Động đất ở Haiti: Nỗi đau không của riêng ai

Thứ Sáu, 05/02/2010, 14:08
Thảm họa thiên nhiên khủng khiếp đã tới với đảo quốc Haiti khi một trận động đất kinh hoàng tối ngày 12/1/2010 đã trong khoảnh khắc biến thủ đô Porte-au-Prince thành một nghĩa địa khổng lồ. Trung tâm của trận động đất ở cách thủ đô Porte-au-Prince 59 km về phía Tây, ở độ sâu 22 km trong lòng đất. Họa vô đơn chí, ngày 20/1/2010 lại một trận động đất nữa xảy ra ở Haiti với cường độ 6,1 độ Richter.

Haiti theo ngôn ngữ cổ của thổ dân da đỏ sở tại có nghĩa là miền đất của những quả núi đầy rắn. Đây là một quốc gia bé nhỏ trong khu vực biển Caribbe, nằm ở phần tây hòn đảo Haiti (phần đông của hòn đảo này là nước cộng hòa Dominica). Dân số Haiti chỉ ở mức trên 10 triệu người một chút, trong đó có tới cả triệu người di cư sang nước ngoài, chủ yếu là Mỹ. Haiti "nổi tiếng" thế giới vì nghèo đói, thiên tai và các cuộc đảo chính liên miên.

Thảm họa bất ngờ

Haiti là một đất nước độc đáo và vì thế, tuy nhỏ nhưng rất không xa lạ đối với cộng đồng quốc tế. Đây là quốc gia độc lập đầu tiên ở châu Mỹ Latinh và cũng là quốc gia do người da đen độc lập phi thực dân hóa đầu tiên trên thế giới. Haiti cũng là quốc gia duy nhất mà sự độc lập giành được một phần là nhờ cuộc nổi dậy của các nô lệ. Và mặc dù có mối liên hệ văn hóa với các láng giềng Hispano-Caribbe, nhưng ngườI Haiti  lại sử dụng chủ yếu là tiếng Pháp và là một trong hai quốc gia (cùng với  Canada) coi tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức…

Đảo quốc Haiti từng được nhắc tới nhiều  sau khi tiểu thuyết "The Comedians"  của nhà văn Anh lừng danh Graham Green xuất bản năm 1966. Tác phẩm tuyệt vời này đã kể về cuộc sống ở Haiti dưới thời nhà độc tài Francois Duvalier cầm quyền, khi mà đã xảy ra ở đây vô số những cuộc hành quyết đẫm máu. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim năm 1967 với những siêu sao thượng đẳng như Richard Burton Elizabeth Taylor, Alec Guinnes trong các vai chính…  

Trong những thập niên gần đây, ở Haiti cũng liên tục xảy ra các cuộc đảo chính. Nhà chính trị nổi tiếng nhất của đảo quốc này, mục sư Jean Berttrand Aristide, từng làm Tổng thống ở đây hơn 15 năm, kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã phải tha phương sau một cuộc đảo chính quân sự năm 2004. Ông Aristide đã bị lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ đưa ra khỏi nhà trong một hành động mà chính ông mô tả như là một vụ bắt cóc. Hiện giờ ông Aristide đang cư trú chính trị ở Nam Phi.

Kể từ sau thời điểm đó, LHQ đã cử một phái bộ thường trực ở đây, gọi là Ủy ban ổn định của LHQ ở Haiti (MINUSTAH) để canh chừng hậu họa. Từ đó Haiti không vấp phải một cuộc đảo chính nào nhưng nghèo đói và thảm họa thiên nhiên vẫn là mối đe dọa thường trực ở đây. Và ngay trong những tuần đầu năm 2010, thêm một lần đảo quốc Haiti trở thành tâm điểm buồn trên các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế.

Thảm họa thiên nhiên khủng khiếp đã tới với đảo quốc Haiti khi một trận động đất kinh hoàng tối ngày 12/1/2010 đã trong khoảnh khắc biến thủ đô Porte-au-Prince thành một nghĩa địa khổng lồ. Trung tâm của trận động đất ở cách thủ đô Porte-au-Prince 59 km về phía Tây, ở độ sâu 22 km trong lòng đất. Họa vô đơn chí, ngày 20/1/2010 lại một trận động đất nữa xảy ra ở Haiti với cường độ 6,1 độ Richter. Cũng trong ngày hôm đó, chính quyền Haiti thông báo rằng, đã chôn trong những ngôi mộ chung 75 nghìn nạn nhân chết vì trận động đất ngày 12/1/2010. Không có con số thống kê thiệt hại chính thức nhưng theo những tính toán sơ bộ, có khoảng từ 50 tới vài trăm nghìn người Haiti đã chết vì động đất. Khoảng 250 nghìn người bị thương và gần một triệu người trở thành vô gia cư sau động đất…

Người đứng đầu Ủy ban ổn định của LHQ ở Haiti, ông Hedi Annabi cũng bị thiệt mạng trong vụ động đất ngày 12/1/2010. Xác của ông Annabi và của hai quan chức cao cấp khác trong phái bộ LHQ ở Porte-au-Prince đã được phát hiện trong đống đổ nát của trụ sở LHQ tại thủ đô Haiti. Tổng cộng có tới 20 nhân viên LHQ ở Haiti đã bị thiệt mạng vì động đất…

Cho tới hôm nay Haiti vẫn tiếp tục bị chìm trong đau thương và hỗn loạn.  Chính phủ bị tê liệt bởi quá nhiều gia đình các thành viên trong nội các cũng có người bị thiệt mạng vì động đất. Trên các đường phố thủ đô vẫn không thấy bóng một cảnh sát nào. Người dân Haiti vẫn tiếp tục bị đói ăn, khát uống và thiếu thuốc men chữa bệnh cũng như thiếu nơi ở khả dĩ có thể nương thân qua ngày.

Tuy nhiên, tình hình ở Haiti không phải là không được cải thiện. Theo lời của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sau cuộc gặp với đặc sứ LHQ về Haiti, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 22/1/2009, cho tới hôm nay LHQ đã chuyển từ những công việc tìm kiếm cứu nạn và các biện pháp khẩn cấp ở Haiti sang giai đoạn đầu của quá trình khôi phục lại đảo quốc này. Bước đầu tiên trong lĩnh vực này là lôi cuốn người dân Haiti cùng làm những việc dọn dẹp đổ nát và đường phố cũng như khôi phục lại hệ thống hạ tầng cơ sở đã bị động đất phá hủy.

Ông Ban Ki-moon nói: "Khi tôi tới Haiti, người dân ở đó yêu cầu giúp cho họ nước uống, thực phẩm và lều trại cũng như giúp xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, có công ăn việc làm". Những người dân Haiti được LHQ thuê sẽ được trả công 5 USD một giờ…

Nhiều nước đã gửi các lực lượng cứu trợ tới Haiti. Lực lượng mũ xanh của LHQ đã được tăng lên tới 3,5 nghìn người. Và chỉ riêng Mỹ cho tới chiều 20/1/2010 đã triển khai lực lượng quân  sự ở đây tới 11,5 nghìn binh lính… Thậm chí có thông tin rằng tới ngày 23/1/2010, tổng số quân nhân Mỹ ở Haiti và vùng biển xung quanh đảo quốc này sẽ lên tới 16 nghìn người. Không phải sự giúp đỡ nào theo cách người Mỹ làm cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Washington tập trung tới hơn 10 nghìn quân ở một đảo quốc nhỏ như Haiti là quá nhiều và lính Mỹ nên mau chóng rút khỏi đó. Còn theo Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, Washington đã lợi dụng tình thế bi thảm của Haiti để thêm một lần chiếm đóng đảo quốc này. Ý kiến của "người hùng châu Mỹ Latinh" đã nhận được sự đồng tình của ban lãnh đạo Pháp…

Xích lại gần nhau

Ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra với Haiti, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương quyên góp 562 triệu USD để giúp đỡ đảo quốc này - theo những tính toán sơ bộ, phải chừng ấy tiền mới là tạm đủ để giúp đỡ những người dân Haiti gặp nạn trong sáu tháng tới. Các tổ chức từ thiện đã không chỉ một lần nhấn mạnh là, trong tình huống hiện nay, quan trọng không phải là số tiền đóng góp là bao nhiêu, bản thân từng sự đóng góp dù nhỏ tới đâu cũng đã có ý nghĩa quan trọng. Có lẽ thấu hiểu điều này nên một quốc gia bị "tàn phá" bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu như Latvia cũng đã ủng hộ Haiti một khoản tiền hết sức khiêm tốn là 15 nghìn euro. Thế nhưng, một nước cực nghèo khác là Burkina Faso, từng thoát hiểm chỉ vì có những sự trợ giúp quốc tế, cũng đã bỏ ra tới 152 nghìn euro để giúp đỡ Haiti khắc phục hậu quả của động đất.

Cả thế giới ở bên nhân dân Haiti trong thảm họa. Mỗi một nơi tìm ra cách giúp đỡ người dân Haiti theo kiểu riêng của mình. Ngày 22/1/2010, chiếc máy bay  quân sự do Bộ Ngoại giao Hà Lan thuê đã hạ cánh ở căn cứ quân sự Eindhoven với 106 trẻ mồ côi Haiti - những đứa trẻ này sẽ được các cặp vợ chồng người Hà Lan nhận làm con nuôi theo một quy chế đặc biệt nhanh chóng để chúng mau nguôi ngoai những nỗi đau mất mát vì động đất (thông thường, để làm thủ tục nhận con nuôi ở Hà Lan cần mất tới vài năm!)…

Theo báo Đức Die Welt, cũng chính nỗi đau mất mát vì động đất của người dân Haiti đã kết đoàn lại trong những nỗ lực nhân đạo nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, nhiều tầng lớp, từ đứa trẻ ở trong nhà ổ chuột tới những khách du lịch phương Tây giàu có hay những doanh nhân cự phú. Tại Đức chẳng hạn, chỉ trong một buổi dạ hội do hãng truyền hình ZDF và báo Bild tổ chức đã quyên góp được tới 20 triệu euro để giúp Haiti. Tổng số tiền mà Liên minh châu Âu (EU) giúp đỡ Haiti khắc phục hậu quả của động đất lên tới 420 triệu euro. Những người Đức hiến tiền từ thiện cho Haiti thuộc đủ các thành phần, có cả những người Đức chính gốc lẫn những người nhập cư…

Người dân Mỹ cũng rất tích cực trong những nỗ lực nhân đạo giúp Haiti: trong một tuần chi nhánh của tổ chức Chữ Thập Đỏ ở Mỹ đã quyên góp được 22 triệu USD bằng một cách rất giản đơn: chỉ cần bấm gửi tin nhắn từ máy di động tới một số điện thoại SMS một câu "Haiti". Cước phí cho tin nhắn này là 10 USD sẽ được chuyển tới tài khoản của những người dân Haiti gặp nạn.

Nhiều nhà lãnh đạo quốc gia cũng có những hành động từ thiện như thế. Tổng thống Mỹ Barack Obama hiến 15 nghìn USD tiền cá nhân để giúp Haiti khắc phục hậu quả của động đất. Chính phủ Anh và nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng hiến những khoản tiền lớn…

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng có những nghĩa cử đối với người dân Haiti đang trong cơn khốn khó. Nữ ca sĩ Madonna ủng hộ người dân Haiti 250 nghìn USD và kêu gọi những người hâm mộ mình cũng làm như thế. Tổ chức từ thiện do hai minh tinh Hollywood là Brad Pitt và Angelina Jolie lập ra cũng ủng hộ Haiti 1 triệu USD. Cũng có những hành động "ngộ nghĩnh" nữ diễn viên Scarlett Johansson đã "bán mình" trên mạng và hứa sẽ hiến cho Haiti những khoản tiền thu được…

Cũng theo những tính toán sơ bộ, LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) đã giúp đỡ cho Haiti hơn nửa tỉ USD để khắc phục các hậu quả của động đất. Thêm vào đó là gần 268,5 triệu USD được chính phủ các nước khác cũng như các công ty và tổ chức tư nhân gửi tới Haiti. Tuy nhiên, không phải viện trợ nhân đạo nào cũng tới được tận tay những người cần tới chúng

Đặng Đình Nguyên
.
.
.