Ông Donald Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ của các cử tri

Thứ Tư, 17/01/2024, 06:35

Điều này được thể hiện qua việc vị cựu Tổng thống xứ cờ hoa giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào tối 15/1 (giờ địa phương) tại bang Iowa. Như vậy, bất chấp những rắc rối pháp lý, ông Donald Trump vẫn vượt qua hai đối thủ gần nhất của mình để trở thành ứng cử viên duy nhất của đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Niềm tin được thể hiện qua các lá phiếu

Đứng trên sân khấu bên cạnh người thân, các nhân viên trong chiến dịch tranh cử, các nghị sĩ Quốc hội và người ủng hộ, ông Donald Trump đã chúc mừng hai đối thủ là bà Nikki Haley, cựu thống đốc bang Nam Carolina và ông Ron DeSantis, Thống đốc bang Florida; đồng thời, gửi lời cảm ơn tới những người đã đồng hành cùng ông trong chiến dịch tranh cử ở Iowa.

donaldtrump.jpg -0
Cựu Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì được sự ủng hộ của các cử tri trung thành. Ảnh: Reuters

Nhắc tới hai cuộc chiến đang diễn ra mà nước Mỹ có liên quan, ông nói: "Chúng ta sẽ giải quyết tình hình ở Ukraine, chúng ta sẽ giải quyết tình hình ở Israel". Ông cũng đề cập tới vấn đề Iran và Trung Quốc trong bài phát biểu. Về nước Mỹ, vị cựu Tổng thống cho biết: "Chúng ta muốn có một quốc gia có luật lệ và trật tự, sẽ xây dựng lại Thủ đô Washington, D.C., của chúng ta". Ông khẳng định thế giới cũng muốn nước Mỹ quay trở lại: "Họ chỉ muốn thấy một điều. Họ muốn đất nước của chúng ta quay trở lại. Họ xấu hổ vì những gì đang diễn ra. Đất nước của chúng ta bị cả thế giới cười nhạo, và họ muốn đất nước chúng ta quay trở lại. Các bạn biết đấy, họ muốn nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trong khi đó, thông qua mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden viết: "Dường như ông Donald Trump đã chiến thắng tại bang Iowa. Tại thời điểm này, ông ấy là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa". Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng đã chúc mừng chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump tại Iowa. Về phần mình, Giáo sư Julian E. Zelizer chuyên nghiên cứu về quan hệ công chúng tại Đại học Princeton (Mỹ) nói: "Ông Donald Trump là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa và cuộc bỏ phiếu đầu tiên ở Iowa đã xác nhận điều này". Trước đó, vị cựu Tổng thống 77 tuổi đã đánh bại các đối thủ để giành được đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa vào tối 15/1 (theo giờ Mỹ). Các hãng truyền thông lớn của Mỹ dẫn kết quả kiểm khoảng 99% số phiếu cho thấy ông Donald Trump đang dẫn đầu với khoảng 51% số phiếu bầu. Việc chiếm vị trí thứ hai của ông Ron DeSantis cũng khá bất ngờ khi trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó, ông này thua cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tới 4% số phiếu ủng hộ. Bà Nikki Haley cán đích ở vị trí thứ ba với khoảng 19% số phiếu ủng hộ trong khi ứng cử viên thứ tư tại bang Iowa là tỉ phú Vivek Ramaswamy, 38 tuổi, ở vị trí thứ 4 với khoảng 8%. Ngay sau khi có kết quả, vị tỉ phú này đã tuyên bố rời khỏi cuộc đua giành lá phiếu đề cử ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và cho biết sẽ ủng hộ ông Donald Trump.

Chiến thắng của ông Donald Trump tại bầu cử sơ bộ bất chấp các cáo buộc hình sự liên quan đến vụ tấn công tòa nhà quốc hội năm 2021 và nỗ lực lật ngược bầu cử năm 2020 cho thấy ông vẫn duy trì được sự ủng hộ của các cử tri trung thành. Ngoài ra, ông cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các lãnh đạo đảng Cộng hòa. Với dự báo tiếp tục giành chiến thắng tại bang bầu cử sơ bộ tiếp theo, ông tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua trở thành gương mặt đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống năm nay.

Sự quan trọng của "phát súng lệnh" tại Iowa

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 bắt đầu bằng các cuộc bầu cử sơ bộ (primaries) và họp kín (caucus) - hai cách mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bắt đầu quá trình đề cử một ứng cử viên tổng thống của đảng. Đại đa số các bang tổ chức bầu cử sơ bộ, nhưng Iowa và một số bang khác theo truyền thống của đảng Cộng hòa lại chọn tổ chức các cuộc họp kín. Trong khi các cuộc bầu cử sơ bộ cũng giống như các cuộc bầu cử nhỏ, theo đó các đảng viên có thể bỏ phiếu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày hoặc đôi khi qua đường bưu điện, thì các cuộc họp kín phải có sự tham dự trực tiếp. Các cuộc bầu cử sơ bộ và họp kín có thể tổ chức mở hoặc kín, nhưng trong đó bầu cử sơ bộ cho phép bất kỳ ai tham gia, còn họp kín chỉ giới hạn đối với các cử tri đã đăng ký theo đảng. Kết quả của cuộc họp kín hoặc bầu cử sơ bộ sẽ quyết định số lượng đại biểu mà mỗi ứng cử viên sẽ đại diện cho họ tại đại hội toàn quốc của đảng vào mùa hè. Tại đại hội này, ứng cử viên có nhiều đại biểu nhất sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng, nhưng nếu không có người chiến thắng rõ ràng ở cấp sơ bộ hoặc họp kín thì các đại biểu sẽ bỏ phiếu lại.

Iowa từ lâu đã là một bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa, với thống đốc hiện tại, các đại diện Hạ viện và thượng nghị sĩ đều thuộc đảng Cộng hòa. Trong lịch sử, các ứng cử viên thường trông đợi vào kết quả cuộc họp kín bầu cử sơ bộ ở bang này để có thể giúp họ trở thành đại diện cho đảng tranh cử tổng thống. Tuy nhiên, cuộc họp kín ở bang Iowa không phải lúc nào cũng là yếu tố dự đoán ai sẽ trở thành ứng cử viên của đảng, thậm chí điều này còn không quyết định ứng cử viên có đắc cử tổng thống hay không. Những người từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa như cựu thống đốc bang Arkansas Mike Huckabee vào năm 2008, cựu thượng nghị sĩ bang Pennsylvania, Rick Santorum năm 2012 và thượng nghị sĩ Ted Cruz vào năm 2016, đều không trở thành ứng cử viên của đảng ra tranh cử tổng thống. Trong khi đó, một số ứng cử viên từng thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa nhưng lại trở thành gương mặt đại diện cho đảng là cựu Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1980, cựu Tổng thống George H.W. Bush vào năm 1988 và cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2016.

Kể từ năm 1972, Iowa trở thành bang tổ chức họp kín đầu tiên trên toàn quốc. Trạng thái "đầu tiên trên toàn quốc" của Iowa có nghĩa là nó thường đóng vai trò như một chỉ số hiệu suất ban đầu cho các ứng cử viên được đề cử. Ông Jim McCormick, giáo sư danh dự về chính trị Mỹ và chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trường Đại học bang Iowa, cho biết: "Kết quả ở Iowa gửi tín hiệu đến phần còn lại của đất nước vị thế của từng ứng cử viên và liệu họ có thực sự có cơ hội tiếp tục hay không". Trong khi đó, Giáo sư McCormick lập luận: "Các nhà quan sát quốc tế có xu hướng nhìn vào New York, Washington, D.C., và Los Angeles để xem nước Mỹ thực sự là gì. Nhưng Iowa thực chất phản ánh nhiều hơn các giá trị của vùng Trung Mỹ. Vì vậy, ngay cả với nhân khẩu học và các nhóm dân tộc thiểu số tương đối nhỏ, thông điệp đưa ra từ Iowa vẫn mang tính hệ quả". Để đạt được hiệu quả đó, cuộc họp kín ở Iowa đã liên tục thành công trong việc loại những ứng cử viên yếu khỏi cuộc đua chung.

Từ năm 1972, chỉ có ba ứng cử viên chiến thắng trong các cuộc họp kín ở Iowa đã trở thành Tổng thống Mỹ, đó là cựu Tổng thống Jimmy Carter của đảng Dân chủ vào năm 1976, cựu Tổng thống Barack Obama của đảng Dân chủ năm 2008, và cựu Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng hòa vào năm 2000. Mặc dù vậy, kết quả của cuộc họp kín thường mang lại lợi thế vượt trội cho ứng viên chiến thắng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.