Con trâu và “tinh thần kéo cày!”

Thứ Sáu, 08/01/2021, 12:13
Người Việt xưa yêu quý con vật nào nhất? Tôi tin chắc đó là con trâu vì ngoài là một tài sản lớn, công cụ lao động quan trọng bậc nhất, trâu còn là người bạn, là con vật trung thực và hiền lành trong tâm thức người Việt.


Tôi cũng tin rằng người Việt hiểu con trâu hơn bất cứ con vật nào khác và điều đáng chú ý những câu thành ngữ, tục ngữ về loài trâu rất nhiều, có tần suất sử dụng cao và quan trọng:

"Con trâu là đầu cơ nghiệp".

"Tậu trâu lấy vợ làm nhà,

Trong ba việc ấy thật là khó khăn".

Việc tậu trâu còn đứng trước cả việc lấy vợ, làm nhà, đủ biết vị thế của con trâu thế nào. Trâu là phương tiện làm nghề nông nghiệp hiệu quả và năng suất cao. Làm ruộng lúa nước mà không có trâu thì coi như vứt đi. Con trâu gắn liền với văn minh lúa nước và nhờ con trâu mà việc cấy cày, vận chuyển hàng hoá được dễ dàng, thuận tiện. Sự no ấm, đầy đủ có công đóng góp đáng kể từ con trâu. Thậm chí pháp luật phong kiến ngày xưa xử tội rất nặng những người giết trâu làm thịt vì điều đó sẽ làm suy yếu sức kéo trong nông nghiệp, có thể dẫn đến mất mùa, đói kém.

Và cũng không loài vật nào được viết bởi những lời ca thân ái và yêu thương thế này:

"Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đó ai mà quản công

Khi nào cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn."

Trong các giống gia súc của người Việt chỉ có loài trâu mới nhận được tình cảm trân trọng như vậy, trâu không phải là vật nuôi nữa, nó là bạn của nhà nông, xếp ngang địa vị với con người trong công việc làm ăn:

"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Trồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa".

Đã từng có những tác phẩm văn học ấn tượng, khắc họa về việc nuôi trâu, liên quan đến trâu, ví như truyện ngắn "Mùa len trâu" của nhà văn Sơn Nam và tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim và đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Trước đó, thời tiền chiến, nhà văn Trần Tiêu, em ruột của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự lực văn đoàn đã có tiểu thuyết "Con trâu" và tiếp sau, nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng có một tiểu thuyết cùng tên về loài vật này.

Sở hữu một con trâu coi như có cơ hội trở nên no ấm, giàu có. Nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm "Mùa len trâu" đã kể chuyện một người cha bất chấp mạo hiểm cho đứa con trai đi học nghề len trâu và đồng thời để chăm sóc bảo vệ hai con trâu nhà mình. Người cha đã đánh cược tính mạng và sự trưởng thành của đứa con trai với tính mạng của con trâu. Khi đứa con trở về, một con trâu bị chết nhưng bù lại, đứa con đã học hỏi được rất nhiều từ cuộc sống và trưởng thành lên rất nhiều.

Giống trâu rất khoẻ, so với bò là loài vật gần gũi, trâu có sức mạnh hơn nhiều: "yếu trâu bằng khoẻ bò", "khoẻ như trâu". Con trâu làm việc cần mẫn, chăm chỉ, kéo cày cả buổi, đến trưa mới được nghỉ để ăn đám cỏ non, bó rơm khô phần mình. Trâu giản dị và dễ nuôi, làm việc quần quật và hầu như không phản kháng và phục tùng con người. Loài trâu điển hình cho sự lao động với năng suất cao và nhiệt tình. Nếu ai đó làm việc thật hăng hái và năng suất thường được người ta ví "làm việc như trâu" và hầu như những người thành đạt và thịnh vượng đều làm việc với tinh thần của trâu kéo cày.

Người bình thường chỉ làm tám tiếng một ngày, những người chăm chỉ và say mê họ làm việc đến mười hai tiếng một ngày hoặc hơn nữa. Thành công không đến với người lười nhác, năng suất thấp. Một nhà văn bạn tôi đã từng nói rằng, khi nào chúng ta làm việc như những con trâu thì mới có thể được nghỉ ngơi như những con người.

Lời phát biểu này không có gì là thậm xưng. Những người giàu có, thành công, khi được hỏi về bí quyết, cơ bản đều trả lời một ý rất giống nhau: họ lao động với cường độ cao và thời gian gấp nhiều lần người khác. Sự thành công không bao giờ dễ dàng nếu như không có sự tâm huyết, nỗ lực, sự tập trung cao độ, kiên trì, bền bỉ và nhiệt tình.

Nhưng làm việc hùng hục như trâu không có nghĩa là thiếu đi sự tư duy sắc sảo. Sự vận hành của cơ bắp cũng đòi hỏi cộng hưởng với những tính toán chiến lược và chiến thuật. Cùng với thời gian ấy nhưng làm sao để lao động có năng suất và hiệu quả cao nhất chứ không đơn thuần chỉ vận dụng "sức trâu" ra mà gồng gánh. Một thể chất dồi dào,  tinh thần làm việc hăng say cùng với chiến lược sáng suốt, khôn ngoan sẽ dẫn đến thành công. Con trâu sau một ngày làm việc vất vả sẽ được thảnh thơi dưới bóng mát của tán cây và thủng thẳng nhai đám cỏ tươi hoặc bó rơm thơm người nông dân thưởng cho.

Thời bao cấp, nông dân các hợp tác xã thường được chia một phần tư hoặc một nửa con trâu. Nghĩa là bốn hoặc hai gia đình chung nhau một con trâu và cứ thế phân công thời gian coi sóc và sử dụng sức cày, kéo. Nếu con trâu cái sinh thêm một con thì cơ hội được sở hữu nguyên con trâu nhiều hơn, bởi vậy nhà nào cũng chăm cho trâu thật béo tốt khỏe mạnh.

Người có thể đói nhưng trâu thì không, trâu chết là một tai họa rất lớn với người nông dân. Người cậu của tôi khi có con trâu đầu tiên của mình, mỗi khi trời rét buốt cậu gần như không ngủ để canh trâu, che chắn, đốt lửa để trâu khỏi ốm, chăm sóc nó hệt như đứa con của mình.

Vì được yêu quý, trâu có nhiều tên gọi. Bé gọi là nghé, lớn lên phân thành trâu tơ, trâu nái, trâu dái, trâu mộng. Nghề buôn trâu một thời từng rất phát đạt và khi mua một con trâu người ta xem tướng mạo nó rất kĩ càng, cụ thể: "Mõm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn" hoặc: "Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi"... Tôi đã từng lên chợ phiên Bắc Hà ở Lào Cai và ở đó có một bãi chuyên mua bán trâu rất đông vui. Hàng trăm con trâu được tập hợp trong một bãi đất ngay sát chợ, người ta xem tướng trâu, sờ đuôi, xem sừng, xem khoáy rồi ngã giá, dắt trâu đi, đưa trâu về.

Trâu rất nhiều, những đôi sừng dài cong vút, kềnh càng đôi khi chạm vào nhau nghe như tiếng gỗ lim. Một số con trâu cổ còn đeo lục lạc, mỗi bước đi lại tạo tiếng lúc lắc rất vui tai. Phiên chợ trâu tạo ra một cảnh rất hoành tráng, sinh động và khác thường giữa núi rừng và không mấy khi người ta gặp nhiều trâu đến thế, đứng từ xa đã nhìn thấy những tấm thân đen lừng lững, thỉnh thoảng pha lẫn những thân trâu màu trắng, mùi phân trâu nồng lên rất đậm...

Tôi cũng từng lên Hà Giang và thấy những con trâu ăn cỏ trên núi cao. Trâu nái và nghé có một đặc quyền được đi tự do và biết đường về nhà, còn trâu đực thường bị buộc dây cột hoặc phải ở chuồng vì đặc tính ham tìm bạn tình nên dễ lạc hoặc bị bắt trộm. Trâu bây giờ không còn giữ vị trí quá quan trọng trong nông nghiệp nhưng vẫn là một tài sản đáng kể của người dân. Một gia đình người Dao dù hằng ngày vẫn bận công việc đi làm ruộng, hái chè rừng trên dãy Tây Côn Lĩnh  nhưng vẫn cắt cử người đi chăn, cắt cỏ cho trâu. Nhìn con trâu béo mộng, da đen nhánh, người chủ nhà khoe với khách lòng đầy tự hào, phấn khởi.

Con trâu ngày càng trở nên ít thấy ở các vùng đồng bằng nhưng hình ảnh đứa trẻ cưỡi trâu và thổi sáo có lẽ vẫn là những hình ảnh quen thuộc và điển hình của nông thôn Việt Nam. Nó là biểu tượng của sự yên bình, thanh thản của một cuộc sống tự tại, an nhiên.

Những thế hệ người Việt sinh ra ở nông thôn độ bốn chục năm về trước, ai mà không quen thuộc với con trâu và nhiều người may mắn đã từng được cưỡi trâu. Cưỡi một con trâu lớn cảm giác cũng oai phong không kém gì cưỡi một con hổ! Con trâu với đôi sừng cong dũng mãnh, gan dạ và kiên trường không kém các loài thú dữ nhưng bản chất thì hiền lành, thuần thục như một người nông dân thực sự.

Để thành một con trâu tốt thành thạo kéo cày, trâu phải trải qua bao gian khó rèn luyện, thậm chí đau đớn từ khâu xỏ mũi, cày vỡ vai, giữ sức bền bỉ... Đời trâu lắm khi cũng cay đắng nhọc nhằn bởi cũng có người không biết trân trọng công sức, sự nhẫn nại của người bạn nhà nông. Loài trâu điển hình cho sự lao động vất vả, nặng nhọc, không có những đóng góp ấy làm sao có cơm dẻo, canh ngọt, nhà cao cửa rộng.

Thỉnh thoảng ta lại nghe thấy đôi lời khinh miệt những công nhân làm những việc chân tay nặng nhọc, thiếu sạch sẽ. Nếu không có những người làm những việc vất vả đòi hỏi nhiều mồ hôi và sự nhẫn nại ấy thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao, ai sẽ nhận những phần khó khăn, nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm ấy? Ai đã từng chứng kiến loài trâu thở phì phò như kéo bễ vì mệt nhọc bởi phải cày ở chân ruộng đất quánh sâu hoặc chở hàng nặng lên dốc cao mới thấy thương sự gian khó và cam chịu của loài vật.

Loài trâu dần dần đã được giải phóng khỏi cái ách trên cổ và điều ấy như một biểu tượng của sự tự do và phát triển.

Nhưng thực ra để sống được độc lập, phồn vinh thì ai cũng phải làm việc với tinh thần của con trâu kéo cày.

Hiểu như thế để biết quý trọng loài trâu và trân trọng sự lao động thực sự!

Uông Triều
.
.
.