Quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ ra sao sau ngày 5/11?

Chủ Nhật, 01/09/2024, 07:40

Cuộc đua “song mã” vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút và tân chủ nhân của tòa bạch ốc sẽ xuất hiện trong 2 tháng nữa. Tầm nhìn trái ngược của hai ứng cử viên hàng đầu cho thấy con đường phía trước sẽ có phần khác biệt. Mỗi con đường không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với lợi ích của hai quốc gia Mỹ - Trung Quốc mà còn được cho là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ trật tự toàn cầu.

Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ được kỳ vọng sẽ mang đến khả năng tiếp cận tinh tế hơn cho mối quan hệ song phương. Trong khi bà Kamala Harris có thể sẽ tiếp tục nhiều khía cạnh trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden thì việc bà chọn Thống đốc bang Minnesota Tim Walz làm người đồng hành tranh cử được nhận định sẽ tạo ra một biến số thú vị.

31_8_2024_quocte_quanhemytrung.jpg -0
Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được dự báo sẽ góp phần định hình mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Từng dạy học ở Trung Quốc hơn 30 năm trước đây, với những kinh nghiệm của mình cùng sự quan tâm đến quốc gia Đông Bắc Á trong thời gian ở Quốc hội, ông Tim Walz được cho là có khả năng ủng hộ cách tiếp cận thực tế và tích cực hơn. Điều này không có nghĩa là hai bên có thể quay trở lại thời kỳ tương tác trước đây, mà cần có sự thừa nhận rằng đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm là điều cần thiết, ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược. Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ và là ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump đã ra tín hiệu về thái độ cứng rắn gấp đôi với Trung Quốc nếu quay trở lại nắm quyền. Theo đó, các chính sách được cựu Tổng thống Mỹ đề xuất bao gồm áp dụng mức thuế quan toàn diện lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc - một động thái mà các chuyên gia kinh tế cảnh báo có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả người tiêu dùng Mỹ và nền kinh tế toàn cầu. Về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), ông cũng nêu quan điểm vùng lãnh thổ này cần trả tiền cho Washington trong vấn đề phòng vệ. Cách tiếp cận này có nguy cơ làm mất ổn định hơn nữa mối quan hệ vốn đã bấp bênh và có thể dẫn đến những leo thang giữa hai bên.

Hàm ý của những cách tiếp cận có phần khác biệt này có ảnh hưởng không chỉ đối với hai quốc gia khi cặp quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã trở thành trục chính chi phối hoạt động chính trị và kinh tế toàn cầu. Sự xấu đi hơn nữa trong mối quan hệ song phương có thể đẩy nhanh xu hướng phi toàn cầu hóa, phân mảnh nền kinh tế thế giới thành các khối cạnh tranh và làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự. Hơn nữa, sự đối đầu giữa hai bên có thể làm phức tạp các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, đại dịch và phổ biến vũ khí hạt nhân. Tất cả những điều này đều đòi hỏi một mức độ hợp tác nhất định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngược lại, một cách tiếp cận cân bằng hơn có thể tạo ra không gian cho sự hợp tác có chọn lọc. Đổi lại, điều này có thể dẫn đến một môi trường quốc tế ổn định hơn, cho phép tiến triển trong các thách thức chung mà không bỏ qua những khác biệt cơ bản. Nhìn về phía trước, bất kể kết quả bầu cử ra sao, một số xu hướng nhất định trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp diễn. Sự thay đổi cơ bản từ tương tác sang kiềm chế khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn. Công nghệ sẽ vẫn là chiến trường chính, với sự thống trị trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và chất bán dẫn tiên tiến được coi là rất quan trọng để đạt được ưu thế. Cường độ và bản chất của mối quan hệ song phương này, cũng như tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lựa chọn chính sách mà chính quyền chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng đưa ra.

Bên cạnh Trung Quốc, hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay còn thể hiện sự khác biệt quan điểm trong một loạt các vấn đề khác, đặc biệt là các vấn đề “nóng”. Liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, bà Kamala Harris cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ của Kiev chống lại Moscow “cho đến khi nào đạt được mục tiêu” để đối phó với mối đe doạ có thể gây ra cho phần còn lại của châu Âu nếu để Nga chiến thắng. Bà đã đại diện cho Mỹ trong các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine và khuyến khích Quốc hội Mỹ cung cấp hàng chục tỷ USD hỗ trợ tài chính cho Kiev. Trong khi đó, ông Donald Trump cho rằng, ông sẽ không cam kết phê duyệt thêm viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu tái đắc cử. Khi còn là tổng thống, ông đã xây dựng mối quan hệ ấm áp hơn với Nga, mặc dù ông cũng đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Moscow vì việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào năm 2014 và rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng với Nga. Về Trung Đông, bà Kamala Harris ủng hộ ngừng bắn và thỏa thuận giải cứu con tin trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Bà cũng kêu gọi giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel - Palestine. Khi còn là thượng nghị sĩ, bà đã ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran và bỏ phiếu ủng hộ các hạn chế đối với việc bán vũ khí cho Saudi Arabia. Còn cách tiếp cận của ông Donald Trump đối với Trung Đông đã được xác định bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và Saudi Arabia, cùng với lập trường đối đầu với Iran. Ông đã từ bỏ sự đồng thuận lưỡng đảng lâu nay bằng cách tuyên bố rằng mình không quan tâm đến việc một nhà nước Palestine riêng biệt được thành lập. Về biến đối khí hậu, bà Kamala Harris cho rằng, khủng hoảng khí hậu là một “mối đe dọa sống còn” đối với nhân loại. Bà đã ủng hộ nhiều chính sách khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, bao gồm quyết định tái gia nhập Hiệp định Paris, và đã bỏ phiếu quyết định để thông qua dự luật đầu tư vào năng lượng sạch và khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Trong khi đó, ông Donald Trump nhiều lần đặt nghi vấn về cơ sở khoa học của biến đổi khí hậu và bày tỏ sự nghi ngờ về việc liệu hoạt động của con người có phải chịu trách nhiệm cho sự biến đổi này hay không. Ông cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, xem xét lại các sáng kiến năng lượng sạch của ông Joe Biden và rút Mỹ khỏi các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu quan trọng.

Sự bất đồng quan điểm giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác như AI và công nghệ; quốc phòng và NATO; chính sách tài khóa và nợ quốc gia; sức khỏe toàn cầu và phòng ngừa đại dịch; nhập cư, thương mại…

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.