Cảm hứng Miêu quyền

Thứ Ba, 28/06/2011, 16:10

Mèo (Miêu) là con vật rất gần gũi với con người, xếp vào thứ 4 trong 12 con giáp. Với đặc tính di chuyển nhẹ nhàng, động tác khoan thai nhưng vô cùng nhanh nhạy trong phản xạ và vận động, trông rất hiền lành nhưng vô cùng dũng mãnh, vì thế Mèo là nguồn cảm hứng cho các bậc thầy võ thuật sáng tác những bài quyền, đòn thế, thậm chí đặt tên cho cả môn phái.

Mèo (Miêu) là con vật rất gần gũi với con người, xếp vào thứ 4 trong 12 con giáp. Với đặc tính di chuyển nhẹ nhàng, động tác khoan thai nhưng vô cùng nhanh nhạy trong phản xạ và vận động, trông rất hiền lành nhưng vô cùng dũng mãnh, vì thế Mèo là nguồn cảm hứng cho các bậc thầy võ thuật sáng tác những bài quyền, đòn thế, thậm chí đặt tên cho cả môn phái.

Được xem là điệu múa đầy uy lực của nữ thần Shiva, Kalarippayattu là môn võ cổ xưa nhất của Ấn Độ. Theo truyền thuyết, cách đây nhiều ngàn năm, một vị hoàng tử Ấn Độ đã ghi nhận đòn thế giao tranh của các loài cầm thú rồi sáng tạo ra nhiều chiêu thức chiến đấu cho con người. Ông ghi lại toàn bộ các công trình nghiên cứu này, cả về đòn thế chiến đấu lẫn huyệt đạo lên trên những lá cọ thành bộ sutra (kinh) để lưu truyền.

Sáu hoặc bảy năm đầu, theo đà tiến bộ, các môn sinh luyện tập cho thân thể dẻo dai. Trong nhiều năm học, họ phải bắt chước và luyện tập không biết mệt mỏi những động tác giống nhau dựa vào các động tác của tám con vật thần: voi, rắn, cá, ngựa, mèo, gà trống, heo rừng và sư tử.

Các tư thế đều phải giống in các con vật nói trên khi chúng tấn công hoặc tự vệ. Toàn bộ nghệ thuật của môn sinh là hòa nhập được hai, ba hay bốn kỹ thuật của các con vật khác nhau trong một động tác. Trong môn Kalarippayattu, loài mèo được ứng dụng trong Miêu quyền, Miêu trảo và Miêu công.

Trong di chuyển bộ pháp, thân pháp sử dụng Miêu quyền; trong tấn công bằng cầm nã thủ pháp sử dụng Miêu trảo; còn trong luyện nội công sử dụng Miêu công. Tư thế "mèo vặn lưng" trong môn võ Kalarippayattu cũng như tư thế "chào mặt trời" trong Yoga đều thể hiện động tác loài mèo uốn mình, trườn người, vặn lưng, vươn vai. Nhiều nhà nghiên cứu võ thuật cho rằng chính Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là người đã đem quyền thuật Kalarippayat truyền sang Trung Hoa trong 9 năm ở Thiếu Lâm Tự, hình thành nên võ phái Thiếu Lâm.

Trong võ thuật Trung Quốc, Hình ý quyền do danh tướng Nhạc Phi sáng tác, là sự kết hợp giữa Trốc cước và Phiên tử quyền với Ưng Trảo quyền mà ra, có các động tác mô phỏng từ các loài mãnh thú. Một giải Hà Nam (Trung Quốc) lưu hành Hình ý quyền phần lớn gọi là "Tâm ý quyền" với quyền pháp lấy "Thập đại hình" (bao gồm long, hổ, kê, ưng, xà, mã, miêu, hầu, dao tức rồng, hổ, ưng, rắn, ngựa, mèo, khỉ, diều, én) và "Tứ quyền bát thức" làm quyền pháp căn bản. Trốc cước có nghĩa là đâm chân hay thọc cước, chọc cước, phóng cước.

Tương truyền, vào thời nhà Thanh dưới triều vua Quang Tự (1871 - 1908) ở Thẩm Dương, một huyện lị của tỉnh Liêu Ninh có quyền sư Hồ Phong Tán rất giỏi Trốc cước. Sau một thời gian dài khổ luyện, Hồ Phong Tán hiểu ra được nhiều yếu pháp quan trọng trong Trốc cước và đã phát triển thành dòng Trốc cước Hồ Gia thuộc loại "võ". Bài bản chủ yếu của loại "võ" có cửu chuyển liên hoàn uyên ương cước chín lộ (đường) gọi tắt là "Cửu chi tử thoái" (chín phép đá) trong đó có đường thứ 4 là lộ bốn uyên ương mèo rừng vồ chuột (ly miêu phốc thử) mô phỏng động tác loài mèo.

Nguyên lý "hư thật" và "kì chính" xuất phát từ Tôn Tử binh pháp được áp dụng trong quyền thuật. Hư thật và kì chính chỉ sự dối trá để lừa địch, đòn đầu là hư và đòn sau là thật. Nhưng hai đòn đầu cũng có thể là hư chỉ đòn thứ ba và thứ tư mới là thật, đây là "Hư hư thật thật" hay "Kì kì chính chính".

Địch không biết lúc nào là hư lúc nào là thật! Chiến thuật trá bại trong nguyên lý Tôn Tử binh pháp được Đại tướng Thích Kế Quang trình bày trong ba chương về quyền, côn và thương. Đó là ba thế Đảo kì long, Tẩu mã hồi đầu thức và Dương du trá hồi thương pháp.

Đây là chiến thuật giả bộ thua chạy dụ địch đuổi theo để xoay người đánh một quyền hay đâm một thương, còn lưu lại trong các bài binh khí như Trung ương quốc Thuật Quán Tam tài kiếm, Tinh Võ Hội Ngũ hổ thương, Thất Tinh Đường Lang Yến Thanh đơn đao, Vĩnh Xuân Bạch Hạc Song long xuất thủy song đao, Trần Gia Thái Cực Xuân Thu đại đao...

Quyền thuật tại hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, có thế giả thua xoay lưng chạy rồi ngồi xuống đất để bất thình lình xoay người lại ném cát vào mắt địch hay nhảy lên đá vào hạ bộ đối thủ, thế có tên là Linh miêu hí thử. Các đại môn phái như Thiếu Lâm, Võ Đang đều chịu ảnh hưởng võ thuật của Thích Kế Quang.

Đặc điểm quyền thuật Thiếu Lâm là: kết cấu tư thế nghiêm ngặt, động tác thiết thực chất phác, phát lực cứng mạnh, tiết tấu rõ ràng mau lẹ, tay dùng tiếng phát, tiếng theo tay xuống, đi thẳng về thẳng, yêu cầu giấu chứ không lộ liễu, trong tĩnh ngoài mạnh; phải "nhẹ như mèo, vọt như hổ, đi như rồng, động như chớp, tiếng như sấm" với các bài quyền đặc trưng Hồng quyền, Trường quyền, Pháo quyền, Thất tinh quyền, La hán quyền, Thông bối quyền, Mai hoa quyền, Ngũ hành quyền, Tâm ý quyền…

Còn Thái cực, Hình ý, Bát quái… là những môn quyền giá trị, nổi tiếng của môn phái Võ Đang. Trong Bát bảo thân pháp Võ Đang có pháp: Miêu vương tẩy diện là pháp đầu trong 8 pháp. Khi luyện Thái cực quyền thì phải làm cho được Hình như chim dao bắt thỏ, còn Thần như mèo vồ chuột, đảm bảo Hình thần tương quan.

Trong võ cổ truyền Việt Nam, các bậc võ sư tiền nhân khi nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên đã sáng tạo những thế tấn, bài quyền, đòn thế mô phỏng động tác loài mèo như: Miêu tấn, Miêu trảo, Linh miêu quyền công, Linh miêu hý thử, Linh miêu bổ thử, Linh miêu mai phục, Linh miêu độc chiến, Xà miêu hạc quyền, Miêu xà quyền, Bạch miêu quyền, Hắc miêu sơn, Trường đoản miêu sơn. Võ kinh Vạn an phái ở Huế có bài võ Linh miêu tẩy diện, Miêu xà quyền.

Ở Đà Nẵng có môn phái Thiếu Lâm Bạch Miêu phái xuất phát từ Triều Châu, Trung Quốc lưu lạc qua Việt Nam, qua bao đời thăng trầm hiện còn chuẩn võ sư - lương y Hoàng Bá Dũng với bài quyền đặc trưng Bạch miêu quyền, Thập bát thức, Kinh công, Uyển công, Tâm pháp...

Cũng tại Đà Nẵng, có môn phái Thiếu Lâm Hắc Miêu phái với bài quyền đặc trưng "võ Mèo" Hắc miêu sơn, Trường đoản miêu sơn xuất phát từ Quảng Châu, Trung Quốc lan truyền qua Việt Nam hiện nay do chuẩn võ sư - đại đức Thích Minh Thắng giảng dạy.

Môn phái Tâm quyền đạo có bài quyền trấn sơn nổi tiếng: Linh miêu quyền công. Môn phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định do võ sư Hà Trọng Ngự chấp Chưởng môn hiện nay (đệ tử của Hùm xám Miền Trung Hà Trọng Sơn) có một số bài "võ Mèo" tiêu biểu như Bạch miêu quyền, Linh miêu độc chiến.

Môn phái Thiếu Lâm Hồng gia do võ sư- đại lực sĩ Hà Châu truyền bá tại Việt Nam có bài quyền Xà miêu hạc quyền… Trong 10 bài võ quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam có bài Thái sơn côn (Roi Thái sơn) mô phỏng tư thế, động tác của tám con vật là rắn, lân, tê giác, thỏ, mèo, trâu, gà, hổ.

Nhưng đặc biệt, phải kể đến bài quyền "Miêu tẩy diện" (Mèo rửa mặt) nổi tiếng khắp làng võ Bình Định và lan truyền ra thế giới. Tại Liên hoan Quốc tế võ cổ truyền Việt Nam 2010 diễn ra đầu tháng 8/2010, đến võ đường Lý Xuân Hỷ ở An Nhơn, Bình Định, khách du lịch và các đoàn võ trong, ngoài nước sẽ được chiêm ngưỡng bài võ Miêu tẩy diện do chính võ sư Hỷ biểu diễn.

Bài quyền Miêu tẩy diện do võ sư Lý Hân (môn phái Thiếu Lâm Bắc Tông), người Hoa ở Phúc Kiến, khi phản Thanh phục Minh, bị nhà Thanh truy đuổi nên dạt chân đến Bình Định; kết hợp với tinh hoa của võ thuật Bình Định sáng tạo nên dựa theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo. Từ sự quan sát con mèo mới ngủ dậy, hai chân trước đưa lên mặt vuốt râu, xoa mặt vừa để thần thái tỉnh táo nhưng cũng là để tự vệ và sẵn sàng vồ mồi ngay.

Bài quyền này có hơn 20 động tác chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Lúc sử dụng trảo như hổ, khi dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Chính phong thái nhẹ nhàng làm nên đặc trưng tấn trụ linh hoạt cho người tập luyện. Luận về sự tinh túy của bài quyền Miêu tẩy diện nó tha thướt lắm, nhẹ nhàng lắm nhưng cũng mạnh mẽ lắm.

Tập Miêu tẩy diện không khó, nhưng luyện cho đến mức thân pháp và bộ pháp thành thục thì không dễ. Tới mức uyển chuyển nhẹ nhàng như mèo, ra chiêu không nghe tiếng động, di chuyển không nghe gió, chỉ khi "chỉ" (móng vuốt) tới nơi mới nghe "phà" (con mèo làm phép) thì đối phương đã dính đòn rồi. Tất cả các chiêu thức trong bài quyền đều mang tính tự vệ nhưng rất linh hoạt và có thần.

Nếu so với hổ quyền với thế mạnh đôi tay của hổ mạnh mẽ, hùng lực, còn mèo thì linh hoạt nên "chỉ" của mèo lại hiểm hơn đánh vào những yếu huyệt. Xem bài quyền Miêu tẩy diện do chính võ sư Hỷ biểu diễn, đặc biệt sẽ được xem các thao tác ba bộ đánh chỏ: "Cản chỏ đánh chỏ, bắt chỏ đánh chỏ, bạc chỏ đánh chỏ".

Dùng thân pháp của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công bằng chỏ làm Miêu tẩy diện vinh danh ra làng võ Thế giới năm 1990 khi  ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Nga thi đấu. Đối thủ của ông là một võ sư Ba Lan cao lớn, vượt hạng cân của ông gần 10kg.

Đến giờ thượng đài, thấy ông đứng yên chẳng thủ thế gì cả, võ sư Ba Lan ngạc nhiên hỏi sao không chuẩn bị. Ông trả lời gọn lỏn: "Võ thuật Việt Nam tôi là vậy đấy, đứng chơi chơi vậy đã là thủ rồi". Nghe xong, võ sư kia điên tiết xông vào và võ sư Hỷ chỉ nghiêng nghểnh mặt mèo rồi đảo tay đưa chỏ một phát thì anh ta đã ngã xụi lơ.

Trong khi người xem bàng hoàng thì anh ta đã lồm cồm bò dậy và quỳ sụp xuống bái võ sư Hỷ làm sư phụ. Hiện nay, cháu nội võ sư Lý Hân là võ sư Lý Thành Nhân và võ sư Lý Xuân Hỷ được gọi là võ sư "mèo" vì cả hai đều là truyền nhân chính thống của Lý gia Võ đạo với tuyệt kỹ Miêu tẩy diện…  

Dân tộc Mông, một dân tộc chiếm đa số trên các dải núi cao Tây Bắc và sinh sống trên các đỉnh núi cao, quanh năm sương trắng. Cuộc sống đấu tranh sinh tồn với muông thú, với các bộ lạc, dân tộc khác... tự dần đã hình thành một môn võ không tên gọi, trước kia được dạy trong quân đội Mông, sau được lưu truyền trong các gia tộc (võ mèo).

Chính vì lưu truyền nội gia, chỉ truyền cho con trưởng, tuyệt đối không truyền dạy ra bên ngoài nên hàng ngàn năm võ thuật Tây Bắc vẫn được giữ trong một tấm màn bao phủ bởi những thông tin nhiều chiều do các thương gia, lính chiến, các chiến binh đã từng tham chiến ở Tây Bắc kể lại. Sự cộng hưởng, giao thoa rõ rệt với võ thuật Việt và võ thuật Trung Hoa đã làm nên những đặc biệt của dòng võ này.

Mãi sau này, Trần Ngọc Linh- sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng vốn đam mê võ thuật từ nhỏ, nhưng phải đến cuối năm lớp 9, Linh mới tình cờ gặp cụ Giàng A Sình, truyền nhân đời thứ 12 của dòng họ Giàng, người Mông ở Lào Cai do không có người nối dõi nên khiến cụ quyết định phá lệ, nhận Linh làm truyền nhân thứ 13 của dòng võ này. Với mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương Tây Bắc, Linh sáng lập ra môn phái Bắc Việt Võ, tức là võ của người Việt ở Tây Bắc.

Dân tộc Miêu là dân tộc ít người ở miền Nam Trung Quốc phân bố ở các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Bắc, gần với người Mèo hay Mông ở nước ta có nền võ thuật Miêu gia từ lâu đời. Đây là một loại quyền thuật vô cùng cổ kính về mặt kỹ kích trong các đại môn phái, là một phần hợp thành rất trọng yếu trong võ thuật của dân tộc Trung Hoa. Xưa kia dân Miêu có câu tục ngữ: "Nuôi con chẳng đọc sách công phu cày bừa bèn là chữ, nuôi con chẳng học võ, suốt đời bị khinh rẻ".

Vì vậy, Miêu quyền được dân Miêu coi là một trong những việc lớn, đã làm người sống ở đời là phải biết thuật này. Bất kể già, trẻ, trai, gái mỗi người trưởng thành đều có một số hiểu biết nói chung về giao đấu, phần lớn đều học biết mấy chiêu thức thật cứng rắn. Qua các đời võ sư, người Miêu không ngừng cải thiện và phát triển võ thuật của Miêu gia, cuối cùng đã trở thành một lưu phái độc đáo của võ thuật Trung Hoa

Pham Huy Dũng

.
.
.