Bầu cử Tổng thống Pháp 2017: Không có gì là chắc chắn

Chủ Nhật, 12/03/2017, 06:14
Khác với mọi lần, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này được coi là khó đoán định nhất từ trước tới nay với những bất ngờ xảy ra ngay từ phút đầu.

Chỉ còn không lâu nữa sẽ diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử nhưng những diễn biến trong mấy tuần qua cho thấy chưa có ứng cử viên nào nắm chắc phần thắng.

Chỉ mới cách đây vài tháng, người Pháp vẫn còn nghĩ rằng bầu cử Tổng thống năm 2017 sẽ là sự tái hiện kịch bản năm 2012 với sự đối đầu giữa cựu Tổng thống cánh hữu Nicolas Sarkozy và Tổng thống thuộc đảng Xã hội mãn nhiệm Francois Hollande.

Nhưng bất ngờ lớn đã xảy ra khi trong cuộc bầu cử sơ bộ cánh hữu, cựu Thủ tướng Francois Fillon đã đánh bại các đối thủ để đại diện cho đảng Những người Cộng hòa (LR) ra tranh cử tổng thống.

Còn bên đảng Xã hội, do chỉ số tín nhiệm gần đây quá thấp, Tổng thống Hollande đã quyết định không tái tranh cử. Do cánh tả vừa suy yếu vừa bị chia rẽ, khó vượt qua được vòng đầu, nên khả năng ông Francois Fillon cùng đại diện của phe cực hữu Marine Le Pen lọt vào vòng hai bầu cử và sẽ giành chiến thắng để trở thành tổng thống là rất cao.

Công kích lẫn nhau

Sau gần 1 tháng trong tình thế vô cùng khó khăn vì sự cố “Penelopgate” (tạo việc làm giả mạo cho người vợ Penelope Fillon trong nhiều năm với mức lương 500 nghìn euro/năm), ứng cử viên Francois Fillon đang phục hồi.

Các ứng viên nổi bật trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017: Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Francois Fillon.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy ông đã vượt lên trên ứng cử viên Emmanuel Macron (thuộc phong trào Nước Pháp tiến bước) giành vị trí thứ hai và chỉ đứng sau ứng cử viên Marine Le Pen (thuộc đảng cực hữu Mặt trận quốc gia - FN) về tỷ lệ ủng hộ. Dù là tín hiệu lạc quan, nhưng với ứng cử viên Francois Fillon, tỷ lệ ủng hộ trong kết quả cuộc thăm dò vừa công bố vẫn còn khiêm tốn và sự phục hồi của ông còn rất mong manh.

Trên thực tế, mối ngờ vực về vụ “Penelopgate” vẫn hiện hữu trong các cử tri cánh hữu khi họ vẫn dè dặt bỏ phiếu cho Francois Fillon, với 1/5 cử tri muốn bầu cho Marine Le Pen. Một trong những lý do dẫn tới sự phục hồi của ông Fillon là do đảng cánh hữu Những người Cộng hòa không có sự thay thế sáng giá, và ông Fillon quyết không lùi bước trước những chỉ trích từ các phe phái khác.

Điều đó giống như một sự khẳng định vị trí khó thay thế của Francois Fillon và sự cố vừa qua được coi như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với ông. Các cử tri LR hiểu không còn lựa chọn nào khác ngoài Francois Fillon.

Trong khi đó, với 28% số phiếu, ứng cử viên của đảng cực hữu FN Marine Le Pen vẫn duy trì được tỷ lệ ủng hộ ổn định. Đặc biệt, bà luôn đạt trên 40% số phiếu ủng hộ của tầng lớp công nhân.

Tỷ lệ ủng hộ này cho thấy, với khẩu hiệu “nước Pháp là số một”, những mục tiêu và chương trình hành động của FN đã đi vào những vấn đề lớn của xã hội Pháp, tác động đến tâm lý bộ phận không nhỏ người dân đang bức xúc trước cuộc khủng hoảng nhập cư, khủng bố Hồi giáo cực đoan, tình hình kinh tế khó khăn, và bản sắc dân tộc bị đe dọa trước sự thâm nhập của văn hóa ngoại lai.

Tuy nhiên, vào lúc kết quả thăm dò dư luận đầy khả quan cho một chiến thắng sắp tới, bà Marine Le Pen liên tục gặp rắc rối liên quan đến vấn đề tài chính khi bị cáo buộc chiếm dụng khoảng 350.000 euro để trả lương cho các trợ lý làm các công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những nhiệm vụ trợ lý nghị sĩ châu Âu.

Trước đó, các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra về việc bà đăng tải ba bức ảnh trên mạng Twitter, trong đó có một bức ảnh chụp tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. Theo yêu cầu của các công tố viên Pháp, bà bị tước quyền miễn truy tố, đồng thời phải đối mặt với mức án 3 năm tù và khoản tiền phạt 75.000 euro.
Các diễn biến dồn dập trên chính trường Pháp thời gian qua báo hiệu một mùa bầu cử kịch tính và khó dự đoán.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp đang bước vào giai đoạn nước rút, vì vậy những vụ việc này ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên Le Pen. Và được lợi nhất có lẽ là ứng viên Emmanuel Macron. Trẻ trung, độc lập, năng động, có những ý tưởng mới, đầy tính thuyết phục sau những lần ra mắt đầu tiên trước công chúng, Emmanuel Macron đang nổi lên như một “ẩn số”.

Ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và không theo phe tả hay hữu, Emmanuel Macron cam kết thực hiện một loạt cải cách kinh tế như giảm thuế thu nhập hay tăng mức lương tối thiểu của người làm công thêm 500 euro/năm từ việc cắt giảm thuế thu nhập.

Sau những thuận lợi ban đầu khi áp dụng chiến lược “không tả, không hữu” vào lúc nhiều cử tri Pháp tỏ ra bất mãn với hai phe cánh hữu và cánh tả, ứng cử viên Macron thu hút được nhiều sự ủng hộ, đặc biệt là giới trẻ và liên tục được báo chí Pháp đánh giá là sự lựa chọn sáng giá trong cuộc bầu cử sắp tới.

Thế nhưng, ông bắt đầu bị các đối thủ khác công kích. Việc trì hoãn công bố chi tiết chương trình hành động, nhất là đối với những thách thức hiện nay của nước Pháp như kinh tế và an ninh khiến cho nhiều cử tri ủng hộ chưa đưa ra quyết định sẽ bầu cho ông.

Ngay sau khi “lỡ miệng” rằng Pháp đã phạm vào tội ác chống lại loài người trong giai đoạn đô hộ Algeria, ông Fillon đã nhân cơ hội này chỉ trích ứng viên Macron là miệt thị lịch sử nước Pháp và không xứng đáng vào Điện Elysee.

Còn bà Marine Le Pen cho rằng đây là điều nghiêm trọng khi một người muốn làm Tổng thống Pháp lại buộc tội đất nước mình phạm phải tội ác chống lại loài người. Bất chấp những khó khăn mới, Emmanuel Macron nhận được tin vui khi Francois Bayrou, Chủ tịch đảng Liên minh vì nền dân chủ Pháp (UDF), muốn thành lập liên minh tranh cử với ông. Quyết định đầy bất ngờ này sẽ tăng cơ hội thắng cử cho ông Macron vì kết quả khảo sát cho thấy, ông Bayrou có thể giành được 5-6% số phiếu, tạo nên bước ngoặt của chiến dịch tranh cử.

Vẫn ở thế bấp bênh

Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 liên tục có những diễn biến bất ngờ vượt xa dự đoán của giới phân tích. Các ứng cử viên liên tục “vấp ngã”, rồi công kích lẫn nhau trên chính trường. Theo kết quả thăm dò dư luận, bà Le Pen sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 vào ngày 23-4 tới.

Tuy nhiên, nếu bước vào vòng 2 dự kiến diễn ra ngày 7-5, bà Le Pen được cho là sẽ thất bại trước 2 ứng viên tiềm năng Macron hoặc Fillon. Việc ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon phục hồi một lần nữa, cùng với việc xây dựng liên minh của ứng viên Emmanuel Macron cho thấy tình chất khó đoán định của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này và còn nhiều bất ngờ phía trước.
Dù ai là người chiến thắng thì họ cần phải giải quyết được mối quan tâm lớn nhất của cử tri Pháp liên quan đến vấn đề kinh tế, tạo thêm việc làm và lấy lại tăng trưởng cho nước Pháp.

Các diễn biến dồn dập trên chính trường Pháp thời gian qua báo hiệu một mùa bầu cử kịch tính. Khó có thể dự đoán ai sẽ chiến thắng và mọi khả năng hiện đang để ngỏ. Cho đến lúc này, mọi dự đoán về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 đều là đến từ các cuộc thăm dò dư luận, không hề chính thức và chắc chắn. Trong những tháng tới, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Tất nhiên, vào thời điểm này bà Marine Le Pen và ông Emmanuel Macron, có vẻ như đang là các ứng cử viên hàng đầu chủ yếu nhờ sự sụt giảm do bê bối của ông Francois Fillon.

Nhìn chung, những bất ngờ đến với chính trường Pháp thời gian qua xuất phát từ sự khủng hoảng và thất bại của các đảng phái lớn truyền thống ở cả cánh hữu lẫn cánh tả, nhất là trong việc thu hút và tạo niềm tin nơi cử tri.

Chính tâm lý quá thất vọng của các cử tri Pháp với tình hình kinh tế u ám, an ninh bất ổn, cũng như chính trường đấu đá liên miên đã tạo nên những diễn biến khó lường trong thời gian qua. Dù ai là người chiến thắng thì họ cần phải giải quyết được mối quan tâm lớn nhất của cử tri Pháp liên quan đến vấn đề kinh tế, tạo thêm việc làm và lấy lại tăng trưởng cho nước Pháp.

Nhiều nhà phân tích nhận định, cơ hội cho Francois Fillon trở lại vị trí dẫn đầu vẫn còn, bất chấp bê bối. Trong số các ứng viên thì cho đến lúc này, ông Fillon đã đưa ra các đề xuất cải cách kinh tế “có tính khả thi và lập luận chặt chẽ nhất”.

Trong khi đó, bà Marine Le Pen bị đánh giá thấp do chương trình hành động gồm 144 điểm ít khả thi và nhiều rủi ro. Còn “hiện tượng” Macron, dù là một nhà kinh tế xuất sắc và cựu Bộ trưởng Kinh tế, vẫn chưa công bố chương trình hành động cụ thể của mình để thuyết phục cử tri...

Lâm Anh
.
.
.