Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong ứng phó những thách thức toàn cầu

Thứ Năm, 16/09/2021, 07:12

Dịch COVID-19 bùng phát đã đẩy thế giới vào giai đoạn khó khăn nhất từ sau Thế chiến II, đặt ra yêu cầu bức thiết của việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong ứng phó những thách thức chung toàn cầu. Đây cũng là chủ đề chính được nêu lên tại phiên khai mạc Khóa 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ).

 

Đại hội đồng LHQ, cơ quan duy nhất có sự góp mặt của tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ, đã tiến hành phiên họp bế mạc Khóa 75 và khai mạc Khóa 76 vào ngày 14/9 (giờ New York, Mỹ). Đây là sự kiện mở màn chuỗi hoạt động quan trọng trong khuôn khổ kì họp Khóa 76, bao gồm tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, dự kiến diễn ra đến hết ngày 30/9 tới tại trụ sở LHQ ở thành phố New York.

100620lhq-16016132469771726361461.jpg -0
Cờ các nước thành viên LHQ tung bay bên ngoài trụ sở ở New York. Ảnh: Getty Images

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Khóa 76 Đại hội đồng LHQ, ông Abdulla Shahid, Bộ trưởng Ngoại giao Maldives, nhận định, thế giới đã vừa trải qua "một năm bi thảm với đầy thử thách".

Tuy nhiên, theo ông Shahid, "chúng ta có thể viết một chương mới" thông qua tăng cường hợp tác đa phương. Ông liệt kê 5 lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình nghị sự Khóa 76, trong đó nổi bật nhất là ưu tiên thúc đẩy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. "Tình hình phải thay đổi và chúng ta phải là người khởi xướng sự thay đổi đó. Đại hội đồng cần đóng một vai trò trong việc này", ông Shahid nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi thế giới nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh, trong Khóa 75, Đại hội đồng LHQ đã có nhiều nỗ lực "củng cố hệ thống y tế, cung cấp thiết bị xét nghiệm, điều trị và đóng góp vào chiến dịch tiêm chủng tham vọng nhất trong lịch sử", nhưng tình trạng thiếu công bằng đã xảy ra, khi hàng triệu người dân tại các quốc gia nghèo khó chưa thể tiếp cận nguồn vaccine ngừa COVID-19.

Người đứng đầu cơ quan LHQ đề nghị các chính phủ nỗ lực chấm dứt chia rẽ, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Ông đề cập đến việc còn nhiều trẻ em còn chưa có cơ hội đến trường, chưa được phát triển kỹ năng để có được cuộc sống tốt hơn trong tương lai bởi rào cản đói nghèo hoặc bất bình đẳng giới.

Theo ông, những thách thức nêu trên mà thế giới đang đối mặt là hoàn toàn có thể hóa giải nếu các nước thành viên LHQ cùng đoàn kết hợp tác trên tinh thần của chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra, ông mong muốn các nước giữ cam kết với mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, dự kiến được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vào tháng 11/2021.

Tổng Thư ký LHQ cũng chỉ ra rằng, tư tưởng muốn thống trị về chính trị là nguyên nhân gây ra bất ổn xã hội, gây mất lòng tin, là nguyên nhân gây ra khủng bố và các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Ông một lần nữa đề nghị các quốc gia chung tay chấm dứt chiến tranh. "Chiến tranh trên hành tinh của chúng ta phải kết thúc…

Những thách thức và tình trạng chia rẽ ấy không phải sức mạnh của tự nhiên, chúng hoàn toàn do con người tạo ra", ông Guterres phát biểu. "Các thành viên của Đại hội đồng hãy chung tiếng nói: chúng ta cần hòa bình ngay bây giờ".

Sau phiên khai mạc Khóa 76, Đại hội đồng LHQ sẽ tiến hành nhiều cuộc thảo luận về các chủ đề xoay quanh các vấn đề an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người…

Theo lịch trình, tuần lễ cấp cao với Phiên thảo luận toàn thể Khóa 76, sự kiện được mong chờ nhất, sẽ bắt đầu từ ngày 21/9 tới. Thay cho không khí im ắng và những bài phát biểu qua video như năm ngoái, Phiên thảo luận toàn thể Đại hội đồng LHQ năm nay được dự báo sẽ diễn ra sôi động, với sự xuất hiện trực tiếp của ít nhất 109 nhà lãnh đạo thế giới.

Đây sẽ là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo, các quốc gia thành viên đề đạt những sáng kiến nổi bật nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế cùng ứng phó thách thức chung như COVID-19, ngăn ngừa chiến tranh, củng cố hòa bình và đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài các nội dung trong chương trình nghị sự của kì họp, sự có mặt của các nhà lãnh đạo thế giới tại New York sẽ mở đường cho hàng trăm cuộc tiếp xúc, gặp gỡ bên lề để cùng nhau tháo gỡ những khúc mắc và cải thiện hợp tác.

Nhân dịp này, tờ Washington Post ngày 14/9 dẫn thông báo của Nhà Trắng tiết lộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế riêng biệt, tập trung vào ứng phó COVID-19 và các vấn đề tiêm chủng toàn cầu vào ngày 22/9 tới. Bên cạnh đó, theo Reuters, giới chức Anh và Mỹ mới đây đã xác nhận Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ hội đàm song phương với Tổng thống Biden nhân dịp công du tới Mỹ.

Cũng trong tuần tới, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Joe Biden sẽ gặp mặt trực tiếp trong khuôn khổ "Bộ Tứ kim cương" để thảo luận về tình hình ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Thiện Minh
.
.
.