Những tiền nhân lạc thời

Bài 3: Nguyễn Trường Tộ: “Một kiếp sa chân muôn kiếp hận”

Thứ Năm, 26/07/2018, 10:58
Trong bài Minh Mạng, bậc minh quân lỡ làng ở số báo trước, chúng ta đã nói đến sự trì trệ của tư tưởng Nho gia trong vấn đề coi trọng nông nghiệp mà hạ thấp thương nghiệp, qua đó khiến một hoàng đế vừa có tài  năng lại vừa có tham vọng như Minh Mạng đi ngược với sự vận động của nhân loại trong thế kỷ 19. 

Nhưng còn một điểm thứ hai nữa của Nho gia, đấy chính là đã tạo nên một tầng lớp trí thức lạc hậu chỉ giỏi thơ phú mà xa lạ với kỹ nghệ, vật lý, khoa học tự nhiên. 

“Cây nào thì quả đó”, việc sinh ra một tầng lớp quan lại khép mình với thế giới, chỉ nói với nhau các chuyện Nghiêu, Thuấn trong một giai đoạn Pháp, Mỹ, Anh đang đến ngoài khơi đã đẩy đất nước vào thế tù đày của tư duy. Nhưng trong đêm tối tù đày ấy bỗng hiện ra ánh điện, dù lập lòe, dù sớm tắt nhưng vẫn còn cháy mãi đến ngày sau: danh sĩ Nguyễn Trường Tộ.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 tại Hưng Nguyên, Nghệ An. Trưởng thành trong một gia đình Công giáo đã giúp Nguyễn Trường Tộ có cơ hội được tiếp xúc với giáo dục phương Tây qua những vị giám mục người Pháp dạy dỗ ông từ nhỏ.

Bên cạnh đó, ông lại học chữ Hán với các vị tú tài ở trong làng. Sự dung hòa này giúp ông vừa có vốn hiểu biết về Nho gia, vừa hiểu biết về Tây học. Tức là một sự kết hợp của cả Khổng giáo lẫn Kito giáo ở trong một con người. 

Chính điều đó đã giúp ông về sau, khi nhận định các vấn đề ở thời đại Tự Đức một cách minh bạch nhất: có tinh thần của kẻ sĩ Nho học vì dân, vì nước, lại có tinh thần đổi mới và coi trọng tự do của người theo đạo Chúa. 

Năm 1859, Nguyễn Trường Tộ có dịp tháp tùng các linh mục Pháp sang các nước châu Âu như Italia, Pháp. Tại những quốc gia đó, ông đã nhìn thấy những chiếc đèn không cần thắp dầu vẫn sáng, những chiếc xe chạy mà không cần con bò, con ngựa kéo đi, và tận mắt so sánh được khoảng cách của đất nước mà mình sinh ra lớn lên, với chính những vùng đất xa xôi nhưng văn minh mà người dân Việt Nam ngày đó không hề biết đến. 

Ông cũng có dịp tới Hong Kong, Quảng Châu, để có thể so sánh được với sự phồn vinh của những thương cảng châu Á khi có sự xuất hiện của giao thương phương Tây, với chính Việt Nam khi “bế quan tỏa cảng”. 

Trở về nước, vị trí của Nguyễn Trường Tộ là “cây cầu” nối giữa Pháp với triều đình Tự Đức. Những ngày tháng đó, Nguyễn Trường Tộ chính là nhà ngoại giao, là người thông ngôn giữa hai phía. 

Với vị thế đứng giữa đó, Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất một phương án ngoại giao cực kỳ khéo léo cho Tự Đức gồm 2 bước: đầu tiên là nghị hòa với thực dân Pháp, sau đó là hợp tác với tất cả các nước Tây phương ngoài Pháp để quân bình ảnh hưởng của nước này đối với nước kia, qua đó lợi dụng sự kình địch quốc tế mà giữ được nền độc lập. 

Cho đến bây giờ, chúng ta đã biết rằng, đó chính là tư tưởng đúng, cũng chính là “cách chơi” của nước nhỏ với các nước lớn. Nhưng ngày ấy, Tự Đức đã không nghe ông và đất nước đã bị Pháp “nuốt” từ từ.

Một lớp học chữ Nho vào khoảng năm 1895. Ảnh: T.L.

Từ năm 1863 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ gửi không dưới 15 bản điều trần lên triều đình để yêu cầu cải tổ và canh tân đất nước. 

Riêng đầu tháng 5 năm 1863, Nguyễn Trường Tộ gửi 3 bản điều trần lên Triều đình Huế là: Tế cấp luận, Giáo môn luận và Thiên hạ phân hợp đại thế luận. 

Có những cải tổ ông viết từ thế kỷ 19, mà thế kỷ 21 chúng ta vẫn đang làm, đơn cử như “giảm số công chức và tăng lương để tránh nạn tham nhũng” hay “in báo, dịch sách của châu Âu và đưa sinh viên ra nước ngoài đào tạo”, “lập chế độ bảo hộ mậu dịch để tạo thuận lợi cho việc kỹ nghệ hóa”... 

Trước sau như một, ông luôn kêu gọi đất nước phải tự lực tự cường, phải đổi thay nội tại, rồi hướng về đối ngoại ở vị thế cao hơn. Ông mang một tư tưởng vượt thời đại, là một tiền nhân lạc thời khá xa của thế kỷ 19.

Trong di thảo số 27, ông viết những câu như dốc từng gan ruột để cảnh tỉnh lớp sĩ phu trong triều: “Phàm kẻ trong thiên hạ là người không phải không có lầm lạc ban đầu, mà là người biết thay đổi hành động, biết sửa điều sai thành đúng đắn, không xấu hổ vì phải sửa đổi cái cũ, mà xấu hổ vì không làm được điều gì mới, không nhìn lui dĩ vãng mà chuyên mưu việc tương lai, không nghĩ đến bảo toàn tên tuổi riêng mình mà lo lợi ích chung cho đất nước, thế mới gọi là trí...”. 

Những điều mà Nguyễn Trường Tộ làm đã đánh động ít nhiều suy nghĩ của Tự Đức, nhà vua đã điều ông đi sứ ở Pháp quốc vào năm 1866, sau đó cử ông chủ nhiệm dự án khai thác mỏ. 

Nhưng khi mà dấu hiệu về sự cải tổ vừa nhen nhóm, như báo hiệu một bình minh mới thì đã bị dập tắt chỉ sau đó một năm. Những biến động ở trên chiến trường với Pháp đã khiến hành trình của ông bị gián đoạn, và quan trọng hơn, đấy là lúc tầng lớp văn thân bảo thủ theo tư tưởng 

Khổng giáo trong triều đình lên tiếng, đẩy Tự Đức đang vào thế từ sự do dự đi tới sự bác bỏ các canh tân của Nguyễn Trường Tộ.

Thế kỷ 19 ở Việt Nam, các nhà Nho vẫn xem Tây Âu là kẻ thù, họ giương cao ngọn cờ “diệt Công giáo”, cứu nguy cho nhà nước. Tầng lớp văn thân đã đi lên đỉnh cao quyền lực bằng Tứ thư, Ngũ kinh... làm sao có thể thay đổi và thích ứng được với thiên văn học hay địa lý, thuế khóa, tài chính mà Nguyễn Trường Tộ đưa ra? 

Chưa kể, những vị đại thần quan trọng trong triều đại Tự Đức như Trương Đăng Quế hay Nguyễn Tri Phương đều thấm nhuần sâu sắc học thuyết Nho giáo, có sự gắn bó về quyền lợi của bản thân với sự ổn định trong chế độ quân chủ cùng các nguyên tắc Nho giáo làm nền móng trong hệ tư tưởng phong kiến, còn vua Tự Đức lại không phải là người quyết đoán với tầm nhìn xa.

Những yếu tố đó kết hợp lại đã khiến các cải cách của Nguyễn Trường Tộ không thể thực hiện được.

Ở một góc độ nào đó, những cải cách của Nguyễn Trường Tộ cũng có sự hạn chế là không đánh giá được đúng mức sự xáo trộn xã hội, vấn đề về tiền bạc, tài chính cho các cải cách này, hay sự thiếu thỏa thuận trong khuôn khổ với chính những vị đại thần theo Khổng giáo có tiếng nói trong triều. Tuy nhiên, nó chỉ là cái hạn chế nhỏ so với tầm nhìn chật hẹp nhưng kiêu ngạo của tầng lớp sĩ phu ngại thay đổi. 

Bởi cùng thời đại với ông lúc đó, bên Nhật Bản, một người đàn ông chỉ sinh sau Nguyễn Trường Tộ 5 năm, khi đưa ra các tham luận về canh tân đất nước thì đã được sử dụng, đó là Fukuzawa Yukichi - kiến trúc sư cho sự đổi mới nước Nhật thời Duy Tân Minh Trị. Than ôi, Việt Nam cũng có một Fukuzawa Yukichi chứ sao không? Chỉ là chúng ta đã không sử dụng mà thôi!

Nguyễn Trường Tộ không chỉ là nhà ngoại giao nhìn thấu vấn đề thời đại mà ông còn là kiến trúc sư, nhà kinh tế, nhà văn hóa, nhà khoa học kỹ thuật... 

Tu viện Saint Paul mang phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, do kiến trúc sư Nguyễn Trường Tộ thiết kế.

Nếu có dịp đến TP HCM và đi ngang tòa tu viện Saint Paul ở số 4 Tôn Đức Thắng, quận 1, chúng ta sẽ thấy một công trình mang phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với những bức trang trí công phu còn tồn tại đến tận hôm nay.

Công trình ấy do kiến trúc sư Nguyễn Trường Tộ thiết kế, dấu ấn cuối cùng còn sót lại của ông. Tháng 7 năm 1864, Nguyễn Trường Tộ bị tai nạn té gãy vùng xương chậu trong khi xem xây cất giáo đường. Vậy nhưng, “Dù thân có bị liệt, nằm lưng xuống dưới, ta vẫn phải có bổn phận viết thư gửi đức vua...”. 

Thư của ông vẫn đều đặn gửi lên vua Tự Đức với ước vọng phò vua, giúp dân. Những năm cuối đời, trên giường bệnh, lòng ông vẫn ngóng đợi hai tiếng cải cách. Bài thơ ông viết có câu:

“Mặt trời cho dẫu không soi đến
Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ”.

Ngày 22 tháng 11 năm 1871, Nguyễn Trường Tộ qua đời ở tuổi 43. Hôm nay, gọi tên ông, không đơn thuần chỉ là những điều tiếc nuối, mà đó còn là sự kính trọng, khâm phục về một lòng yêu nước nồng nàn nhưng cực kỳ sáng suốt.

Thương cho một bộ óc đi trước thời đại đã tuyệt vọng trong mộng cải cách đất nước, hệt như 2 câu thơ cuối cùng mà ông viết trước ngày nhắm mắt:

“Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận
Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm...”.

Dũng Phan
.
.
.