Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tham vọng một ván cờ dài

Thứ Năm, 05/02/2015, 17:03
Năm 2015 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm cao điểm tiếp theo trong chiến dịch cải tổ và chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kể từ sau những vụ điều tra đình đám hàng loạt quan chức cấp cao nhất như cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, hay Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch.

Từ khi nhậm chức chủ tịch gần hai năm trước, ông Tập Cận Bình nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy quyền bậc nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Ông đã tích lũy được nguồn sức mạnh to lớn nhờ khởi xướng và thực hiện tương đối triệt để chiến dịch chống tham nhũng, nhắm tới mọi thành phần trong bộ máy nhà nước. Rất có thể, ông cũng đang toan tính “một ván cờ dài” mà mục tiêu cuối cùng là mang tới sự bền vững và minh bạch về pháp lý cho hệ thống chính quyền.

Đả hổ, đập ruồi

Tập Cận Bình được cho là nhà lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc kể từ sau thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trước chiến dịch của ông Tập, những quan chức cấp cao thường được xem như “bất khả xâm phạm”, hoàn toàn miễn nhiễm trước pháp luật. Thế nhưng, quyết định bắt giữ cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã thay đổi tận gốc luật chơi trong giới tinh hoa chính trị Trung Quốc hiện nay, đồng thời cũng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng đang lên rất cao.

Chủ tịch Tập từng tuyên bố công cuộc chống tham nhũng do ông phát động nhằm khôi phục niềm tin vào năng lực lãnh đạo đất nước của đảng, với đối tượng bao gồm cả “hổ và ruồi” - cách nói hình tượng để chỉ quan chức ở tất cả cấp bậc của Trung Quốc đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra.

Ông Tập khi nhậm chức tuyên bố tham nhũng chính là vấn đề nghiêm trọng nhất mà đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt. Vì thế, nhà lãnh đạo đang cố gắng thay đổi hành vi xã hội, và nhìn nhận đó như một nước đi có ý nghĩa tiên quyết ảnh hưởng tới sự tồn vong của đảng. Bên cạnh đó, nỗ lực chống tham nhũng của Chủ tịch Tập cũng song hành với việc dập tắt những mối bất đồng về ý kiến chính trị cũng như suy nghĩ cho rằng việc loại bỏ luật bất thành văn về quyền miễn bị trừng phạt đối với các quan chức cấp cao là một trò đùa. 

Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là nhà lãnh đạo tập trung nhiều quyền lực nhất Trung Quốc sau thời đại Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Gần đây, việc lần đầu tiên công bố danh sách 16 tướng lĩnh bị điều tra cho thấy chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2015.

Bước ngoặt quan trọng của chiến dịch này là việc điều tra cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu - tướng lĩnh cao cấp nhất có liên quan tới tham nhũng trong lịch sử quân đội Trung Quốc. Theo đó, ông Tập được cho là muốn chấn chỉnh quân đội Trung Quốc từ một tập đoàn lợi ích nơi nạn tham nhũng hoành hành trong nhiều năm qua, trở thành một đội quân tinh nhuệ có thể thực hiện các mục tiêu quân sự ngoài nước và đảm bảo ổn định chính trị trong nước. Chủ tịch Trung Quốc buộc phải tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng lớn, bởi vấn nạn này đang ăn mòn tinh thần của quân đội.

Song song với chống tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang tiến hành một đợt cải tổ nhân sự trên quy mô lớn, từ trung ương đến địa phương và trong quân đội. Lãnh đạo cao cấp của 6 tỉnh thành (gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc và Thanh Hải) được luân chuyển công tác.

Trước đó, biến động nhân sự tại địa phương được chú ý nhất là việc Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm Vương Nho Lâm thay thế ông Viên Thuần Thanh đảm nhiệm chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây. Sơn Tây được coi là tỉnh trọng điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, với việc hơn một nửa ban lãnh đạo tại đây bị điều tra, trong đó có ông Lệnh Chính Sách, anh trai của Lệnh Kế Hoạch.

Trong quân đội, hơn 40 tướng lĩnh của nước này đã bị điều chuyển vào những tháng cuối năm. Động thái trên của nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng giống như các quyết định điều động nhân sự, nhằm tránh để một người giữ một vị trí trong quá lâu, từ đó có thể thiết lập phe cánh.

Biến động nhân sự được giới phân tích đặc biệt chú ý là việc ngày 31/12/2014, ủy viên Bộ Chính trị Tôn Xuân Lan được điều động giữ chức Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, chức vụ vốn để trống sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra. Đây là lần biến động nhân sự cấp Bộ Chính trị đầu tiên từ sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang có những bước đi chuẩn bị cho nhân sự cấp cao tại kỳ Đại hội 19 - thời điểm quan trọng để ông Tập củng cố hơn nữa quyền lực của mình. Chính khách này sẽ tiếp tục thực hiện nhiều cuộc “thay máu” trong các năm sắp tới, đặc biệt là tại các hội nghị trung ương nhóm họp định kỳ mỗi năm một lần. 

Chủ tịch Tập Cận Bình là người nhận thức rõ về vai trò chính trị của mình và những gì ông làm sẽ không chỉ có lợi trong hiện tại mà còn mở ra những con đường mới trong tương lai. Ông đang nỗ lực thay đổi Trung Quốc thông qua cải tổ và chống tham nhũng, sẽ trở thành một “kiến trúc sư” nhạy bén, sắc sảo từng bước tập trung hóa quyền lực mà trước đây thuộc về các thành viên khác của Ban thường vụ. Tuy nhiên, có thể chắc chắn rằng ông Tập đã và đang phải đối mặt với sự phản kháng và chống đối thực sự.

Tập Cận Bình từng thẳng thắn phát biểu rằng: “Công cuộc cải tổ đã bước vào thời kì khó khăn, gian truân, và cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn phức tạp và nghiêm trọng”. Đây chính là những dấu hiệu cho thấy các chương trình hành động theo kiểu “đả hổ, đập ruồi” đang phải đối diện với một cuộc chiến chính trị đầy cam go.

Một lãnh đạo khác biệt

Kể từ khi lãnh đạo chính quyền, ông Tập Cận Bình bắt đầu thay đổi diện mạo cho chính sách quản lý kinh tế-xã hội Trung Quốc. Những cải cách mới nhất về nội bộ - mà “đạo diễn” chính là nhà lãnh đạo họ Tập - cho đến lúc này vẫn còn khiến không ít người bất ngờ.

Chiến dịch chống tham nhũng theo kiểu “đả hổ, đập ruồi” của nhà lãnh đạo họ Tập đang phải đối diện với một cuộc chiến chính trị đầy cam go.

Bên cạnh hình ảnh thường xuyên xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng như một người lãnh đạo gần gũi và hiểu khát vọng của người dân, ông Tập còn “nói ít nhưng làm nhiều” trong công cuộc “đả hổ, đập ruồi”, hạ bệ hàng loạt những quan chức chóp bu từ năm 2013, mở màn cho một sự sụp đổ tương đối hệ thống tham nhũng, quan liêu trong chính trường.

Phần lớn người dân Trung Quốc ủng hộ Tập Cận Bình và coi ông như là một lãnh đạo khác biệt. Kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái chưa hồi phục, vẫn phát triển khá ấn tượng. Quá trình hội nhập được Bắc Kinh đẩy mạnh, song hành với những cải cách kinh tế theo hướng cởi mở hơn. Ông Tập được đánh giá là lãnh đạo nắm rõ “những gì người Trung Quốc đang muốn thay đổi”.

Trong bối cảnh hiện tại, những gì Tập Cận Bình đang làm khiến giới quan sát Trung Quốc chia thành nhiều phe ý kiến. Một bên cho rằng động cơ thuần túy là mối quan ngại về tình trạng tham nhũng và sự tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trước tham vọng bá chủ thế giới của Bắc Kinh. Bên còn lại thì nhận định đây chỉ là vỏ bọc cho một cuộc thanh trừng kiểu cũ, nhằm củng cố quyền lực cho ông Tập và giới thân cận.

Cá biệt, một số ý kiến cho rằng trái với những người tiền nhiệm, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như có chủ ý muốn thể hiện cho mọi người thấy hoạt động cá nhân nổi bật. Càng gần cuối năm thứ hai nhiệm kỳ nguyên thủ của mình, người ta càng thấy rõ rằng ông Tập có chủ đích riêng trong việc tạo dựng hình ảnh bản thân.

Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Đại học Hồng Công công bố vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đề cập đến cái tên Tập Cận Bình với tần suất cao gấp đôi so với những người tiền nhiệm chỉ trong vòng gần 24 tháng lên nắm quyền chủ tịch. Cũng theo nghiên cứu này, ông Tập là người chú ý đến việc trưng bày và thể hiện hình ảnh cá nhân hơn so với bất kể nhà lãnh đạo nào kể từ sau Mao Trạch Đông.

Báo chí từng nhận xét: Cách Chủ tịch Trung Quốc cố tình trưng ra hình ảnh cá nhân vẫn còn “nhẹ nhàng” so với một số nhà lãnh đạo khác. Đừng mong ông Tập sẽ chơi những môn golf thần diệu như Kim Jong-il, hay chụp ảnh phơi ngực trần như Vladimir Putin. Sức hút của ông Tập vẫn còn xa mới đạt đến tầm mức như những chiếc huy hiệu, hay những cuốn “Sách Đỏ” của Mao Trạch Đông.

Nhiều người có thể lo ngại rằng ông Tập đang phục hồi “sự sùng bái cá nhân” của thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, có khả năng truyền thông đã “phức tạp hóa vấn đề”. Nhân dân Trung Quốc giờ đây có quyền tự do lựa chọn giữa các ý tưởng mở và đa dạng, vì thế sự sùng bái cá nhân cũng khó lòng tồn tại được. Theo đó, không ai trong chính phủ muốn khôi phục chủ nghĩa sùng bái cá nhân.

Suy cho cùng, không thể phủ nhận rằng những cải cách nội tại trên nhiều phương diện đã góp phần giúp Tập Cận Bình củng cố hình ảnh cá nhân, hình thành tâm lý “giấc mộng Trung Hoa” trong lòng người dân, và giảm thiểu những rủi ro xuất phát từ “tâm lý phù thịnh” - chạy theo sự thịnh vượng mà bất chấp những bất ổn nội tại. Nói nôm na thì Tập Cận Bình đang cố “xây nhà vững” để dẫu có “đốt lửa to” - mở rộng quyền lực - thì cũng đủ sức “chơi với lửa”…

Trần Hồng Nam
.
.
.