“Sứ mệnh” của BRICS trong năm 2024
Nga đã chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) từ ngày 1/1. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy hợp tác trong khối. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, sự phát triển và mở rộng của BRICS năm nay báo hiệu một kỷ nguyên mới sắp tới, trong đó thế đơn cực có thể sẽ không còn tồn tại.
Những ưu tiên của Nga
Trong tuyên bố đăng trên trang web của Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin lưu ý, nhiệm kỳ của Nga với phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng” sẽ tập trung vào hợp tác tích cực và mang tính xây dựng. Theo ông, Moscow dự định tăng cường quan hệ đối tác trong 3 lĩnh vực chính, bao gồm: Chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, cũng như giao lưu văn hóa và hỗ trợ nhân đạo.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Nga sẽ tập trung tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại giữa các nước thành viên, góp phần triển khai thực tế Chiến lược Đối tác Kinh tế BRICS 2025 cùng Kế hoạch Hành động Hợp tác Đổi mới BRICS 2021-2024. Mục đích là để đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mở rộng hợp tác liên ngân hàng và tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại nội khối”. Ông cũng nêu rõ, các ưu tiên của Moscow bao gồm thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên và xã hội dân sự.
Người đứng đầu Điện Kremlin ca ngợi việc mở rộng BRICS, gọi đó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sức mạnh ngày càng tăng và vai trò của tổ chức này trong các vấn đề quốc tế. Bình luận về sự mở rộng mới nhất của BRICS, ông cho biết Nga có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập hài hòa của những thành viên mới trong mọi lĩnh vực, đồng thời lưu ý rằng khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia chương trình nghị sự của khối dưới hình thức này hay hình thức khác. Theo Tổng thống Vladimir Putin, BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và các quốc gia có cùng quan điểm chia sẻ các nguyên tắc cơ bản của tổ chức này. Những nguyên tắc đó bao gồm “bình đẳng chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển đã chọn, hài hòa lợi ích chung, cởi mở, đồng thuận, khát vọng hình thành trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, theo đuổi các giải pháp hợp tác chung để giải quyết những thách thức hàng đầu hiện nay”. Điều cuối cùng được Tổng thống Vladimir Putin nhắc tới đó là Nga sẽ tập trung tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại giữa các quốc gia thành viên, hương tới việc cùng tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả trước những thách thức, mối đe dọa đối với an ninh, ổn định quốc tế và khu vực.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên BRICS 2024 của Nga, hơn 200 sự kiện ở các cấp độ và loại hình khác nhau sẽ được tổ chức ở nhiều thành phố của nước này, trong đó nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh BRICS dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tới tại Kazan.
Báo hiệu một kỷ nguyên mới
Ngay từ đầu năm 2024. BRICS đã kết nạp thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ethiopia. Giáo sư John Gong, Phó Chủ tịch Nghiên cứu và Chiến lược tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Israel nhận định rằng, có lý do tại sao các thành viên mới gia nhập BRICS và đến nay đã có hơn 20 quốc gia nộp đơn xin gia nhập khối, đó là khát vọng tạo ra một hệ thống thế giới mới. Nói cách khác, hệ thống thế giới hiện hành là không công bằng, không cân bằng và chắc chắn là không mang tính đại diện. Và nguyên nhân sâu xa dẫn đến những thất bại của hệ thống này đều liên quan đến thế giới đơn cực, hay thế giới gần như đơn cực sau Chiến tranh Lạnh. Đơn cực tạo ra quyền bá chủ, và quyền bá chủ không mang đến hòa bình hay thịnh vượng. Giáo sư John Gong nhấn mạnh, vì vậy, sự trỗi dậy của BRICS và sự mở rộng BRICS năm nay báo hiệu một kỷ nguyên mới sắp tới, trong đó thế đơn cực sẽ không còn tồn tại. Nỗ lực của BRICS mở rộng sẽ nhằm tái cơ cấu kiến trúc chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu dựa trên các trụ cột của chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.
BRICS mở rộng và Nam toàn cầu nói chung không tìm cách cải tổ toàn diện hệ thống hiện tại, cũng không theo đuổi cách tiếp cận mang tính đối đầu hoặc mang tính cách mạng chống lại phương Tây để đạt được mục tiêu của mình. Họ vẫn công nhận và tôn trọng nhiều quy tắc và luật pháp quốc tế được phát triển trong bảy thập kỷ qua. Họ muốn một khuôn khổ đa phương để làm việc và hợp tác với phương Tây nhằm sửa đổi dần dần những khuyết điểm của hệ thống hiện tại, nhằm theo đuổi một hệ thống mới trong đó có đa cực, có kiểm tra và cân bằng, và hy vọng có được trạng thái cân bằng hòa bình. Theo nghĩa đó, các nhà lãnh đạo phương Tây không nên nhìn nhận sự trỗi dậy của BRICS qua lăng kính địa chính trị đối kháng mà như một đối tác bình đẳng và tôn trọng. Thế giới đã thay đổi. Nam toàn cầu sẽ không còn chấp nhận những lời rao giảng khoa trương, trịch thượng của phương Tây. Ngày nay, BRICS mở rộng đã đại diện cho gần 50% dân số thế giới và 36% GDP toàn cầu. Đã đến lúc phải suy ngẫm về tình trạng thực sự của thế giới chúng ta đang sống và hành động phù hợp.
Giáo sư John Gong chỉ ra một số cách cụ thể mà BRICS đang phát triển, chủ yếu từ góc độ kinh tế, như một phần để đạt được mục tiêu là xây dựng một trật tự toàn cầu mới. Đầu tiên, phát triển kinh tế là nền tảng. Ngoài việc biến BRICS thành một nền tảng chính trị để ủng hộ lợi ích của Nam toàn cầu trong việc đối phó với phương Tây, Ngân hàng Phát triển của BRICS cần tiếp tục thực hiện các khoản vay dự án, đặc biệt là trong các dự án cơ sở hạ tầng, với tốc độ tăng lên không ngừng theo chính sách và tiêu chuẩn cho vay riêng của riêng mình. Thứ hai, tìm cách tạo thuận lợi cho các dòng chảy thương mại và đầu tư trong khối và với Nam bán cầu nói chung. Thương mại toàn cầu hiện nay đang trải qua quá trình tái định hướng cơ cấu do xung đột ở Ukraine, sự cạnh tranh cường quốc giữa Mỹ với Trung Quốc và các lý do khác. Thương mại Trung-Nga là một ví dụ điển hình; tính đến thời điểm cuối năm 2023 đã tăng 70% so với cùng kỳ năm trước đó. Loại hình thương mại và đầu tư nội khối này đã củng cố nền tảng kinh tế của BRICS, từ đó chuyển thành nền tảng chính trị. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hệ thống tài chính thế giới đang rất cần một số cải cách. Chúng ta đã thấy đủ các quốc gia, công ty và cá nhân phải chịu các biện pháp trừng phạt trong hệ thống tài chính toàn cầu. Phải có một số bước phát triển ban đầu trong BRICS để phá vỡ quyền lực đó, về thương mại tiền tệ, chuyển tiền, cơ chế thanh toán, v.v. Nói tóm lại, sự thống trị của phương Tây trong nền chính trị thế giới trong vài trăm năm qua về cơ bản dựa trên sự thống trị về kinh tế và công nghệ. Để BRICS sắp tới thực sự trở thành một lực lượng đáng tin cậy trong nền chính trị thế giới, tổ chức này cũng cần phải đẩy mạnh các lĩnh vực đó.