Nam Á đau thương giữa cuộc chơi của những ông lớn
- Từ sự ngã ngựa bất ngờ của những "ông lớn" châu Âu: Giống như sàn chứng khoán
- "Ngõ hẹp" cho những ông lớn
Trong khi đó, cục diện an ninh ở Nam Á cũng chứng kiến nhiều biến động trong bối cảnh Mỹ và Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ thương mại và quốc phòng còn Trung Quốc và Pakistan lại toan tính thiết lập liên minh.
Theo giới quan sát, mối quan hệ "ấm lên" giữa Ấn Độ và Mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Islamabad, đồng thời trở thành đối trọng chống lại sự quyết đoán về quân sự và chiến lược ngày càng hung hãn của Bắc Kinh.
Chưa hết, tình hình ngày càng trở nên phức tạp khi Nga cũng "vào cuộc chơi" bằng quyết định đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với cả Ấn Độ và Pakistan để xây dựng thế cân bằng chiến lược của Nga ở Nam Á.
Mảnh đất đau thương
Afghanistan và Pakistan được giới quan sát gọi là mảnh đất nhiều đau thương sau những cuộc chiến kéo dài dai dẳng, và giờ đây lại phải chịu sự tàn phá bởi sự cạnh tranh của các phe phái, sắc tộc khủng bố và cực đoan mới.
Ngoài các lực lượng cực đoan và khủng bố hoạt động lâu năm như Taliban và al-Qaeda, Afghanistan và Pakistan còn trở thành địa bàn mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đến từ Iraq và Syria. IS đang ồ ạt chuyển quân sang hai nước này để phân chia lại lực lượng và mở rộng hoạt động.
Bạo lực leo thang và những bất đồng trong quan hệ song phương biến Afghanistan và Pakistan trở thành những mảnh đất nhiều đau thương. |
Sự mất an ninh và ổn định đã làm mất nhiều cơ hội phát triển của hai nước và làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn vốn đã phức tạp trong lòng xã hội.
Ở vào thời điểm hiện tại, Afghanistan đang chìm trong những ngày bạo lực kinh hoàng, với hàng loạt vụ tiến công khủng bố đẫm máu diễn ra hằng ngày, không chỉ nhằm các cơ sở dân sự, mà còn nhắm vào những địa điểm đông dân cư ngay ở trung tâm thủ đô Kabul và hàng loạt cơ sở quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt.
Phiến quân Taliban liên tiếp thực hiện những vụ tấn công liều chết vào một trong những khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở thủ đô Kabul khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. Tình hình an ninh càng trở nên đáng lo ngại khi các lực lượng chống đối tiếp tục vận chuyển hàng nghìn kg chất nổ tập kết ở Kabul hòng thực hiện âm mưu khủng bố chết chóc.
Tại quốc gia láng giềng Pakistan, tình trạng xung đột và bạo lực cũng leo thang nguy hiểm. Các tay súng Hồi giáo cực đoan và các phần tử ly khai đẩy mạnh hoạt động chống phá. Giao tranh tại các điểm nóng xung đột do lực lượng Taliban ở Pakistan tiến hành đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người.
Trong đó, nhiều vụ nhằm vào lực lượng an ninh hoặc các cơ sở được canh phòng cẩn mật. Các vụ tấn công do mâu thuẫn sắc tộc cũng trở nên gay gắt, chủ yếu liên quan cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số tại tỉnh Balochistan giáp với Iran và Afghanistan, trở thành thách thức lớn đối với các lực lượng an ninh Pakistan.
Trong khi đó, quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan trở nên "bấp bênh" trong vài tháng qua khi hai bên cáo buộc nhau hành động chưa đủ đối với một số nhóm phiến quân trên lãnh thổ của mình.
Truyền thông Afghanistan đưa tin Tổng thống Ashraf Ghani cử hai phái viên trên tới Islamabad để trao những tài liệu là bằng chứng cho thấy các tổ chức và cá nhân bị cáo buộc có căn cứ ở Pakistan liên quan tới tình trạng bạo lực gần đây ở Kabul.
Trước tình hình này, nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra về tất cả các vấn đề, bao gồm chống khủng bố, hòa bình và hòa giải, cũng như hồi hương người tị nạn khi mà nguy cơ căng thẳng giữa hai nước láng giềng gia tăng sau một loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Kabul của Afghanistan.
Quan hệ phức tạp
Vòng xoáy bạo lực tại Afghanistan và Pakistan còn "phủ bóng đen" lên chiến lược mới của Mỹ ở Nam Á. Nhận thấy khó có thể đơn thuần sử dụng biện pháp quân sự để gia tăng uy lực, Mỹ đang dần chuyển sang tìm kiếm đồng minh ở Nam Á, mà mục tiêu quan trọng trước hết là Ấn Độ.
Washington muốn định hình và phát triển quan hệ đối tác thế kỷ 21 với New Delhi, đồng thời sẽ giúp New Delhi gia tăng uy lực ở khu vực Nam Á.
Hiện nay, Mỹ đang tích cực ủng hộ Ấn Độ gia nhập Nhóm các Nhà cung cấp Nguyên tử (NSG) - đề xướng vấp phải sự phản đối của hai đối thủ truyền kiếp của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan. Trong khi đó, quan hệ hợp tác quân sự giữa Ấn Độ và Mỹ còn có thể được đẩy mạnh vì Ấn Độ muốn hợp tác với Mỹ để chế tạo vũ khí tối tân hơn.
Nga "ngầm" tuyên bố sẽ trực tiếp cạnh tranh với các cường quốc trong việc gây ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
Việc Mỹ coi Ấn Độ là một đồng minh đáng tin cậy của mình ở khu vực Nam Á là điều dễ hiểu. Chia sẻ các giá trị dân chủ và những lợi ích chung trong các lĩnh vực khác ngoài quốc phòng là những yếu tố chính thúc đẩy quan hệ Ấn - Mỹ.
Ngoài ra, xuất hiện điểm hội tụ giữa hai nước liên quan đến chính sách Tái cân bằng của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương và chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ, từ đây hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn nữa.
Việc Ấn - Mỹ "xích lại gần nhau" khiến Pakistan thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ bấy lâu của mình là Trung Quốc.
Bắc Kinh đang triển khai mở rộng quan hệ hợp tác thương mại và quân sự với Islamabad đồng thời theo dõi sát sao tiến triển quan hệ New Delhi - Washington.
Pakistan biết rằng Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường quốc trong mười năm tới. Islamabad đang xích lại gần hơn với Bắc Kinh và liên minh với Washington từng bước, chậm rãi tụt hậu.
Chưa hết, quan hệ Ấn Độ - Pakistan đang ở giai đoạn tồi tệ khi hai nước láng giềng buộc tội lẫn nhau bảo trợ cho khủng bố. Ngoài ra, xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm tình hình an ninh ở Nam Á ngày càng xấu đi và có thể khơi mào cho những đợt xung đột mới trước khi nhấn khu vực này vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn.
Việc Mỹ - Ấn xích lại gần nhau và có nhiều thỏa thuận an ninh sẽ có tác động đến Pakistan, khiến Islamabad có cơ sở để lo ngại. Giới quan sát nhận định, Pakistan có thể không cần phải hành động vì các lợi ích của Mỹ ở Afghanistan bởi vì các chiến lược mới nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc cũng khiến Pakistan phải "chịu trận".
Hiện nay, Kabul ngày càng tỏ ra thân thiện hơn với New Delhi, trong khi Islamabad tiếp tục ủng hộ Taliban. Pakistan muốn thay đổi cục diện này và đưa Afghanistan một lần nữa quay trở lại "sân sau chính trị" của mình.
Chiến lược cân bằng
Sự phức tạp trong tình hình địa chính trị ở Nam Á ngày càng gia tăng khi Nga đang có nhiều động thái quan trọng nhằm khẳng định chiến lược cân bằng ở khu vực này.
Có thể nói, quyết định của Nga về tăng cường mối quan hệ đối tác mật thiết đồng thời với cả Ấn Độ và Pakistan sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tham vọng địa chính trị của Điện Kremlin, là cách mà Moscow tranh thủ sự ủng hộ của New Delhi lẫn Islamabad nhằm ngăn chặn bất ổn ở Trung Á và Afghanistan.
Mỹ coi Ấn Độ là một đồng minh đáng tin cậy của mình ở khu vực Nam Á. |
Đồng thời, Nga "ngầm" tuyên bố sẽ trực tiếp cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh các chính trị gia Ấn Độ xem sự ủng hộ của Pakistan đối với khủng bố như là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của khu vực, và các phương tiện truyền thông Pakistan tố chính Ấn Độ đã khiến chủ nghĩa cực đoan gia tăng, Nga vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với cả hai nước bằng cách tránh không xem họ là "nguồn cơn" gây bất ổn ở Nam Á.
Nga xử lý mối đe dọa khủng bố ở Nam Á bằng cách liên kết song phương với Ấn Độ và Pakistan. Tại Ấn Độ, Nga tập trung vào việc thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ nhằm ngăn chặn dòng chảy các phần tử cực đoan Hồi giáo, cũng như ca ngợi chính sách chống khủng bố của New Delhi.
Dù sự ủng hộ của Nga đối với Ấn Độ có nguy cơ gây tổn hại đến mối quan hệ song phương với Pakistan, Moscow đã làm giảm bớt quan ngại của Islamabad bằng cách xem Pakistan như một đối tác chống khủng bố ở Afghanistan cũng như cầu nối ngoại giao trong các cuộc đàm phán hòa bình, khiến Pakistan hết lòng ủng hộ việc mở rộng sự hiện diện ngoại giao của Nga tại Afghanistan.
Ngoài ra, Nga còn nỗ lực làm giảm căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan vốn leo thang đáng kể hồi năm 2016, cũng như ủng hộ các cuộc đối thoại song phương giữa New Delhi và Islamabad.
Giới quan sát cho rằng, nếu vai trò ngoại giao của Mỹ có thể giúp giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan thì Điện Kremlin có thể mở rộng vai trò của Moscow đến thị trường quân sự mới đánh dấu vị trí quyền lực lớn mạnh của Nga trên trường quốc tế và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Có thể thấy, cuộc cạnh tranh địa - chiến lược giữa các nước lớn tại Nam Á có tác động mạnh mẽ đến khu vực này. Tuy nhiên, các động thái quan hệ mang tính cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước khiến môi trường khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Sự cọ xát lợi ích giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, gay gắt hơn, đặt các nước Nam Á trước không ít thách thức trong việc tranh thủ hợp tác, hạn chế tác động tiêu cực, để không bị lôi cuốn hoặc trở thành "con bài" trao đổi giữa các nước lớn, khiến môi trường an ninh khu vực trở nên căng thẳng và nguy cơ mất ổn định là không loại trừ...