“Beethoven” Việt Nam là một người công giáo yêu nước

Thứ Sáu, 30/07/2010, 14:58
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ sinh năm 1925, ông chuyên viết những bản sonate dành cho violon và piano; số còn lại có thêm khoảng hai chục ca khúc nổi tiếng; nhưng người ta biết đến bốn ca khúc dễ biểu diễn nhất như: Dạ khúc, Nhớ trăng huyền xưa, Bóng chiều, Chiều cô thôn…

Còn những bản khó như trường ca "Ý nhạc chơi vơi", "Cánh chim chiều", "Mây trôi", "Đôi bờ"… thì rất ít người biểu diễn. Nhạc sĩ tốt nghiệp hòa âm hệ cao đẳng hàm thụ tại Paris năm 1954. Sau Hiệp định Genève, ông ở lại giảng dạy về hòa âm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, từ năm 1956 đến 1978.

Nay, ông đã trở thành nhà soạn nhạc cổ điển duy nhất Việt Nam hoàn thành được 9 bản sonate, ông được trao giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho bản Sonate số 4 - năm 1995 và bản Sonate số 8 - năm 2005. Năm 2009, ông được Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội trao tặng Giải thưởng văn hóa di sản Patrimoenia 2009 của Thụy Sĩ… nhưng ít ai biết, ông là một giáo dân - Nhà thờ Lớn Hà Nội; lại càng ít biết đến hình ảnh người cầm cây ghi ta ca hát say sưa trong buổi đón chào đoàn quân cách mạng trở về Hà Nội mà chúng ta được xem lại qua thước phim tư liệu của Cácmen - chính lại là người giáo dân yêu nước, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.

Người thanh niên yêu đạo và yêu nước

Cậu thanh niên Công giáo Phaolô Nguyễn Văn Quỳ sinh ra tại phố cổ Hà thành. Lớn theo học cấp 1 tại Trường Thầy dòng. Trong số bạn bè theo học trường này, sau có người trở thành linh mục như linh mục Đỗ Tông - chánh xứ Nhà thờ Lớn. Khi theo học Trung cấp ở Trường Thăng Long, anh có thêm những người bạn sau là cán bộ cấp cao của Nhà nước như: Ông Vũ Đại - nguyên Bộ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước; ông Dương Thông sau là một vị tướng Công an...

Khi phong trào cách mạng chống thực dân và phát xít nổ ra tại Hà Nội, ông đã có các hoạt động cách mạng như phát tán truyền đơn, bản tin, báo, bán các bài hát "Đoàn quân Việt Minh đi"; giá bán bản nhạc in bằng thạch tím giá 3 đồng Đông Dương/bản, bản tô thêm màu vàng bán 5 đồng Đông Dương, để gây quỹ cho phong trào thanh niên cách mạng thành Hoàng Diệu.

Khi đó, phát xít Nhật tuần tra ráo riết, chúng bắt được ai làm những hành động như thế, chúng bắt đặt tay lên cây cột điện chặt phăng đi... hoặc đưa về nhà Tiền (Cống Vị) tra tấn thật là tàn ác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.

Trước ngày giải phóng Thủ đô, ông được giao thêm nhiệm vụ tổ chức thanh niên và học sinh kháng chiến nội thành ra bờ hồ Hoàn Kiếm để đón đại quân về giải phóng Thủ đô. Ông đã sáng tác một số bài hát cách mạng như: "Hà Nội giải phóng", "Hoan hô đại quân giải phóng Thủ đô" và tổ chức huấn luyện bài hát cho từng tổ 5 người, 5 người này lại tổ chức đi dạy lại các nhóm khác.

Và đến ngày giải phóng Thủ đô, từ số nhà 13 Nguyễn Quang Bích (nhà ông vẫn ở từ đó đến nay) đã có một đoàn trên 200 người là thanh niên và học sinh kháng chiến với lá Quốc kỳ lớn đi đầu tiến ra bờ hồ Hoàn Kiến chào đón đại quân. Hình ảnh này đã được đạo diễn Cácmen (thuộc Liên xô cũ) ghi lại trong phim "Việt Nam trên đường thắng lợi". Riêng bài hát “Hà Nội giải phóng" được đăng trên báo Tiền phong, in màu, tại bìa 4 - số bí mật cuối cùng còn trang nhất là hình ảnh Hồ Chủ tịch.

Khi tiếp xúc, nhạc sỹ còn cho biết thêm: Thời kỳ đó, tiếng "Đoàn" trong ca từ "Đoàn quân Việt Minh đi" là một hình trắng có chấm dôi, kéo dài ba phách; sau này, các nhạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu - ông chuyên đánh oóc ở Nhà thờ Lớn Hà Nội và nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên - người tổ chức Dàn đại nhạc kèn đồng chào chính phủ mới của Cụ Hồ… cả hai đều là người Công giáo đã sửa thành nhịp lấy đà, và từ "Minh" rơi vào nhịp đầu, nhấn kiểu hành khúc…

Con đường âm nhạc của ông bắt nguồn từ người cha chơi đàn bầu, bạn bè của cha tụ hội về ca hát, luyện tập. Những dịp ấy ông được các bậc trên chỉ bảo, kết hợp là việc ông học ở Trường Thầy dòng luôn giảng dạy nền âm nhạc rực sáng phương Tây; và một nơi nữa, ông cũng hết sức trân trọng, đánh giá cao, nơi ấy cho ông cống hiến tôn giáo của mình, đồng thời cũng là nơi thỏa sức thực hành mỗi khi nâng cao tiếng hát, phím đàn của mình như lên cùng Thiên Chúa- đó là ông tham gia ca hát rất tích cực vào mỗi buổi thánh lễ Chúa nhật tại dàn đồng ca Nhà thờ Lớn. "Hát toàn những bài thánh nhạc kinh điển hay lắm anh ạ"- nhạc sĩ tâm sự.

"Beethoven Việt Nam"

Tôi đến thăm ông vào một buổi chiều hè tại số 13 Nguyễn Quang Bích. Nhà ông xây theo lối Pháp cổ xây vào những năm 1890-1900, mặt phố, cửa rộng nhưng ông không cho thuê vì tất cả diện tích ở của ông chỉ có 50 mét vuông. Hai ông bà luôn đóng kín cửa, vào nhà tối om, phải chăng người già luôn gương mẫu tiết kiệm điện…

Chiếc piano mà ông chắt chiu mua được từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông vẫn cặm cụi, lặng lẽ để ông thả hồn tâm giao và đặt tại một vị trí quan trọng; nhưng quan trọng hơn là tượng Đức Mẹ mà ông trân trọng đặt trên chiếc đàn, mỗi khi tâm sự cùng đàn, hát, sáng tác những bản nhạc thanh cao cũng luôn có Mẹ chứng giám. Cái mà ông đưa ra nói với tôi hôm gặp chỉ chín bản sonate và bức ảnh Đức Mẹ, bức ảnh đó như ông nói là một người bạn Pháp tặng ông, có nhiều điều linh thiêng với ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ được gọi là "Beethoven Việt Nam", nhưng bản thân ông cho rằng dù "tôi rất tự hào khi có người gọi mình như vậy, nhưng... cá nhân tôi không dám so với một người vĩ đại như vậy".

Tuổi đã sang thu, ông vẫn là người độc hành trên con đường riêng với chín bản sonate. Đến thiên tài âm nhạc như Beethoven thì cả cuộc đời cũng chỉ có số lượng mười bản sonate  viết cho piano và violon. Ở trường phái Ấn tượng Pháp như Debussy: 3 sonates và 1 bản sonatine (bản sonate nhỏ), vì vậy bạn bè còn gọi ông là "Quỳ sonate" và là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất tham gia Hội Bảo vệ quyền tác giả trên toàn thế giới.

Người ta gọi ông là "vua sonate". Hơn 80 tuổi rồi mà niềm say mê dành cho sonate vẫn còn đó. Ông chính thức đến với sonate từ năm 1963 bằng bản sonate đầu tiên. Trước đó, ông đã có nhiều ca khúc trữ tình được công chúng yêu thích như: Chiều cô thôn, Mây trôi, Nhớ anh, Dạ khúc, Bóng chiều… như đã kể trên.

Bạn bè đùa rằng: "Ông đã viết chín bản rồi mà còn định viết một bản nữa, như thế, ông định đuổi kịp Beethoven về sonate viết cho violon và piano hay sao? "Tôi đến với sonate đơn giản vì sonate là một thể loại nhạc có khả năng diễn tả rất sâu sắc nội tâm con người cũng như thể hiện được phần nào thực tế của xã hội. Qua những tác phẩm sonate, tôi có thể thể hiện được nhiều tình cảm, những ước mơ của riêng mình...".

Ở trong nước, tên tuổi của ông dường như không nổi lắm. Ở Đức, Pháp, Thụy Sỹ… người ta lại biết đến ông khá nhiều. Ông đã ba lần được các đồng nghiệp ở Pháp mời sang thăm và giao lưu. Các bản sonate của ông được các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, khán thính giả nước ngoài ghi nhận là độc đáo và sáng tạo.

Tiến sỹ Tarique Farooqui - Tổng đại diện UNICEF sành nhạc sau khi nghe xong một bản sonate của ông đã thốt lên: "Đất nước của các ông hiện nay còn rất nhiều khó khăn nhưng với những tác phẩm như thế này thì ông cũng như người Việt Nam có quyền tự hào với nền âm nhạc của mình".

Và ngài đề nghị tác giả tặng cho Hội nghị các nguyên thủ các quốc gia lớn khi nhóm họp thông qua Hiến chương quyền bảo vệ trẻ em trên toàn thế giới; sau Hội nghị trên, tác giả đã nhận được thư từ Mỹ gửi sang cảm ơn ông. Trên số báo Tết năm Đinh Hợi (2007), tờ Le Courrier Du Viet Nam đã đăng câu nói của nghệ sỹ Isabelle Durin của Dàn nhạc quốc gia Pháp, bà đã từng tới Hà Nội hai lần vào năm 2004 và 2006 để biểu diễn hai sonate số 7 và số 9 của nhạc sỹ Nguyễn Văn Quỳ tại Nhà hát Lớn: "Những tác phẩm của Nguyễn Văn Quỳ làm tôi xúc động bởi phong cách riêng biệt của ông. Những tác phẩm này đã đề cao vị thế dân tộc của nhà soạn nhạc và mở ra một chân trời âm nhạc mới để nói với toàn thể nhân loại".

Bà B. Fournier - từng là chủ tịch của nhiều kỳ thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu - có lần nói: "Anh đã tạo ra được một ngôn ngữ âm nhạc mới, nhưng quá khó với quá nhiều biến âm". Hiện nay ở Pháp, bác sĩ Pierre Moal cùng một số bạn bè của ông đã lập ra một nhóm ủng hộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.

Ông bảo: "Nhiều bạn bè tôi ở Việt Nam đều nói rằng nhạc của tôi có nhiều đoạn nghe rung động lòng người. Như vậy, nếu tôi làm cho con người Việt Nam rung động khi nghe nhạc của tôi thì tất nhiên nhạc của tôi phải mang hồn Việt Nam, chứ người ta không thể nào rung động với những gì quá xa lạ đối với họ. Trong khi đó, người nước ngoài lại cảm thấy nhạc của tôi có gì lạ, không giống của họ, đó là tôi đã đưa tính dân tộc Việt Nam vào nhạc của tôi"

Vũ Thành Nam
.
.
.