Hội nghị G20: Bất đồng gác lại
Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao, xây dựng về cơ bản một lộ trình cụ thể tạo sự tăng trưởng toàn diện của G20 cũng như sự nỗ lực tìm kiếm lập trường chung chấm dứt đối đầu trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là những mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và tình hình chính trị bất ổn. Thế nên, không dễ dàng để có thể hiện thực hóa chúng với thực lực hiện tại của các thành viên G20.
Cùng hướng tới tăng trưởng
“Kế hoạch hành động Brisbane” được thông qua với những hành động cụ thể trong ngắn hạn và trung hạn, khẳng định mục tiêu xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, có sức đề kháng tốt hơn, cũng như đề ra hàng loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. G20 đặt mục tiêu nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm thêm ít nhất 2% trong 5 năm tới, từ đó tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu. Trong chiến lược tăng trưởng, G20 nhất trí sẽ tập trung cải cách cả về kinh tế vĩ mô và cấu trúc phù hợp từng nước. Theo đó, các nhà lãnh đạo thỏa thuận thành lập trung tâm cơ sở hạ tầng toàn cầu ở Sydney, thúc đẩy các biện pháp chống trốn thuế và tạo ra hệ thống các quy định về ngân hàng chặt chẽ hơn. Đây được coi là sự cải tổ kinh tế toàn diện và chặt chẽ, có thể tạo “hiệu ứng lan tỏa tích cực” cho các nước ít phát triển hơn nằm ngoài nhóm.
Một trong những ưu tiên được đề cập là tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, đặc biệt chú trọng tới tiến trình cải tổ IMF và hối thúc Mỹ thông qua “Kế hoạch cải tổ IMF”. Đồng thời, G20 cũng “tạo áp lực” để các nền kinh tế phát triển thực hiện khoảng 800 biện pháp cải tổ kinh tế, từ cải tổ thị trường lao động đến giảm bớt các hàng rào thương mại. Hàng loạt các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm được đề xuất, như đặt mục tiêu giảm chênh lệch lao động nam nữ xuống 25% vào năm 2025, hay nhất trí “Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016”.
Đây có thể nói là một bước tiến lớn của G20 so với các kỳ hội nghị gần đây, khi mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thoát ra khỏi những tranh cãi về việc nên tập trung vào tăng trưởng hay “thắt lưng buộc bụng”. Kết quả này có được một phần nhờ vào nỗ lực rất lớn của nước chủ nhà Australia trong việc tránh để những căng thẳng chính trị chi phối quá nhiều nghị trình. Thủ tướng Australia Tony Abbott đánh giá đây là hội nghị quan trọng nhất đã được tổ chức tại Australia, có sự đồng thuận lớn giữa các quốc gia thực hiện kế hoạch hành động chung. Ông khẳng định thoả thuận thúc đẩy thương mại tự do bế tắc từ lâu đã được khai thông, tạo nên bước đột phá cho các nước G20.
Hiện nay, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó có “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) hay các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA). Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như tạo điều kiện để thực hiện các cam kết kinh tế đề ra tại hội nghị. Trong khi đó, tình hình kinh tế của một số nước thành viên G20 cũng đón nhận dấu hiệu tích cực. Hai nền kinh tế đầu tàu của châu Âu là Đức và Pháp đã thoát khỏi cuộc suy thoái mới trong “gang tấc” hồi quý III. Kết quả thống kê chính thức của Đức công bố ngày 14/11 cho thấy: GDP tăng 0,1% sau khi suy giảm 0,1% trong 3 tháng trước đó. Pháp còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi GDP tăng 0,3% trong quý III.
Những thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, việc G20 có thực hiện được mục tiêu tham vọng đề ra hay không đang là một câu hỏi lớn, cho dù đây là tổ chức tập hợp của 20 nền kinh tế mạnh nhất và chiếm tới 85% tổng giá trị kinh tế của thế giới. Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở nhiều quốc gia, hay một số nền kinh tế đang nổi lên. Chỉ một ngày sau bế mạc hội nghị cấp cao G20, Nhật Bản - nền kinh tế thứ 3 thế giới - đã chính thức rơi vào suy thoái với việc GDP thực tế giảm quý thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế của Anh đang phải đối mặt với một “nguy cơ thực sự” do tình trạng phát triển không bền vững của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine cũng làm mức tăng trưởng kinh tế của cả hai giảm đáng kể. Còn Mỹ, nền kinh tế “đầu tàu” thế giới, vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều.
Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng mục tiêu tăng 2% GDP vào năm 2018 hoàn toàn không khả thi do kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi yếu và thiếu bền vững; trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi có xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng để ngăn chặn nợ xấu và kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, căng thẳng địa - chính trị tiếp tục gia tăng, cùng với sự không chắc chắn của thị trường tài chính gắn với nhiều điểm nóng trên thế giới, nạn tham nhũng ngày càng tinh vi và sự ra đời những mánh khóe trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia cũng khiến việc triển khai Tuyên bố chung gặp ít nhiều khó khăn.
Trong lời chúc mừng thành công của hội nghị, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde không quên cảnh báo việc thực hiện các kế hoạch mới thực sự quan trọng và cần có sự giám sát chặt chẽ. Con số 800 biện pháp cải tổ kinh tế là khối lượng công việc không nhỏ trong vài năm tới, và chưa bao giờ là dễ dàng đối với các nước thành viên G20. 20 quốc gia sẽ phải đồng loạt đưa ra những quyết định khó khăn về cải cách cơ cấu và không ai dám chắc rằng trong quá trình đó không xảy ra xu hướng chia tách để kiếm lợi cho riêng mình.
Trước thời điểm diễn ra hội nghị, G20 phải đối mặt với những chỉ trích ngày càng gay gắt, rằng đây chỉ là một diễn đàn “nói suông”. Và hội nghị ở Brisbane năm nay cũng không thoát khỏi nỗi ám ảnh đó. Các nhà hoạt động xã hội dân sự thế giới tổ chức tuần hành tại Brisbane, yêu cầu các nhà lãnh đạo G20 phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa với biến đổi khí hậu thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp kinh tế và giải quyết xung đột. Điều này càng tạo ra những áp lực vô hình rất lớn đối với G20, nếu các quốc gia thành viên muốn tạo niềm tin cho người dân về một viễn cảnh phục hồi từ sau những suy thoái và khủng hoảng thời gian qua.
Người biểu tình tại Brisbane yêu cầu G20 có hành động mạnh mẽ hơn nữa với biến đổi khí hậu thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp kinh tế và giải quyết xung đột. |
Hạ nhiệt đối đầu Đông - Tây
Là nơi hội tụ của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới, nên đây còn là dịp để G20 thảo luận về tất cả các vấn đề trên phạm vi toàn cầu nói chung, cũng như các vấn đề còn vướng mắc giữa các cặp quốc gia và nhóm quốc gia thuộc G20 nói riêng. Tuyên bố chung đã nhấn mạnh thêm cam kết hợp tác để ngăn chặn dịch Ebola tại Tây Phi, huy động mọi nguồn lực để dập tắt dịch bệnh đã khiến hơn 5.000 người chết. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về các hành động hiệu quả và mạnh mẽ trong vấn đề biến đổi khí hậu, và sẽ hợp tác tích cực hướng tới hội nghị biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015.
Tuy nhiên, vấn đề “làm nóng” hội nghị lần này chính là cuộc xung đột Ukraine, dẫn tới các lệnh trừng phạt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế của Nga và châu Âu. Trước khi hội nghị G20 diễn ra, báo chí không loại trừ khả năng Mỹ và phương Tây sẽ tạo nên một diễn đàn tuyên truyền chống phá Nga. Nhiều người còn dự đoán hội nghị sẽ biến thành một chiến tuyến giữa Đông và Tây, nhất là sau những cáo buộc mới đây về việc xe tăng Nga tiến vào miền Đông Ukraine, tai nạn đầy nghi vấn của chiếc máy bay MH17 ở miền Đông Ukraine hay việc Nga tăng cường các chuyến bay do thám tới sát châu Âu.
Nhưng thực tế diễn biến tại hội nghị không hoàn toàn gay gắt như những lời đồn đoán. Cuộc khủng hoảng Ukraine và trách nhiệm liên đới của Nga đã không được các nhà lãnh đạo quốc tế đưa ra thảo luận chính thức, mà chỉ được đề cập trong các cuộc gặp song và đa phương bên lề. Tại đây, các bên cho rằng chỉ cần tìm biện pháp giải quyết khủng hoảng bằng cách kết hợp giữa gây sức ép và đối thoại với Nga, chứ tuyệt nhiên không có một tuyên bố trừng phạt hay cô lập nào được đưa ra trong thời gian ông Putin có mặt tại hội nghị. Điều này cho thấy không một quốc gia phương Tây nào, dù là Mỹ hay châu Âu, muốn thực sự dồn nhà lãnh đạo Nga đến bước đường cùng.
Tất nhiên, về phần mình, Tổng thống Putin cũng đã có những hành xử và tuyên bố “rất chừng mực” khi khẳng định ông và lãnh đạo các nước đã có cơ hội hiểu rõ hơn về nhau và hiểu động cơ hành động của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo ông chủ Điện Kremli, điều này “thực sự có ích cho tất cả các bên” và hội nghị G20 là tiền đề tốt để đi đến một nghị quyết cho cuộc khủng hoảng Ukraine dù vẫn tồn tại một số bất đồng.
Cụ thể, ông Putin vẫn luôn tươi cười, bắt tay thân thiện với Thủ tướng Tony Abbott cho dù bị chất vấn gay gắt về vụ chiếc máy bay MH17 (trong số nạn nhân có 28 công dân Australia). Bên cạnh đó, người phát ngôn Điện Kremli nói rằng Tổng thống Nga bày tỏ sự quan tâm tới việc “chấm dứt đối đầu” và xây dựng lại quan hệ với Anh khi trò chuyện cùng Thủ tướng David Cameron. Tổng thống Putin cũng đã gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande, và hai bên đồng ý bảo vệ mối quan hệ giữa hai nước không bị ảnh hưởng bởi sự trừng phạt của EU.
Rõ ràng “giảm nhiệt căng thẳng” giữa Nga và phương Tây tại hội nghị G20 là một tín hiệu tích cực mà trước đó ít ai dám nghĩ tới. Bản thân sự có mặt của nhà lãnh đạo Nga tại Brisbane cũng là một kết quả không tồi, khi mà trước thềm hội nghị vẫn có những nhận định nói rằng, lãnh đạo nước chủ nhà có thể không mời “ông chủ Điện Kremli”. Mặc dù việc Tổng thống Putin quyết định rời Australia trước khi hội nghị kết thúc có tạo ra một số nghi vấn trong dư luận truyền thông thế giới, nhưng suy cho cùng, điều này cũng chỉ là một điểm nhấn nho nhỏ góp phần làm sinh động hơn bức tranh tổng thể về hội nghị G20 vừa kết thúc…