Đôi lời xin được cùng thưa

Thứ Năm, 06/12/2007, 13:15
Tôi là một người bạn trung thành của tờ An ninh thế giới Cuối tháng và thường đọc kỹ từng bài trên tờ báo này. Thỉnh thoảng tôi cũng có bài được in trên tờ báo mà mình yêu thích và mỗi khi nhận được thông tin phản hồi về những bài viết của mình và cả của các tác giả khác in trên tờ báo này, tôi lại biết thêm nhiều điều thú vị.

Vì thế, tôi muốn "đôi lời xin được cùng thưa" với các tác giả và với bạn đọc về những thông tin phản hồi mà tôi nhận được gần đây đối với một số bài đăng trên An ninh thế giới Cuối tháng, trong đó có bài "Mỏng manh, nắng tắt, đời người" của tôi trong số tháng 8/2007 vừa qua.

1. Ngay sau khi bài viết về nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo được đăng trên An ninh thế giới Cuối tháng số 72, tháng 7/2007, nhà báo Võ Thế Ái, nguyên Trưởng ban Biên tập Tin trong nước của TTXVN gọi điện cho tôi. Ông là nhà báo đầu tiên của TTXVN vào chiến trường miền Nam từ năm 1959, người mà tôi đã viết trong bài báo nhan đề "Thư tình một thời và nỗi đau số phận" trên An ninh thế giới Cuối tháng số 69, tháng 4/2007.

Ông nói, đọc bài báo viết về nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo của tác giả Trần Công ông rất thích, vì biết thêm nhiều điều về nhà tình báo danh tiếng này, một người mà ông quen biết. Song có một chi tiết nhỏ trong bài báo ông nhờ tôi thông tin lại với tác giả Trần Công để tác giả khỏi hồ nghi và để sau này, nếu bài báo được in lại thì tư liệu sử dụng sẽ chính xác hơn, hay hơn.

Đó là đoạn Trần Công viết: "Và anh (Phạm Ngọc Thảo) trở về Nam Bộ sau khi Hiệp định Genève được ký tháng 7/1954 (có nguồn tư liệu cho rằng qua con đường hàng không Bắc Kinh - Phnom Penh)".

Nhà báo Võ Thế Ái cho biết, nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo trở về chiến trường miền Nam không phải qua đường hàng không Bắc Kinh - Phnom Penh mà là qua đường hàng không Hà Nội - Phnom Penh. Trong chuyến máy bay từ Hà Nội đi Phnom penh ấy có mặt nhà báo Võ Thế Ái.

Nhà báo Võ Thế Ái đưa cho tôi xem tấm ảnh chụp tại sân bay Bạch Mai, Hà Nội tháng 8/1954, trong đó có Phạm Ngọc Thảo và Võ Thế Ái.

Ông kể, sau khi cuộc kháng chiến của ta chống thực dân Pháp kết thúc với việc ký kết Hiệp định Genève 1954, các Ban Liên hợp quân sự đình chiến được thành lập ở Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia, hai nước có quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp.

Lúc đó Võ Thế Ái là phóng viên của TTXVN được lãnh đạo giao nhiệm vụ cùng với phóng viên nhiếp ảnh Tô Na đi Phnom Penh đưa tin ảnh về hoạt động của Phái đoàn Liên hợp quân sự Việt Nam tại Campuchia.

Võ Thế Ái tham gia phái đoàn không công khai là nhà báo mà là một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, mang cấp hàm Đại úy. Còn nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo lúc đó là Trung tá, trợ lý của Đại tá Thanh Sơn, Trưởng phái đoàn.

Một ngày giữa tháng 8/1954, phái đoàn do Đại tá Thanh Sơn dẫn đầu lên hai chiếc xe quân sự của Pháp từ Trung Giã (Thái Nguyên) về Hà Nội. Theo kế hoạch, phái đoàn sẽ đáp máy bay quân sự của Pháp từ sân bay Gia Lâm đi Phnom Penh, như phái đoàn đi Lào cũng khởi hành từ đây.

Song về gần tới Hà Nội, viên sĩ quan liên lạc của Pháp đi cùng thông báo, do thay đổi kế hoạch nên phái đoàn sẽ đáp máy bay từ sân bay Bạch Mai để đi Phnom Penh. Viên sĩ quan Pháp cẩn thận buông bạt che kín mui xe ôtô trước khi xe qua cầu Long Biên vào Hà Nội, để nhân dân không thể nhìn thấy các sĩ quan của ta đã trở về Thủ đô.

Sự thay đổi kế hoạch đó, lại là niềm vui đối với các sĩ quan trong phái đoàn vì đây là những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên vào Hà Nội, trước ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 gần hai tháng!

Xe đến sân bay Bạch Mai, đã thấy từng tốp lính Âu Phi không vũ trang đang đứng lố nhố, đưa mắt nhìn các sĩ quan của ta, những chiến sĩ trong đội quân vừa làm nên một "Điện Biên chấn động địa cầu"!

Trước khi phái đoàn bước lên chiếc máy bay Dakota của quân đội Pháp đã chờ sẵn, nhà báo Tô Na kịp chụp một tấm ảnh mà nhà báo Võ Thế Ái còn giữ đến bây giờ. Máy bay cất cánh rồi lượn một vòng quanh Hà Nội trước khi bay về hướng Tây Nam.

Sau khi Phái đoàn Liên hợp quân sự Việt Nam tại Campuchia kết thúc nhiệm vụ, Phạm Ngọc Thảo đã từ Phnom Penh  trở về Nam Bộ, và "cuối tháng 1/1955, trong một căn nhà lá 3 gian, toạ lạc giữa khu vườn cây ăn trái tại kênh 9, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã diễn ra cuộc họp đặc biệt giữa đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ với chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo”, như tác giả Trần Công đã viết.--PageBreak--

2. Ngay sau khi bài báo của tác giả Lê Bảo Âu Long có tiêu đề "Loài hoa vừa quen vừa lạ ở một ngôi chùa cổ" đăng trên An ninh thế giới Cuối tháng số 74, tháng 9/2007 phát hành, tôi nhận được điện thoại của ông Phan Duy Nhân, tức Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ từ TP Hồ Chí Minh gọi ra.

Ông Nguyễn Chính là nhân vật trong bài viết của tôi, nhan đề "Trầm luân nào có chừa ai". Ông nhờ tôi thông tin lại với tác giả Lê Bảo Âu Long một số điều ông biết về "loài hoa vừa quen vừa lạ" này mà trong bài báo đã đăng chưa viết hoặc viết chưa thật chuẩn xác.

Theo Lê Bảo Âu Long thì cây sen đất ở ngôi chùa cổ Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây) "thuộc họ thân gỗ, thẳng và cao (khoảng 5 mét), cắm rễ sâu vào lòng đất", hoa của cây sen đất này "chỉ có màu trắng, cánh hoa dày, nụ hoa có vẻ giống như hoa lan nhưng khi càng nở to thì nó chẳng khác gì với hoa sen dưới đầm nước là mấy". Cũng theo tác giả, "sen đất có cành, thường trồng nơi đình, chùa, miếu, mạo và (dường như) chỉ còn ở chùa Bối Khê này".

Là một người am hiểu về tôn giáo, nhất là Phật giáo, ông Nguyễn Chính cho biết, sen đất trong bài báo của Lê Bảo Âu Long, chính là loài sen cạn, còn có tên khác, gần với nhà Phật hơn, là lục liên.

Đúng như tác giả viết, nó là loài cây quý, thường được trồng ở đình, chùa, miếu mạo; song, không phải chỉ ở chùa Bối Khê mới có. Ngay trước sân chùa Quán Sứ ở Hà Nội hiện nay có hai cây lục liên, hằng năm vẫn nở hoa.

Một chi tiết khác cũng rất thú vị, là hoa của loài sen cạn, hay còn gọi là lục liên này, không chỉ có màu trắng mà còn có màu khác nữa. Khi sang Mỹ, ông Nguyễn Chính thấy ở TP Los Angeles, cây sen cạn có màu tím, rất đẹp. Điều bất ngờ là trong thành phố này có cả một đường phố mang tên loài hoa rất quý đó. Đó là đường Magnolia!

3. Trên Báo An ninh thế giới Cuối tháng số 74, tháng 9/2007 có bài của Nguyễn Viết Bình, nhan đề "Họa sĩ Chu một thân, phận như tôi biết". Đoạn cuối của bài báo này Nguyễn Viết Bình kể rằng: "Định ngả lưng buổi trưa một lúc, nhưng cả hai đứa chẳng ai ngủ được.

Đến lúc này, Chu mới bảo tôi: "Tao có cái này, cái chuyện này chẳng phải gì ghê gớm nhưng rất khó chịu. Báo An ninh thế giới Cuối tháng số 73 (tháng 8/2007) có bài "Mỏng manh, nắng tắt, đời người" của Dương Đức Quảng. Tác giả đã làm cho người đọc cứ tưởng những câu thơ dưới đây - những câu thơ mà Trịnh Thanh Sơn khi nghe Trần Vũ Mai đọc "nghe xong là nhớ, nhớ đến bây giờ" là của tác giả Trần Vũ Mai:

Thu có vẻ như cời than đốt lửa

Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu

Đích thực, hai câu thơ trên là của Chu Hoạch trong bài "Gió đầu ô", Bản thảo bài thơ này, với nét chữ rất mảnh và nhiều dập xoá đã được Chu lấy in vào trang bìa 1 của tập "Thơ Chu Hoạch", NXB Văn học 1996".

Đọc bài báo của Nguyễn Viết Bình, nhất là đoạn trên đây, tôi thật sự buồn. Buồn hơn, khi được nghe chính họa sĩ, nhà thơ Chu Hoạch, người mà tôi chưa được quen biết, người mà cuộc đời lắm khi "lên bờ xuống ruộng", trải qua nhiều nỗi đau, còn đau hơn cả Trần Vũ Mai, bạn tôi, khi nói về điều "rất khó chịu này".

Trong bài báo "Mỏng manh, nắng tắt, đời người" viết về Trần Vũ Mai, tôi có sử dụng một số tư liệu trong hai bài báo của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn viết về Mai. Một trong hai bài báo đó Trịnh Thanh Sơn viết năm 2000, được in trong tập "Trần Vũ Mai - Thơ, Ghi chép, Văn xuôi, Trường ca", NXB Hội Nhà văn ấn hành, tháng 8/2007, có đoạn:

 "Trong bài viết: "Trần Vũ Mai - Gương mặt thơ", in trên Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, tôi trích hai câu thơ thật hay trong bài thơ "Gió đầu ô":

Thu có vẻ như cời than bốc lửa

Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu…

Bài báo in xong, tôi gặp ngay một nỗi buồn.

Nhà viết kịch Ngọc Thụ (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), cùng làm trong sân 51 Trần Hưng Đạo, gặp tôi bảo rằng:

- Bài viết của cậu về Trần Vũ Mai rất hay, rất có tình, chỉ tiếc rằng, hai câu thơ hay nhất mà cậu trích lại là của nhà thơ Chu Hoạch, chứ không phải của Trần Vũ Mai.

Tôi ngơ ngẩn, đau đến tận tim! Trời ơi, Mai chết chưa được mười năm (1991), mà thơ Mai đã bị người đời nhầm với thơ khác?!

May sao. Bài thơ này còn có mặt trong tập thơ "Thơ và Trường ca" được xuất bản sau ngày Mai mất. Đêm nay, tôi mở lại bài thơ, đọc và nhớ.

Nhớ rằng:

Đó là mùa thu năm 1984, một buổi chiều tôi cùng Mai uống rượu ở quán ông già ngõ Tạm Thương cùng Định Nguyễn (tức Bá). Hôm ấy, khác với thường lệ, Trần Vũ Mai nói rất nhiều, đọc thơ say sưa. Định Nguyễn đã ngà ngà, luôn mồm khen thơ Mai hay. Mai cũng phấn khởi. Và thế là Mai mở túi sách, đọc bài thơ anh chưa thuộc, bởi anh nói rằng, mới viết đêm qua":

Gió đầu ô vào mùa chớm lạnh

Mạnh hơn và có lẽ sạch hơn…

Trần Vũ Mai mới chỉ đọc hai câu mà Định Nguyễn đã cầm ly rượu, đứng chông chênh, ngất ngưởng phán:

- Đó là hai câu thơ tuyệt chiêu. Tao chưa bao giờ nghe câu thơ hay như thế!

Trần Vũ Mai hơi khó chịu, cụng ly với Định Nguyễn, rồi đọc tiếp cho đến hết bài "Gió đầu ô". Đến câu:

Thu có vẻ như cời than bốc lửa

Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu

Thì Định Nguyễn oà lên khóc, nước mắt giàn giụa. Định Nguyễn cứ khóc mãi, không làm sao can được, Trần Vũ Mai bảo tôi:

- Mặc kệ nó, cái thằng hay nhè này… chơi với nó khổ lắm. Tao với mày cứ uống đi. Hôm nay tao vừa có nhuận bút, những năm mươi đồng, uống đến sáng cũng chưa hết.

Tôi nhớ hai câu thơ trên từ cái đêm rượu thu ấy".

Trong bài viết của Trịnh Thanh Sơn trên đây có hai chữ "bốc lửa" khác hai chữ "đốt lửa" khi trích bài thơ "Gió đầu ô", so với bài viết về Chu Hoạch của Nguyễn Viết Bình.

Tôi chưa kịp "đôi lời xin được cùng thưa" với nhà thơ Chu Hoạch thì được tin ngày 4/10/2007 ông đã qua đời. Trong bài báo "Vĩnh biệt họa sĩ - nhà thơ Chu Hoạch" trên Báo Lao Động ngày 6/10, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho biết, bài thơ "Gió đầu ô" là của Chu Hoạch.

Trần Vũ Mai, cũng như nhiều người thích, đã chép bài thơ này vào sổ tay của mình. Sau này bạn bè của Mai tưởng là thơ anh nên đã đưa in.

Bây giờ, cả bốn nhà thơ: Trần Vũ Mai, Định Nguyễn, Trịnh Thanh Sơn, Chu Hoạch, những bậc "thi tài, thi tửu" đều đã thành người thiên cổ. Biết đâu ở nơi xa xăm ấy, cả bốn nhà thơ đã lại gặp nhau và giữa ngày thu này,

"Định Nguyễn lại oà lên khóc, nước mắt giàn giụa" khi nghe Trần Vũ Mai cụng ly đọc hai câu thơ của Chu Hoạch, mà Trịnh Thanh Sơn "nghe xong là nhớ, nhớ đến bây giờ":

"Thu có vẻ như cời than đốt lửa

Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu…".

Tháng 10/2007

Dương Đức Quảng
.
.
.