Thủ tướng Angela Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ tư: Thắng nhưng lo

Chủ Nhật, 01/04/2018, 08:08
Quốc hội Đức ngày 14-3 đã bỏ phiếu thông qua thành phần chính phủ mới, theo đó bà Angela Merkel tái đắc cử chức Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức với 364 phiếu thuận, 315 phiếu chống và 9 phiếu trắng. 

Với kết quả này, đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel cùng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) giành được tổng cộng 399 ghế trong quốc hội, chấm dứt 6 tháng bất ổn trên chính trường Đức. 

Thủ tướng Angela Merkel đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp kể từ năm 2005 sau khi được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chính thức bổ nhiệm. Với việc lần thứ tư nắm giữ cương vị lãnh đạo nước Đức, bà Merkel giờ đây đã đứng ngang hàng với “người thầy” Helmut Kohl. Tuy nhiên, quyền lực luôn đi cùng trách nhiệm. 

Hơn ai hết, Thủ tướng Merkel hiểu rất rõ những thách thức chưa có tiền lệ mà bà phải đối mặt trong nhiệm kỳ gần như là cuối cùng của mình. 

Theo đó, nhà lãnh đạo Đức cần đưa đất nước vượt lên những khó khăn ban đầu về chính trị, duy trì đà tăng trưởng ổn định và giữ vững vai trò dẫn dắt của Berlin trong Liên minh châu Âu (EU) nói riêng và phương Tây nói chung.

Thắng lợi nhọc nhằn

Việc bà Angela Merkel tái đắc cử chức thủ tướng có thể được xem là một sự nhẹ nhõm tạm thời đối với nữ chính trị gia 63 tuổi sau nhiều tháng đàm phán thành lập chính phủ căng thẳng. Thế nhưng, phía sau cuộc bỏ phiếu này dường như lại không được vui vẻ. 

Bà Angela Merkel chính thức tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo nước Đức với nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.

Liên minh rất khó khăn để đạt được giữa CDU/CSU với SPD chiếm tới 399 trong tổng số 709 ghế của Quốc hội liên bang. Điều đó cho thấy, đã có tới 35 thành viên thuộc liên minh cầm quyền không tán thành bà Merkel trở thành thủ tướng. Như vậy, bà Merkel chỉ dư 9 phiếu so với quy định để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư - một khởi đầu không mấy khởi sắc. 

Giới quan sát cho rằng, chính quyết định thực thi chính sách mở cửa với người tị nạn và nhập cư của chính quyền Merkel năm 2015 đã dẫn tới sự quay lưng của nhiều cử tri. 

Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của đảng dân túy cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD), hiện là đảng lớn mạnh thứ ba trong Quốc hội Đức cũng khiến bà Merkel phải đối mặt với một nhiệm kỳ nhiều khó khăn phía trước.

Sự nghiệp chính trị của Angela Merkel bắt đầu khi bà tham gia một phong trào mà sau đó nhanh chóng sáp nhập vào CDU do cựu Thủ tướng Helmut Kohl sáng lập. Sự nghiệp chính trị của bà vụt sáng nhanh chóng khi ông Kohl bị cuốn vào vụ bê bối tài chính bị phanh phui năm 1999. 

Dưới sự đỡ đầu của ông Helmut Kohl, bà Merkel đã trở thành Chủ tịch CDU vào năm 2000 - bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của bà. Lịch sử hiện đại Đức năm 2005 lần đầu tiên chứng kiến sự đăng quang của một nữ thủ tướng và cũng là thủ tướng trẻ tuổi nhất nước Đức khi lên nắm quyền ở tuổi 51. 

Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến nay, bà Merkel luôn dẫn dắt nước Đức xứng đáng là đầu tàu kinh tế của châu Âu và giữ vững ngôi vị nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, vượt qua mọi cuộc khủng hoảng kinh tế châu Âu. 

Giữ vững chính sách cứng rắn trước mọi sức ép, tăng cường củng cố quan hệ với các nước lớn nhằm duy trì vị thế lớn mạnh của Đức trên trường quốc tế, song mềm dẻo trong chính sách thuận theo lòng dân, chính những điều này làm nên một “bà đầm thép” Merkel, hay “Mutti” (Người mẹ) của hàng triệu người dân Đức.

Thời điểm cuối nhiệm kỳ thứ ba của bà Merkel, tình hình thế giới đã có nhiều diễn biến bất lợi cho Đức, phải kể đến là những rắc rối trong đàm phán lộ trình Anh rời EU (Brexit), khủng hoảng khu vực đồng euro hay quan hệ phức tạp giữa Đức với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khiến bà Merkel đã phải đối mặt với sức ép từ ngay trong liên minh cầm quyền, cũng như các nước đồng minh trong EU. 

Thế nhưng, “trong cái rủi có cái may”. Khi chủ nghĩa cực đoan đang trên đà thắng thế ở Mỹ và nhiều nước châu Âu thì người ta lại tìm thấy ở bà Merkel “sự bảo đảm cho những giá trị phương Tây”, với nền chính trị ổn định và tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. 

Cũng chính vì thế, bà Merkel lại trở thành sự lựa chọn duy nhất của CDU/CSU trong đợt vận động tranh cử cuối năm ngoái. Vậy nhưng, kết quả của cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 9/2017 đã đẩy bà Merkel đối mặt với những khó khăn trong việc thành lập liên minh với hai đối tác mới sau khi các cử tri giảm sự ủng hộ đối với đảng của bà.

May mắn thay, liên minh CDU/CSU vẫn duy trì được tỷ lệ ủng hộ cao nhất so với các đảng còn lại và được quyền đứng ra tìm liên minh lập chính phủ mới. Tuy nhiên, không giống như nhiệm kỳ trước, ngay sau khi kết quả được công bố, Chủ tịch SPD Martin Schulz đã tuyên bố chấm dứt “đại liên minh” với CDU/CSU và trở thành đối lập. 

Sau đó, các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một liên minh chưa có tiền lệ này đã đổ vỡ, khiến Đức nhiều khả năng buộc phải bầu cử lại hoặc lập chính phủ thiểu số. Cuối cùng, với sự “can thiệp theo hiến pháp” của Tổng thống Frank Walter-Steinmeier, SPD đã đồng ý quay trở lại đàm phán với CDU/CSU để lập chính phủ “đại liên minh” mới. 

Để tiếp tục cầm quyền và duy trì “đại liên minh”, bà Merkel đã phải hy sinh nhiều lợi ích, “nhường” những bộ lớn trong chính phủ (như Bộ Tài chính) cho SPD, dù gặp phải sự phản đối của nhiều thành viên trong chính đảng của mình. Trong lễ tuyên thệ, bà Merkel cam kết sẽ nhanh chóng bắt tay vào công việc sau một thời gian dài tìm cách thành lập chính phủ liên minh. 

“Đây là khởi đầu tốt đẹp để nước Đức có một chính phủ bền vững. Sau nhiều tháng, giờ đây chúng ta đã có động lực lớn để cùng làm việc với nhiều năng lượng”, bà Merkel tự tin tuyên bố.

Việc đảng AfD ngày càng lớn mạnh hay những rắc rối trong đàm phán Brexit trở thành phép thử sự kiên cường của “bà đầm thép” trên chính trường.

Nhiệm vụ khó khăn

Trong vị thế lãnh đạo nước Đức - ngọn cờ đầu ở EU, việc bà Merkel thắng tiếp nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư là một tin vui. Nhưng khác hoàn toàn so với năm 2013, khắp các mặt báo sau ngày bầu cử ở Đức lần này là những dòng tít tiêu cực hoặc lo lắng. 

Sự hiện diện của AfD đồng nghĩa Quốc hội Đức sẽ phân mảnh. Đây là điều người Đức không muốn. Họ đã đặt ra luật bầu cử kín kẽ để hạn chế việc hàng chục đảng có mặt ở Quốc hội, gây khó khăn cho các quyết sách. 

Nhưng AfD, cùng với đảng Dân chủ tự do (FDP), đã khiến Quốc hội Đức lúc này có tới 6 đảng. Việc các đảng đối lập quá đông đảo đồng nghĩa cả CDU lẫn SPD đều coi như thất bại so với chính mình. 

Trong khi cùng suy yếu, CDU và SPD lại không thể liên kết với nhau như kịch bản năm 2013. Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Merkel vào lúc này chính là tìm sự thống nhất trong tình cảnh gần như “hỗn mang” của thời đại mới.

Mặc dù nút thắt chính trị tại Đức có vẻ như đã được tháo gỡ sau khi Thủ tướng Angela Merkel chính thức tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư nhưng tình hình chính trị của Berlin nói riêng và Liên minh châu Âu nói chung không vì vậy mà khả quan hơn. 

Trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận liên minh, SPD đã có được sự nhượng bộ đáng kể từ CDU về nền tảng chính sách của chính phủ kế tiếp. Tuy nhiên, sự nhượng bộ này chắc chắn sẽ tạo ra sự oán giận trong đảng CDU khi phe bảo thủ cảm thấy ưu tiên của đảng đã bị bỏ rơi để bà Merkel được nắm quyền. 

Một số người còn cho rằng tình trạng lộn xộn trong chính trị Đức hiện nay là hậu quả từ cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015, đến từ chính sách của “bà đầm thép” Angela Merkel.

Bên cạnh đó, sự ủng hộ bị sụt giảm đáng báo động của đảng SPD (từ 41% năm 1998 xuống còn 17% hiện nay) cho thấy một sự suy giảm trong nền dân chủ xã hội trên khắp châu Âu. Giới quan sát nhận định, ngay cả khi chính quyền Merkel đã ổn định thì vị thế “đầu tàu” của Đức nhiều khả năng sẽ bị suy giảm tại châu Âu. 

Hiện nay, chính quyền Merkel rất khó có thể thực hiện cải cách quan trọng trong khu vực đồng euro để hoàn thành liên minh ngân hàng EU. Mặt khác, Đức chưa đưa ra lời giải cho bài toán chủ nghĩa dân tộc tại Trung và Đông Âu, hay những thách thức đến từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Việc nhiều chính phủ bị suy yếu và tách mình khỏi EU, khiến Đức trở nên “mong manh dễ vỡ”, đồng thời đặt ra dấu hỏi về chính sách của Thủ tướng Merkel nhằm giúp Đức trụ vững trước những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Gánh nặng tiếp theo đặt lên vai bà Merkel liên quan đến nội các. Chính phủ “Merkel 4.0” chỉ có một đại diện người Đông Đức duy nhất trở thành bộ trưởng mới. 

Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi rằng liệu sự thiếu vắng các đại diện Đông Đức ở hầu hết vị trí lãnh đạo liệu có giúp cho quá trình hòa giải và thống nhất đất nước sau gần 3 thập niên tái hợp? 

Nếu “bà đầm thép” không có câu trả lời thỏa đáng thì đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho AfD khoét sâu hố sâu ngăn cách, thu hút nhiều cử tri ở các bang phía Đông và mong muốn của bà Merkel về đẩy AfD ra khỏi nghị trường sẽ trở nên “bất khả thi”. 

Ở phương diện đối ngoại, việc Anh tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga do cáo buộc nước này liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga khiến Đức và nhiều nước NATO khác cũng bị cuốn vào. Quan hệ giữa Moscow với Brussels và Berlin, vốn chưa được hàn gắn, nay lại có nguy cơ đổ vỡ.

Lê Nam
.
.
.