Chiến tranh thương mại: Song tấu Mỹ - Trung

Thứ Hai, 17/09/2018, 09:25
Khi quan hệ Mỹ-Trung đã tụt xuống đến mức tệ hại với việc hai bên liên tiếp tung những đòn áp thuế quan vào nhau, câu hỏi đặt ra không chỉ đối với hai nước có liên quan, mà với cả phần còn lại của thế giới, là điều gì đang thực sự diễn ra và nó sẽ đi tới đâu?

Nguồn gốc của núi dự trữ ngoại hối khổng lồ

Khi quan sát cuộc chiến thương mại hiện nay giữa nền kinh tế số 1 với nền kinh tế số 2 thế giới, không khó để nhận ra rằng, về bản chất, đó là cuộc chiến nhằm tranh giành vị thế bá chủ trên thế giới, mà điều không may là nó không chỉ giới hạn ở địa hạt kinh tế!

Với ông Donald Trump, người từng là một doanh nhân tỷ phú trước khi là tổng thống Mỹ, con số thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ với Trung Quốc đơn giản là điều không thể chấp nhận được.

Căn nguyên sâu xa dẫn tới cán cân chênh lệch này, theo người đứng đầu nước Mỹ, là do Trung Quốc có một nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước (và có thể cả khu vực tư nhân nữa) giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường Mỹ.

Vẫn theo lý thuyết này thì sở dĩ Trung Quốc có được khối dự trữ ngoại hối “khủng” đó là dựa trên 2 nguồn chính: sử dụng lao động giá rẻ và cả khoản tiền tiết kiệm của cả tỷ dân Trung Quốc, dùng nó như một lợi thế tiềm năng vô cùng lợi hại để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh; sử dụng những bí quyết công nghệ thu được từ phía Mỹ để tăng hàm lượng trí tuệ trong hàng hóa và bằng cách đó, đánh bật hàng hóa Mỹ ngay trên thị trường Mỹ.

Giá cả hàng hóa của Trung Quốc rẻ sẽ chiếm lợi thế so với hàng hóa của Mỹ. Đương nhiên, Trung Quốc không đời nào tự tăng giá hàng hóa của mình lên nên ông Donald Trump sẽ thay họ để làm việc đó: bằng cách gửi “chiến thư” thương mại tới Bắc Kinh là những đòn áp thuế ồ ạt nhằm vào hàng hóa Trung Quốc (thực chất là đưa thuế thêm vào giá cả), ông Trump tính rằng sớm muộn giá cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ tăng lên, mất đi lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa của Mỹ.

Trò chơi chết người “có tổng bằng 0”

Hẳn nhiên là ông Trump hiểu rằng bất cứ một đòn áp thuế nào cũng sẽ kích hoạt một hành động trả đũa từ phía đối phương, thế nên việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại đơn thuần sẽ khó mà mang lại những lợi ích, ít nhất là trong ngắn hạn, đối với nền kinh tế Mỹ.

Vì thế, “quyết chiến điểm” của ông Trump trong cuộc chiến này sẽ là công nghệ.

Các biện pháp chống (và trừng phạt) xâm phạm bản quyền trí tuệ sẽ được siết chặt chưa từng thấy; nếu như trước đây, các công ty công nghệ Mỹ muốn có giấy phép hoạt động trên thị trường Trung Quốc thường chịu một điều kiện khắt khe là phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc thì giờ đây sẽ phải xem xét lại chính sách của mình, bất kể sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc lớn ra sao; 

các điều kiện khắt khe tương tự cũng sẽ được áp dụng đối với những công ty Trung Quốc liên doanh với các công ty công nghệ tại Mỹ (chẳng hạn những doanh nghiệp có 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ sẽ bị ngăn chặn không được phép thâu tóm công ty Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng); các sinh viên Trung Quốc theo học những ngành học liên quan đến công nghệ tại các trường đại học của Mỹ sẽ bị hạn chế...

Đây cũng là đòn đánh chí tử đối với tham vọng “Sản xuất tại Trung Quốc” năm 2025 với mục tiêu nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc, tập trung vào các ngành công nghệ cao, lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng 4.0.

Như vậy là bằng việc khai chiến trên mặt trận công nghệ, ông Trump hy vọng sẽ buộc đối phương phải quỳ gối trên địa hạt Mỹ chiếm ưu thế. Với ông Trump, người đã có thể gây dựng nên cả một đế chế kinh doanh bằng tài năng khôn khéo của mình, đây là một trò chơi kinh điển có tổng bằng 0: lợi ích mà đấu thủ này thu được sẽ bằng đúng thiệt hại của đấu thủ khác.

Và ông Trump tin rằng nước Mỹ sẽ là bên hưởng lợi trong trò chơi nguy hiểm chết người này. 

Những “ngôi làng Potemkin”

Gần đây, khi đời sống của một bộ phận người dân Trung Quốc tăng lên, người ta càng có xu hướng muốn đi tham quan, du lịch nhìn ngắm thế giới. Nhu cầu đó đã làm nảy sinh những khu vực ở các thành phố Trung Quốc “nhái” hệt các đô thị ở châu Âu để người dân Trung Quốc có thể trải nghiệm phong cách châu Âu mà không cần phải đi đâu xa. 

Chẳng hạn như mô hình thị trấn Thames ở ngay trong lòng thành phố Thượng Hải, với các công trình kiến trúc, điêu khắc được copy lại nguyên xi từ nước Anh xa xôi...

Ông Donald Trump tính rằng sớm muộn giá cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ tăng lên, mất đi lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa của Mỹ.

Đó là những “ngôi làng Potemkin”.

Năm 1787, khi Nữ hoàng Catherine Đệ Nhị có chuyến đi thị sát dọc theo sông Dnieper của nước Nga, Grigori Potemkin đã cho dựng những khu làng giả dọc theo hai bờ sông đế đánh lừa nữ hoàng về sự trù phú của khu vực Ukraine và bán đảo Crimea, khi ấy vốn nằm dưới quyền cai trị của Potemkin. 

Sau này, thuật ngữ “làng Potemkin” là nhằm để chỉ những công trình theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng, được dựng lên cốt để đánh lừa thị giác, cho người ta một hình ảnh tốt hơn so với thực tế.

Khi khai chiến thương mại với Trung Quốc, ê-kíp hoạch định chính sách của ông Donald Trump có lẽ cũng trông chờ vào điểm yếu, những “ngôi làng Potemkin” của nền kinh tế Trung Quốc.

Đó là khu vực kinh tế tư nhân dễ bị tổn thương với làn sóng các công ty ở khu vực này bị vỡ nợ đang tăng lên, trong khi chính phủ từ chối can thiệp.

Đó là các tập đoàn kinh tế nhà nước phụ thuộc vào các khoản bảo trợ từ ngân sách nhà nước rút ra từ khối dự trữ ngoại hối, đồng thời cũng phụ thuộc vào các bí quyết công nghệ trong chuỗi giá trị toàn cầu. 

Không có nhiều sản phẩm công nghệ cao xuất xưởng của Trung Quốc là một sản phẩm nội địa trọn vẹn mà nó là sự hợp thành của rất nhiều thành tố bên ngoài, từ các giấy phép sở hữu trí tuệ đến nguyên liệu đầu vào, những chi tiết lắp ráp từ các nhà máy bên ngoài, kể cả ở Mỹ. 

Bằng việc siết chặt chu trình chuyển giao công nghệ, các sản phẩm này của Trung Quốc, dù sớm hay muộn, cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều và hậu quả đương nhiên là sẽ đội giá thành, chưa kể chất lượng sẽ giảm sút...

Khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào những “ngôi làng Potemkin” đó thì việc các doanh nghiệp ở cả hai khu vực công và tư yếu kém sẽ khiến cho các đòn thế chiến tranh thương mại và công nghệ của Mỹ phát huy tối đa tác dụng.

Đó chính là điểm yếu chết người của Trung Quốc trong trò chơi “tổng bằng 0”.

Những quân bài trong tay áo

Trung Quốc có thể đã phán đoán sai lầm về quyết tâm của Tổng thống Donald Trump cũng như  hy vọng quá nhiều vào sự bất đồng giữa 2 đảng chính trị ở Mỹ đối với cuộc chiến thương mại (thực tế là nhiều thành viên đảng Dân chủ đã ủng hộ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc), thế nhưng Bắc Kinh vẫn có những quân bài giấu trong tay áo dành cho cuộc chiến này.

Tất nhiên, Trung Quốc không thể áp thuế lên một lượng hàng hóa tương đương của Mỹ, đơn giản bởi vì số lượng hàng Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu thấp hơn nhiều so với chiều ngược lại.

Bởi thế, Trung Quốc tìm ra những phương thức khác để chiến với Mỹ.

Bất chấp những điểm dễ bị tổn thương trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn có một số lợi thế. Việc giá trị đồng nhân dân tệ yếu đi trong khi đồng dollar Mỹ mạnh lên khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, bù lại phần thuế bị Mỹ áp giá và như thế, tiếp tục duy trì ưu thế cạnh tranh về giá.

Mặt khác, Trung Quốc đã điều chỉnh cơ cấu kinh tế để phụ thuộc vào xuất khẩu ít hơn so với trước kia. Hiện tại, xuất khẩu sang Mỹ chỉ còn chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. 

Hơn thế nữa, vì phần lớn giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc lại được lắp ráp từ các linh kiện chế tạo ở nơi khác chứ không phải ở chính Trung Quốc nên đòn áp thuế của Mỹ sẽ chỉ có tác dụng yếu đối với khoản đầu tư của Trung Quốc.

Và mặc dù đã có những bước suy giảm đáng kể nhưng nguồn lao động dồi dào, sơ sở hạ tầng dành cho chế tạo và xuất khẩu tiên tiến cùng với quy mô thị trường khổng lồ của Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các công ty nước ngoài, hạn chế khả năng các công ty này rời khỏi thị trường Trung Quốc để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ hơn cũng như quyền tiếp cận lớn hơn với thị trường Mỹ.

Mà rất có khả năng là nếu có chuyển khỏi Trung Quốc do bị áp thuế thì các doanh nghiệp này cũng không chuyển sản xuất về Mỹ mà thay vào đó, sẽ chuyển sang các thị trường khác ở châu Á, đặc biệt là khu vực ASEAN, nơi có chi phí lao động thấp hơn nhiều so với ở Mỹ.

Tầm quan trọng của sự khác biệt cơ cấu xã hội

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, có một yếu tố đặc biệt quan trọng: thời gian. 

Nói cho chính xác thì cuộc chiến này chính là nhằm chống lại thời gian, khi mà bất chấp những phí tổn đáng kể cho cả hai bên, bên nào trụ vững được lâu hơn sẽ được coi là chiến thắng.

Khi quyết định khai chiến, ông Trump cùng ê-kíp của mình tin rằng với tiềm lực kinh tế hùng hậu, nước Mỹ có thể chịu đựng được những tổn thất do cuộc chiến này gây ra.

Đồng thời bằng việc (nếu) ngăn cản (thành công) sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, sẽ loại bỏ một trong những nguy cơ (an ninh) lớn nhất đối với nước Mỹ, là Trung Quốc soán ngôi Mỹ để trở thành cường quốc công nghệ số 1 thế giới.

Trong khi đó thì người Trung Quốc, với bản tính kiên nhẫn, tin rằng thời gian là đồng minh chủ chốt của mình. Nếu ông Trump giữ lời hứa áp đặt thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (lên đến 500 tỷ USD), sẽ không thể giấu nổi các cử tri Mỹ cú sốc tăng giá hàng nhập khẩu và như thế, trực tiếp gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ.

Do cơ cấu xã hội khác biệt căn bản, ở Trung Quốc, việc phải mua hàng hóa với giá đắt đỏ hơn là do “âm mưu của bọn tư bản” và là thước đo lòng yêu nước; ở Mỹ, đó là lỗi của các chính trị gia! 

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang tới rất gần và nếu đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội, đó sẽ là bước ngoặt khiến cuộc chiến thương mại khốc liệt với Trung Quốc không biết sẽ đi về đâu.

Yên Ba
.
.
.