Sự đóng góp trách nhiệm, tích cực, chủ động của Việt Nam đối với APEC

Chủ Nhật, 14/11/2021, 09:27

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2021, diễn ra từ ngày 8 – 12/11, ngày 12/11, Hội nghị Cấp cao APEC đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Dưới sự chủ trì của bà Jacinda Ardern, Thủ tướng New Zealand - nước đang giữ cương vị Chủ tịch APEC 2021, hội nghị đã diễn ra tốt đẹp.

Tuần lễ cấp cao APEC lần này diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn, có thể nói là khó khăn nhất từ khi Diễn đàn thành lập. Tuy nhiên, Diễn đàn lần này cũng như APEC đã đạt được trong năm 2021 hết sức tích cực.

Qua những kết quả đạt được trong năm 2021, APEC ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác đa phương, duy trì động lực phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu. Những tầm nhìn APEC đưa ra cho đến năm 2040 vẫn còn nguyên giá trị, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Các thành viên APEC cũng quyết tâm triển khai hiệu quả tầm nhìn này.

qt.jpg -0
Các nhà lãnh đạo Hội đồng kinh doanh APEC (ABAC).

Trong tuyên bố chung được thông qua tại hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ kinh tế vĩ mô hiện có để giải quyết các hậu quả bất lợi của đại dịch COVID-19, duy trì sự phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn. Các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy sản xuất và cung cấp vaccine phòng COVID-19 thông qua chuyển giao công nghệ và xóa bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với hàng hóa y tế.

Các nhà lãnh đạo thỏa thuận các quốc gia sẽ tăng cường hợp tác trong việc xét nghiệm COVID-19 và hộ chiếu vaccine khi mở cửa trở lại biên giới quốc gia và việc đi lại của người dân giữa các nước tăng lên.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, tuyên bố cho biết các nhà lãnh đạo đều thấy rõ sự cần thiết của hành động khẩn cấp và cụ thể để chuyển đổi sang một nền kinh tế toàn cầu trong tương lai có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đánh giá cao các cam kết không phát thải ròng. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ ngừng tăng trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ sở cho việc thảo luận về biến đổi khí hậu trong các cuộc họp APEC trong tương lai.

Có thể thấy, Tuyên bố chung của hội nghị đã thể hiện ý chí của các nhà lãnh đạo APEC đưa khu vực phục hồi một cách bền vững và chắc chắn, mà trước hết là cùng phối hợp để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Hướng tiếp cận của APEC trong việc phục hồi kinh tế một cách bền vững, bao trùm và sáng tạo, gắn kết phục hồi kinh tế với tăng trưởng xanh cũng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của APEC dẫn dắt và định hình nền kinh tế thế giới sau đại dịch. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cũng đã thông qua Kế hoạch hành động để triển khai tầm nhìn APEC cho đến năm 2040. New Zealand bàn giao vai trò Chủ tịch năm APEC 2022 cho Thái Lan.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Việt Nam là thành viên hết sức tích cực trong quá trình thảo luận nhằm đưa ra các sáng kiến, biện pháp hợp tác cho APEC trong năm 2021. Thông điệp xuyên suốt của Việt Nam lần này là khẳng định APEC tiếp tục là Diễn đàn khu vực có tiếng nói, có vai trò thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy hợp tác đa phương để vượt qua dịch COVID-19 và phục hồi nhanh chóng, phát triển bền vững nền kinh tế, tiếp tục là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Các thông điệp Việt Nam đưa ra rất phù hợp với ý kiến của các Nhà lãnh đạo, đó là, để phục hồi và vượt qua đại dịch thì việc đầu tiên là chia sẻ vaccine, tiếp cận công bằng vaccine, vật tư y tế và nguồn lực; đề ra các biện pháp tăng cường hơn nữa phòng chống dịch bệnh.

Về phát triển, chúng ta cũng đưa ra những biện pháp rất mới, đề nghị APEC có tầm nhìn, cách tiếp cận mới trong việc phục hồi kinh tế như thúc đẩy nền kinh tế số, thúc đẩy thương mại điện tử, thúc đẩy tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản thương mại để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tránh bị đứt gãy các chuỗi sản xuất.

Trong quá trình đó, Việt Nam cũng đề nghị các thành viên hỗ trợ, quan tâm các đối tượng yếu thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp theo đó, trong bối cảnh châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu gánh chịu những hệ quả, thách thức về biến đổi khí hậu, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tăng trưởng xanh.

Do đó những biện pháp, đề xuất của Việt Nam, cũng như triển khai những cam kết của Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu cũng đóng góp vào tăng cường hợp tác trong APEC để thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất chính là việc triển khai hiệu quả tầm nhìn APEC đến năm 2040. Việt Nam là một trong những thành viên chủ chốt xây dựng tầm nhìn này. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy việc triển khai tầm nhìn thông qua xây dựng kế hoạch hành động để triển khai tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Những cam kết của Việt Nam và của APEC để triển khai những hành động, tầm nhìn này sẽ góp phần xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tất cả các sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được phản ánh trong các văn kiện của APEC, trong đó có Tuyên bố cấp cao APEC, Tuyên bố cấp Bộ trưởng APEC cũng như Kế hoạch hành động triển khai Tầm nhìn APEC 2040.

Điều này thể hiện sự đóng góp hết sức trách nhiệm, tích cực, chủ động của Việt Nam - thành viên chủ động, đi đầu trong APEC đối với việc xây dựng, củng cố đoàn kết trong APEC để tiếp tục tăng cường hợp tác vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình và ổn định.

Đánh giá về vai trò và sự tham gia của Việt Nam trong APEC, chuyên gia Gregory Earl, Viện Lowy (Autralia) nêu rõ Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu về một nền kinh tế mới nổi luôn sẵn sàng tham gia thúc đẩy thương mại tự do. Theo chuyên gia Gregory Earl, cho đến nay Việt Nam đã tận dụng tốt được cơ hội tham gia APEC để năng cao năng lực xây dựng nền kinh tế thị trường và thử nghiệm các chính sách kinh tế của mình.

Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tiến trình hợp tác APEC vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với chủ nhà New Zealand và các thành viên APEC, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cũng như đóng góp cho các chương trình nghị sự của APEC trong năm 2021.

Việt Nam là nước chủ chốt xây dựng Tầm nhìn APEC 2040 và đang tích cực tham gia xây dựng Kế hoạch triển khai hiệu quả tầm nhìn này. Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đi đầu kêu gọi tiếp cận công bằng vaccine. Đặc biệt, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể trong hợp tác APEC ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam đã chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”. Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC cũng ngày càng được đề cao.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.