Gia tăng căng thẳng quan hệ Nga – EU: Đi tìm lối thoát

Thứ Tư, 12/07/2017, 16:00
Hiện nay, mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua giai đoạn không êm thấm, chưa hề cho thấy sẽ có bất kỳ thay đổi tích cực nào trong năm 2017. 

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Liên minh châu Âu vừa qua đã thông qua nghị quyết về việc kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga thêm 6 tháng, chỉ ít ngày trước khi lệnh trừng phạt cũ hết hiệu lực.

Ngay lập tức, Điện Kremlin tuyên bố Nga bảo lưu quyền áp dụng các hành động đáp trả nhằm vào Liên minh châu Âu sau quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Truyền thông “xứ sở bạch dương” nhận định, EU không có ý định cải thiện quan hệ với Nga và các nước thành viên EU hiện vẫn chưa dịu bớt giọng điệu căng thẳng chống lại Nga. Đây là chính sách, mà như một số đánh giá coi là  “thiển cận”, mà EU thực hiện trong quan hệ với Nga, và chính sách này phần nào do chính EU tạo ra cũng như thúc đẩy, khiến quan hệ song phương rơi vào tình trạng bế tắc.

Gia hạn trừng phạt

Mối quan hệ Nga - phương Tây đến nay vẫn căng thẳng, bởi những bất đồng sâu sắc giữa các bên chung quanh cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine vẫn chưa được tháo gỡ. Giới quan sát nhận định, vấn đề Ukraine tiếp tục là “hòn đá tảng” ngăn cản tiến trình cải thiện quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Từ cuối tháng 7-2014, EU đã áp nhiều biện pháp trừng phạt đối với cá nhân và các công ty Nga. Cho đến cuối tháng 6-2017, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, những người đứng đầu các nước thành viên EU đã thông qua quyết định kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga thêm nửa năm đến ngày 31-1-2018 “do không thực hiện triệt để các thỏa thuận Minsk”.

Mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang trải qua giai đoạn không êm thấm, chưa hề cho thấy sẽ có bất kỳ thay đổi tích cực nào trong năm 2017.

Theo đó, các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho 5 ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.

Trái lại, Moscow đã nhiều lần khẳng định Nga không phải là một bên tham gia xung đột Ukraine, và việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt là phản tác dụng. Để trả đũa, Nga thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU. Điều này khiến các nước áp đặt lệnh trừng phạt bị thiệt hại 3,2 tỷ USD mỗi tháng.

Mới đây, ngay sau khi Hội đồng châu Âu (EC) phê chuẩn chế độ miễn thị thực cho công dân Ukraine vào EU, Tổng thống nước này Petro Poroshenko đã khiến mâu thuẫn giữa Nga và EU thêm gay gắt khi khẳng định rằng, đất nước bên bờ Biển Đen đang từng bước cắt đứt với quá khứ hậu Xôviết và trở thành một bộ phận của không gian châu Âu văn minh.

Chưa hết, trong cuộc đối thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU thẳng thắn cho biết các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt cho xứ sở bạch dương tiếp tục có hiệu lực, và con đường đi từ Moscow đến trái tim của châu Âu bắt buộc phải thông qua Kiev.

Đáp lại những tuyên bố có phần cứng rắn như trên, Bộ trưởng ngoại giao Nga cho rằng nếu như EU muốn các bên thực hiện nghĩa vụ của mình liên quan thỏa thuận hòa bình Minsk thì việc EU duy trì các lệnh trừng phạt chống Nga là điều khó hiểu. Truyền thông Nga cáo buộc EU không tôn trọng và nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk - vốn được ký kết từ năm 2015 nhưng cho đến nay vẫn tỏ ra không mấy tác dụng.

Dù vậy, Moscow cũng thông cáo nhấn mạnh mong muốn cải thiện quan hệ Nga - EU đang dần lạnh nhạt và phức tạp, khẳng định nguyên nhân chính xuất phát từ việc EU chưa bao giờ ngừng gây sức ép trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine thông qua nhiều chính sách “vô lý”.

Cuộc chơi của Mỹ

Giới quan sát cho rằng, khủng hoảng chính trị tại Ukraine chỉ là bề nổi của tảng băng rạn nứt quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu. Trên thực tế, chiến thắng của Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cùng những chính sách sau này của Nhà Trắng, đã có tác động mạnh nhất đến mối quan hệ giữa châu Âu và Nga. Kết quả của cuộc bầu cử đã gây bất ngờ lớn đối với EU khi mọi người đã tin chắc vào thắng lợi của ứng viên Hillary Clinton.

Và khi Donald Trump giành phần thắng, châu Âu cảm thấy bối rối, kể cả trong các vấn đề liên quan đến Nga. Đến nay, Mỹ vẫn đi đầu trong việc gia tăng trừng phạt chống Nga. Nếu chính quyền mới của Mỹ làm giảm và dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thì chính sách cấm vận của EU có thể sẽ không kéo dài được lâu. Có vẻ như chính quyền Donald Trump chưa thể “nhẹ tay” với Moscow khi Mỹ muốn định hình xu hướng trừng phạt Nga cho EU ở mức thường xuyên hơn.
Việc Mỹ áp dụng trừng phạt với đoạn đường ống dầu khí Nord Stream 2 của Nga nối tới Đức đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước EU.

Hiện nay, Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch để đối phó với “chiến tranh đặc biệt”, “tuyên truyền Nga” và tăng cường an ninh mạng. Trong khi đó, dự luật về “tăng cường phối hợp chống sự xâm lăng của Nga” gợi ý Lầu Năm Góc phát triển chiến lược toàn diện để đối phó với Nga, trong đó phát triển kế hoạch triển khai ở châu Âu các loại vũ khí có độ chính xác cao với sự hỗ trợ của các vũ khí thông thường.

Các thành viên đảng Dân chủ cũng yêu cầu phải xây dựng kế hoạch nâng cao tiềm lực quân sự đặc biệt như thiết bị bay không người lái, trang bị điện tử và vũ khí tầm xa có độ chính xác cao để đối phó với chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Nga. Bên cạnh đó, họ nhấn mạnh cần phải nhanh chóng sử dụng các tàu ngầm tốc độ cao để ngăn chặn Nga trên biển; đồng thời chuẩn bị cho cuộc đối đầu có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường, có nguy cơ xung đột cho đến chiến tranh hạt nhân.

Hàng loạt các lệnh trừng phạt liên tiếp được phía Mỹ đưa ra hướng về Nga dường như thúc đẩy châu Âu tiến hành tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Moscow. Không những thúc đẩy sự phát triển của châu Âu xa rời quan hệ với Nga chỉ bằng các đòn trừng phạt nhẹ nhàng mà Moscow đã dễ dàng vượt qua, việc Mỹ áp dụng trừng phạt với đoạn đường ống dầu khí Nord Stream 2 của Nga nối tới Đức đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước EU.

Từ khi còn nằm trên giấy, dự án Nord Stream 2 đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia EU, đa phần là các nước Tây và Bắc Âu bởi nó liên quan tới sự phụ thuộc vào Nga. Ngoài ra, dự án Nord Stream 2 còn tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu, cũng như sự phát triển của thị trường khí đốt tại khu vực Trung Âu và Đông Âu. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc gia tăng trừng phạt lên đường ống dầu khí này sẽ càng thuận lợi hơn khi có sự đồng thuận từ các quốc gia trong chính Liên minh châu Âu.

Chưa thể hạ nhiệt

Sự can thiệp của Mỹ đang khiến quan hệ Nga - EU trở nên xấu hơn, và khiến các nước EU vẫn không dịu bớt giọng điệu hung hăng khi hùng biện chống Nga. Ở vào thời điểm hiện tại, mối quan hệ hiện nay giữa Nga và EU rõ ràng là bất thường khi các nước EU vẫn không dịu bớt giọng điệu hung hăng khi chống Nga.

Sau rắc rối Ukraine, báo chí phương Tây không ngừng có những bài viết đả kích Nga, hay lan truyền thông tin “chưa kiểm chứng” về những gì đang xảy ra ở Syria. Không phải ngẫu nhiên các phương tiện truyền thông phương Tây gọi chiến dịch giải phóng Aleppo khỏi các phần tử cực đoan là “sự thất thủ của Aleppo”. 

Cách đưa thông tin kiểu “chưa kiểm chứng rõ ràng” thường được phản ánh trong lập trường chính thức của các nước thành viên và khối EU nói chung mỗi khi nói về Moscow.

Dù vậy, ở châu Âu vẫn có rất nhiều người sẵn sàng xem xét lại chính sách đối với Moscow. Ngoài ra còn có những quá trình khá phức tạp đang diễn ra ở “lục địa già”, và điều đó có thể thúc đẩy EU tìm cách khôi phục quan hệ đối tác với Nga.

Những năm qua, vòng xoáy trừng phạt kinh tế lẫn nhau đã khiến nền kinh tế của cả Nga và EU nếm trải không ít trái đắng. Nga phải chịu tổn thất trung bình 2% GDP mỗi quý do lệnh trừng phạt của phương Tây. Ở chiều ngược lại, các đòn “ăn miếng trả miếng” của Moscow cũng khiến Liên minh châu Âu lao đao. Các chuyên gia của “lục địa già” ước tính, EU thiệt hại 50 tỷ USD, tương đương với việc 900.000 người mất việc làm từ khi cuộc khủng hoảng tại miền đông Ukraine bùng nổ.

Trên thực tế, EU cho biết không có ý định duy trì trừng phạt Nga vĩnh viễn, các biện pháp trừng phạt hiện tại chỉ nhằm thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận Minsk và giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, Moscow khẳng định tất cả các bên cần tôn trọng thỏa thuận Minsk, kêu gọi hai bên tăng cường đối thoại chính trị về những mối quan tâm chung, nhấn mạnh Nga và EU không chỉ là láng giềng mà còn là các đối tác thương mại.

Mặc dù cả Nga và EU đều có một số động thái bày tỏ mong muốn xoa dịu căng thẳng trong quan hệ song phương, nhưng để biến những mong muốn này thành hiện thực thì hai bên cần phải làm nhiều hơn. Thay vì chỉ đưa ra những lời nói, hai bên cần phải có hành động thiết thực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, làm rõ vấn đề Syria hay đừng bị chìm sâu vào ảnh hưởng của Mỹ...

Doãn Anh
.
.
.