Học giả An Chi: Gánh chữ qua một phận người

Thứ Bảy, 27/10/2007, 14:15
Cuộc đời của nhà nghiên cứu hay nhà khoa học thường ít có những sự kiện đặc biệt. Báo chí nhớ đến học giả An Chi khi có vấn đề về chữ nghĩa. Thỉnh thoảng, tên ông xuất hiện ở vài bài điểm sách, khi báo chí giới thiệu cuốn "Chuyện Đông - Chuyện Tây" của ông.

An Chi bình dị như khoảng sân gạch trước nhà có vài chậu kiểng. Im ắng như con hẻm cụt buổi giữa trưa. Thi thoảng, "xé rào" tranh luận chút chút như con cu cườm dính bẫy được nuôi trong lồng kín, nhớ ruộng đồng cố gắng gáy vang một hồi lại lặng im... Cả đời ông, dồn hết cho đam mê duy nhất: Nghiên cứu từ nguyên học.

Hôm gọi điện thoại hẹn bác An Chi xin buổi trò chuyện ngắn, tôi nửa như ngần ngại nửa lại háo hức. Thật ra, ít có người trẻ nào đủ can đảm ngồi "tay đôi" với người học giả uyên bác này. Thêm nữa, tư liệu về An Chi quá ít. Kể cả từ sách báo cho đến Internet. Chắc chắn rằng, riêng về khoản tự đánh bóng mình, học giả An Chi còn kém lắm so với nhiều người khác.

An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, dân Sài Gòn chính tông, ông học trường Tây ngày trước (nay là Trường Lê Quý Đôn). Và do những điều kiện lịch sử nhất định, ông mang quốc tịch Pháp.

Chỉ cho tôi xem bức hình chụp cái lớp học của ông ngày xưa vừa làm mới bằng cách xử lý máy tính lại, An Chi nói tất cả những người trong bức hình ấy đều đã định cư tại Pháp, chỉ còn mình ông ở Việt Nam. Hỏi lý do, An Chi trả lời bình thản: "Tôi yêu đất nước và con người ở đây".

Tôi hiểu, đó không phải là cách trả lời đãi bôi. Một người ít xuất hiện trên mặt báo, ít tiếp xúc với những câu hỏi mang tính chất "rình rập" của phóng viên như An Chi thì tuyệt đối không có kiểu cò kè để đẩy người nói chuyện sang câu hỏi khác.

Ngày An Chi còn nhỏ, ông thường theo ông nội đến thăm một người bạn. Bạn của ông nội An Chi là vị sư trụ trì ngôi chùa nhỏ và hành nghề bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông nội An Chi mất, thi thoảng, ông vẫn theo mẹ đến thăm người bạn cũ ấy.

Có lần, vị sư già trầm ngâm nhìn An Chi rồi quay sang mẹ ông bảo: "Việc đời vốn dĩ hay phân chia thành các nghề, gọi tắt là "sĩ, nông, công, thương". Cậu bé này dù có làm gì đi chăng nữa cũng sẽ quay về con đường của chữ "sĩ"". Có lẽ, lời phán năm xưa của vị sư già ấy đã vận vào người ông như một sự linh nghiệm khó giải thích.

An Chi những năm theo học trường Tây sử dụng chủ yếu toàn tiếng Pháp. Nhưng ông vẫn kịp mê "Truyện Kiều", say chữ Quốc ngữ… Bộ sách làm thay đổi An Chi nhiều nhất có lẽ là quyển "Chính tả Việt Ngữ" của Lê Ngọc Trụ, xuất bản lúc bấy giờ.

An Chi coi bộ sách này như bửu bối. Dẫu cho giờ đây, trong căn nhà ông, sách đã lên đến hàng vạn quyển. Ông "nghiện" chữ ngay từ thuở nhỏ.

Rồi kháng chiến nối tiếp kháng chiến, An Chi cũng hăng hái tham gia các phong trào của học sinh, sinh viên nội thành. Căn nhà ông thành cơ sở hoạt động của Cách mạng. Hiệp định Genève ký kết, cuộc đời ông chuyển sang một bước ngoặt mới.

Bước ngoặt của cuộc đời, thì có bao giờ phẳng lặng đâu. Được sự giới thiệu của các cán bộ hoạt động bí mật, ông được tập kết ra Bắc để giới thiệu cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Tuy nhiên (mỗi lần "tuy nhiên" lại một lần thở dài) do thời gian quá gấp, ông không thể xuống Cà Mau để theo đường thủy ra Hà Nội.

Vậy là mua vé máy bay và ngồi chuyên cơ cùng một số bạn bè đi tập kết. Ngày ấy, đi tập kết bằng máy bay được gọi là tập kết trái tuyến. Ra đến Thủ đô, không hiểu sao An Chi lại chẳng liên lạc với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Có lẽ, ông quên.

Ở Hà Nội, cán bộ của Phòng miền Nam thuộc Bộ Giáo dục vận động ông cùng các bạn tham gia lực lượng thanh niên xung phong với lời hứa "Hoàn thành nhiệm vụ sẽ được tự do lựa chọn ngành học chuyên môn". Vậy là An Chi hăm hở lên đường.

Một năm ròng trải qua tham gia xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Một tuyến đường sắt trọng điểm do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác Phạm Văn Đồng chỉ đạo thực hiện. Hết tuyến đường sắt, đã sẵn sàng cho chuyện học hành trở lại, thì đột nhiên, ông nhận được lệnh phải tiếp tục sang làm công nhân Nhà máy Chè Phú Thọ.

Lần làm công nhân này, An Chi được phát thẻ công đoàn hẳn hoi. Vậy là được chính thức công nhận là công nhân thứ thiệt rồi. Những con mắt đau đáu với sách vở lại bắt đầu trỗi dậy. Rồi vận động, rồi thuyết phục các vị lãnh đạo cho ông và bạn mình được đi học.

Những ngày đầy căng thẳng. Cuối cùng cũng có lệnh cho ông được thôi việc ở nhà máy chè và đi học lại. An Chi ghi danh theo học lớp Sư phạm Trung cấp. Ra trường, ông được bổ nhiệm đi dạy ở Thái Bình. Lại bắt đầu những ngày gian nan.

Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể với tôi: "Ngày ấy ở Thái Bình không ai không biết Võ Thiện Hoa. Ông là "đặc sản" của Thái Bình đấy. Uyên bác thì khỏi nói rồi, mà dường như vẫn giữ được cái khí phách của người quân tử". Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng kể thêm: An Chi ra Hà Nội là vì ông mê chủ nghĩa xã hội.

Ông tuân theo những lý tưởng tuổi trẻ của chính mình. Không biết thực hư chuyện này ra sao. Không ai trò chuyện với một người mình kính nể mà cứ chăm chăm "khoét" hết quá khứ của người khác để… viết báo. Thái Bình những ngày nhiều phiền muộn, An Chi đọc nhiều. --PageBreak--

"Đọc không phải để tự học đâu. Đọc đầu tiên là để bù đắp thêm kiến thức cho mình đã", An Chi nói. Đọc nhiều về từ nguyên tiếng Hán, tiếng Phạn, tiếng Tây Ban Nha… Đọc nhiều, mê sách, rồi làm được đồng nào lại dồn hết tiền mua sách đồng ấy, An Chi dẫu không muốn nhưng vẫn cứ "trôi" dần ra gần hơn với những khốn khó đời thường.

Rồi may mắn, cái may mắn từ những bức thư tay của ông Ca Văn Thỉnh (thân sinh của nhạc sĩ Ca Lê Thuần), ông thường gọi là bác Tư Thỉnh, Giám đốc Thư viện Khoa học xã hội thời ấy, ông được đặc cách cho mượn sách trong Thư viện Khoa học xã hội.

Ngày đó, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm như An Chi thì không đủ tiêu chuẩn để được đọc sách trong thư viện chứ đừng nghĩ đến chuyện mượn. Muốn đọc sách trong thư viện phải có bằng cử nhân, muốn mượn sách về nghiên cứu vài ngày thì phải là…

 Phó tiến sĩ trở lên mới đủ tiêu chuẩn. Có được thư tay của bác Tư Thỉnh, An Chi tha hồ đọc, tha hồ tiếp cận với kho sách quý mà Thư viện Khoa học xã hội có được. Nhiều sách trong đó không hề xuất hiện trên thị trường sách đọc. Cơn "nghiện" sách của ông chắc có phần được thuyên giảm ít nhiều.

Sau khi đất nước thống nhất, ông chuyển về Sài Gòn và công tác tại Phòng Giáo dục quận 1. Đến năm 1984, An Chi đột ngột nghỉ hưu non. Đóng cửa nằm ở nhà đọc sách và nghiên cứu từ nguyên học. Đương nhiên, ai cũng bó tay trước cái tính của ông.

Nhà An Chi ít khách lui tới dần, ngoại trừ vài người bạn quan tâm đến nguồn gốc của chữ nghĩa. Rồi năm 1990, An Chi hứng chí lên viết báo cộng tác với Tạp chí Kiến thức ngày nay (KTNN). Vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, mức độ phổ biến của tạp chí này rất khủng khiếp.

(Tuổi thơ tôi tràn những bài báo trong tạp chí này, nhiều đến mức khi kể lại cho bạn bè nghe những câu chuyện khoa học in trong KTNN, chúng cứ một mực bảo rằng tôi… ba xạo). Cộng tác được hai năm, Thư ký toà soạn KTNN là nhà báo Lê Khắc Cường mời ông ra giữ hẳn mục "Chuyện Đông - Chuyện Tây".

Mục để giải đáp những thắc mắc trên trời dưới biển về chữ nghĩa, về các niên đại vua chúa, các thời điểm giao thoa lịch sử… của bạn đọc. "Chuyện Đông - Chuyện Tây" gắn liến với cái thương hiệu An Chi ngay từ ngày đó.

Lúc mới viết báo, ông ký bút danh là Huệ Thiên (Có người đùa rằng chính xác cái bút danh này phải là Họa Thiên mới đúng, vì ông dùng bút danh theo kiểu đảo ngược chữ lót và tên của chính mình).

Rồi "Chuyện Đông - Chuyện Tây" dính.. tai nạn. Cái tai nạn ấy khủng khiếp đến mức An Chi đã từng nhận được đề nghị bằng công văn hẳn hoi: "Tác giả Huệ Thiên tạm thời ngưng công tác mục Chuyện Đông - Chuyện Tây một thời gian".  Mặc đề nghị, ông vẫn viết. Chỉ đổi bút danh là An Chi (tức "y chang"), Huệ Thiên vẫn hoàn Huệ Thiên thôi.

Lại lặng lẽ viết báo giải thích cho bạn đọc cặn kẽ chữ nghĩa, lại nghiên cứu, rồi tự học… An Chi vẫn là An Chi, âm thầm đúng kiểu như cách luận của Vạn thế sư biểu Khổng Tử "Lão giả An chi, bằng hữu Tín chi, thiếu giả Hoài chi".

Hỏi: "Bác An Chi có biết vụ cư dân mạng lập ra cả một diễn đàn để tranh luận về bác không?". "Biết chứ, nhưng mình không can thiệp hay coi hoài làm gì đâu". "Vậy bác An Chi có biết nhiều người trong giới viết lách đồn rằng bác có trí nhớ siêu phàm, chỉ cần hỏi cái gì là bác lập tức liên tưởng đến chuyện ấy nằm trong mục này, sách nào không?".

"Cái này cũng có nhiều người thắc mắc đây. Nhưng thật ra sòng phẳng thì tôi chỉ trả lời những câu hỏi mình biết thôi. Trả lời cái chắc chắn theo căn cứ xác thực, chứ không phóng tư tưởng lên mây đâu. Mình ngại mấy vụ tranh luận như kiểu đòi Kinh Thi lại cho chúng ta chẳng hạn", học giả cười sảng khoái.

Nhà cách mạng Trần Bạch Đằng trong một bài bình luận lúc ông còn sống có nhắc đến An Chi với những chữ rất trân trọng: "Tôi hết sức kính trọng ông An Chi, người phụ trách chuyên mục "Chuyện Đông - Chuyện Tây" trên Tạp chí Kiến thức ngày nay. Ông dạy ở phổ thông và tự học, kiến thức uyên bác".

Mà cũng có ai được như ông, ngoài cái tuổi thất thập vẫn lên mạng, đăng ký trang web trả tiền để đọc tin tức bằng tiếng Pháp, làm việc "chắc chắn là hơn 8 tiếng mỗi ngày", nghiên cứu loại hình chữ nghĩa thuộc hàng hiếm tại Việt Nam, mà vẫn giữ được cái chất "Gọi mình là ông An Chi, thích công việc nghiên cứu từ nguyên học thôi.

Chứ học giả cái gì? Cà phê hả? Thôi, mình bỏ cà phê rồi! Qua nhà mình chơi thôi". Vậy đấy, có thể An Chi không là một người đặc biệt

Ngô Kinh Luân
.
.
.