn, tập hợp thợ mỏ người Hoa, và tiến hành đánh chiếm xuống vùng châu thổ phía nam. Vào cuối thế kỷ XIX, thượng du Bắc Kỳ sẽ một lần nữa trong biến loạn bởi các nhóm tàn quân Thái Bình Thiên Quốc.

Miền duyên hải dọc theo vịnh Bắc Bộ dù hướng ra một vịnh kín và hẹp, nhưng có địa hình phức tạp với các đảo nhỏ và cửa sông đan xen. Môi trường này thường xuyên mang theo thiên tai, dịch bệnh, cướp biển và các cuộc tấn công đường thủy. Người Việt có chiến thuật dùng thuyền nhỏ, cơ động, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của kẻ thù đối với địa hình để mai phục tấn công các hạm thuyền lớn.

Chiến thuật này đã hơn một lần thành công trên sông Bạch Đằng. Tuy nhiên trong nhiều thế kỷ, họ phải vất vả đối phó với người Champa với các thuyền nhỏ và kỹ thuật hàng hải thiện nghệ. 

Trong khi đó, cướp biển ở miền nam Trung Hoa từ cuối thời Minh trở thành mối đe dọa thường trực với các cư dân từ Nam Định đến Quảng Ninh. Trung tâm của các hoạt động này là vùng bờ biển và đảo kéo dài từ Nam Định cho đến bán đảo Lôi Châu.

Bao bọc phía tây của châu thổ là địa hình đồi núi gắn liền với đa dạng tộc người. Trên hành lang này, nhà nước và xã hội của người Việt đối mặt với nhiều thách thức. Hà Nội và vùng đồng bằng nhiều lần bị đe dọa từ phía bắc, tây bắc, tây nam.

Ít nhất có hai lần các đạo quân Nam Chiếu và Mông Cổ đi dọc theo hệ thống sông Đà và sông Lô để đánh chiếm Đại La/ Thăng Long. Cuộc tấn công ở thế kỷ IX đã phá hủy hệ thống phòng thủ của nhà Đường, buộc Cao Biền phải xây lại đô hộ thành Đại La. Nửa thiên niên kỷ sau đó, đến lượt quân Mông Cổ tấn công dọc theo sông Lô.

Nguy cơ xung đột cũng đến từ miền thượng du Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Hóa. Các tù trưởng người Thái, Lào thường xuyên trong quan hệ căng thẳng với nhà Lê. 

Cũng tại đây vào những năm 1816-36, hậu duệ của nhà Lê liên minh với các thủ lĩnh dân tộc thiểu số nhằm kiểm soát dải trung du bao quanh châu thổ, sau đó xâm nhập từ phía tây và tây nam dọc theo sông Đà và bắc Ninh Bình.

Thăng Long cũng đã bị tấn công từ phía nam, bằng cả đường bộ và đường biển. Quân Champa thực hiện các chuyến cướp phá thường xuyên vào thế kỷ XIV trước khi vị vua hùng mạnh cuối cùng của họ, Chế Bồng Nga bị chết trận. 

Lê Lợi thành công trong chiến dịch tấn công trung tâm cai trị của nhà Minh ở Hà Nội bằng một loạt các chiến dịch quân sự bắc tiến, và điều này sau đó cũng được Nguyễn Huệ lặp lại vào năm 1786 và 1789. Cuối cùng là cuộc bắc tiến của Nguyễn Phúc Ánh chiếm lấy một Thăng Long bỏ ngỏ vào năm 1802.

Bản thân việc tương tác quyền lực trong vùng châu thổ cũng dẫn đến những biến động lớn trong lịch sử. Bất cứ nhóm địa phương nào từ Hà Tĩnh ra Bắc, khi hưng khởi, đều sẽ tìm cách tiến ra vùng trung tâm. Dù đất khởi phát là Thanh Hóa hay Hải Phòng hay Nam Định thì mọi con đường đều dẫn đến Thăng Long.

Yếu tố địa-chính trị này là xúc tác cho sự trỗi dậy của một thực thể địa-quyền lực độc đáo: vùng Thanh-Nghệ, và lí giải vì sao nơi đây là quê hương của nhiều vua chúa. Thanh-Nghệ, tuy quy mô dân số, kinh tế nhỏ hơn châu thổ sông Hồng, nhưng tồn tại các cộng đồng dân cư lâu đời, có tính chất kết dính cao. 

Cách biệt với phía bắc bởi dãy Tam Điệp-Biện Sơn, vùng đất này đủ xa để không bị liên lụy vào các biến loạn, xung đột, hay mất mùa ở Bắc Bộ, nhưng đủ gần (200 km) để có thể tham gia vào cuộc tranh đoạt quyền lực, giành quyền kiểm soát đất nước. Đó là khi lịch sử chứng kiến Dương Đình Nghệ, Hồ Quý Ly, Lê Lợi, Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm… lên tiếng.

Bài viết này không nhằm tuyệt đối hóa sức mạnh tiền định của địa lý và địa hình, mà đơn giản gợi ý về cách thức con người kết hợp với địa hình và điều kiện tự nhiên để định hình nên không gian lịch sử-xã hội, cấu trúc chính trị, nhà nước và bản sắc Việt Nam trên vùng châu thổ sông Hồng.

Đó là lịch sử của Đại Việt và Bắc Bộ Việt Nam nhìn từ khung cảnh địa lý và tương tác giữa con người với địa lý, nơi con người tìm cách thích ứng để xây dựng lên các không gian xã hội, nền văn hóa, và bản sắc.

Vũ Đức Liêm
.
.
.