Thế giới tưng bừng đón chào năm mới 2023

Chủ Nhật, 01/01/2023, 06:49

Đêm 31/12/2022, hơn 8 tỷ người dân ở khắp nơi trên thế giới tưng bừng chào đón năm mới 2023 và vẫy chào tạm biệt 12 tháng đầy biến động của năm 2022. Hoạt động đón chào năm mới ở mỗi nước mỗi khác, nhưng tựu chung lại tất cả đều là dịp để mọi người nhìn lại một năm cũ đã qua, tạm gác lại âu lo, muộn phiền của năm cũ và hướng tới năm mới với những kỳ vọng tốt đẹp hơn.

Đêm 31/12/2022, lễ hội đón năm mới 2023 đã diễn ra tại các khu vực trên thế giới. Đây là năm đầu tiên sau khi các nước dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng, chống đại dịch COVID-19. Vì vậy, chính quyền nhiều địa phương, các nhà tổ chức tại nhiều nước đã đưa ra các ý tưởng và chương trình chào đón năm mới hoành tráng.

Sydney là một trong những thành phố lớn đầu tiên đổ chuông đón năm mới 2023, khẳng định lại vị thế là “thủ đô đón giao thừa của thế giới” sau 2 năm Australia áp dụng các biện pháp hạn chế để chống dịch.

nammoi2023.jpg -0
Đường phố được trang hoàng chào đón năm mới tại Moscow, Nga.

Biên giới của Australia hiện đã mở cửa trở lại và hơn 1 triệu người đã xếp hàng tại bến cảng lấp lánh của Sydney để chiêm ngưỡng khung cảnh 100.000 quả pháo hoa thắp sáng bầu trời phía Nam. Trưa 31/12/2022, hàng trăm người háo hức vui chơi đã giành được những vị trí thuận lợi nhất để chào đón năm 2023 thật hoành tráng. Hòa cùng đám đông đứng đợi lễ giao thừa dưới cái nắng mùa hè oi ả gần Nhà hát Opera Sydney, anh David Hugh chia sẻ: “Đó là một năm khá tốt đối với chúng tôi. Vượt qua COVID-19 tất nhiên là điều tuyệt vời. Tôi cũng mong chờ tương lai”.

Chính quyền TP Sydney ước tính sẽ có thêm gần nửa tỷ lượt người theo dõi các lễ hội trực tuyến hoặc trên truyền hình. Suốt tuần qua, các chuyên gia tại Công ty Foti Fireworks - đơn vị đảm nhiệm tổ chức chương trình bắn pháo hoa - đã làm việc từ 10 đến 12h/ngày để sẵn sàng cho “bữa tiệc” ánh sáng mang tính biểu tượng của “xứ sở Kangaroo”. Ông Fortunato Foti, Giám đốc sáng tạo Foti Fireworks chia sẻ: “Đối với chúng tôi, việc có thể giúp mọi người xích lại gần nhau đón chào năm mới với niềm lạc quan và niềm vui mới là một thành công”.

Trong khi đó, tại Mỹ, thời tiết giá lạnh khắc nghiệt do ảnh hưởng của bão tuyết có lẽ cũng không thể ngăn được sự háo hức của người dân. Nhiều người dân TP New York vẫn đổ về Quảng trường Thời đại để xem các bước chuẩn bị cuối cùng cho sự kiện đếm ngược chào năm 2023.

Không có màn bắn pháo hoa như ở Sydney, song không khí đón năm mới tại Quảng trường Thời đại không kém phần sôi động và rực rỡ. Một “bức tường nguyện ước” đã được dựng lên để người dân và du khách khắp nơi có thể đính lên những tờ giấy màu sắc ghi những điều mong ước của mình. Đến hết ngày 29/12/2022, hàng vạn mảnh giấy nhỏ này đã được thu lại để thả trên quảng trường thay cho pháo hoa trong thời khắc giao thừa.

Ông Tom Harris, người đứng đầu Liên minh Quảng trường Thời đại, cho biết: “Năm mới mang đến cho mọi người cơ hội để suy ngẫm, đồng thời nhìn về phía trước bằng cách xác định mục tiêu và ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn. Những người trực tiếp đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại và tất cả khán giả xem TV có thể bắt đầu một năm mới với hy vọng và niềm vui khi xem hoa giấy rơi từ trên trời xuống, mang theo những ước nguyện an lành, hạnh phúc”.

Ngoài thả hoa giấy, chương trình thả quả cầu pha lê vào đúng 0h00 ngày 1/1/2023 cũng là hoạt động truyền thống không thể thiếu trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tại Quảng trường Thời đại. Ba ngày trước, những mảnh ghép pha lê hình tam giác cuối cùng đang được gấp rút hoàn tất. Năm nay, 192 trong số 2.688 mảnh ghép tam giác trên quả cầu đã được thay thế bởi những viên pha lê.

Đây được xem như “Món quà yêu thương” cho năm 2023. Ông Tom Brennan - nghệ nhân bậc thầy về pha lê chia sẻ: “Người dân đều cần món quà là tình yêu sau khi trải qua 2 năm đại dịch COVID-19 khủng khiếp. Chúng ta đã vượt qua đại dịch với tình yêu lan tỏa, thế giới cần tình yêu và quả cầu pha lê biểu trưng cho điều đó”.

Tại châu Á, do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh, giới chức Nhật Bản đã thắt chặt một số quy định để giảm thiểu các hoạt động tập trung đông người. Tại Thủ đô Tokyo, sự kiện đếm ngược vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới ở nhà ga Shibuya đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, nghi lễ rung chuông tại các đền thờ vẫn sẽ được tổ chức.

Trong đêm giao thừa, các nhà thờ đồng loạt rung chuông 108 lần để tượng trưng cho việc tẩy sạch 108 ham muốn, lo lắng và một khởi đầu mới cho năm mới. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chính quyền TP Seoul đã quyết định tổ chức Lễ đánh chuông và lễ hội chào năm mới 2023 quy mô lớn với sự tham gia của khoảng 100.000 người vào đêm 31/12/2022.

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc nối lại hoạt động đông người này sau 3 năm đình chỉ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Để đảm bảo an toàn cho sự kiện, chính quyền TP Seoul đã huy động tối đa lực lượng cùng khoảng 1.000 nhân viên an ninh. Hệ thống phương tiện giao thông công cộng cũng sẽ kéo dài thời gian hoạt động đến 2h sáng 1/1/2023 để hỗ trợ người dân di chuyển.

Cũng ở khu vực châu Á, với các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19 được nới lỏng, người dân Thủ đô Jakarta của Indonesia năm nay có xu hướng lựa chọn những địa điểm đông người để đón mừng năm mới 2023. Các sự kiện cũng được tổ chức hoành tráng với quy mô lớn hơn. Chính quyền TP Jakarta đã đóng cửa 2 tuyến đường chính là Sudirman và Thamrin vào tối 31/12/2022 cho sự kiện “Đêm không ô tô” để đón mừng năm mới 2023.

Có thể thấy, thế giới đã trải qua một năm 2022 đầy khó khăn, với thiên tai, dịch bệnh, thiếu hụt năng lượng, lương thực. Tuy nhiên, gạt đi những muộn phiền của năm cũ, thế giới chào đón năm mới với thật nhiều nhiều kỳ vọng. Điều này cũng đã được chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh trong thông điệp chào đón năm mới, với lời kêu gọi các nước cùng nỗ lực để năm 2023 trở thành năm hòa bình được khôi phục cho mọi người, mọi nhà và cho thế giới. Ông nói: “Mỗi năm mới là một khoảnh khắc của sự tái sinh.

Chúng ta quét sạch đống tro tàn của năm cũ và chuẩn bị cho một ngày mai tươi sáng hơn. Vào năm 2023, chúng ta cần hòa bình hơn bao giờ hết. Hòa bình với nhau, thông qua đối thoại để chấm dứt xung đột. Hòa bình với thiên nhiên và khí hậu của chúng ta, để xây dựng một thế giới bền vững hơn. Bình yên trong mỗi căn nhà, để phụ nữ và trẻ em gái có thể sống trong phẩm giá và sự an toàn.

Hòa bình trên đường phố và trong cộng đồng của chúng ta, với sự bảo vệ đầy đủ của tất cả các quyền con người. Hòa bình ở những nơi thờ cúng của chúng ta, với sự tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Vào năm 2023, chúng ta hãy đặt hòa bình làm trọng tâm trong mọi lời nói và hành động của mình. Cùng nhau, hãy biến năm 2023 thành một năm khi hòa bình được khôi phục lại cuộc sống, ngôi nhà và thế giới của chúng ta”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.