Dưới những tầng xanh…

Thứ Bảy, 16/01/2021, 10:12
Câu chuyện ngày cuối năm với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chủ tịch Hội đồng Cây di sản là một "câu chuyện xanh". Bởi cả buổi chúng tôi chỉ nói về rừng, về cây di sản và đa dạng sinh học.

Bức tranh khổ lớn treo ở phòng khách của gia đình, khoảng rừng Nga với dòng suối và những tầng taiga xanh thẳm càng khiến câu chuyện xanh hơn…

Đời người đo tuổi cây

"Ba cây bàng bên cạnh ngôi đình cổ ở xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vừa được vinh danh Cây di sản. 200 năm nay, những cái cây ấy vươn cao toả rộng, được bà con chăm sóc, giữ gìn" - bằng giọng trầm ấm đậm chất Quảng Nam, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh kể về chuyến đi cuối cùng của năm 2020 để trao bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam". Năm 2010, lần đầu tiên 9 cây muỗm khổng lồ gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục (phố Thuỵ Khuê, Hà Nội) được vinh danh là Cây di sản, đến nay đã có 5.420 cây thuộc hơn 100 loài được vinh danh ở 53 tỉnh thành. 10 năm qua, mỗi lần tìm thêm được cây cổ thụ quý, Giáo sư Huỳnh vẫn hào hứng và chộn rộn niềm vui.

Tôi hỏi, sau 10 năm lặn lội tìm cây quý, giáo sư thấy được điều gì. Vị Giáo sư 88 tuổi trả lời ngay rằng, trên khắp dải đất hình chữ S, từ đồng bằng, rừng núi đến hải đảo đều có độ đa dạng sinh học cao, có rất nhiều cây cổ thụ quý. Ngày càng có nhiều địa phương gửi hồ sơ đăng kí vinh danh Cây di sản về Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nghĩa là còn rất nhiều cây quý nữa chưa được biết đến. Vì vậy, bảo vệ cây di sản (tree heritage) - cả cây tự nhiên và cây trồng, không những là bảo vệ nguồn gene mà là bảo vệ và giữ gìn giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh. Như ở mảnh đất thủ đô, từ cây đa ở làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) đến quần thể cây lim cổ ở đền Và (thị xã Sơn Tây) - mộc thụ nào cũng mang đậm dấu ấn văn hoá.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh tại nhà riêng.

Tôi lại hỏi, các nước khác có cây di sản không? Giáo sư Huỳnh giải thích, nhiều nước trên thế giới chú ý chăm sóc, bảo vệ cây lâu năm như Nhật Bản, Australia, Singapore… Nhưng nếu như họ có lực lượng chuyên trách bảo vệ cây thì mình lại dựa vào người dân, cộng đồng làng xã, thôn bản để chăm sóc và giữ cho cây trường tồn. Chính tình yêu thiên nhiên đã thôi thúc ông lặn lội đi khảo sát và vinh danh cây di sản ở khắp các tỉnh thành, từ vùng núi đến hải đảo xa xôi. Dù mưa hay nắng, dù rét buốt, Giáo sư Huỳnh vẫn dậy từ 3-4 giờ sáng để lên đường. Ít ai biết rằng chi phí cho những chuyến đi ấy được trích từ lương hưu của Giáo sư. Bù lại, đi vinh danh cây là được đến gần người dân.

Lễ vinh danh thường diễn ra ngay dưới gốc cây di sản ở sân đình, bên giếng làng, có khi giữa cánh đồng, dưới bến sông, giản dị và ấm áp. Được nghe người dân cất lên những tiếng hát dân dã, được thấy lại những ký ức cộng đồng gắn với cây qua câu chuyện của các bậc cao niên. Rất nhiều nơi, cây cổ thủ còn gắn với huyền tích, dã sử, được linh thiêng hoá. Bởi vậy, để xác định tuổi của cây, hội đồng Cây di sản không chỉ dựa vào phả hệ cây, vào các dấu hiệu khoa học mà còn lấy đời người để đo tuổi cây, để biết từ quãng thời gian nào cây đã tồn tại, từ đời ông bà, bố mẹ đến lớp lớp cháu con. Ngày rước Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam, cả làng đông vui như mở hội, xa gần con cháu đều về dự, quy tụ những tấm lòng người xa xứ để cùng bảo vệ cây quý, tôn tạo di tích của làng xã.

"Phải cứu cây, vì cây đã cứu ta"

Với Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN Đặng Huy Huỳnh, tình yêu, sự gắn bó máu thịt với rừng đã đủ dài lâu. Năm 1947, khi mới 14 tuổi, Đặng Huy Huỳnh gia nhập quân ngũ. Từ đó cho đến năm 1955, sống và chiến đấu ở chiến trường khu 5 và Hạ Lào, ông hầu như chỉ ở trong rừng. Những mùa khô ở cánh rừng Lào nước cạn trơ đáy suối, những góc rừng che chở và nuôi sống bộ đội đã trở thành kí ức không thể nào quên. Sau khi xuất ngũ, vì yêu rừng nên ông chọn và gắn bó với lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường.

Đôi chân dẻo dai của ông đã đi hết những cánh rừng ở Việt Nam. Những chuyến lặn sâu vào rừng hàng 2-3 tháng trời, vác trên lưng bao ngô, bao mỳ làm lương thực. Lúc lội bộ ở vùng rừng ngập mặn Ngọc Hiển, Năm Căn (Cà Mau), khi lại thực hiện những chuyến thực địa dài ngày tận rừng sâu thuộc các tỉnh Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Đến cả những ngày sang Nga làm phó tiến sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Sinh thái học, ngoài giờ làm việc, Đặng Huy Huỳnh đã đi theo sự dẫn dụ của những cánh rừng Nga với những thảm thực vật phong phú và đa dạng.

Chính những nghiên cứu cơ bản, điều tra khu hệ động vật, ký sinh trùng và côn trùng của Giáo sư Huỳnh đã làm nền tảng cho việc phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái; phát triển, nhân nuôi các loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế, góp phần bảo vệ nguồn gene động vật hoang dã… Kết quả của những tháng ngày nghiên cứu đó là 15 tập sách chuyên khảo về động vật học, tài nguyên động vật. Đặc biệt, ông đã hai lần được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ: Tập Atlas Quốc gia năm 2005; cụm công trình "Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam", "Sách đỏ" và "Danh lục đỏ Việt Nam" năm 2010. Ông cũng là một trong số những nhà nghiên cứu đã đặt nền móng xây dựng nên Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh trong cánh rừng Nga năm 1967.

Khi đã về hưu, Giáo sư Huỳnh không nỡ xa cái "mảng xanh" mà mình gắn bó. Bởi vậy, việc tìm kiếm, nghiên cứu, chứng nhận Cây di sản chính là cơn cớ để ông nối dài hành trình đến với thiên nhiên cây cỏ. Nếu không có những cuộc vinh danh Cây di sản thì cây sẽ ra sao? Có lẽ  một số cây sẽ vẫn tồn tại như bao lâu nay. Nhưng cũng có nhiều cây có thể sẽ chết dần, cả về thực thể cây, cả về ý nghĩa, giá trị của cây với cộng đồng. Bởi thế, nhiều cuộc vinh danh cây đồng nghĩa với cuộc giải cứu, nâng tầm cho cây. Quần thể bàng ở Côn Đảo, hay cây ngô đồng đỏ ở Cù Lao Chàm từ khi là Cây di sản đã trở thành điểm nhấn cho các khu du lịch. Sau khi cây dẻ 400 năm tuổi và quần thể dẻ ở Trùng Khánh (Cao Bằng) được công nhận Cây di sản, nhiều địa phương ở Cao Bằng đã mở rộng quy mô trồng dẻ. Hạt dẻ được biết đến nhiều hơn, giá bán cao hơn, đồng nghĩa với cuộc sống của người dân ấm no hơn. Bà con vui lắm, gửi lời cảm ơn Giáo sư Huỳnh và Hội đồng Cây di sản.

Mùa đông năm 2019, trời rét cắt da cắt thịt, Giáo sư Huỳnh cùng các nhà khoa học lặn lội lên tận đỉnh núi ở bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La để cứu nguy cho cụm chè Shan tuyết. Khi ấy, quần thể chè cổ nơi đây có nguy cơ biến mất, người dân chặt sát gốc, thậm chí đào cả cây chè đem bán, xót tiếc lắm. Đêm đó, khi tuyết phủ trắng đỉnh núi Tà Xùa, cả đoàn ngủ trong một chiếc lều có sạp tre, phải nhóm đến 3 bếp lửa để xua giá lạnh. Sáng hôm sau, buổi lễ vinh danh hơn 200 cây chè Shan tuyết đã diễn ra. Có cây chè cổ thụ đã 300 năm tuổi, cây ít năm cũng trên 100 năm. Từ khi quần thể chè trở thành Cây di sản, bà con gìn giữ từng gốc chè như tài sản quý. Diện tích chè được mở rộng, thương hiệu chè Tà Xùa cũng được biết đến nhiều hơn.

Về hưu cách đây 21 năm, nhưng Giáo sư Đặng Huy Huỳnh vẫn chưa thực sự có một ngày ngơi nghỉ. Ông vẫn vào rừng, lặng ngắm từng tầng cây, khóm lá. Bởi thế, khi dải đất miền Trung bị bão lũ nặng nề, khi người dân bị biển nước nhấn chìm, khi rừng bị thương trở nên tan hoang là lúc vị giáo sư già thấy đau lòng nhất. Ông vẫn đau đáu câu hỏi làm sao để cứu rừng, cứu cuộc sống của người dân, khi mà cả nước chỉ còn 0,25% diện tích rừng nguyên sinh nguyên vẹn. Phải giữ rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt, quy hoạch trồng rừng hợp lý, bởi từ bao đời nay rừng luôn nuôi sống và bảo vệ con người…

Cho đến thời điểm này, Giáo sư Đặng Huy Huỳnh là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học khu vực ASEAN (năm 2017). Giải thưởng 5.000 USD nhận được, ông đã san sẻ cho quỹ hoạt động của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam và quỹ giải thưởng cho cán bộ khoa học trẻ ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Ở Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Giáo sư Huỳnh phụ trách "mảng xanh".

Nhưng thú vị hơn, khi cả gia đình Giáo sư cũng là một "góc xanh". Phu nhân của giáo sư - Tiến sĩ côn trùng học Trần Thị Lài là người Huế đã mất cách đây mấy năm, nhưng những công trình nghiên cứu về côn trùng của bà vẫn còn nguyên giá trị. Con trai của Giáo sư Huỳnh hiện đang là trạm trưởng một trạm nghiên cứu về đa dạng sinh học, cũng gắn với cây với rừng. Theo "mạch xanh" đó, cô cháu gái đang học Đại học Bách khoa Hà Nội về lĩnh vực môi trường. Có lẽ rằng, "mạch xanh" này sẽ được tiếp nối dài lâu…

"Cây ngày một cao rộng, ta ngày một thấp bé. Tuổi ta sao bằng tuổi cây, ta sao chứng kiến lịch sử dài lâu bằng cây. Ta biến mất rồi thì cây vẫn còn đó, chứng kiến cuộc sống của con cháu ta. Với cây - một phần của mẹ thiên nhiên vĩ đại, ta chỉ có thể khiêm nhường mà ngước lên những tầng xanh…" - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh.
Huyền Châm
.
.
.